Thành phố trẻ Cần Thơ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Từ ngày 1-1-2004, thành phố Cần Thơ chính thức trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Sau một năm, ngày 17-2-2005, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Đây là một Nghị quyết đặc biệt quan trọng, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ.
Năm năm qua (2004 - 2008), phát huy điều kiện vị trí thuận lợi, tiềm năng đa dạng, lao động dồi dào; phát huy vai trò rất quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, là động lực phát triển của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Đảng bộ và nhân dân thành phố trẻ Cần Thơ đã nêu cao truyền thống cách mạng, đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thách thức, từng bước vươn lên đạt những thành tích rất có ý nghĩa và tự hào.
Những kết quả bước đầu tương đối toàn diện
Trước hết, kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, GDP tăng bình quân 5 năm đạt 15,64%, gấp 2 lần so với bình quân cả nước. Trong đó khu vực I (nông - lâm - ngư nghiệp) tăng 5,52%, khu vực II (công nghiệp- xây dựng) tăng 20,30%, khu vực III (thương mại- dịch vụ) tăng 16,32%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 tăng gấp 3 lần so với năm 2003, đạt 24,549 triệu đồng, tương đương 1.444 USD. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, nếu như năm 2003 khu vực I chiếm tỷ trọng 21,40%, khu vực II chiếm 34,66%, khu vực III chiếm 43,94% thì đến năm 2008 con số tương ứng của các khu vực này lần lượt là 16,74%, 38,37%, 44,89%.
Lĩnh vực công nghiệp có bước phát triển khá nhanh, thành phố hiện có 4 khu công nghiệp tập trung với diện tích 775 ha. Đến nay, có 165 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký trên 1,5 tỉ USD, tổng vốn thựchiện trên 344 triệu USD, có 122 dự án đưa vào hoạt động thu hút gần 30.000 lao động. Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt 15.160 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2003. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ không ngừng phát triển, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn được hình thành, như: CoopMart, CitiMart, Vinatex, Metro Hưng Lợi... góp phần hoàn thiện hệ thống bán lẻ và xác lập thêm các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ cho các tỉnh, thành trong khu vực. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2008 đạt trên 19.000 tỉ đồng.
Trên địa bàn thành phố hiện có gần 145 cơ sở giao dịch ngân hàng của 39 tổ chức tín dụng đang hoạt động có hiệu quả, trở thành nơi có hoạt động tín dụng, ngân hàng sôi động nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống cảng có công suất lớn (cụm cảng Cần Thơ, cảng biển quốc tế Cái Cui) mà dịch vụ vận chuyển hàng hóa, lưu cảng từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trung tâm xuất nhập khẩu của cả khu vực.
Lĩnh vực nông nghiệp đã đi vào thế ổn định, đang chuyển dần sang hình thái nông nghiệp đô thị chất lượng cao, đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất đạt 53% diện tích canh tác, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, thủy lợi khép kín đạt 87%, sử dụng giống mới đạt 80%... góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông sản hàng hóa (chủ yếu là lúa, thủy sản). Tính chung giá trị sản xuất năm 2008 tăng gấp 1,41 lần so với năm 2003. Các thành phần kinh tế cũng phát triển khá đồng bộ, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể tiếp tục được khẳng định, đi đôi với việc khuyến khích kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài ngày càng lớn.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, thành phố còn chú trọng phát triển mạnh mẽ các hoạt động văn hóa xã hội. Sự nghiệp giáo dục có bước tiến đáng kể về quy mô và chất lượng, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và xã hội hóa. Thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2004. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng. Thực hiện Đề án 150, thành phố đưa 70 học viên đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, đã có 4 học viên hoàn thành chương trình về công tác tại thành phố. Hệ thống các viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố như: Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược, Đại học Tây Đô, Trung tâm đại học tại chức, Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng nghề, Cao đẳng y tế... đã góp phần đáng kể cho công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học kỹ thuật - công nghệ cho thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống y tế và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, tăng cường, 100% số xã, phường có trạm y tế, hiện nay đã có 7,24 bác sĩ/vạn dân. Ngoài Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố, các bệnh viện chuyên khoa của thành phố như: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện - Nhi đồng; Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai Mũi - Họng, Bệnh viện Lao và bệnh phổi... góp phần đáng kể vào công tác điều trị bệnh cho nhân dân khu vực. Việc xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đến nay thành phố đã đưa vào hoạt động nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân có quy mô lớn như: Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, Bệnh viện Đa khoa Tây Đô... Các công trình văn hóa, thể thao cấp khu vực như: Trung tâm Văn hóa Tây Đô, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia IV... đang trong giai đoạn xúc tiến xây dựng.
Nhiều vấn đề an sinh xã hội khác cũng được quan tâm thường xuyên: Năm năm qua Cần Thơ đã giải quyết việc làm cho 182.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2008 là 35,26%; xây dựng thêm 14 xã, phường văn hóa, nâng tổng số hiện nay lên 30 xã, phường văn hóa; toàn thành phố có 92% số hộ dân dùng nước hợp vệ sinh, 99,2% số hộ sử dụng điện; bình quân 131 máy điện thoại/100 hộ dân; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 19%.
Công tác chỉnh trang, nâng cấp bộ mặt đô thị ngày càng được quan tâm đầu tư. Từ năm 2004 đến nay, thành phố đã huy động trên 46.300 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, xây mới, mở rộng, khu vực Bến Ninh Kiều, Trung tâm Thương mại Cái Khế, xây dựng các tuyến kè ven sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Khai Luông, hồ Xáng Thổi, kết hợp nâng cấp, tạo cảnh quan ở giao lộ Bến xe mới, ngã ba Đầu Sấu, mở rộng các hẻm dân cư... Ngoài ra, nhiều khu dân cư, đô thị mới được đầu tư xây dựng, như: khu đô thị Nam sông Cần Thơ, khu dân cư Trung tâm Thương mại Cái Khế, khu dân cư Hồng Phát, khu dân cư Ngân Thuận, khu tái định cư Thới Nhựt... làm cho bộ mặt thành phố ngày càng thay đổi. Các vùng ngoại thành như: Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền... cũng có sự chuyển mình đáng kể với các tuyến giao thông huyết mạch như: Bốn Tổng - Một Ngàn, tỉnh lộ 923, Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, Cần Thơ - Xà No - Vị Thanh, kết hợp các công trình của Bộ Giao thông - Vận tải như: quốc lộ 1A, quốc lộ 91, 91B, quốc lộ 80, quốc lộ 61B, quốc lộ Nam sông Hậu, nhất là cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, cảng Cái Cui... khi hoàn thành thì Cần Thơ sẽ trở thành đầu mối giao thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nối liền các tỉnh Tây Nam Bộ với Thành phố Hồ Chí Minh, cả nước và các nước trên thế giới.
Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh được chú trọng. Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện thường xuyên, bộ máy chính quyền được củng cố. Công tác dân vận từng bước đổi mới, các tổ chức Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể có sự chuyển biến tích cực, bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng mạnh về cơ sở, gắn với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, động viên sức người, sức của để xây dựng và phát triển thành phố.
Những hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Thành phố Cần Thơ đạt được những thành quả trên trước hết bắt nguồn từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóaIX ngày càng sâu sát, cụ thể. Thành ủy đã nghiêm túc tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, từ đó tạo sự phấn khởi tự hào, xây dựng quyết tâm, đề cao trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn dân trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết. Đảng bộ thành phố kịp thời nắm bắt tình hình, sớm ổn định tổ chức cán bộ, nhanh chóng xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ, xác định những khâu đột phá; phân công trách nhiệm cụ thể, phát huy được tính chủ động, sáng tạo, biết nghĩ, dám làm của các ngành, các cấp. Đồng thời thường xuyên tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các tỉnh, thành phố bạn đi trước; đặc biệt hợp tác liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, với các tỉnh trong khu vực nhằm tạo mối quan hệ hỗ trợ để thành phố từng bước vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, quá trình phát triển của thành phố cũng còn không ít hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm và khắc phục để vững bước đi lên: tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức cao nhưng chất lượng, tính cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, quá trình phát triển còn tiềm ẩn nhân tố chưa bền vững, chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của thành phố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu, chưa đồng bộ; nhất là hệ thống giao thông, quy hoạch, môi trường, khoa học - công nghệ... Nguồn nhân lực qua đào tạo cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu (cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và công nhân lành nghề). Môi trường và cơ chế, chính sách chưa đủ sức thu hút mạnh đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống chính trị chưa chuyển kịp sự phát triển chung, công tác quản lý nhà nước còn nhiều mặt hạn chế.
Từ những thành tựu và hạn chế trên đây, Đảng bộ thành phố rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu:
- Tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng vững mạnh về cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức, xác định khâu cán bộ có tính quyết định cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thành phố.
- Xây dựng cơ chế chính sách, phương thức vận động, biện pháp phù hợp để phát huy và khai thác tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực của Trung ương và nguồn lực liên kết với các địa phương trong cả nước để phục vụ nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của thành phố.
- Quan tâm chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, phát triển toàn diện con người, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm ổn định về chính trị và trật tự xã hội.
- Đề ra những biện pháp kiên quyết, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo; thường xuyên sâu sát cơ sở để kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và vấn đề mới phátsinh.
Để vững bước trên chặng đường phía trước
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của thành phố, Đảng bộ đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới là:
- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kết luận của Ban Bí thư về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, các kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; 10 chương trình, 4 đề án theo tinh thần Kế hoạch số 10-KH/TU của Thành ủy về cụ thể hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI.
- Tiếp tục quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển thành phố bảo đảm đồng bộ, làm nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững của thành phố trung tâm, động lực của cả vùng đồng bằng sông CửuLong.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chú trọng bảo vệ môi trường. Tăng cường chỉ đạo kiểm tra chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, quan tâm xây dựng mạng lưới giao thông nội thị, hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải, hoàn chỉnh đề án nâng cấp thành phố Cần Thơ lên đô thị loại I trình Chính phủ công nhận trong năm 2009.
- Tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh khối lượng thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, như: đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn, tuyến 91B nối Nam sông Hậu, các cầu trên đường tỉnh 923... phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình do Trung ương đầu tư trên địa bàn như: cầu Cần Thơ, Sân bay Cần Thơ, cầu Cái Răng, cầu Đầu Sấu, Trung tâm Điện lực Ô Môn, cảng Cái Cui, khai thông luồng Định An...
- Tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là sau khi cầu Cần Thơ; quốc lộ 1A đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ; sân bay quốc tế Cần Thơ hoàn thành đưa vào sử dụng. Nghiên cứu xây dựng 1 - 2 tập đoàn kinh tế đa sở hữu vững mạnh, làm lực lượng nồng cốt trong phát triển kinh tế (tập đoàn công nghiệp chế biến, tập đoàn đầu tư phát triển hạ tầng...). Vận động kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm của thành phố bằng nhiều hình thức như BOT, BT, BTO...
- Xúc tiến thành lập quỹ đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương khi có điều kiện để huy động vốn, phát triển các loại thị trường, như thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường bảo hiểm nhằm đa dạng hóa các loại hình có giá trị tăng cao. Đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách. Hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách, tập trung đầu tư phát triển, nhất là các công trình trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hiệu suất đầu tư. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững.
- Quan tâm đúng mức giải quyết các vấn đề xã hội. Bảo đảm hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, hạn chế phân cực giàu - nghèo. Chú trọng phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Lập và triển khai đề án xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố. Tập trung vốn từ nhiều nguồn để xây dựng các bệnh viện chuyên sâu như: Bệnh viện Ung bướu, Nhi đồng, Phụ sản, Tim mạch, Đa khoa thành phố, Trung tâm y tế kỹ thuật cao... phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng.
- Bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục quốc phòng - an ninh; tập trung nâng cao sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang thành phố. Kiên quyết tấn công trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, bảo vệ trật tự đô thị. Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và cải cách tưpháp.
- Xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đấu tranh ngăn chặn, chống tệ quan liêu, tham nhũng gắn với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Bước sang năm Kỷ Sửu 2009, với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân thành phố quyết tâm đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trên cơ sở phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ tương xứng với tầm vóc đô thị loại I và trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW củaBộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghịquyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI./.
Triển khai có hiệu quả các hình thức dân vận, hướng mạnh về cơ sở  (17/02/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 9-2-2009 đến 15-2-2009)  (16/02/2009)
Xuất khẩu gạo 2009 - sự khởi đầu thuận lợi  (16/02/2009)
Những thành tựu đáng ghi nhận của báo chí - xuất bản năm 2008  (16/02/2009)
Chuyến đi chiến lược  (16/02/2009)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đối thoại với sinh viên Việt Nam  (16/02/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên