Du lịch Ninh Bình - Tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh doanh
15:56, ngày 02-03-2012
Ninh Bình nằm ở Nam đồng bằng Bắc bộ, cách Hà Nội 93 km về phía Nam, phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Tây giáp 2 tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá, phía Đông giáp tỉnh Nam Định, phía Nam giáp Biển Đông. Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính bao gồm 1 thành phố và 7 huyện, thị xã, diện tích tự nhiên 1.393,3 km², dân số 900.620 người, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường.
I. Lợi thế phát triển du lịch Ninh Bình
1. Vị trí địa lý thuận lợi: Ninh Bình ở vị trí liền kề tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sự phát triển du lịch Ninh Bình nằm trong tổng thể phát triển du lịch của cả nước tạo đà hình thành một tứ giác tăng trưởng kinh tế - du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình. Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt xuyên Việt, quốc lộ 10 và các sân bay Cát Bi, Nội Bài, hệ thống cảng biển, cảng sông đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách đến Ninh Bình. Cách Hà Nội hơn 90km, là một trong hai trung tâm phân phối khách lớn nhất cả nước, Ninh Bình có ưu thế phát triển du lịch cuối tuần của vùng phụ cận thủ đô. Vị trí địa lý thuận lợi giúp Ninh Bình giao lưu phát triển kinh tế, du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế và trở thành một điểm đến đầy tiềm năng của vùng du lịch Bắc bộ.
2. Địa hình đa dạng: Địa hình Ninh Bình phân chia thành ba vùng tương đối rõ nét, vùng đồi núi ở phía Tây và Tây Bắc, vùng đồng bằng ở phía Đông và vùng ven biển ở phía Nam. Địa hình đa dạng là cơ sở phát triển hệ động thực vật phong phú, hình thành nhiều khu du lịch đẹp, tạo ra thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên để phát triển du lịch.
Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đã tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, đặc biệt là các quần thể hang động như quần thể Tam Cốc – Bích Động có hơn 10 hang động; Quần thể hang động Tràng An, nơi hội tụ nhiều nhất các động nước trên diện tích hàng nghìn hecta với khoảng 31 thung, 50 hang động xuyên thuỷ chạy dài khoảng 20 km; Khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long có khoảng 32 hang động; Vườn quốc gia Cúc Phương với động Con Moong đang đệ trình Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; động Vân Trình, động Địch Lộng cũng là những động đẹp, có giá trị du lịch.
Ninh Bình có diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, trên 29 nghìn ha. Hệ sinh thái rừng ở Ninh Bình rất đặc sắc, có Vườn quốc gia Cúc Phương, thuộc loại rừng nhiệt đới điển hình, diện tích trên 22 nghìn ha. Cúc Phương là vườn Quốc gia đầu tiên và cũng là nơi bảo tồn động thực vật quý hiếm đầu tiên của Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của gần 2.000 loài thực vật bậc cao, khoảng 2.600 loài động vật; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá ngập nước có diện tích lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (khoảng 2.643ha). Đây là nơi khoanh vùng bảo vệ loài Voọc mông trắng, một loài linh trưởng quý hiếm đã được ghi trong Sách đỏ thế giới. Đặc biệt với 62 loài chim Vân Long có thể hình thành một vườn chim; Ngoài ra rừng đặc dụng núi đá Hoa Lư và Rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn có hệ sinh thái và cảnh quan phong phú, nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới.
Ninh Bình có khoảng 18km bờ biển tại vùng đất mới Kim Sơn. Vùng ven biển Kim Sơn là một bộ phận quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Toàn khu có diện tích trên 105 nghìn ha. Đặc biệt nơi đây có Cồn Nổi, cách bờ biển khoảng 5km, diện tích nổi trên 500ha, độ thoải nông, cát mịn, sóng lớn, nước trong, cát vàng,… ở đây có thể hình thành một bãi tắm lý tưởng.
Suối khoáng nóng cũng là một tiềm năng có giá trị cao để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh kết hợp với vui chơi giải trí. Hiện nay Ninh Bình đang khai thác hai nguồn suối khoáng là khoáng nóng mặn Kênh Gà có nhiệt độ 530C và suối khoáng Cúc Phương có nhiệt độ 350C phục vụ phát triển du lịch.
3. Tài nguyên nhân văn đa dạng và đặc sắc: Ninh Bình có trên 1.000 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 78 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 160 di tích xếp hạng cấp tỉnh, điển hình như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Gia Phương, động Hoa Lư, đền thờ Trương Hán Siêu, đền thờ Nguyễn Công Trứ, chùa Địch Lộng, chùa Non Nước, phòng tuyến Tam Điệp Biện Sơn, khu căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu,… đặc biệt là Cố đô Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của nước ta thế kỷ thứ X, gắn liền với ba vương triều Đinh - Tiền Lê – Lý. Hiện nay Cố đô Hoa Lư đang được nghiên cứu đệ trình UNESCO công nhận Di sản văn hoá thế giới; Chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, với rất nhiều kỷ lục đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập; nhà thờ đá Phát Diệm, quần thể thánh đường độc nhất vô nhị trên vùng đất sa bồi Kim Sơn, kiến trúc độc đáo kết hợp nét tinh tuý trong kiến trúc đình chùa phương Đông và kiến trúc Gôtic của phương Tây…
Ninh Bình có 49 làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã và đang được đưa vào khai thác phục vụ du lịch như làng nghề thêu ren Văn Lâm, chạm khắc đá Ninh Vân, gốm Gia Thuỷ, mỹ nghệ cói Kim Sơn, đồ gỗ Phúc Lộc, làng đá cảnh Bình Khang,…
Ninh Bình là một trong những địa phương còn lưu giữ nhiều nhất nét văn hoá làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, với 76 lễ hội truyền thống và nhiều nếp nhà cổ đang được gìn giữ và phát triển. Những lễ hội lớn như lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội đức Thánh Nguyễn, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Báo Bản làng Nộn Khê, hội đền Dâu...
Địa hình đa dạng, phong tục, tập quán văn hoá truyền thống lâu đời đã tạo nên nét độc đáo, hẫp dẫn đặc biệt trong văn hoá ẩm thực Ninh Bình với nhiều món ăn nổi tiếng như thịt dê, cơm cháy, rượu cần Nho Quan, rượu Lai Thành Kim Sơn, nem Yên Mạc, Mắm tép Gia Viễn …
II. Dịch vụ du lịch
Về cơ sở lưu trú: Tính đến tháng 6/2011, Ninh Bình có 190 cơ sở lưu trú du lịch với 3.229 phòng nghỉ. Trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 25 khách sạn từ 1-2 sao, và 4 khách sạn dự kiến tiêu chuẩn từ 3-5 sao đang hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động.
Về kinh doanh ăn uống: Phần lớn các khách sạn ở Ninh Bình với quy mô từ 20 phòng trở lên đều có dịch vụ ăn uống. Tính riêng số nhà hàng lớn khoảng gần 800 nhà hàng với khoảng 2000 phòng ăn. Một số nhà hàng tiêu biểu như Hoàng Hải, Hoàng Giang, Hương Mai, Trường Giang, Trâu Vàng... Hiện nay Ninh Bình có 6 dự án nhà hàng khách sạn tiêu chuẩn 3-5 sao trong khu vực trung tâm thành phố đang được đầu tư xây dựng.
Về lĩnh vực kinh doanh giải trí, mua sắm: Toàn tỉnh có trên 20.000 cơ sở kinh doanh thương mại, khoảng 200 điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, tiêu biểu như Club Number One City, Trung tâm giải trí Newstar, Đông Thành Plaza, sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng… Mới đây một tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại New Life Club với nhiều khu vui chơi giải trí cảm giác mạnh, siêu thị, bar, vũ trường…đang được xây dựng ngay tại trung tâm thành phố Ninh Bình sắp đi vào hoạt động hứa hẹn đem đến cho du khách một không gian vui chơi lý tưởng.
Lữ hành: Ninh Bình có 12 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và vận chuyển khách hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của du khách đến Ninh Bình.
Vận chuyển: Ninh Bình có 10 hãng taxi với 440 đầu xe. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 tuyến xe buýt chạy tuyến cố định trong tỉnh và 30 tuyến xe khách xuất phát từ thành phố Ninh Bình tới các địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra với vị trí cửa ngõ nối liền miền Bắc với miền Trung, các tuyến xe từ Bắc vào Nam đều qua trung tâm thành phố Ninh Bình.
III. Sản phẩm du lịch tiêu biểu
Với những giá trị về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, hiện nay loại hình du lich nổi bật nhất của Ninh Bình là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá - tâm linh. Các điểm tham quan du lịch nổi tiếng: Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, khu du lịch sinh thái Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long…Các điểm du lịch tâm linh: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Nhà Thờ đá Phát Diệm…
Một số loại hình du lịch mới, Ninh Bình có thế mạnh như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, du lịch kết hợp hội nghị hội thảo, du lịch thể thao chơi golf… đang được tập trung đầu tư phát triển mạnh. Các khu du lịch mới: Khu Du lịch hồ Đồng Chương, khu suối khoáng nóng Kênh Gà, Khu du lịch Hồ Yên Thắng với dự án sân golf lớn nhất Việt Nam 54 lỗ…đang thu hút du khách vào ngày lễ Tết, ngày nghỉ…
Ngoài những sản phẩm đã và đang khai thác, Ninh Bình có khả năng phát triển hai loại hình du lịch mới là Du lịch biển và Homestay. Với khoảng 18km bờ biển, Ninh Bình có Cồn Nổi, với các điều kiện đặc trưng có thể hình thành một bãi tắm, khu vực Cồn Nổi và vùng ven biển Kim Sơn đang được nghiên cứu để đưa vào khai thác phục vụ du lịch đặc biệt là khai thác du lịch biển; Chương trình Du lịch du khảo đồng quê ở Ninh Bình mới bắt đầu đưa vào khai thác thử nghiệm nhưng đã thu hút một lượng đông khách du lịch quốc tế đến khám phá và trải nghiệm cuộc sống cùng người dân địa phương. Trên cơ sở đó tỉnh đã xây dựng dự thảo dự án du lịch Homestay tại khu du lịch sinh thái Vân Long. Du lịch biển và Homestay sẽ tạo ra sức hút du khách đến với Ninh Bình trong thời gian tới.
