Tiếp tục đột phá, hiện đại, hội nhập nhằm tăng tốc phát triển ngành Dầu khí trong tầm nhìn đến năm 2025
17:05, ngày 15-02-2012
TCCS - Thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều kiện thuận lợi, khó khăn đan xen; nhưng, Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có hướng đi đúng, những giải pháp đột phá quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Đại hội I của Đảng bộ Tập đoàn, với khát vọng: Hiện đại, hội nhập để tăng tốc phát triển, làm chủ biển lớn, thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Dầu khí, góp phần quan trọng vào thực hiện Chiến lược Năng lượng quốc gia.
Trọng trách mới và mục tiêu phát triển
Phát huy những thành tựu cơ bản và quan trọng của thế kỷ qua, năm năm tới là giai đoạn tăng tốc phát triển thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu tổng quát: Phát triển ngành Dầu khí trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu. Xây dựng Tập đoàn Dầu khí mạnh, kinh doanh đa ngành trong nước và quốc tế. Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 cũng xác định: phát triển toàn diện và có bước đột phá về kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; kinh tế hàng hải; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản… Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia Việt Nam xác định: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước, cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng…
Tập đoàn thực hiện tốt vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, thể hiện trong việc tiên phong: Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí; các dự án trọng điểm ở vùng sâu, vùng xa; hợp tác đầu tư với các địa phương, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Tập đoàn đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh trong khu vực, có tốc độ tăng trưởng bình quân 18% - 20%/năm; với cơ cấu phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí là chủ đạo”. Và triển khai các mục tiêu cụ thể:
Về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí: Đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở khu vực nước sâu, xa bờ, vùng nhạy cảm, thông qua thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng cường hoạt động tìm kiếm, thăm dò tại các khu vực truyền thống, gia tăng đầu tư tìm kiếm, thăm dò các đối tượng mới, kể cả các đối tượng phi truyền thống; tự đầu tư tìm kiếm, thăm dò ở các khu vực có tiềm năng cao, rủi ro thấp và thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu vực còn mở. Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ khai thác, bảo đảm khai thác hiệu quả cao và kiềm chế đà suy giảm sản lượng của các mỏ hiện có; áp dụng các giải pháp kỹ thuật để gia tăng hệ số thu hồi dầu; đẩy mạnh đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ra nước ngoài.
Về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí: Giai đoạn 2006 - 2010, có 17 phát hiện dầu khí mới; trong đó: ở trong nước là 12 phát hiện và ở nước ngoài là 5 phát hiện và Tập đoàn đưa 17 mỏ mới vào khai thác (12 mỏ ở trong nước, 5 mỏ ở nước ngoài). Đến nay, Tập đoàn đang triển khai khai thác 20 mỏ dầu khí ở trong nước và 5 mỏ ở nước ngoài. |
Công nghiệp khí: Phát triển công nghiệp khí đồng bộ từ khâu đầu, khâu giữa, đến khâu cuối; trong đó, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp khí quốc gia, như: Hoàn chỉnh hạ tầng công nghiệp khí khu vực phía Nam, hình thành hạ tầng công nghiệp khí khu vực phía Bắc và miền Trung; từng bước triển khai xây dựng hệ thống mạng nối đường ống dẫn khí liên vùng, liên khu vực; đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng nhà máy chế biến và xử lý khí, nhằm chế biến sâu khí thiên nhiên khai thác trong nước để nâng cao hiệu quả sử dụng khí và thực hiện tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên.
Công nghiệp điện: Tham gia sản xuất điện theo quy hoạch của Chính phủ, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện khí gắn với Quy hoạch phát triển công nghiệp khí. Phấn đấu đến năm 2015, đạt tổng công suất lắp đặt trên 9.000 MW, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nhà máy điện của Tập đoàn chiếm 20% - 25% tổng sản lượng điện toàn quốc.
Hiện tại, sản lượng điện của Tập đoàn chiếm 13% - 15% tổng sản lượng điện quốc gia (mục tiêu đề ra là 10% - 15%. Tập đoàn tích cực triển khai thực hiện các dự án nhiệt điện: Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 2 (công suất 750MW, đưa vào vận hành tháng 10-2011), Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200MW), Thái Bình 2 (công suất 1.200MW), Quảng Trạch 1 (công suất 1.200MW), Sông Hậu 1 (công suất 1.200MW), Long Phú 1 (công suất 1.200MW)... |
Khoa học công nghệ, đào tạo, lao động và việc làm: Tiếp tục phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu; xây dựng và hình thành đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ chuyên môn cao đủ khả năng tổ chức nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng, tiếp thu, làm chủ công nghệ hiện đại, tiên tiến. Phấn đấu làm chủ công nghệ khai thác dầu. Giải quyết việc làm cho trên 15 nghìn lao động mới (khoảng 3 nghìn người/năm), với thu nhập trung bình đạt 25 triệu đồng/người/tháng, năng suất lao động trung bình đạt 13,5 tỉ đồng/người/năm.
Về nhiên liệu sinh học (NLSH): Phát triển hệ thống sản xuất và phân phối NLSH bảo đảm đến năm 2011, có sản phẩm NLSH và đến năm 2015, sản lượng xăng dầu pha trộn NLSH đạt khoảng 20% - 30% tổng tiêu thụ xăng dầu trong cả nước và nâng tỷ lệ pha trộn NLSH gốc lên trên 5%.
Về đầu tư phát triển chế biến dầu khí ở nước ngoài: Trên cơ sở kế thừa các dự án đang được nghiên cứu trong giai đoạn 2006 - 2010, tiếp tục phát triển và nắm bắt các cơ hội mới để phát triển đầu tư các dự án chế biến dầu khí ở nước ngoài.
Một số giải pháp cơ bản, đột phá, để tăng tốc phát triển
Một là, về tổ chức quản lý.
Trong công tác tổ chức cán bộ: Tiếp tục xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy chế/quy định về quản lý cán bộ phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn, giữ vững các quan điểm mang tính nguyên tắc trong công tác cán bộ, tăng cường phân cấp cho cơ sở. Thực hiện quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ I; hằng năm, đánh giá việc thực hiện quy hoạch cán bộ của Tập đoàn và của các đơn vị thành viên. Trên cơ sở đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ đã được quy hoạch. Tổ chức đánh giá cán bộ thường kỳ vào cuối năm, giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, để phân loại mức độ, khả năng đáp ứng nhiệm vụ và chiều hướng phát triển của cán bộ để luân chuyển, điều động, sắp xếp, bố trí, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ.
Về công tác lao động và chế độ chính sách: Nghiên cứu, cải cách, hoàn thiện các quy định về tiền lương và gắn tiền lương với trình độ, năng lực chuyên môn, hiệu quả công việc; xây dựng cơ chế về tiền lương và chế độ chính sách thỏa đáng đối với những cán bộ công nhân viên (CBCNV) làm việc trong những lĩnh vực nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, đặc biệt là ở lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc để người lao động chuyên tâm vào công việc, kích thích sự phấn đấu vươn lên, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ. Thực hiện nghiêm nội quy lao động, nâng cao đạo đức và ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật của CBCNV.
Về công tác đổi mới doanh nghiệp: Tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị thành viên để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục kiện toàn một số tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của Tập đoàn để phát huy thế mạnh; đồng thời, bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chi phối trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn.
Đổi mới phương thức quản trị, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, giảm bớt tỷ lệ nắm giữ phần vốn của Tập đoàn tại một số doanh nghiệp không cần nắm cổ phần chi phối; niêm yết tất cả các đơn vị có đủ điều kiện lên các sàn giao dịch chứng khoán tập trung và đưa cổ phiếu của một số doanh nghiệp ra niêm yết tại nước ngoài; từng bước tiếp cận với phương thức quản trị doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới và nâng cao vị thế của các doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hơn nữa vai trò của văn hóa doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu - một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác đổi mới doanh nghiệp tại Tập đoàn.
Hai là, về đầu tư và tài chính.
Bám sát Chiến lược Biển Việt Nam, Chiến lược Năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và Quy hoạch các lĩnh vực (điện, hoá chất, than, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các địa phương…), để đầu tư dự án phù hợp với năng lực của Tập đoàn, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư. Tập trung đầu tư các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, bảo đảm phát triển bền vững và hiệu quả. Hợp tác, liên kết với các tập đoàn kinh tế mạnh khác để khai thác tối đa thế mạnh của mỗi tập đoàn. Tiếp tục công tác cổ phần hóa một số đơn vị thành viên, một số dự án lớn của Tập đoàn (cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng một phần vốn...) để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển. Củng cố và phát triển hệ thống các định chế tài chính trong ngành, tham gia thị trường tài chính trong nước và ngoài nước theo lộ trình, để tiếp cận và thu hút các nguồn vốn phục vụ phát triển dự án đầu tư có nhu cầu vốn lớn.
Sử dụng thế mạnh của thương hiệu như một đòn bẩy, công cụ tài chính. Đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức sở hữu trong các lĩnh vực hoạt động như: vốn Tập đoàn, vốn đơn vị thành viên, vốn đầu tư nước ngoài, vốn vay ở trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, như: cổ phần hóa, liên doanh, liên kết, phát hành trái phiếu, vay tín dụng, vay thương mại…; thực hiện cơ cấu, tăng vốn điều lệ đúng lộ trình để bảo đảm nguồn tài chính cho đầu tư phát triển.
Ba là, giải pháp về thị trường.
Tìm kiếm các cơ hội hội nhập để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có các giải pháp thích hợp tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác thông tin, dự báo làm cơ sở định hướng triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với năng lực của Tập đoàn và các đơn vị. Khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường ra nước ngoài, lập các chi nhánh, đại diện ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường. Hình thành chuỗi cung cấp - sản xuất - tiêu thụ, tạo mối liên hệ chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra.
Bốn là, về khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Về khoa học, công nghệ: Xây dựng và thu hút đủ về số lượng và đạt chuẩn quốc tế nguồn cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, điều hành các dự án dầu khí cả trong và ngoài nước; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp khoa học và công nghệ trong nghiên cứu thăm dò, khai thác đối tượng đá móng nứt nẻ chứa dầu khí có tính đặc thù, nhằm phát hiện thêm trữ lượng dầu khí có chế độ khai thác hợp lý, bảo đảm an toàn các mỏ đá móng nứt nẻ. Áp dụng các giải pháp công nghệ sinh học, hóa học, vật lý…, nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu đối với các mỏ đang và sẽ khai thác.
Nghiên cứu, đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng thay thế trong điều kiện Việt Nam (như khí than, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, gió, mặt trời, hy-đrát...).
Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn. Thực hiện và cập nhật các chương trình đào tạo bắt buộc (kỹ thuật và quản lý) cho cán bộ lãnh đạo, quản lý điều hành ở mọi cấp. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ phục vụ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy; đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống cơ sở đào tạo của Tập đoàn. Thực hiện phân cấp triệt để cho các đơn vị tự chủ trong xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo.
Năm là, an toàn và bảo vệ môi trường.
Xây dựng mục tiêu dài hạn, định hướng phát triển công tác an toàn môi trường (ATMT) theo hướng hiện đại, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, theo kịp các công ty dầu khí tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Vận hành hiệu quả hệ thống quản lý công tác ATMT trong toàn ngành. Lựa chọn, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ có độ tin cậy và an toàn cao. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về ATMT. Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ mới về lĩnh vực ATMT. Tham gia các hoạt động về an toàn và bảo vệ môi trường với các công ty dầu khí quốc gia trong khuôn khổ ASCOPE.
Sáu là, về quốc phòng, an ninh.
Quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý và điều hành của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Thực hiện tốt quy chế phối hợp và các thỏa thuận hợp tác giữa ngành Dầu khí vớí Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để thực hiện tốt nhiệm vụ khảo sát, điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò dầu khí, bảo vệ vùng biển và chủ quyền quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan để xây dựng và hình thành nền “ngoại giao dầu khí”.
Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, để thực hiện khát vọng hiện đại, hội nhập, tăng tốc phát triển, làm chủ biển lớn, Tập đoàn tổ chức thực hiện triệt để ba giải pháp đột phá cơ bản:
Về con người, phát triển nhanh và bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách căn bản chính sách sử dụng lao động, tiền lương/tiền công, chính sách nhân viên, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đủ năng lực điều hành các hoạt động dầu khí cả ở trong nước và ở nước ngoài với hiệu quả kinh tế cao.
Về khoa học và công nghệ, nâng cấp có trọng điểm các cơ sở khoa học và công nghệ gắn với hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, gắn nghiên cứu, đào tạo với ứng dụng trong sản xuất; hình thành năng lực khoa học và công nghệ ngành có khả năng thực hiện được tối đa công tác thiết kế công trình dầu khí quan trọng của Tập đoàn. Đầu tư phương tiện hiện đại, làm chủ công nghệ và tổ chức thực hiện các dự án khảo sát điều tra cơ bản, khoan tìm kiếm thăm dò, phát triển các mỏ ở những vùng nước sâu, xa bờ, khai thác dầu khí tại các mỏ nhỏ/cận biên, mỏ khí có hàm lượng CO2 cao, tăng cường hệ số thu hồi dầu tại các mỏ đang khai thác…
Về quản lý, với mục tiêu điều chỉnh quy mô, vốn, phạm vi hoạt động các đơn vị trong Tập đoàn phù hợp với điều kiện và bối cảnh của từng giai đoạn; nâng cao năng lực điều hành của bộ máy quản lý các cấp, tổ chức điều hành linh hoạt và chủ động hội nhập quốc tế; tăng cường phân cấp, tạo chủ động và nâng cao trách nhiệm cá nhân cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ được giao./.
Sóc Trăng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển  (15/02/2012)
Bảo hiểm: Tái cấu trúc hay "cách mạng" về năng suất?  (15/02/2012)
WB giúp Việt Nam đối phó nguy cơ lũ lụt ở thành thị  (15/02/2012)
Thủ tướng tiếp kiến Quốc vương Campuchia  (15/02/2012)
Chủ tịch nước thăm khu di tích lịch sử Kim Bình (Tuyên Quang)  (14/02/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên