TCCSĐT - Ngày 29-2-2012, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên đã ra thông báo đồng ý tạm dừng các thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Yongbyon, đồng thời, cho phép Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát việc tạm dừng làm giàu urani trong thời gian diễn ra các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Tuyên bố này của CHDCND Triều Tiên ngay lập tức đã nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế.

 

 

 

 

 

Quyết định mới đây của Triều Tiên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới

 

 

 

 

 

 

Được biết đây là một phần trong thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm Mỹ - Triều lần thứ ba, diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) trước đó. Ngày 23-2, Đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên, ông Glyn Davies và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Kim Kye Gwan đã tiến hành hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il qua đời hồi tháng 12-2011. Cuộc hội đàm này nhằm thảo luận về các vấn đề giải trừ hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và cứu trợ nhân đạo. Ngoài ra, Washington cũng đặt mục tiêu tìm kiếm giải pháp nối lại đàm phán sáu bên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga và Mỹ) về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Ngay sau quyết định tạm ngừng các thử nghiệm hạt nhân phóng tên lửa tầm xa và hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Yongbyon, ngày 1-3-2012, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ hy vọng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện cam kết của mình nhằm hướng tới "một tiến trình phi hạt nhân hóa đáng tin cậy trên bán đảo Triều Tiên". Theo ông Ban Ki-moon, cả Mỹ và Triều Tiên cần tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực đàm phán nhằm giải quyết hòa bình những vấn đề còn vướng mắc. Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng hối thúc tổ chức các cuộc gặp bàn về việc đưa hàng cứu trợ đến cho người dân Triều Tiên.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, quyết định của Triều Tiên là "động thái khiêm tốn đầu tiên đi theo đúng hướng". Phát biểu tại phiên điều trần Thượng viện Mỹ, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định "Washington sẽ theo dõi sát sao và đánh giá đội ngũ các nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên thông qua hành động của họ". Bà Hillary nói rằng: Chúng ta hy vọng rằng, nhà lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên sẽ chọn cách để đưa đất nước đi vào con đường hòa bình thông qua việc thực hiện những trách nhiệm của mình. Thông báo ngày hôm nay của CHDCND Triều Tiên thể hiện một bước đi đầu tiên chừng mực theo chiều hướng đúng đắn”. Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết Nhóm đàm phán hỗ trợ lương thực Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ gặp gỡ ngay trong thời gian tới để thảo luận và hoàn thiện kế hoạch chi tiết về khoản hỗ trợ 240.000 tấn lương thực của Mỹ cho CHDCND Triều Tiên. Đây là gói viện trợ của Mỹ mỗi năm, với các mặt hàng cung cấp hàng tháng gồm ngô, đậu nành, dầu thực vật và các loại thực phẩm chức năng như bơ đậu phộng làm tăng dinh dưỡng chủ yếu dành cho trẻ em và thai phụ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên về việc chính quyền Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân là "bước đi quan trọng" để tiến tới giải quyết các mối quan ngại liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Ông Gemba cho biết, Tokyo hy vọng chính quyền Triều Tiên sẽ có "hành động cụ thể" và thỏa thuận trên sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc cũng hoan nghênh thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ được thực hiện một cách trung thực nhằm đặt nền tảng cho việc giải quyết toàn diện và cơ bản vấn đề hạt nhân.

Còn Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano nói rằng IAEA "sẵn sàng trở lại" cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên để giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton hoan nghênh việc CHDCND Triều Tiên quyết định dừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa và chương trình làm giàu urani. Bà Catherine Ashton cho rằng đây là bước đi đúng hướng của Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố mới đây từ văn phòng của bà Catherine Ashton nêu rõ: " EU sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các đối tác quốc tế và CHDCND Triều Tiên để tìm kiếm hòa bình, ổn định lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên".

Bộ Ngoại giao Nga ngày 1-3 cũng ra tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh quyết định của Triều Tiên tạm ngừng các thử nghiệm hạt nhân và hoạt động làm giàu urani." Tuyên bố nhấn mạnh Nga cũng đánh giá cao việc Mỹ đề nghị gửi viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên cũng những bước đi của Washington hướng tới sự bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Moscow sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước tham gia đàm phán sáu bên (gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga) nhằm đảm bảo một tiến trình phi hạt nhân hoàn toàn và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc, nước chủ trì các cuộc đàm phán sáu bên, cũng đưa một phản ứng tích cực và thông báo rằng Bắc Kinh sẽ làm việc để tái khởi động các cuộc đàm phán này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh việc cải thiện trong quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, và đóng góp của họ tiến tới bảo vệ hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực với các bên quan liên quan khác để tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán sáu bên, đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á”.

Duy chỉ có Thứ trưởng Ngoại giao Israel Danny Ayalon thì cho rằng, việc Bình Nhưỡng cam kết tạm ngừng các hoạt động hạt nhân để đổi lấy viện trợ của Washington không thể được coi là mô hình cho việc giải quyết những tham vọng hạt nhân của Iran. Theo ông Danny Ayalon, hai trường hợp nêu trên khác nhau hoàn toàn. Diễn biến tình hình ở Triều Tiên đã vượt qua ngưỡng khả năng hạt nhân và đó là điều mà Israel chắc chắn không muốn xảy ra ở Iran.

Ngoại trừ phía Israel, quyết định của CHDCND Triều Tiên đã liên tiếp nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. Các nước đều coi đây là bước đi tích cực đầu tiên hướng tới việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình./.