IV. Một số kết quả về phát triển du lịch
Lượng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 29,34%/năm. Năm 2010 toàn tỉnh đã đón hơn 3,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 700 nghìn lượt, khách nội địa trên 2,6 triệu lượt. Khách quốc tế chiếm trung bình khoảng 20% so với tổng lượng khách, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 17,26%. Thị trường du lịch quốc tế đã được quan tâm phát triển đồng bộ, các thị trường trọng điểm là Bắc Mỹ, Úc, Newzeland, Đông Bắc á, Pháp và Tây Âu. Bình quân số ngày khách lưu trú tại Ninh Bình đạt 1,5ngày. Doanh thu du lịch năm 2010 đạt 550 tỷ đồng. Năm 2010 tổng thu nhập từ nhóm ngành dịch vụ trong đó có du lịch đóng góp gần 36% GDP toàn tỉnh.
Tổng số lao động trong ngành du lịch là 8.550 người, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm tỷ trọng cao 68% tổng số lao động ngành, số lao động có trình độ Đại học, Cao đẳng chiếm tỷ trọng 11%. Lao động có trình độ ngoại ngữ chiếm tỷ trọng 44% trong tổng số lao động phục vụ trực tiếp tại các doanh nghiệp trong ngành. Ngoài các khoá đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ và ngoại ngữ do sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có Trường Đại học Hoa Lư, 2 trường cao đẳng và một số trung tâm đào tạo các chuyên ngành liên quan đến du lịch…đây sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong chiến lược phát triển du lịch Ninh Bình.
V. Chính sách và định hướng phát triển du lịch của tỉnh
Từ những lợi thế đặc biệt quan trọng, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2015, Ninh Bình đã xác định 7 khu du lịch chính:
1. Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động – Tràng An - Cố đô Hoa Lư
2. Khu du lịch trung tâm thành phố Ninh Bình
3. Khu du lịch Cúc Phương - Kỳ Phú - hồ Đồng Chương
4. Khu Kênh Gà - Vân Trình - Vân Long - Địch Lộng - động Hoa Lư
5. Khu thị xã Tam Điệp - phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn
6. Khu du lịch hồ Yên Thắng - hồ Đồng Thái - động Mã Tiên
7. Khu du lịch Nhà thờ đá Phát Diệm và vùng ven biển Kim Sơn.
Trong những năm qua, ngành Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về du lịch như Nghị quyết số 03-NQ/TU, thông báo số 192-TB/TU... Đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/09/2009 về phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự tập trung chỉ đạo của toàn Đảng bộ, tạo đà cho du lịch Ninh Bình phát triển.
Định hướng sản phẩm: Ninh Bình tập trung khai thác hai loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá - tâm linh. Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch Ninh Bình có thế mạnh như du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hồ ven núi, du lịch kết hợp hội nghị hội thảo. Từ năm 2015 Ninh Bình đẩy mạnh loại hình du lịch chơi golf, du lịch mua sắm, trước hết là từ sản phẩm của hệ thống làng nghề. Nghiên cứu, phát triển du lịch trên sông, đồng thời lập kế hoạch đầu tư phát triển du lịch vùng ven biển Kim Sơn.
Theo đó, Ninh Bình khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực vui chơi giải trí, làng nghề, mua sắm, ẩm thực…Đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú chất lượng cao từ 3 sao trở lên, các làng du lịch, biệt thự du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê để phát triển loại hình du lịch Homestay. Hiện nay, Ninh Bình đã thu hút được 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn trên 9.267 tỷ đồng.
Định hướng phát triển thị trường: Ninh Bình tập trung phát triển các thị trường trọng điểm về khách nước ngoài: Pháp và Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Newzeland, Đông Bắc Á. Mở rộng các hoạt động liên kết và tập trung quảng bá vào hai trung tâm phân phối khách lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời tham dự các hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, liên kết với các nước để mở rộng thị trường quốc tế. Hàng năm có kế hoạch mời các đoàn farmtrip, các hãng hàng không, các chủ hãng du lịch lớn trong nước và quốc tế tới khảo sát tuyên truyền về sản phẩm du lịch của Ninh Bình.
Với những định hướng và mục tiêu phát triển du lịch đã được đề ra, Ninh Bình trân trọng kính mời các Tổ chức, Doanh nghiệp, Doanh nhân trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Ninh Bình./.
Củng cố tổ chức các ban quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu chế xuất  (02/03/2012)
Cộng đồng quốc tế hoan nghênh tuyên bố tạm ngừng các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên  (01/03/2012)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp khách quốc tế  (01/03/2012)
Sáu lĩnh vực có dấu hiệu thất thu lớn  (01/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển