Chiến tranh Việt Nam, nhìn từ nước Mỹ
TCCS - Cuộc chiến tranh Việt Nam đã trở thành một di sản quan trọng mang "âm hưởng buồn" trong lịch sử nước Mỹ. Giờ đây, hơn một phần ba thế kỷ đã qua, nhưng đối với nước Mỹ, cuộc chiến này vẫn hiện diện không chỉ trong nhiều trang hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh hay những cuộc hội thảo, những công trình chuyên khảo của giới nghiên cứu khoa học, mà ngay cả trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ. Thực tế đó nói lên tầm vóc trong cuộc đụng đầu giữa Mỹ và nhân dân Việt Nam, đồng thời, cũng thấy được những tác động, ảnh hưởng hết sức sâu rộng của cuộc chiến tranh Việt Nam trong lòng nước Mỹ.
Đi tìm lời giải cho thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam
Những thập niên vừa qua là quãng thời gian để các nhân vật chóp bu trong chính quyền và quân đội Hoa Kỳ hồi tưởng về quá trình can dự của mình với tư cách những nhà hoạch định và điều hành bộ máy chiến tranh ở Việt Nam. Thực chất của những hồi tưởng ấy chính là việc đi tìm lời giải (hay biện minh) cho thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, mà họ được coi là người chịu trách nhiệm. Để lý giải về nguyên nhân thất bại của cuộc chiến Việt Nam, từ rất sớm, gần như ngay sau ngày chế độ Việt Nam cộng hòa sụp đổ (tháng 4-1975), tướng Oét-xmô-len (Westmoreland) Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV- Military Assitance Command Vietnam) từ năm 1964 đến 1968, trong cuốn hồi ký có cái tên ấn tượng "Tường trình của một quân nhân" (A soldier reports(1)) đã tập trung mô tả những tình huống của cuộc chiến tranh Việt Nam dưới con mắt của người chỉ huy quân sự cao nhất của quân đội Mỹ, từ lúc nước Mỹ bước qua "lời nguyền"(2), đưa trở lại lục địa châu Á các đơn vị quân chiến đấu Mỹ, tới lúc quân Mỹ bắt đầu kế hoạch rút quân khỏi miền Nam Việt Nam sau đợt tiến công Tết Mậu Thân năm 1968. Trong thâm tâm của mình, Oét-xmô-len luôn nghĩ rằng, đã có thể có một kết cục khác của cuộc chiến tranh, nếu như: "...ngay sau khi đã đưa quân chiến đấu Mỹ vào Nam Việt Nam năm 1965, chiến tranh có thể chấm dứt được trong vòng ít năm, trừ trường hợp không thi hành chính sách sai trái là trả đũa từng bước chống Bắc Việt Nam. Ném bom một ít, ngừng lại một thời gian để cho địch kêu trời, rồi ném bom một ít nữa nhưng không bao giờ đánh đau thật sự. Đó không phải là cách để thắng"(3). Và, "Nếu Tổng thống Giôn-xơn thay đổi chiến lược và lợi dụng thế suy yếu của địch (sau Tết Mậu Thân - LQL) cho phép tôi tiến hành các cuộc hành quân mà chúng tôi đã trù tính hai năm trước (năm 1966 - LQL) đánh sang Lào, Cam-pu-chia và phía Bắc khu phi quân sự, song song với việc tăng cường ném bom và thả mìn cảng Hải Phòng thì chắc chắn Bắc Việt Nam sẽ bị đập tan. Nhưng tình hình đã không diễn ra như vậy. Báo chí và vô tuyến truyền hình đã tạo ra một vầng hào quang không phải thắng lợi mà là thất bại kết hợp với những phần tử chống chiến tranh to mồm nên đã ảnh hưởng sâu sắc đến các quan chức nhát gan ở Oa-sinh-tơn"(4). Như vậy là, với tư cách người đứng đầu cơ quan chỉ huy quân đội Mỹ tại chiến trường miền Nam, Oét-xmô-len "đã không được phép hành động một cách thỏa đáng" (LQL nhấn mạnh), mà luôn chịu sự ràng buộc bởi những quyết định của Tổng thống và bộ máy chỉ đạo chiến tranh tại Oa-sinh-tơn, bởi vậy, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam cuối cùng đã đi đến thất bại. Cũng trong cuốn hồi ký của mình, Oét-xmô-len còn liệt kê những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Mỹ, ví như, quân Mỹ và Sài Gòn đã không được phép đánh chiếm Bắc Việt Nam (nhằm phá tận gốc nguồn chi viện sức người, sức của cho cuộc chiến đấu của Việt cộng ở miền Nam); chính phủ và Tổng thống không nói hết được với nhân dân Mỹ về quy mô và tính chất của sự hy sinh phải có, để đến nỗi "tạo ra một lỗ hổng về niềm tin để rồi phát triển thành một vực sâu không thể nào vượt qua được"(5); cuộc chiến tranh Việt Nam "là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử bị thua trên các cột báo của tờ New York Times"(6)...
Nếu như Oét-xmô-len vạch ra những sai lầm chiến lược của Mỹ để trên cơ sở đó đặt ra chữ "nếu" đối với lịch sử, thì người được cho là "kiến trúc sư" của cuộc chiến tranh Việt Nam - Mắc Na-ma-ra (Mc Namara), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời hai Tổng thống Ken-nơ-đi (J. Kennedy) và Giôn-xơn, lại quan niệm sự dính líu của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam như là một "tấn thảm kịch". Với cách nhìn nhận như vậy, trong cuốn hồi ký với nhan đề: "Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học Việt Nam"(7) (In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam) ra mắt công chúng vào thời điểm tròn hai mươi năm sau cuộc chiến tranh (tháng 4-1995), Mắc Na-ma-ra viết: "Chúng tôi ở trong chính quyền Ke-nơ-đi và Giôn-xơn, tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì chúng tôi coi là nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này. Chúng tôi đã ra các quyết định dưới ánh sáng của các giá trị đó. Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy"(8) "Tôi muốn người dân Mỹ hiểu tại sao chúng tôi phạm những sai lầm như thế và rút ra bài học từ những sai lầm đó. Tôi muốn nói rằng: "Đây là cái có ích mà chúng ta có thể rút ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam và có thể vận dụng cho thế giới hôm nay và mai sau". Đó là cách duy nhất để dân tộc ta có thể hy vọng đẩy quá khứ về phía sau"(9). Điều đặc biệt, ở phần cuối của cuốn hồi ký, Mắc Na-ma-ra đã rút ra tới 11 bài học từ những kinh nghiệm lịch sử mà nước Mỹ đã phải nếm trải ở Việt Nam. Trong số "Những bài học Việt Nam", Mắc Na-ma-coi việc "đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc" và "sự thiếu hiểu biết cơ bản... về lịch sử văn hóa và chính trị"(10) là những sai lầm nghiêm trọng khi nhìn nhận, đánh giá về đối phương và cố nhiên đây là một trong những nguyên nhân đưa đến thảm bại của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Vẫn trên con đường tìm lời giải cho những thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1999, Mắc Na-ma-ra cùng nhóm tác giả gồm Giêm Blai (James G. Blight), Rô-bớt Brai-am (Robert Brigham), Tô-mát Bia-xti-cơ (Thomas Biersteker) và Hơ-bớt Xchan-đơ (Col. Herbert Schandler) đã cho ra mắt độc giả cuốn sách có tựa đề "Cuộc tranh luận không dứt". Theo Mắc Na-ma-ra, chủ đề của cuốn sách "đã được hỗ trợ qua phân tích các tài liệu Việt Nam và Trung Quốc mà trước đây chưa có và mới được biên dịch cũng như qua 6 cuộc thảo luận ở Hà Nội trong hơn hai năm qua (năm 1997, 1998 - LQL) giữa các học giả và các quan chức cũ của Việt Nam và Mỹ"(11). Mắc Na-ma-ra đã dẫn ra trong cuốn sách của mình cuộc gặp gỡ và trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội, ngày 9-11-1995, trong chuyến đi đầu tiên của ông đến Hà Nội. Tại cuộc trao đổi này, Mắc Na-ma-ra và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu ra những quan điểm của mình để trên cơ sở đó thống nhất một số nội dung sẽ thảo luận tại hội nghị giữa các quan chức và các học giả hai bên sẽ diễn ra sau đó. Khi Mắc Na-ma-ra nêu quan điểm rằng: "chúng ta cần xem xét lại những hiểu nhầm nhau - vì hai lý do - một là chúng ta cần xác định những cơ hội bị bỏ lỡ và hai là chúng ta cần rút ra bài học, những bài học sẽ cho phép chúng ta tránh những thảm kịch tương lai"(12), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Tôi đồng ý các bài học là quan trọng. Nhưng ngài nhầm khi gọi cuộc chiến tranh là một "thảm kịch" - tức là nói rằng nó phát sinh từ những cơ hội bị bỏ lỡ. Có thể đó là thảm kịch đối với các ngài vì cuộc chiến tranh của các ngài là chiến tranh xâm lược "theo kiểu thực dân mới"... Các ngài muốn thế chân Pháp; các ngài đã thất bại, binh lính đã bỏ xác, như vậy đúng là thảm kịch vì họ đã chết cho một sự nghiệp xấu. Nhưng đối với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Mỹ là một sự hy sinh cao cả. Chúng tôi không muốn đánh Mỹ. Nhưng các ngài đã không cho chúng tôi lựa chọn. Nhân dân chúng tôi hy sinh nhiều cho sự nghiệp tự do và độc lập. Đối với chúng tôi không có cơ hội bị bỏ lỡ. Chúng tôi đã làm những gì phải làm để đánh đuổi các ngài... Vì thế tôi nhất trí là các ngài đã bỏ lỡ cơ hội và các ngài cần rút bài học. Còn chúng tôi ư? Theo tôi, chúng tôi không thể làm gì khác trong những hoàn cảnh như vậy"(13).
Với nội dung trao đổi giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Mắc Na-ma-ra, cho phép chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về cái gọi là "thảm kịch" hay "những cơ hội bị bỏ lỡ" trong quá trình đi tìm căn nguyên thất bại trong cuộc chiến tranh của giới cầm quyền Mỹ thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Dường như, cả Oét-xmô-len và Mắc Na-ma-ra đều muốn lý giải nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam là do những nguyên nhân mang tính chung chung, chẳng hạn như đã có "những sai lầm chiến lược" trong quá trình tiến hành chiến tranh; hay sự thiếu thống nhất ý chí hành động của bộ máy điều hành chiến tranh ở Oa-sinh-tơn; rồi đi xa hơn, đó là một sự "hiểu nhầm" giữa hai bên đối địch... Như thế, những tranh luận về nguyên nhân thất bại của nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam chắc hẳn vẫn chưa thể chấm dứt...
Những tư liệu lịch sử lên tiếng
Nói đến tư liệu lịch sử là nói đến tính xác thực của những thông tin mà những tư liệu đó chứa đựng. Theo cách hiểu như vậy, thì các văn kiện của Lầu Năm góc (The Pentagon papers) chính là những tài liệu cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, luận giải về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Thật vậy, những tài liệu này hình thành từ giữa năm 1967, khi Mắc Na-ma-ra - Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm quyết định: "cho tiến hành một công trình nghiên cứu lớn để biết lý do và cách thức Mỹ đã dính quá sâu... ở Việt Nam"(14). Một điều đáng nói là, không chỉ được hình thành ngay trong thời điểm Mỹ đẩy chiến tranh Việt Nam lên tới đỉnh cao, mà những tài liệu này vào ngày Chủ nhật, 13-6-1971, đã bắt đầu được đăng tải trên báo New York Times. Sau 3 số báo đầu tiên, Tòa án Liên bang phụ trách quận Nam Niu Oóc ra lệnh tạm thời không cho báo New York Times đăng tiếp, với lập luận là "nếu tiếp tục công khai phổ biến câu chuyện này thì lợi ích quốc phòng của nước Mỹ và nền an ninh của nước Mỹ sẽ gặp tai hại tức thời và không sao sửa chữa được"(15). Tuy nhiên, giới báo chí của Mỹ (nổi bật là hai tờ New York Times và Washington Post) đã đấu tranh thông qua các tòa án trong 15 ngày, với lập luận rằng, các văn kiện của Lầu Năm góc là "thuộc về lĩnh vực của công chúng và không gây nguy hiểm gì đến an ninh quốc gia"(16). Trước lý lẽ của cuộc đấu tranh mà báo giới tiến hành, Tòa án tối cao Mỹ đã cho phép tiếp tục đăng tải những tài liệu của Lầu Năm góc. Quả thực, qua những thông tin do các văn kiện của Lầu Năm góc đưa lại, người ta đã được tiếp cận gần hơn với sự thật của cuộc chiến do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, và điều đó đã được nhà báo Nây Si-han (Neil Sheehan), khi viết lời giới thiệu những văn kiện của Lầu Năm góc nêu ra: "toàn bộ câu chuyện đã chỉ rõ rằng 4 chính quyền (Tru-man, Ai-xen-hao, Ken-nơ-đi và Giôn-xơn - LQL) đã dần dần phát triển một tinh thần chung là cam kết bảo vệ một nước Việt Nam không cộng sản, sẵn sàng đánh miền Bắc để bảo vệ miền Nam và cuối cùng thất vọng với cố gắng này - tới mức độ lớn hơn nhiều so với những lời nói công khai của họ"(17). Như thế, phải chăng tư liệu lịch sử (như trong trường hợp các văn kiện Lầu Năm góc) tự nó đã nói lên những thông tin có giá trị và là chất liệu để trên cơ sở đó các học giả bằng những luận giải của mình đi sâu tìm hiểu thực chất của những khúc quanh lịch sử trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Trên ý nghĩa đó, Am-tơ (J. Amter), một luật sư và nhà hoạt động ngân hàng tại Đen-vơ (Denver) (tiểu bang Cô-lô-ra-đô, Mỹ), với mong muốn nói lên những sự việc diễn ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam, giải thích những sự việc đó không đưa ý kiến cá nhân, mà chỉ nêu những kết luận qua tài liệu nghiên cứu, tham khảo; và, sau nhiều năm tập trung nghiên cứu, ông đã hoàn thành cuốn sách với nhan đề Lời phán quyết về Việt Nam(18). Trong lời tựa của cuốn sách này ông đã viết: "Phần đông những người Mỹ ngày nay đã thấy cuộc chiến tranh Việt Nam đã từng là một sai lầm và đã từng là vô đạo đức. Tuy vậy, ít người trong số đó được cung cấp đầy đủ sự thật để hiểu cái chính sách đối ngoại đã dẫn tới việc chúng ta dính líu vào cuộc chiến tranh này. ít người biết được điều gì thực sự đã xảy ra cả ở đây lẫn ở Đông Nam á. Cũng ít người biết ai phải chịu trách nhiệm về các quyết định đã đưa ra". "Những cuốn sách của các quan chức chính phủ và các nhà quân sự mà bản thân là những diễn viên chính đã tham gia vào việc làm ra các quyết định - có xu hướng chỉ đưa ra những sự việc nhằm bào chữa cách xử sự của chính họ. Nhưng rất may bây giờ chúng ta đã được tiếp xúc với một khối lượng to lớn tư liệu về chiến tranh Việt Nam, trong đó một số vừa mới được cho ra khỏi hồ sơ mật"(19).
Một trường hợp khác, Giáo sư Gabri-en Kôn-kô (Gabriel Kolko) - nhà sử học, đã kiên trì tập hợp các nguồn tư liệu tại Oa-sinh-tơn, Pa-ri và những chuyến khảo sát tại Việt Nam để thể hiện cuốn sách Giải phẫu một cuộc chiến tranh(20) (Anatomy of a war) với một kỳ công chưa từng thấy. Ông bắt tay nghiên cứu và viết cuốn sách này từ năm 1964 - nghĩa là vào lúc Mỹ chưa đưa quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam, và hoàn thành cuốn sách sau hơn 20 năm - khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 10 năm (năm 1985). Với một khoảng thời gian hơn 20 năm, một khối lượng tư liệu đồ sộ, cuộc chiến tranh Việt Nam đã được G.Kôn-kô phân tích một cách cặn kẽ, sâu sắc qua từng sự kiện, nhân vật. Theo đánh giá của dư luận, quyển sách của G.Kôn-kô "là một công trình hợp thời, thiết tha, thúc giục và gợi cảm mà một người quan tâm đến vai trò quá tự cao tự đại của Mỹ trên thế giới cần phải đọc"(21). "Một quyển sách rất sinh động và hấp dẫn về một cuộc chiến tranh có tác động sâu sắc đến toàn thế giới. Bất cứ nhà nghiên cứu nghiêm túc nào về chiến tranh Đông Dương cũng cần phải đọc nó"(22). Chỉ riêng về mặt tư liệu, cuốn sách được coi là "có thể trở thành một điểm then chốt để bắt đầu tất cả các cuộc thảo luận tương lai về chiến tranh Việt Nam"(23).
Đồng hành cùng với J. Am-tơ và G.Kôn-kô trên con đường tìm hiểu, nghiên cứu, luận giải cuộc chiến tranh Việt Nam qua những nguồn tư liệu lịch sử có giá trị (tư liệu giải mật của Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao, Cục tình báo Trung ương (CIA), thư viện của các tổng thống...), hơn ba thập niên qua, các học giả Mỹ đã cho ra đời hàng nghìn cuốn sách và hàng vạn bài báo viết về cuộc chiến tranh Việt Nam. Một thống kê đã chỉ ra rằng, cho đến đầu thế kỷ XXI, "có khoảng 3 vạn cuốn sách và bài báo về chủ đề chiến tranh ở Việt Nam đã được xuất bản tại Mỹ, trong đó có khoảng gần một ngàn rưỡi cuốn sách của các nhà khoa học"(24). Những con số vừa đề cập nói rõ hơn sức hút lớn của chủ đề lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam đối với giới nghiên cứu ở Mỹ, đặc biệt khi mà Mỹ là nước bại trận.
Thay lời kết
(1) Westmoreland: Tường trình của một quân nhân (Edition Doubleday Incorporation Garden City, New York, 1976), Nhà xuất bản Trẻ ấn hành bản tiếng Việt (do Phòng khoa học Quân khu 9 biên dịch), Thành phố Hồ Chí Minh, 1988
(2) Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), vì những lý do nhất định, chính giới Mỹ luôn khẳng định, nước Mỹ sẽ không đưa quân chiến đấu vào lục địa châu á, tuy nhiên, trước những yêu cầu của mục tiêu chiến lược ở Nam Việt Nam, nước Mỹ đã đưa quân Mỹ vào chiến trường Việt Nam, bắt đầu từ tháng 3-1965
(3), (4), (5), (6) Westmoreland: Tường trình của một quân nhân, Sđd, tr 136, 137, 140, 155
(7), (8) Robert Mc Namara: Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 12
(9), (10) Robert Mc Namara: Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và bài học Việt Nam, Sđd, tr 12, 136
(11), (12), (13) Robert Mc Namara, James G. Blight, Robert Brigham, Thomas Biersteker và Col. Herbert Schandler: Cuộc tranh luận không dứt, Sđd, tr 5, 23
(14) Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, Việt Nam thông tấn xã ấn hành (bản tiếng Việt) tháng 8 năm 1971, tr 13
(15), (16), (17) Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam, Tlđd, tr 6, 7
(18) J. Amter, Lời phán quyết về Việt Nam (Nguyễn Tấn Cưu biên dịch), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985
(19) J. Amter: Lời phán quyết về Việt Nam, Sđd, tr 10
(20) Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh (Nguyễn Tấn Cưu biên dịch), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003
(21), (22), (23) Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, tr 6, 7
(24) Nguyễn Đình Lê: Tình hình nghiên cứu và xuất bản về cuộc chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) ở Mỹ, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 3-2001, tr 36
Một số vấn đề đang đặt ra trong điều hành chính sách tiền tệ  (17/04/2010)
Hội thảo khoa học “Di sản Lê-nin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam”  (16/04/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 111 (16-4-2010)  (16/04/2010)
Tuyên bố chung Việt Nam – Lào  (15/04/2010)
Tuyên bố chung Việt Nam – Lào  (15/04/2010)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên