TCCSĐT - Đổi mới mô hình hoạt động; tăng cường thẩm quyền, chức năng nhằm nâng cao hiệu quả của ban quản lý các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT) là một trong những chủ đề chính của Hội nghị giao ban ban quản lý các KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 1-3-2012. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Cần Thơ và Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT 23 tỉnh, thành phía Nam.

Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 12-2011, cả nước có 180/283 KCN, KCX đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư kết cấu hạ tầng 5,3 tỉ USD, trong đó, số vốn đã thực hiện gần 3,2 tỉ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN, KCX tăng dần qua các năm, riêng giai đoạn 2005-2010 đạt 125 tỉ USD, mức tăng trưởng bình quân 24%/năm (cao hơn bình quân chung cả nước 8 -9%). Sự phát triển của các KCN, KCX đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của cả nước, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động…

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, KCX, KKT ở các địa phương thì bộ máy ban quản lý các KCN, KCX, KKT thời gian qua chưa thực sự ngang tầm, do thẩm quyền chưa cao và còn phụ thuộc nhiều vào cơ chế ủy quyền của một số cơ quan, thậm chí cả UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, việc thực thi văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với các KCN, KCX, KKT trên thực tế còn nhiều chồng chéo, bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động và sự phát triển lành mạnh, bền vững của các KCN, KCX, KKT.

Một số khó khăn được nêu ra là:

Trong lĩnh vực xây dựng: Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15-7- 2005 của Chính phủ giao cho ban quản lý KCN thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho các doanh nghiệp trong KCN trong thời gian 1-3 ngày. Tuy nhiên, ngày 19-10-2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP lại giao cho sở tài nguyên - môi trường các tỉnh, thành thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình (cho cả doanh nghiệp trong KCN) với thời gian cấp kéo dài đến 50 ngày. Quy định này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong lĩnh vực kiểm tra, thanh tra: Tại nhiều địa phương vẫn đang phổ biến tình trạng các sở, ban, ngành lập nhiều đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra làm cho các doanh nghiệp mất nhiều thời gian công sức để tiếp đón, cung cấp thông tin… Trong khi đó, ban quản lý các KCN, KCX chưa được giao quyền làm đầu mối để gắn kết hoạt động quản lý với thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để kịp thời nhắc nhỏ, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm và hạn chế tình trạng gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Trong công tác quản lý môi trường: Hiện nay, UBND cấp tỉnh và sở tài nguyên - môi trường được giao nhiệm vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư vào KCN; UBND cấp huyện phê duyệt cam kết xác nhận bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Ban quản lý các KCN, KCX chỉ có trách nhiệm phối hợp trong giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nên trong nhiều trường hợp không chủ động trong việc ngăn chặn các vi phạm về môi trường vì không đủ thẩm quyền và phải chờ phối hợp từ nhiều phía.

Trong bộ máy quản lý: Cơ cấu tổ chức ban quản lý KCN, KCX, KKT ở mỗi địa phương hiện nay không giống nhau; chức năng nhiệm vụ chưa thống nhất. Ở cấp Trung ương, tuy có Vụ Quản lý các khu kinh tế trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng cơ quan này chưa thật sâu sát trong việc làm đầu mối xử lý các bất cập trong hoạt động của các KCN, KCX, KKT. Ngoài ra, cơ chế ủy quyền cho ban quản lý KCN, KCX, KKT chứ không được giao quyền cũng làm cho bộ máy này giảm hiệu năng hoạt động trong việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư; cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, chứng nhận quyền sở hữu…

Hội nghị nhất trí đề nghị một số giải pháp nhằm củng cố tổ chức các ban quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, KCX, KKT thời gian tới. Cụ thể là:

- Đề nghị Quốc hội xem xét cho phép xây dựng Luật về các KCN, KCX, KKT; trên cơ sở đó luật hoá hệ thống văn bản quản lý các KCN, KCX, KKT để bảo đảm tính thống nhất và đưa cơ quan quản lý KCN, KCX, KKT vào hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đặc thù.

- Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý đối với các KCN, KCX, KKT bằng văn bản quy phạm pháp luật thống nhất cả nước theo hướng chuyển đổi Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thành Tổng Cục hoặc Cục Quản lý các KKT; Ban Quản lý KCN, KCX, KKT các tỉnh, thành chuyển đổi thành Cục hoặc Chi cục quản lý các KCN, KCX, KKT.

- Xem xét, ban hành chính sách chuyển từ cơ chế “ủy quyền” như hiện nay sang cơ chế “phân cấp và giao nhiệm vụ trực tiếp” cho ban quản lý các KCN, KCX, KKT trên nhiều lĩnh vực như: đầu tư, xây dựng, lao động, đất đai, thương mại, bảo vệ môi trường, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính… đối với các nhà đầu tư trong KCN, KCX, KKT.

- Những lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các tỉnh, thành, nếu UBND các tỉnh, thành ủy quyền cho trưởng ban quản lý các KCN, KCX, KKT thực hiện thì trưởng ban quản lý có đầy đủ thẩm quyền và hợp pháp để triển khai thực hiện.

- Khẩn trương rà soát, xem xét lại quy hoạch KCN. Địa phương nào có đủ điều kiện sẽ tiếp tục phát triển, nếu không đủ điều kiện thì nên giảm để tránh tình trạng lãng phí đất đai, nhân lực, triệt tiêu lẫn nhau về khả năng phát triển và khó quản lý./.