10 số liệu toàn cảnh phát triển của Trung Quốc 5 năm (2002-2007)
Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến ngày 03-03 và 05-03, Hội nghị Chính hiệp (Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc) và Hội nghị Nhân đại (Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc), hay còn gọi là “Lưỡng hội” cho ý kiến đánh giá, đóng góp vào Báo cáo của Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong năm vừa qua và nhiệm vụ năm tới. Vì thế, từ vài tháng nay, các cơ quan thông tin Trung Quốc đã công bố nhiều đánh giá, bình luận cơ bản nhất của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về những vấn đề lớn của đất nước cần được thảo luận, đánh giá, đóng góp tại “Lưỡng hội”.
Phác hoạ bức tranh toàn cảnh về những đổi thay nhanh chóng của Trung Quốc trong 5 năm qua (2002 – 2007), phóng viên Tân Hoa xã đã đưa ra 10 số liệu cụ thể, mang tính điển hình tạo nên gam màu đặc trưng của bức tranh.
1- Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,6% năm. Trong 5 năm (2002 – 2007), GDP từ hơn 12.000 tỉ nhân dân tệ năm 2002, tăng lên hơn 24.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2007. Từ năm 2005, kinh tế Trung Quốc đã đứng hàng thứ 4 thế giới.
Tính đến năm 2002, Trung Quốc đã trải qua 25 năm cải cách, mở cửa. Hàng chục năm trước đó, kinh tế Trung Quốc liên tục giữ tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong 5 năm (2002–2007), kinh tế Trung Quốc vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, bình quân 10,6% năm, (năm 2007 là 11,6%). Điều này phản ánh chính sách kinh tế đã tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất xã hội phát triển. Khi tổng thu nhập quốc dân ngày càng lớn, giá trị tuyệt đối nền kinh tế ngày càng cao, chỉ số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định liên tục ở mức cao nhất thế giới thể hiện chính sách kinh tế nhà nước ngày càng phù hợp và ổn định. GDP năm 2007 đạt 24.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương hơn 3.300 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ đạt 1.530 tỉ, tăng 43% so với năm 2006 đã khẳng định thực lực và đà phát triển kinh tế Trung Quốc trong những năm tới. Chặng đường 5 năm vừa qua là thời kỳ kinh tế Trung Quốc phát triển vừa nhanh vừa ổn định, với một chiến lược phát triển có kế hoạch: Phát huy cao nhất nội lực, tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, đi vào chiều sâu phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng, cao, khá bền vững của kinh tế Trung Quốc trong những năm qua chính là dựa trên cơ sở này.
2- Thu nhập tài chính trong 5 năm (2002 – 2007) tăng trưởng 1,5 lần. Năm 2002, thu nhập tài chính của Trung Quốc chưa đầy 2.000 tỉ nhân dân tệ, đến năm 2007 đã tăng lên 5.100 tỉ nhân dân tệ. Bình quân tăng 600 tỉ năm. Từ 2002 đến 2007, vốn tài chính Trung ương chi cho “tam nông” tăng từ 190,5 tỉ lên 431,8 tỉ nhân dân tệ, chi cho giáo dục, văn hoá, y tế tăng từ 514,3 tỉ vào năm 2004 lên 742,6 tỉ nhân dân tệ vào năm 2006.
Mức tăng mạnh thu nhập tài chính của Trung Quốc trong vòng 5 năm qua là kết quả thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu để kích thích sản xuất nội địa, nâng cao chất lượng phát triển trong nước để mở rộng và tăng cường xuất khẩu. Thắng lợi này cho phép Trung Quốc tập trung vào phát triển “tam nông” với tư cách là chiến lược thực tế nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế một cách toàn diện, nâng cao hơn nữa tổng thu nhập quốc dân, hài hoà giữa các ngành, trong đó có nông nghiệp, tạo thế phát triển nhanh và bền vững. Phát triển “tam nông” sẽ góp phần làm giảm khoảng cách phát triển và thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giữa công nghiệp và nông nghiệp. Đây vấn đề nảy sinh gay gắt trong suốt quá trình cải cách, mở cửa ở Trung Quốc. Không phát triển “tam nông” lúc này là không tăng cường được nguồn lực tổng hợp của xã hội để đẩy nhanh công cuộc cải cách, mở cửa mau tới thắng lợi; không giải quyết được những mâu thuẫn bức xúc đang đặt ra trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời không giải quyết căn bản vấn đề dân sinh, phản ánh bản chất chế độ ưu việt do Đảng Cộng sản lãnh đạo đối với một nước đang phát triển. Bởi lẽ, cho đến nay hơn 700 triệu dân Trung Quốc vẫn là nông dân.
3- Thu nhập bình quân năm của cư dân thành thị tăng 9,2%, của cư dân nông thôn tăng 6,2%, trong thời gian từ năm 2002 đến 2006.
Đây là mức tăng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cả nước. Tỷ lệ tăng thu nhập bình quân gấp 1,5 lần giữa cư dân thành thị với cư dân nông thôn Trung Quốc trong 5 năm vừa qua ở mức hợp lý. Thực tế này thể hiện ý thức sớm của Đảng và Nhà nước Trung Quốc về mặt trái tất yếu của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông nghiệp, nông thôn và cũng là ý thức về sự phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, nông nghiệp với các ngành khác. Chính sách “tam nông” không chỉ nhằm giải quyết vấn đề to lớn, hệ trọng là nông dân, nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc nâng cao hơn nữa thu nhập ở khu vực nông thôn mà chính là chiến lược phát triển toàn diện của cải cách, mở cửa ở Trung Quốc.
4- Trong 5 năm qua, lương thực liên tục được mùa 4 năm liền. Chỉ tính riêng năm 2007, tổng sản lượng lương thực đạt 500 triệu tấn.
Từ năm 2004 đến 2008, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành liền 5 văn kiện số 01 đều là những chính sách về phát triển nông nghiệp (vào đầu tháng 1 hàng năm, Đảng và Chính phủ Trung Quốc bao giờ cũng công bố văn kiện thể hiện chính sách quan trọng ưu tiên triển khai ngay trong năm đó). Ngày 14-3-2004, Chính phủ công bố lộ trình trong 5 năm (2004–2009) xoá bỏ hoàn toàn thuế nông nghiệp đối với nông dân. Tiếp đó, hàng loạt chính sách ưu đãi cho “tam nông”, không ngừng nâng cao sức sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực đối với một quốc gia hơn 1,3 tỉ dân.
An ninh lương thực đối với một quốc gia đông dân nhất thế giới luôn luôn được Đảng và Nhà nước Trung quốc quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển. 5 năm liền “văn kiện số 01” hàng năm đều tập trung cho chính sách nông nghiệp, đó chính là nguyên nhân dẫn tới thắng lợi lớn về sản lượng lương thực. Kèm theo đó, chính sách phát triển nông nghiệp đã góp phần trực tiếp tháo gỡ những vướng mắc ở nông thôn, trong nông dân và những vấn đề đặt ra từ nông nghiệp trong quá trình cải cách, mở cửa. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể Trung Quốc vẫn phải đối mặt với tình trạng “sản bất túc nhu” và vấn đề an ninh lương thực. Chính sách “tam nông” được Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu ra chính là bước tiếp theo trong công cuộc cải cách để phát triển toàn diện của đất nước này.
5- Xuất nhập khẩu đứng thứ 3 thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 900 tỉ USD năm 2003 lên 2.170 tỉ USD năm 2007, tăng hơn 20% so với năm 2006, trong đó xuất khẩu 1.212 tỉ USD, nhập khẩu 950 tỉ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân năm tăng 28,5%.
Giá trị tuyệt đối kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và tăng nhanh hàng năm thể hiện quy mô và tốc độ hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới. Trong chiến lược đẩy mạnh xuất nhập khẩu phục vụ phát triển kinh tế, Trung Quốc phấn đấu xuất siêu (năm 2007 xuất siêu 262 tỉ USD) để bảo đảm sự tăng trưởng nhanh, nhất là trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng chỉ đạo này được triển khai khá thành công trong những năm vừa qua. Nhờ đẩy mạnh xuất khẩu đã kích thích sản xuất trong nước, tạo cơ sở cho nền kinh tế phát triển ổn định.
6- Thị trường cổ phiếu năm 2007 tăng mạnh, đứng thứ 4 thế giới với 30.000 tỉ nhân dân tệ.
Chính sách phát triển của Trung Quốc là nhất quán, tôn trọng quy luật khách quan của kinh tế thị trường, tăng cường đẩy mạnh các nguồn lực có thể huy động, tận dụng yếu tố cạnh tranh của thị trường chứng khoán để có nguồn vốn lớn cho đầu tư, phát triển. Tăng cường và tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển, phản ánh mức độ và tốc độ hoàn thiện các loại hình doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện để nó có thể cạnh tranh lành mạnh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thị trường cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh là bước phát triển của thị trường tài chính, góp phần tích cực huy động các nguồn lực, đồng thời rèn luyện bản lĩnh, nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.
