Sóc Trăng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển
17:03, ngày 15-02-2012
TCCS - Nhiều năm qua, tập trung đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng xác định là một trong những nhân tố hàng đầu bảo đảm cho sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chăm lo giáo dục và đào tạo để tạo động lực phát triển
Sóc Trăng nằm cuối hạ lưu sông Hậu, có diện tích tự nhiên 3.310 km2, chiếm gần 1% diện tích của cả nước và 8,3% diện tích của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng ven biển, với 72 km bờ biển và 2 cửa sông chính là Định An, Trần Đề (sông Hậu), Sóc Trăng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp, thủy sản, du lịch và kinh tế biển. Tỉnh có dân số trên 1,3 triệu người, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 64%, dân tộc Khmer chiếm khoảng 30%, dân tộc Hoa chiếm khoảng 5%. Giai đoạn 2005 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 11,33%/năm. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ độc canh sang các mô hình đa cây, đa con, mô hình kết hợp,…Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 1,7 lần, dịch vụ tăng 2,7 lần so với năm 2005. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp thứ 17/63 tỉnh, thành trong cả nước và thứ 9/13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, triển khai thực hiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí cũ) từ 28,53% năm 2005 xuống còn 8,26% năm 2010; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm từ 41,7% xuống còn 14,26%.
Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua do nhiều yếu tố tạo thành, trong đó nguồn nhân lực được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đây là kết quả của một quá trình nhiều năm liền Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 10-01-1997, của Bộ Chính trị về nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 05-4-1997 về “Phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2000 và định hướng đến năm 2020”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng để triển khai, quán triệt Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng tại tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy (nay là thành ủy) và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đặc biệt, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên trong toàn ngành học tập Nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy; xây dựng chương trình hành động và đề án cụ thể theo từng giai đoạn để triển khai thực hiện.
Qua học tập, các cấp, các ngành và nhân dân đã quán triệt và nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; nắm vững và thống nhất cao với những nhận định, đánh giá cũng như mục tiêu, quan điểm và những giải pháp mà nghị quyết của Đảng đã đề ra. Đặc biệt, công tác giáo dục và đào tạo đã được đưa vào và là một nội dung quan trọng trong nghị quyết về nhiệm vụ, công tác hằng năm của Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc, trong nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh; định kỳ có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện.
Qua học tập, các cấp, các ngành và nhân dân đã quán triệt và nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; nắm vững và thống nhất cao với những nhận định, đánh giá cũng như mục tiêu, quan điểm và những giải pháp mà nghị quyết của Đảng đã đề ra. Đặc biệt, công tác giáo dục và đào tạo đã được đưa vào và là một nội dung quan trọng trong nghị quyết về nhiệm vụ, công tác hằng năm của Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc, trong nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh; định kỳ có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện.
Công tác giáo dục và đào tạo chuyển biến tiến bộ, không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân mà còn góp phần nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện thí điểm phổ cập trung học phổ thông. Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề được quan tâm đầu tư; mạng lưới cơ sở dạy nghề bước đầu mang lại kết quả trong bồi dưỡng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh. Việc chăm lo công tác giáo dục trong đồng bào dân tộc Khmer luôn được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 160 trường dạy tiếng Khmer, trong đó có 7 trường dân tộc nội trú và 1 Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ, là nơi đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc Khmer. Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã cử tuyển 1.146 em vào các trường cao đẳng, đại học.
Đến nay, Sóc Trăng có nguồn nhân lực khá dồi dào, tỷ lệ lao động trong độ tuổi từ 15 - 60 chiếm 67,9% tổng dân số; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 14,42% năm 2006 lên 27% năm 2010, trong đó, đào tạo nghề tăng từ 11,79% lên 26,83%.
Những kết quả đạt được trong công tác giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Song, so với mục tiêu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vẫn còn những hạn chế. Đó là :
- Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp chưa cân đối.
- Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các cơ sở dạy nghề thiếu và không đồng bộ.
- Chất lượng đào tạo và dạy nghề còn hạn chế, đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội.
- Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, mở rộng quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người.
Nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
- Thiếu quy hoạch tổng thể về đào tạo và sử dụng nhân lực; chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực thiếu đồng bộ và chưa thực sự phù hợp.
- Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; một số giáo viên thiếu rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn yếu, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa tận tụy với nghề. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa được chú trọng đúng mức.
- Việc phối hợp giữa các đoàn thể, tổ chức xã hội, giữa gia đình với nhà trường trong công tác giáo dục chưa chặt chẽ, một bộ phận gia đình thiếu quan tâm đến việc học tập của con em; ý thức học tập của một bộ phận học sinh không cao.
- Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Việc tuyên truyền về đào tạo chuyên nghiệp, dạy nghề chưa thường xuyên. Nhận thức về vai trò của học nghề, dạy nghề trong các cấp, các ngành và trong nhân dân còn hạn chế.
Tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng trong phát triển đất nước”. Đối với tỉnh Sóc Trăng, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát huy vai trò nhân tố con người, là khâu đột phá, vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động có phẩm chất tốt, năng lực cao và có cơ cấu ngành, nghề hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã xác định phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm “đổi mới và phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển”.
Tỉnh phấn đấu kết thúc kế hoạch 5 năm 2010 - 2015, lĩnh vực giáo dục và đào tạo sẽ đạt một số chỉ tiêu chủ yếu sau đây: Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến nhà trẻ đạt 10%; tỷ lệ huy động trẻ em đúng tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 80%; trong đó, trẻ em 5 tuổi đạt 99%; tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, trung học cơ sở đạt 95%, trung học phổ thông đạt 65%; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 51%; trong đó, đào tạo nghề đạt 45%.
Để đạt được những mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, Đảng bộ tỉnh xác định cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, kiện toàn, xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm thu hút những người có tài vào ngành giáo dục và đào tạo; kiên quyết sắp xếp, giải quyết chính sách, cho thôi việc những giáo viên yếu kém, thiếu đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ. Nghiên cứu, vận dụng để có chính sách hỗ trợ đầu ra cho cán bộ, giáo viên tuy đạt chuẩn nhưng năng lực yếu, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thứ hai, mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.
Củng cố, sắp xếp, đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn trong nâng cấp, mở rộng hệ thống trường, lớp học; chú trọng đầu tư, phát triển giáo dục vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Mở rộng mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên; củng cố và nâng cao hiệu quả đào tạo của các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, đại học,... đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu đào tạo nhân lực.
Mở rộng giáo dục mầm non; thực hiện phổ cập giáo dục các cấp học phổ thông với chất lượng ngày càng cao; phát triển mạnh và nâng cao chất lượng dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Dạy văn hóa đi liền với dạy người, dạy nghề; đặc biệt, chú ý giáo dục học sinh về lý tưởng, đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc; về Đảng; quan tâm bồi dưỡng cho thanh thiếu niên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Ngăn chặn xu hướng xem nhẹ giáo dục chính trị, tư tưởng và các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giáo dục.
Cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng học sinh các cấp học phổ thông; tăng cường giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh các lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời; đẩy mạnh phong trào hiếu học (gia đình hiếu học, dòng tộc hiếu học, xóm ấp hiếu học…). Phát huy vai trò của các đoàn thể, gia đình, cộng đồng dân cư trong giáo dục nhằm nâng dần chất lượng học tập của học sinh; giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.
Thứ tư, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo đối với các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo, dạy nghề; ưu tiên đào tạo các ngành vừa khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài tỉnh và phục vụ xuất khẩu lao động. Mở rộng quy mô, đa dạng hình thức, nâng cao chất lượng đào tạo ngành nghề xã hội có nhu cầu; phát triển các hình thức đào tạo theo địa chỉ và đào tạo theo mô hình liên kết, khuyến khích liên doanh, liên kết trong đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường quan hệ quốc tế để tranh thủ các dự án nước ngoài trong đào tạo nhân lực trình độ cao và nâng cấp cơ sở vật chất cho đào tạo. Phấn đấu thực hiện tốt phương châm “4 được” trong đào tạo, đó là “được học, học được, được làm và làm được”.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục triển khai Đề án “Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên”, Đề án “Đào tạo sau đại học trong và ngoài nước”. Các trường xây dựng mới phải đạt chuẩn, gắn với quy hoạch lâu dài. Đi đôi với mở rộng mạng lưới trường, lớp, chú ý phát triển cơ sở đào tạo đội ngũ giáo viên cung cấp cho các trường trong tỉnh.
Đầu tư hợp lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động phát triển giáo dục và đào tạo.
Thứ sáu, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng trên địa bàn. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển, đào tạo nâng cao trình độ cho đối tượng cử tuyển.
Tiếp tục phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú, thực hiện tốt chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh người dân tộc thiểu số; chú ý đến con em thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật thông qua việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư.
Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý của chính quyền các cấp và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tiếp tục xác định công tác giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tăng cường công tác xây dựng và củng cố tổ chức đảng để thực sự là hạt nhân lãnh đạo trong các trường học. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng ở các trường, nhất là trong đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy, trong học sinh, sinh viên.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tập trung vào quản lý nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.
Thực hiện tốt các chính sách thu hút, bố trí, sử dụng cán bộ ngành giáo dục theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức quần chúng, các ngành, các cấp và nhân dân tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo; tổ chức phong trào toàn dân học tập, tham gia làm giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở từng địa phương, ở cộng đồng, ở khu dân cư… tạo thành một phong trào cách mạng thật sự về giáo dục và đào tạo.
Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành và của toàn xã hội thông qua nhiều giải pháp, trong đó, giáo dục và đào tạo được xác định là phương tiện chủ yếu, quan trọng nhất. Với định hướng chỉ đạo “Lấy nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông làm nền tảng; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao làm khâu đột phá”, trong thời gian tới, nguồn nhân lực của tỉnh Sóc Trăng sẽ có bước phát triển mới, tăng về số lượng, nâng về chất lượng và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Bảo hiểm: Tái cấu trúc hay "cách mạng" về năng suất?  (15/02/2012)
WB giúp Việt Nam đối phó nguy cơ lũ lụt ở thành thị  (15/02/2012)
Thủ tướng tiếp kiến Quốc vương Campuchia  (15/02/2012)
Chủ tịch nước thăm khu di tích lịch sử Kim Bình (Tuyên Quang)  (14/02/2012)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên