“Chúng tôi hoan nghênh các hoạt động của Movitel (thương hiệu của Viettel tại Mozambique) tại Mozambique. Với sự đóng góp của mạng Movitel, Mozambique đã trở thành một trong những quốc gia có hạ tầng viễn thông hiện đại nhất khu vực châu Phi. Tất cả chúng ta có quyền tự hào về điều này”-Tống thống Cộng hòa Mozambique, ngài Armado Emilio Guebuza, đã phát biểu như vậy trong buổi lễ khai trương Movitel tại Thủ đô Maputo của Mozambique, được tổ chức tối 15-5. Đây cũng là lễ công bố Viettel chính thức đi vào kinh doanh tại Mozambique.

Sau hơn 1 năm, Công ty Movitel (thương hiệu của Viettel tại Mozambique) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, có vùng phủ rộng và sâu nhất tại Mozambique với 1.800 trạm phát sóng 2G và 3G, phủ toàn bộ 100% quận huyện và đường quốc lộ, đóng góp hơn 50% hạ tầng di động của toàn Mzambique. Viettel đã dựng nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho quốc gia châu Phi này với 12.600km cáp quang, góp 70% hạ tầng cáp quang của Mozambique.

Bộ trưởng Giao thông - Viễn thông Mozambique, ông Jaquenly Michael cho biết: “Đó là một điều thần kỳ. Movitel đã góp phần đưa Mozambique trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về hạ tầng viễn thông, trở thành một trong ba quốc gia có hạ tầng cáp quang lớn nhất khu vực, sau Nam Phi và Nigeria”.

Bên cạnh việc lập kỷ lục về hạ tầng viễn thông, Movitel cũng xây dựng hệ thống kênh phân phối lớn nhất với 50 cửa hàng và 25.000 điểm bán, đại lý đến từng huyện; trung bình mỗi xã sẽ có 1-2 nhân viên của Movitel phụ trách bán hàng đến tận tay người tiêu dùng.

Mozambique là thị trường nước ngoài thứ năm của Viettel, cũng là thị trường đầu tiên ở châu Phi để tạo đà cho Viettel tiếp tục mở rộng sang các nước khác ở châu lục này. Đây là thị trường hứa hẹn tiềm năng thành công cho Viettel khi mật độ điện thoại cả nước mới chỉ đạt 30,9%, thấp hơn so với mức trung bình trong khu vực, internet (1,52%) và điện thoại cố định (0,52%) gần như chưa phát triển, chất lượng và tốc độ thấp. Tỷ lệ dân số nghèo ở quốc gia châu Phi này rất cao với 55% dân số sống dưới ngưỡng 1,25USD- ngày, trong khi người dân đang phải trả mức cước di động trung bình 10USD-tháng, chiếm khoảng 20%-25% thu nhập người dân. Ở các nước phát triển, con số này là 1%, còn ở Việt Nam là 4%.

Đến thời điểm này, Viettel đã kinh doanh tại 5 nước ở 3 châu lục là châu Á (Việt Nam, Lào, Campuchia), châu Mỹ (Haiti) và châu Phi (Mozambique). Tại các quốc gia mà Viettel đầu tư, chính phủ sở tại đều đánh giá cao nỗ lực tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động là người dân nông thôn nghèo thông qua việc xã hội hóa bán hàng, trực tiếp đóng góp 1%-2% vào tổng GDP và đóng góp 50% đến 80% tổng hạ tầng viễn thông của quốc gia đó; góp phần đưa mật độ hạ tầng tại các quốc ga này tăng gấp 3 đến 3,5 lần so với mức trung bình của thế giới; chi phí sử dụng dịch vụ viễn thông được giảm xuống mức phù hợp với thu nhập người dân (khoảng 4%-5%), đưa viễn thông tới 95% dân số, kể cả ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Doanh thu của Viettel năm 2011 đạt gần 6 tỉ USD. Viettel nằm trong top 15 công ty lớn nhất thế giới về số lượng thuê bao với 60 triệu thuê bao đang hoạt động trên toàn cầu. Các mạng viễn thông mà Viettel đầu tư và kinh doanh chỉ sau 2 năm bắt đầu có lãi, trở thành công ty lớn của nước sở tại. Sau 3 năm kinh doanh, Viettel bắt đầu chuyển lợi nhuận về nước. Năm 2011, Viettel chuyển về nước đạt hơn 40 triệu USD, lớn hơn số tiền Viettel đầu tư vào thị trường Campuchia. Dự kiến năm 2012 này, Viettel chuyển lợi nhuận về nước đạt hơn 60 triệu USD./.