TCCSĐT - Mới đây, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran nhằm tăng áp lực lên chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Sắc lệnh mới này sẽ chính thức được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

 

 Liên minh châu Âu sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran

Ngay khi Liên minh châu Âu đưa ra thông báo trên, giá dầu trên các thị trường quốc tế đã tăng lên đáng kể. Mỹ, nước vừa đưa ra những sắc lệnh mới nhằm trừng phạt Iran cuối năm ngoái, đã hoan nghênh quyết định của Liên minh châu Âu. Phát ngôn viên của Văn phòng Tổng thống Mỹ Victoria Nuland phát biểu: “Chúng tôi mong rằng, những động thái tương tự như thế này không chỉ xuất phát từ các đồng minh và đối tác thân cận của Mỹ tại khu vực châu Âu mà còn từ các nước trên thế giới”.

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu tới đây sẽ tái cam kết với các đối tác nhập khẩu xăng dầu của Iran rằng tổ chức này sẽ cung cấp cho họ những giải pháp thay thế khác. Tuy nhiên ngay cả khi các sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran được Hội nghị thông qua vào cuối tháng này thì cũng phải mất vài tháng sau chúng mới được thực thi.

Trước thông tin Liên minh châu Âu có thể sẽ ban bố lệnh cấm vận mới, Iran vẫn phủ nhận những cáo buộc của phương Tây khi cho rằng nước này đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Tháng 12 năm ngoái, trong cuộc tập trận kéo dài 10 ngày, Iran tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz - con đường vận chuyển dầu mỏ chiến lược thế giới - trong trường hợp xảy ra chiến tranh với các nước phương Tây. Iran cũng bác bỏ nguồn tin cho rằng, tỷ giá đồng rial (đơn vị tiền tệ chính thức của Iran) đã xuống tới mức thấp kỷ lục trong tuần này vì những biện pháp thanh trừng của Mỹ đối với các ngân hàng của Iran.

Hiện ½ thu nhập của Chính phủ Iran đều bắt nguồn từ xuất khẩu dầu mỏ sang nước ngoài. Nếu châu Âu ngừng nhập dầu mỏ, Iran sẽ phải chuyển sang phát triển thị trường các nước châu Á để bù lại lượng doanh thu thâm hụt. Hiện tại sản lượng dầu mỏ xuất sang châu Âu chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Ngoài những sắc lệnh dự định thông qua vào cuối tháng này, trước đó Liên minh châu Âu cũng đã nhiều lần “mạnh tay” với nền kinh tế Iran vì vấn đề hạt nhân.

Liên minh châu Âu đã hạn chế việc buôn bán các trang thiết bị có thể được sử dụng để làm giàu urani và đóng băng tài sản của hàng loạt cá nhân và tổ chức được cho là đang hỗ trợ phát triển chương trình hạt nhân của Iran; cấm các cá nhân trong danh sách “đen” này nhập cảnh vào châu Âu. Vào ngày 1-12 năm ngoái, Liên minh châu Âu đã thêm 39 cá nhân và 141 công ty vào danh sách "đen" trên.

Năm 2011, Liên minh châu Âu cũng cấm xuất khẩu các trang thiết bị và công nghệ thiết yếu trong việc lọc và sản xuất khí thiên nhiên sang Iran nhằm gây ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng vốn đóng vai trò tối trọng trong nền kinh tế Iran. Không chỉ Liên minh châu Âu, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới cũng đưa ra nhiều biện pháp thanh trừng Iran.

Từ năm 2006 đến 2010, Liên hợp quốc đã phê chuẩn bốn sắc lệnh chống lại Iran vì không chịu ngừng làm giàu urani và bất hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Các nghị quyết này bao gồm cấm cung cấp vũ khí hạng nặng và công nghệ liên quan đến hạt nhân cho Iran; cấm Iran xuất khẩu vũ khí; đóng băng tài sản của các cá nhân và công ty chủ chốt của Iran.

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng đã ban hành nhiều sắc lệnh trừng phạt toàn diện vào Iran. Mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bị phá vỡ vào tháng 4-1980 sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Tehran bị một nhóm sinh viên tấn công trong cuộc Các mạng Hồi giáo của Iran. Kể từ đó đến nay, Mỹ đã liên tiếp áp đặt các sắc lệnh, với cáo buộc rằng, Iran đang tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế, vi phạm quyền con người và từ chối hợp tác với IAEA. Nội dung chính trong các sắc lệnh của Mỹ là cấm thông thương với Iran ở hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ một số hoạt động mà phía Mỹ cho là “sẽ có lợi cho người dân Iran” như xuất khẩu trang thiết bị y tế và nông nghiệp sang Iran, hỗ trợ về con người bằng cách cho binh lính sang đóng quân ở Iran và giao dịch hai lĩnh vực liên quan đến thông tin là phim ảnh và xuất bản.

Cuối tháng 11-2011, sau khi IAEA đưa ra báo cáo khẳng định chương trình hạt nhân của Iran phục vụ cho mục đích quân sự, ba nước Mỹ, Anh và Canada đã đồng thời tuyên bố áp dụng nhiều sắc lệnh song phương với Iran hơn. Cụ thể là Mỹ đã mở rộng các sắc lệnh trừng phạt đối với những công ty viện trợ cho ngành dầu mỏ và hóa dầu của Iran, trong khi đó Anh ra lệnh cho tất cả các tổ chức tài chính của nước này phải ngưng mọi giao dịch với các đối tác của Iran, kể cả ngân hàng trung ương Iran. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn ký thành luật một dự thảo nhằm gạt bỏ những công ty ngoại quốc hiện đang làm ăn với Ngân hàng trung ương Iran ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.

Bên cạnh đó, những năm gần đây một số nước khác như Thụy Sĩ, Nhật Bản, Australia cũng ban bố những sắc lệnh song phương chống lại Iran vì thái độ thiếu hợp tác với IAEA. Tuy nhiên, vẫn có những cường quốc kinh tế lên tiếng bảo vệ Iran. Nga và Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối với các sắc lệnh mới chống lại Iran của một số nước phương Tây. Động thái này đã khiến Hội đồng Bảo An của Liên hợp quốc không thể đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt hơn vì cả Nga và Trung Quốc đều có quyền phủ quyết tại cơ quan này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích báo cáo của IAEA là đã làm dấy lên những quan ngại không cần thiết trên thế giới và việc áp đặt lệnh trừng phạt song phương với Iran sẽ “gây ra những hậu quả nghiêm trọng”. Những năm gần đây, cả Trung Quốc và Nga đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Iran. Hiện Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Iran. Còn Nga đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở thành phố Bushehr, miền Nam Iran, đồng thời cung cấp nhiêu liệu hạt nhân cho lò phản ứng này./.