TCCSĐT - Ngày 12-12-2011, các chuyên gia thuộc nhóm "bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nối lại đàm phán với Aten về gói cứu trợ thứ hai dành cho quốc gia đang chìm trong nợ nần này.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho biết, vòng đàm phán lần này tập trung vào 2 thủ tục rất quan trọng để triển khai gói cứu trợ mới, được nhất trí tại Hội nghị Thượng đỉnh Khu vực đồng euro tháng 10 vừa qua, cũng như việc xóa 50% nợ cho Hy Lạp.

Gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp trị giá 130 tỉ euro, bao gồm 30 tỉ để tái huy động vốn cho các ngân hàng. Theo dự báo của giới chuyên gia, do bất ổn kinh tế trong Eurozone, vòng đàm phán lần này sẽ rất khó khăn.

Gói cứu trợ thứ nhất trị giá 110 tỉ euro dành cho Hy Lạp được giải ngân trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2010, với mục đích giúp Aten trang trải khoản nợ công 100 tỉ euro và giảm tỉ lệ nợ công từ hơn 160% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay xuống 120% GDP vào năm 2020. Tính đến nay, Hy Lạp đã nhận được 73 tỉ euro trong gói cứu trợ thứ nhất.

Trước đó, ngày 11-12-2011, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đưa ra nhận định, cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone đã tác động đến các thị trường mới nổi, đặc biệt là Đông Âu, do các nhà đầu tư thận trọng với rủi ro rút vốn khỏi những thị trường này. Nhiều nghiên cứu cho biết, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, các nhà đầu tư đã rút hơn 25 tỉ USD ra khỏi các thị trường mới nổi. Các nước Trung và Đông Âu chịu tác động nhiều nhất từ quyết định này.

Giá cổ phiếu trên các thị trường mới nổi cũng đã giảm mạnh trong tháng 9-2011, chứng tỏ những tài sản có nguy cơ rủi ro cao đã được bán nhằm giảm thiểu biến động trong danh mục đầu tư. Cùng thời gian này, khoảng 855 tỉ USD vốn đầu tư đã được hồi hương về Eurozone, chủ yếu về Pháp, như kết quả của việc giảm đầu tư ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, các ngân hàng lớn như Commerzbank của Đức, Unicredit của Italy tuyên bố sẽ giảm nguồn tín dụng mới cấp cho các thị trường mới nổi. Áo áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng của nước này đang là các chủ đầu tư lớn đối với Croatia, Sec, Hungari và Rumani. Một số nhà đầu tư cũng đã tìm cách đầu tư vào những "thiên đường an toàn" như thị trường trái phiếu ở Mỹ, Canada, Australia và một số nước Bắc Âu khác, hoặc đầu tư vào thị trường Nhật Bản.

Theo nghiên cứu của BIS, chiều hướng nói trên đang khiến các nhà đầu tư lo ngại bởi lẽ việc các ngân hàng Eurozone hạn chế cho vay đối với các công ty hoặc hộ gia đình ở các thị trường mới nổi có thể làm gia tăng chiều hướng sụt giảm tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia này./.