Chính phủ Việt Nam cần cải cách hơn nữa trong kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ổn định thấp nhất 6%, kiềm chế lạm phát; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế; đổi mới và cải cách về cơ cấu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục cải thiện y tế, giáo dục và thực hiện các tiến bộ và công bằng xã hội.
Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định như trên tại buổi họp báo ngày 3-12 khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc WB có những lời khuyên gì cho Việt Nam trước tình hình hiện nay.

Bà Sri Mulyani Indrawati cho rằng trước tình hình kinh tế thế giới hiện nay, dù có nền kinh tế nào thì cũng bị khủng hoảng, vì thế Chính phủ Việt Nam nên rút kinh nghiệm từ các nước khác nhau trên thế giới để tránh được những thiệt hại mà các nước đã gặp phải.

 Bà cũng khẳng định, WB sẽ tiếp tục dành ưu tiên cho Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; hỗ trợ thực hiện các chính sách nhằm giảm khoảng cách và ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thông qua đổi mới; hỗ trợ , tư vấn chính sách, nguồn lực, tài chính và kỹ thuật, trong phát triển kinh tế.

Tại buổi họp báo, bà Sri Mulyani Indrawati đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội những năm qua của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu; ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

 Hiện nay, Việt Nam đã vượt qua tình trạng nước nghèo, kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình, đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài chính khác nhau trên thế giới. Trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội duy trì tăng trưởng GDP ổn định , đưa lạm phát về một con số, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội… là việc làm hết sức cần thiết để giúp Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo.

 Nhận định về ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế ở các nước châu Âu và châu Á đối với Việt Nam, bà Sri Mulyani Indrawati cho rằng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, vì thế kinh tế trong nước sẽ dễ bị tổn thương hơn trước những biến động của kinh tế thế giới.

 Do đó, để giải quyết thách thức này, bà Sri Mulyani Indrawati cũng khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam phải có chính sách nhất quán và điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tài chính, tiền tệ; đảm bảo về giá nhiên liệu, năng lượng; cũng như tiến hành tái cơ cấu kinh tế; đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng có khả năng tránh những tác động tiêu cực./.