Hồi ức của một Cựu chiến binh

Người ghi: Đại tá Nguyễn Nhâm (Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Quyên)
21:57, ngày 26-01-2012
TCCSĐT - Đại tá Cựu chiến binh Lê Quyên sinh ngày 14-7-1932, tại Quảng Hợp, Quảng Xương, Thanh Hóa, nhập ngũ ngày 9-3-1950. Ông đã nghỉ hưu tháng 8-1988, hiện nay sinh hoạt tại Chi hội CCB phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Khi được hỏi về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong các chiến dịch ở vùng địch hậu cách đây 60 năm, ông vui vẻ kể:

Tuổi đã già, chiến tranh đã lùi xa. Thế mà tôi vẫn không thể nào quên, mùa đông năm Tân Mão (1951), đơn vị chúng tôi lần đầu tiên từ Lạng Sơn “về Hà Bắc quần nhau với giặc” để mở rộng vùng giải phóng đồng bằng Bắc Bộ trong chiến dịch Hòa Bình (1951-1952):

Rằm tháng 7 năm 1951, từ trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 6 ở Vân Nam Trung Quốc, chúng tôi được bổ sung về Đại đoàn 316 ở tỉnh Lạng Sơn mới giải phóng. Nghỉ ngơi được vài ngày, tôi được điều động về Trung đoàn 174 Cao Bắc Lạng, đóng quân ở huyện Lộc Bình. Xong đợt huấn luyện đánh công kiên, đơn vị tôi được lệnh tiến về đồng bằng mở rộng vùng giải phóng trong hậu địch. Trung đội tôi, chỉ có vài anh em người kinh, còn lại là anh em dân tộc Tày, Nùng Cao Bắc Lạng. Ai cũng hồi hộp, phấn khởi mong chờ, vì lần đầu tiên được về với bà con vùng hậu địch sau nhiều năm ăn, ở và chiến đấu nơi rừng sâu. Qua ải Chi Lăng, chúng tôi lặng lẽ đặt chân lên đất Hà Bắc. Dự kiến ban đầu là tiếp nối chiến thắng Đông Khê năm trước, chúng tôi sẽ tiêu diệt đồn Mộ Thổ ở Bắc Giang, tiền đồn phòng ngự của địch, nhưng bị lộ do tổ trinh sát cùng đồng chí tiểu đoàn phó của chúng tôi bị vấp phải mìn ở hàng rào.

Bỏ kế hoạch trên, chúng tôi vượt qua lộ 13, vượt sông Thương, sông Cầu sang huyện Quế Võ. Vào khoảng tháng 11 năm Tân Mão, đơn vị tôi công kích đồn Phố Mới trên đường 18. Do chưa quen chiến đấu ở đồng bằng, sau 2 đêm công kích, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, thương vong nhiều, tôi cũng bị một mảnh đạn chui vào lưng nay vẫn còn nằm trong hố nách.

Được bà con làng Chì, Mai Ổ, Quế Ổ… tận tình chăm sóc, từng thìa cháo, đồng quà tấm bánh, đơn vị chúng tôi lại vượt sông Đuống sang Nam phần Bắc Ninh bao vây bốt Thiên Thai ở huyện Gia Bình.

Một đêm, chúng tôi được lệnh hành quân về làng Nghi An bố trí chuẩn bị đánh địch, làng có lũy tre bao quanh dày đặc, công sự lẩn bên dưới, bên ngoài là ruộng sâu. Quần nhau từ 9 giờ sáng đến chiều, địch không vào được làng, chiều xuống chúng tôi xuất kích đuổi địch trở lại bốt Từ Hồ. Chiều hôm đó máy bay Hen-cát đến thả bom Na Pan vào giữa làng, trúng đội hình tiểu đoàn bộ, làm một số anh em bị thương. Đồng chí xạ thủ đại liên bị đạn địch xuyên qua má mà không bị gãy răng, vẫn hành quân theo đơn vị. Từ làng này sang làng khác, việc cơm nước, cáng thương, chăm sóc thương binh, các mẹ, các chị đảm nhiệm chu đáo nên anh nuôi đơn vị hầu như “thất nghiệp”, có thêm tay súng trực tiếp chiến đấu.

Chiều 30 Tết, chuẩn bị đón Xuân Nhâm Thìn (năm 1952). Từ làng Nghi An, chúng tôi được lệnh chuyển về huyện Lang Tài, địa điểm phải đến là làng Nhị Trai, tạm dừng để củng cố lực lượng, chuẩn bị đánh sang Nam Sách. Đêm 30, trời tối đen như mực, mặc dù có chị em dân quân dẫn đường, nhưng đường xá lầy lội, dưới mưa dầm, gió bấc, chúng tôi hành quân suốt đêm trong gió rét mà sáng ra vẫn còn cách Nhị Trai đến 5 cây số. Đành dừng lại ở làng Lường Xá vào đúng ngày mồng một Tết.

Nghỉ ngơi ở rìa làng rồi được địa phương cùng Ban Chỉ huy cho phép bộ đội phân tán về các gia đình đón Tết. Lần lượt chúng tôi được các mẹ, các chị đón về từng nhà, rộn ràng, ríu rít. Khoảng một giờ sau, vẫn còn có mẹ, có chị đến “khiếu kiện” với Ban Chỉ huy rằng nhà tôi sao không được… Ban Chỉ huy lại phải điều chỉnh sao cho nhà nào cũng có một anh… rồi vui vẻ cả. Chúng tôi đón xuân ở một địa điểm ngoài dự định nhưng ấm cúng vô cùng. Tối mồng một hành quân tiếp xuống Nhị Trai còn bị bà con quở trách làm lỡ cả kế hoạch đón bộ đội về làng.

Nhất Trai, Nhị Trai là khu du kích trong lòng địch của huyện Lang Tài, xung quanh làng có đồng chiêm trũng. Địch càn đi, quét lại nhưng không chiếm được, chúng tăng cường ném bom, bắn pháo vào làng nên nhà cửa cháy hết, dân làm lại bằng tre trát bùn để ở tạm, thế mà bà con nhường hết cho bộ đội ở. Mấy ngày sau chúng tôi vượt sông Thái Bình bằng thuyền nan sang huyện Nam Sách diệt đồn An Dật. Đánh xong, 3 giờ sáng bà con lại chở thuyền nan trong đêm giá rét kịp trở về Nhị Trai trước khi trời sáng và đã có sẵn cơm dẻo, canh nóng cho bộ đội ăn sau một đêm công đồn. Ôi! cái tình quân dân sao mà sâu nặng thế.

Cuối tháng Giêng năm Nhâm Thìn, toàn bộ đơn vị lại vượt quốc lộ 5 sang huyện Bình Giang, Hải Dương, lại bì bõm, trinh sát bám đường, trải chăn chiên vắt qua đường cho bộ đội đi qua khỏi lộ; vượt cánh đồng vào tận Ba Đông, Bảy Bượi, Mười Dăm, vượt sông Hồng sang diệt đồn Nhật Lệ trên đất Hưng Yên rồi mới hành quân trở lại vùng Yên Thế, Bắc Giang.

Ở Bình Giang tôi không thể nào quên trận diệt bốt Đò (còn gọi là Vân Độ). Đánh xong về trú quân ở Ba Bì (Bì Cối, Bì Đổ…) đơn vị bị địch từ Hải Dương, Cẩm Giàng càn lên, một trận đánh ác liệt, quần nhau suốt ngày đến mức chỉ còn tổ 3 người đọ nhau với địch bằng súng trường, lựu đạn, lưỡi lê…

Những năm gần đây, cựu chiến binh Trung đoàn Cao Bắc Lạng chúng tôi đã tổ chức đi thăm lại chiến trường hậu địch, thắp hương cho đồng đội ở nghĩa trang liệt sỹ Phố Mới, Ba Bì và thăm lại bà con vùng hậu địch cũ, thăm lại các mẹ, các chị năm xưa đã “thức thâu đêm vá áo” khi các con từ núi rừng Việt Bắc “về đây quần nhau với giặc” suốt chiến dịch năm 1951-1952. Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần ôn lại kỷ niệm xưa, tôi lại xúc động, bồi hồi về tình cảm quân dân. Bài hát “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa” lại vang lên trong trí nhớ của tôi… sao mà thân thiết đến thế./.