7- Cư dân mạng tăng từ khoảng 60 triệu vào năm 2002 lên khoảng 200 triệu vào năm 2007, đứng thứ 2 thế giới.
Tốc độ tăng trưởng cư dân mạng cực nhanh ở Trung Quốc trong những năm vừa qua chứng tỏ sự quan tâm đầu tư trong thực tế của chính phủ Trung Quốc đối với công nghệ thông tin. Đây là chính sách khôn ngoan về đầu tư để nguồn lực thời đại trở thành nguồn nội lực của Trung Quốc, tạo phương tiện hiệu quả cho sức sản xuất trong nước phát triển nhanh, nhạy, vươn lên đủ sức cạnh tranh quốc tế. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng này cũng phản ánh nhận thức, nhu cầu chung của các tầng lớp nhân dân Trung Quốc về công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay. Nếu nhà nước tổ chức, hướng dẫn, xây dựng cấu hạ tầng tốt thì vấn đề xã hội hoá công nghệ thông tin càng sớm hoàn thành trên đất nước rộng lớn và đông dân này.
8- Hơn 700 triệu nông dân Trung Quốc đã được bảo trợ, người dân nghèo đã không phải lo cái ăn cái mặc.
Nhà nước Trung Quốc đã trực tiếp bảo trợ bằng hành lang pháp lý, các nguồn hỗ trợ, chính sách miễn trừ…đối với 700 triệu nông dân. Vai trò quan trọng của Đảng và Nhà nước chính là ở chỗ điều tiết để tăng thêm cơ hội, nguồn lực cho những đối tượng chưa được bình đẳng trong quá trình phát triển hiện nay. Những chính sách và các nguồn hỗ trợ, miễn giảm này đã tạo điều kiện giúp nông dân, chủ động thoát, giảm đói nghèo. Chính vì vậy, qua nhiều cuộc thăm dò ý kiến, nhân dân tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và hài lòng về kết quả của cải cách, mở cửa trong những năm vừa qua.
9- Giá cả về tổng thể vẫn ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,1%/năm trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2006.
Lý do cơ bản dẫn đến chỉ số CPI tăng thấp là do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nguồn thu của Nhà nước đảm bảo, tăng trưởng và giá trị tuyệt đối về thu nhập của người lao động ở các khu vực khác nhau trong những điều kiện cụ thể có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nhất định của họ. Lý do thứ nữa là chính sách điều tiết của nhà nước không chỉ tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển chung ở tất cả các ngành mà còn giữ vai trò bà đỡ hỗ trợ cho những nơi khó khăn, thu nhập thấp, mới khởi nghiệp…Tuy nhiên, từ tháng 8-2007 đến nay, CPI liên tục cao hơn 6%, bình quân cả năm 2007 tăng 4,8%. Đây là vấn đề nổi cộm và là con số mà Chính phủ Trung Quốc đang đặc biệt quan tâm giải quyết.
10- Từ năm 2003 đến năm 2007, Trung Quốc đã giải quyết việc làm mới cho hơn 50 triệu người, bình quân mỗi năm hơn 10 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp theo đăng ký liên tục được khống chế trong khoảng 4,3%.
Nhu cầu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp được đặt ra ở hầu hết các nước, nhất là đối với những quốc gia kém và đang phát triển. Trong chiến lược phát triển của mình, Trung Quốc vừa coi trọng chất lượng phát triển, tập trung cho các ngành dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cả về số lượng và chất lượng, vừa mở rộng đa dạng hoá ngành nghề của nền kinh tế quốc dân để tận dụng tiềm năng và nguồn nhân lực đông của mình. Do vậy, những năm qua đã giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao, giảm bớt những vấn đề xã hội bức xúc. Đây là một trong những thành công lớn của 5 năm tiếp tục đẩy mạnh cải cách, mở cửa ở Trung Quốc.
Những chuyển biến tích cực trong công tác lịch sử Đảng  (02/03/2008)
Công tác tuyên giáo cần chủ động, tích cực, thiết thực, bài bản và hiệu quả hơn nữa  (02/03/2008)
Nga trước cuộc bầu cử Tổng thống  (01/03/2008)
Phó Thủ tướng hội đàm với Phó Thủ tướng Đức  (01/03/2008)
Phó Thủ tướng hội đàm với Phó Thủ tướng Đức  (01/03/2008)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Phó Thủ tướng Đức  (01/03/2008)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên