TCCSĐT - Trong chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, thành phố Đà Nẵng, Lào Cai, Bình Dương, Bình Định, Quảng Nam, Đồng Nai đã có những cuộc tiếp xúc cử tri tại các tỉnh để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Quốc hội sắp tới.

* Trong chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ngày 3-5-2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã báo cáo khái quát tình hình quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn thời gian qua. Ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành của Nhà nước, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành 2 Chỉ thị, 5 Nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực quản lý hoạt động khoáng sản, lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đánh giá chung, các văn bản ban hành phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân quản lý, hoạt động; tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính trong ngành tài nguyên và môi trường. Hà Nam có các khoáng sản chủ yếu như đá vôi xi măng, đá vôi xây dựng, sét xi măng, sét gạch ngói, than bùn... tập trung chủ yếu ở hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng. Hiện tỉnh có 208 mỏ, trong đó có 160 mỏ đang hoạt động, số còn lại đang làm thủ tục để cấp phép theo quy mô công nghiệp. Trong quá trình khai thác, sử dụng, vận chuyển khoáng sản đã tác động lớn đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí; ô nhiễm khí thải, độ rung, tiếng ồn, bức xạ trong hoạt động khoáng sản, có nơi nồng độ bụi vượt 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những mặt tích cực, hiệu quả kinh tế mang lại cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các ngành chức năng đã giải đáp một số thắc mắc của Đoàn đại biểu Quốc hội như: thời gian cấp phép khai thác khoáng sản có phù hợp với quy định trong Luật đất đai hay không; việc phục hồi môi trường tiến hành như thế nào; phương án khi xảy ra sự cố về môi trường. Đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phân tích rõ hơn những bất cập trong khai thác khoáng sản, những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề cần quan tâm của tỉnh Hà Nam, còn là vấn đề chung của cả nước khi tình trạng khai thác quá tải, quá mức cần thiết đang diễn ra; trong quá trình vận chuyển ảnh hưởng lớn đến đường xá, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của việc khai thác, chế biến khoáng sản với hiệu quả xã hội, lợi ích xã hội, đảm bảo tính hài hoà giữa các lợi ích. Tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo sát sao, hoàn thiện các văn bản quy định, thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, địa phương không thực hiện đúng quy định.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Văn Tân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đã tổng hợp các ý kiến đánh giá, phân tích của Đoàn đại biểu Quốc hội và các kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam; qua đó nhấn mạnh việc tỉnh Hà Nam đã ban hành các chính sách đúng thẩm quyền, kịp thời, đồng bộ và phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Đối với các ý kiến kiến nghị, đề xuất của địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam sẽ tổng hợp gửi các cấp, ngành có liên quan và trình Quốc hội vào kỳ họp tới

* Trong hai ngày 2 và 3-5-2012, các đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng và các Đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri tại các quận, huyện.

Bên cạnh những ý kiến, kiến nghị về giải quyết đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư cho người dân, ngư dân ở tại các khu dân cư nằm trong diện di dời, giải toả.., nhiều cử tri bày tỏ bức xúc về vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong công tác quản lý tài sản, tài chính tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được báo chí phản ánh. Cử tri nêu những bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng là quy định cán bộ, công chức (theo quy định của luật này) phải kê khai tài sản nhưng lại chưa có quy định công khai cho dân biết. Cử tri đề nghị cần phải sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng ngăn ngừa hiệu quả hơn; minh bạch tài sản của cán bộ, công chức để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát...Một số ý kiến cử tri ủng hộ chủ trương hạn chế đối tượng nhập cư vào khu vực nội thành của Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quản lý, điều hành của chính quyền đô thị, góp phần bảo đảm hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục…Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát việc tăng giá xăng và yêu cầu Chính phủ có biện pháp quản lý chặt chẽ việc tăng giá xăng...

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn và đồng chí Nguyễn Bá Thanh giải đáp một số kiến nghị của cử tri, đồng thời cũng ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri về những chính sách vĩ mô và sẽ nêu ra tại kỳ họp Quốc hội, phản ánh đến các cơ quan chức năng của Trung ương để giải quyết và thông báo kết quả với cử tri trong thời gian sớm nhất.

* Trong các ngày 2 và 3-5, các đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Lào Cai đã tiếp xúc với cử tri các dân tộc của 8 cụm xã các huyện Mường Khương, Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn. Các cử tri đã nêu phản ánh về vấn đề một số xã vùng sâu chưa được đầu tư xây dựng trạm y tế, tuyến Quốc lộ 279, 4D đang xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xã vào mùa mưa giao thông đi lại khó khăn.

Các cử tri cũng cho rằng, công tác quản lý và bảo vệ rừng, xử lý nạn xâm lấn đất rừng, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường của các cụm công nghiệp... mặc dù đã được quan tâm xử lý nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp; sự xuống cấp nhanh của mặt bằng các khu tái định cư dẫn đến khiếu nại kéo dài của dân...Đa số các ý kiến đều phản ánh và kiến nghị với Quốc hội và các cấp có thẩm quyền cần xem xét các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở miền núi, cần có cơ chế đặc thù, không thể đánh đồng với khu vực miền xuôi về suất đầu tư, thời gian hoàn thành...

* Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã tổ chức tiếp xúc cử tri ở các huyện, thị. Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đã báo cáo với cử tri về chương trình, nội dung dự kiến của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 21-5-2012.

Cử tri các nơi đã nêu lên nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhu cầu sinh hoạt đời sống, học tập, công tác. Cử tri các xã An Sơn, Hưng Định và phường An Thạnh (thị xã Thuận An) kiến nghị Nhà nước cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với người chăn nuôi lợn sử dụng chất tạo nạc làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng và ngành chăn nuôi của cả nước. Các Bộ, ngành liên quan cần kịp thời điều chỉnh giá cả thị trường bởi thời gian qua giá cả nhiều mặt hàng trong đó có xăng, dầu, điện tăng nhanh khiến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn; Nhà nước tiếp tục có chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam. Cử tri xã An Sơn kiến nghị Nhà nước cần kịp thời có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay nhằm bảo đảm sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Cử tri thị xã Thủ Dầu Một mong muốn Nhà nước khi thực hiện một chương trình, dự án phải nghiên cứu, lấy ý kiến nhân dân trước để tránh lãng phí, hợp lòng dân và đạt hiệu quả cao... Cử tri xã Khánh Bình và xã Tân Mỹ (huyện Tân Uyên) kiến nghị Nhà nước cần có hình thức xử phạt nặng đối với trường hợp làm hàng gian, hàng giả; tình trạng gây ô nhiễm môi trường do nước thải của nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn gây ra...

Cử tri cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Bình Dương đã nêu lên những ý kiến liên quan đến công tác dạy và học của ngành như chính sách thuế, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, miễn giảm học phí đối với sinh viên vùng biển đảo...Nhà nước cần có chính sách để tạo sự công bằng giữa các trường đào tạo công lập và ngoài công lập, để các trường ngoài công lập có thể thực hiện tốt hơn nữa chức năng đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm yêu cầu xã hội hiện nay...

* Để thu nhận ý kiến của cử tri trước kỳ họp Quốc hội sắp tới, đến nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã tổ chức 26 cuộc tiếp xúc cử tri tại 11 huyện, thành phố Quy Nhơn và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định.

Tại tất cả các cuộc tiếp xúc từ thành thị, đồng bằng, miền núi hay hải đảo đều thu hút đông dảo cử tri tham gia. Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phản ánh những nội dung và kết quả của kỳ họp thứ 2 và kế hoạch nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 3 Quốc hội (khoá 13) sẽ khai mạc từ ngày 21-5 và bế mạc vào ngày 21-6 tới. Hàng trăm ý kiến của cử tri trong tỉnh đã rất phấn khởi trước sự đổi mới không ngừng trong việc tổ chức nội dung và trả lời chất vấn liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia và đặc biệt là an sinh xã hội trong điều kiện giá cả tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đại bộ phận nhân dân trong nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của cử tri nêu ra những vấn đề nảy sinh, bức xúc đối với đời sống xã hội là tình trạng tai nạn giao thông vẫn chưa được kiềm chế; tệ nạn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có nhiều biện pháp tích cực khắc phục tình trạng quá tải tại các các bệnh viện hiện nay; có lộ trình điều chỉnh tăng viện phí và các dịch vụ y tế cho phù hợp với thực trạng đời sống của nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiên cứu xây dựng tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng y tế xã cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là cán bộ y tế phục vụ lâu dài ở vùng sâu, vùng xa. Cần có những biện pháp hữu hiệu trong việc quản lý và kiểm tra xử lý việc nhập khẩu lậu các loại thực phẩm “thịt thối, gạo giả, trứng gà giả và các thực phẩm kém chất lượng khác từ Trung Quốc”.

Đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối tượng vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng để đủ sức răn đe. Điển hình vụ án Lê Văn Luyện ở Bắc Giang chỉ xử phạt 18 năm tù theo khung hình phạt của Bộ luật Hình sự là kẽ hở của pháp luật làm cử tri hết sức bức xúc. Công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua đạt kết quả chưa cao, nhiều vụ tham nhũng lớn vẫn xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội, trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan để xảy ra tham nhũng vẫn chưa được xử lý nghiêm túc...

* Ngày 3-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan của tỉnh.

Tại buổi làm việc, Đại biểu Quốc hội đã gợi ý một số nội dung để các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và đề xuất kiến nghị Quốc hội, đặc biệt là việc tái cơ cấu nền kinh tế. Cùng các giải pháp đầu tư công, sử dụng kết cấu hạ tầng chung, chính sách chi ngân sách, tiền tệ, tài chính, tài khóa, lãi suất ngân hàng, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, bảo vệ khai thác có hiệu quả nguồn lợi khoáng sản cùng những vấn đề trên lĩnh vực xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng pháp luật…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành trung ương liên quan đến chính sách, pháp luật và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng thời, các đại biểu đã quan tâm góp ý vào các dự án luật như: Bộ luật lao động sửa đổi; luật xử lý vi phạm hành chính. C ác ý kiến tại Hội nghị tập trung phản ánh, đề xuất với Quốc hội trong thời gian đến nhà nước cần có giải pháp kết hợp đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đưa đất nước phát triển bền vững. Chính phủ, Nhà nước cần giữ vai trò “chủ công” trong quản lý, điều hành giá điện, xăng, lãi suất ngân hàng, tỷ giá ngoại hối…Tiếp tục quan tâm đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chấn chỉnh hữu hiệu tình trạng khai thác rừng, tài nguyên khoáng sản; kiềm chế tai nạn giao thông Đề nghị với Quốc hội thống nhất chọn Khu Kinh tế mở Chu Lai xây dựng thành một Khu kinh tế trọng điểm quốc gia và Quốc hội có ý kiến với Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế đặc thù về đầu tư hạ tầng cũng như chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô để đủ điều kiện thu hút đầu tư và triển khai dự án thành công.

Một số ý kiến cũng nêu vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, đó là tình trạng thấm nước tại thân đập thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện miền núi Bắc Trà My cần được đối chất công khai trên diễn đàn Quốc hội, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chức năng, liên quan; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cử tri cũng quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông...

* Ngày 3-5, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiếp xúc cử tri tại xã Tam An, huyện Long Thành (Đồng Nai) để nghe tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của cử tri trước kỳ họp Quốc hội sắp tới. Tại buổi tiếp xúc, cử tri xã Tam An đã kiến nghị và phản ánh nhiều vấn đề bức xúc đến đoàn đại biểu Quốc hội như đền bù, giải phóng mặt bằng; Công ty Sonadezi gây ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho người dân; việc thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp nhưng chậm đền bù cho dân; mất an toàn giao thông trên một số tuyến Quốc lộ…

Đối với vụ việc Công ty Sonadezi Long Thành xả thải gây ô nhiễm môi trường tại khu vực rạch Bà Chèo gây thiệt hại cho người dân, cử tri cho rằng, sau khi Cục cảnh sát Môi trường C49 (Bộ Công an) bắt quả tang Sonadezi xả thải từ tháng 8/2011, nhưng đến nay người dân bị thiệt hại vẫn chưa nhận được văn bản nào từ phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp để giải thích và trả lời cho người dân về những sai phạm và hướng giải quyết. Từ sự chậm trễ trên đã tạo sự bức xúc trong dân mà mới đây nhất, ngày 27/4 có hàng chục hộ dân đã mang theo đất đá đòi lấp miệng cống xả của Nhà máy xử lý nước thải Sonadezi Long Thành.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại diện huyện Long Thành cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Nai đã thành lập ban chỉ đạo bồi thường thiệt hại vụ việc Sonadezi Long Thành. Hiện đã xác định được mức độ thiệt hại là 114ha đối với diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2010. Những thiệt hại về thuỷ sản trên khu vực rạch Bà Chèo sẽ được bồi thường 95% diện tích bị thiệt hại. Riêng đối với những thiệt hại về diện tích cây trồng và vật nuôi, hiện nay vẫn chưa xác định cụ thể. Theo đại diện huyện Long Thành, đến cuối quý II tới, sẽ có phương án bồi thường cụ thể cho người dân bị thiệt hại.

Ông Trần Văn Tư, đại diện cho tổ đại biểu Quốc hội tiếp xúc tại Tam An cho rằng, đối với vụ việc của Công ty Sonadezi Long Thành, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai là không bao che cho sai phạm. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh việc xác định thiệt hại để tiến hành bồi thường cho người dân. Cử tri xã Tam An cho rằng, từ năm 2006 đến nay người dân đã bị thiệt hại nhiều về diện tích cây trồng vật nuôi và thuỷ sản quanh khu vực rạch Bà Chèo. Cử tri Nguyễn Vă n Trai đề nghị đại biểu Quốc hội kiến nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai và Công ty Sonadezi khẩn trương thực hiện việc điều tra thiệt hại để sớm bồi thường cho dân, đồng thời khắc phục triệt để việc xả nước thải không đạt chuẩn, để người dân có thể tiếp tục canh tác và nuôi trồng thuỷ sản trên vùng đất Tam An./.