Bình Phước trên đường đổi mới
TCCS - Từ một tỉnh nông nghiệp, kinh tế chậm phát triển, sau 12 năm tái lập, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm tăng từ 12% đến 14%, tổng thu ngân sách nhà nước vượt ngưỡng 1.500 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 14,88 triệu đồng, tương đương 892 USD. Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (2005 - 2010), Bình Phước tiếp tục gặt hái được những thành tựu đáng phấn khởi.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, chính trị, quốc phòng của khu vực phía Nam và cả nước. Nhưng ở thời điểm sau khi được tái lập (1-1-1997), Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (72%), công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ lệ rất thấp. Thu ngân sách toàn tỉnh 176 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người là 2,2 triệu đồng. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu. Ngành giáo dục - đào tạo thiếu trên 1.200 giáo viên. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao...
Những thành tựu đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra
Mười hai năm qua, với sự nỗ lực và ý chí phấn đấu của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc anh em trong tỉnh, kinh tế Bình Phước liên tục tăng trưởng với tốc độ khá, nhất là 3 năm gần đây. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2008 đạt 4.887,2 tỉ đồng, bằng 98,14% kế hoạch đề ra đến năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2008 đạt 14,29% (mục tiêu tăng bình quân 14% - 15%). Năm 2006 tăng 14,37%, năm 2007 tăng 14,2% và năm 2008 tăng 14,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự chuyển biến, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với hàng xuất khẩu; đầu tư đưa lưới điện quốc gia phủ khắp 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 83% số hộ gia đình sử dụng điện...
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, mạng lưới cơ sở giáo dục đã được mở rộng đến khắp các xã, phường, dân trí ngày càng nâng lên. 100% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; 82,35% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (tính đến hết năm 2008). Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện. Số giường bệnh đạt 18 giường/vạn dân; số bác sĩ là 5,2/vạn dân; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ là 64%.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo đầu tư, thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án với xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn, đẩy mạnh công tác khuyến nông, giải quyết việc làm. Đến cuối năm 2008 Bình Phước giảm được 11.933 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% năm 2005 xuống còn 6,3% năm 2008 (mục tiêu năm 2010 còn 5%).
Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố. Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Số lượng đảng viên từ 8.848 năm 1997, tăng lên 18.354 năm 2008; số tổ chức cơ sở đảng từ 356 tăng lên 586.
Quốc phòng, an ninh được bảo đảm và ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại ngày càng được tăng cường, Bình Phước đã cùng với các tỉnh của nước bạn Cam-pu-chia xây dựng tốt đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển.
Tiếp tục phát huy truyền thống "Miền Đông gian lao mà anh dũng", cùng với cả nước vượt qua mọi khó khăn thách thức, Đảng bộ và nhân dân Bình Phước tự hào về những thành tựu đạt được sau mười hai năm tái lập tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Bình Phước vẫn còn nhiều yếu kém như: cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch chậm; công tác quản lý, bảo vệ đất đai, lâm nghiệp còn một số hạn chế, chậm được khắc phục; đầu tư kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng nông thôn mới; công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho nhân dân, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp của địa phương; việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cấp cơ sở chưa đạt yêu cầu... Nhìn chung, dù có nhiều tiến bộ nhất định trong từng lĩnh vực, nhưng tỉnh vẫn chưa khai thác và phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của mình. Thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân hạn chế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: Trong những nguyên nhân tác động, dẫn đến yếu kém, có nguyên nhân do chủ quan, chưa lường hết những khó khăn khi xây dựng nghị quyết.
Qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Đảng bộ tỉnh Bình Phước rút ra năm bài học kinh nghiệm:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính trị; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với yêu cầu mới. Đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngay từ cơ sở, bảo đảm tổ chức đảng có đủ năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Hai là, việc ban hành nghị quyết phải thực sự khoa học, có trọng tâm, trọng điểm. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng bộ tỉnh xác định 5 chương trình đột phá là sự đổi mới tư duy lãnh đạo có ý nghĩa rất quan trọng, sát với tình hình thực tiễn ở địa phương. Cần tiếp tục tổ chức thực hiện, điều hành nhạy bén, sáng tạo 5 chương trình đột phá nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết mà Đại hội đã đề ra.
Ba là, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình để xây dựng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Nêu cao vai trò gương mẫu của đảng viên trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để giữ vững được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong 3 năm (2006 - 2008) đạt 14,29%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng là một thắng lợi lớn, tạo đà cho Bình Phước tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra.
Bốn là, năng động, sáng tạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Tập trung vào các mũi nhọn kinh tế, như đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và công nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với đầu tư hợp lý cho phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức hội trong tập hợp quần chúng, huy động sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Tiếp tục hành trình đổi mới
Nhận thức rõ những tồn tại, yếu kém trên đây và nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu cùng cả nước vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã được Đại hội X của Đảng xác định, cụ thể là thực hiện đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã đề ra: "Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hình thức tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững nhịp độ tăng trưởng, phấn đấu giai đoạn 2005 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 14% - 15%".
Để thực hiện đạt các mục tiêu về kinh tế - xã hội, các ngành, các cấp của tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện 5 chương trình đột phá sau đây: Nâng cao hiệu quả nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thúc đẩy nhanh phát triển công nghiệp và dịch vụ một cách hiệu quả, bền vững; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư và phát triển bền vững; giải quyết tốt vấn đề di dân tự do, ổn định dân cư gắn với bảo vệ rừng, phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính; phát triển nhanh thương mại - dịch vụ, du lịch và xuất khẩu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội.
Cùng với việc thực hiện 5 chương trình đột phá trên đây, Bình Phước tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Về kinh tế:
- Thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát như tiếp tục cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, hạn chế sửa chữa trụ sở, mua xe công, giảm bớt hội họp, chi tiêu tiếp khách không hợp lý, sử dụng số tiền tiết kiệm được để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; tăng cường quản lý giá cả, thị trường và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
- Đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, phấn đấu giữ mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản hằng năm từ 8%; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp; đẩy mạnh công tác khuyến nông nhằm thâm canh, tăng năng suất, phòng, chống dịch bệnh; hoàn thành các công trình thủy lợi sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ; tập trung quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; quy định và xử lý trách nhiệm của địa phương, chủ rừng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
- Triển khai thực hiện tốt các dự án giao thông trọng điểm bằng nhiều nguồn vốn với các hình thức khác nhau như BOT, BT nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, làm tiền đề cho phát triển kinh tế.
- Hoàn thành quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, đặc biệt là quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch điều chỉnh ngành giao thông; quy hoạch đất lâm nghiệp giao về địa phương sau quy hoạch 3 loại rừng; bảo đảm công tác quy hoạch, dự báo kịp thời, chính xác.
- Tiếp tục thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao trên cơ sở quy hoạch và dành sẵn quỹ đất cho nhà đầu tư.
- Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, triển khai thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Phấn đấu năm 2009 cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo theo kế hoạch 5 năm đã đề ra trên cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình việc làm, cho vay hộ nghèo, đào tạo lao động.
- Tăng cường năng lực, trang bị cho các trường đào tạo nghề, các trung tâm dạy nghề của tỉnh và huyện; phối hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo lao động nhằm đáp ứng nhu cầu cho phát triển công nghiệp ở địa phương.
- Tạo chuyển biến trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong thu hút đầu tư nhằm từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, gắn việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh với trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Về xây dựng hệ thống chính trị:
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 31-KH/TU, ngày
06-11-2007, của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và tạo điều kiện cho các cơ quan trong hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư; bảo đảm mỗi đảng viên, mỗi chi bộ trong sinh hoạt hằng tháng và kiểm điểm cuối năm phải gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị với kết quả tự rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị.
Cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi tiêu, giảm bớt hội họp, hạn chế sửa chữa trụ sở, mua xe công, tăng cường quản lý giá cả, thị trường... đang là những biện pháp tích cực mà Bình Phước tập trung chỉ đạo nhằm kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất phát triển và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; tổ chức thực hiện các kế hoạch kiểm tra, giám sát theo hướng dẫn của Trung ương và yêu cầu thực tiễn ở địa phương.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia xây dựng chính quyền; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, đúng luật, bảo đảm lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân và không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, đông người trên địa bàn. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội, tổ chức tập hợp hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào hành động cách mạng của địa phương, bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Bình Phước xác định nhiệm vụ trong những năm còn lại của nhiệm kỳ (2005 - 2010) là cực kỳ khó khăn, mang tính quyết định đối với sự thành công của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” đã và đang là đòi hỏi tất yếu đối với Bình Phước trong tiến trình đổi mới./.
Chuẩn bị điều kiện cho tăng trưởng nhanh và bền vững khi kinh tế toàn cầu hồi phục  (15/06/2009)
Chuẩn bị điều kiện cho tăng trưởng nhanh và bền vững khi kinh tế toàn cầu hồi phục  (15/06/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-6-2009 đến 14-6-2009)  (15/06/2009)
Cả nước hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội  (14/06/2009)
Thông cáo số 20, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XII  (14/06/2009)
An Ninh - ngày ấy, bây giờ...  (14/06/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm