Chuyến thăm đầu tiên của tân Tổng thống Pháp

Thái Hà tổng hợp
08:09, ngày 17-05-2012
TCCSĐT - Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gặp và hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tối 15-5-2012 tại Berlin. Khẳng định tiếp tục hợp tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu Âu, sẵn sàng xem xét các biện pháp giúp thúc đẩy tăng trưởng của Hy Lạp, muốn nước này tiếp tục là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là những nội dung cơ bản đã đạt được trong cuộc hội đàm nói trên.
Tại cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Chính phủ Đức, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi thúc đẩy quan hệ cân bằng và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước, coi đó là yếu tố quan trọng đặc biệt khi hai nước đang giữ vai trò đầu tầu cho các dự án phát triển của Eurozone. Nhà lãnh đạo mới của Pháp cũng cam kết sẽ đàm phán về tất cả các vấn đề nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Eurozone.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Angela Merkel sau hội đàm, Tổng thống Francois Hollande cam kết đưa châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng và tái xem xét Hiệp ước ngân sách châu Âu, một hiệp ước tài chính khắc nghiệt mới mà bà A.Merkel và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua hồi đầu năm nay. Ông F.Hollande ủng hộ việc giữ kỷ luật ngân sách, song cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, bởi theo ông, nếu không có tăng trưởng, châu Âu sẽ không thể đạt các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách như đã đề ra. Nhưng ông cũng cho rằng, châu Âu nên cân nhắc mọi giải pháp tiềm tàng có thể kích thích hoạt động kinh tế và tăng trưởng. Hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định mong muốn duy trì Eurozone và muốn Hy Lạp tiếp tục là thành viên của Eurozone.

Liên quan đến vấn đề tăng trưởng, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh, mọi hành động được đưa ra phải xác thực và phương pháp tốt nhất là tất cả cùng "chơi bài ngửa" về mọi vấn đề từ đầu tư cho tương lai, trái phiếu châu Âu, sức cạnh tranh... Vượt qua những khác biệt, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande mong muốn mang lại một hình ảnh tin cậy, gắn kết trong mối quan hệ Pháp - Đức, vì hai nước và vì toàn thể châu Âu.

Trên thực tế, tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tồn tại những khác biệt. Ông F.Hollande theo đường lối xã hội còn bà A.Merkel theo khuynh hướng dân chủ thiên chúa giáo. Một người mới được bầu lên nắm quyền, người kia đã là nhà lãnh đạo từng trải. Một người ở thế có một lực lượng chính trị hậu thuẫn song đang gặp khó khăn về kinh tế ở trong nước, còn người kia vừa thất bại bầu cử ở bang Bắc Rhine-Westphalia (bang đông dân nhất nước Đức).

Hơn thế nữa, trong thời gian tới, hai nước Đức và Pháp sẽ phải cùng xác định chính sách vừa bảo đảm kỷ luật ngân sách song cũng phải thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện tại, hai nước không có cùng biện pháp xử lý. Thủ tướng Đức Angela Merkel bảo vệ chính sách hướng mạnh xuất khẩu. Trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ đề xuất ủng hộ có chừng mực kích cầu tiêu dùng nhằm tiếp sức cho tăng trưởng trong ngắn hạn. Về dài hạn, ông F.Hollande đề nghị thúc đẩy tăng trưởng thông qua các hình thức đầu tư, ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thêm vào đó, những bất đồng giữa lãnh đạo hai nước liên quan đến nội dung của Hiệp ước về ổn định ngân sách cũng là sự khác biệt cần kể đến. Trong khi ông F.Hollande đề nghị thêm phần quy định về tăng trưởng vào Hiệp ước kỷ luật ngân sách châu Âu thì bà A.Merkel cho rằng Hiệp ước này không thể thương lượng lại.

Cuộc gặp của lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu được dư luận theo dõi sát sao vì trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua, ông F.Hollande từng kịch liệt chỉ trích Thủ tướng Đức về chính sách "thắt lưng buộc bụng" hà khắc tại các nước sử dụng đồng euro đang chìm trong khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, dù có những bất đồng nhưng tình hữu nghị Pháp - Đức chắc chắn phải tiếp tục được gìn giữ, bởi thực tế cả hai nước có một số điểm chung: Dự án tái cấp vốn của Ngân hàng đầu tư châu Âu, cải cách các quỹ cơ cấu châu Âu, thậm chí cả việc tính phát hành trái phiếu cho các dự án, các khoản vay của châu Âu nhằm rót vốn cho các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hay các ngành công nghiệp của tương lai...

Hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nền kinh tế đầu tàu của Eurozone cũng đã thừa nhận những bất đồng về cách thức thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu, song hai bên cam kết hợp tác thực thi một cách tiếp cận chung để đạt được mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của khu vực. Vì thế, tất cả những gì lãnh đạo hai nước phải thực hiện là nhằm tránh xảy ra hiện tượng một khu vực kinh tế rộng lớn ngập chìm trong chính sách "thắt lưng buộc bụng" và vì những điều tốt đẹp đối với châu Âu"./.