IAEA: Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân

Hà Bùi
21:17, ngày 09-11-2011

TCCSĐT - Các nhà giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (IAEA) vừa thông báo, cơ quan này đã thu thập được thông tin cho thấy, Iran đang tiến hành các thử nghiệm “liên quan đến chế tạo thiết bị gây nổ hạt nhân”.

Trong báo cáo mới công bố hôm 8-11-2011 về chương trình hạt nhân của Iran, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, các nghiên cứu về mô hình máy tính mà Iran đang thực hiện có thể được sử dụng để phát triển kíp nổ bom nguyên tử hạt nhân. Giới truyền thông nhận định, đây là báo cáo cứng rắn nhất của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran từ trước đến nay.

Iran bác bỏ báo cáo của IAEA

Ngay lập tức Iran đã bác bỏ báo cáo của IAEA. Iran cho rằng, báo cáo này "vô căn cứ" và "thành kiến".
 

 Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad kịch liệt phản đối bản báo cáo trên và coi đó là sự bịa đặt, nhằm thỏa mãn những luận điệu của Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã kêu gọi IAEA công bố báo cáo về kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, thay vì đưa ra những báo cáo không đúng sự thật về chương trình hạt nhân dân sự của một nước độc lập như Iran. Tổng thống Ahmadinejiát cho rằng IAEA đang bị biến thành một công cụ để một số nước dùng để kiểm soát thế giới.

Trả lời phỏng vấn của Hãng thông tấn Mehr (Iran), Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã cáo buộc Mỹ đang tạo cớ chống lại Iran thông qua chương trình hạt nhân, đồng thời chỉ ra thực tế ngân sách nghiên cứu hạt nhân của Iran chỉ là 250 triệu USD, trong khi Mỹ có 5.000 quả bom nguyên tử và chính quyền của Tổng thống Barack Obama trong năm 2011 đã chi 81 tỉ USD để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của nước này. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng kêu gọi Washinton từ bỏ chính sách thù địch chống lại Teheran và cảnh báo Iran sẽ giáng trả bất kỳ cuộc tấn công của Mỹ vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Đặc phái viên của Iran tại IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh khẳng định các tư liệu trong phụ lục của báo cáo nói trên "không chứa đựng thông tin gì mới. Đây chỉ là sự lặp lại những cáo buộc đã được Iran chứng minh là vô căn cứ trong tài liệu phản hồi IAEA dài 117 trang cách đây bốn năm. Ông A.Soltanieh nêu rõ: "Iran đã chứng minh rằng, các cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ và trong tám năm qua không xuất hiện bằng chứng nào về sự chuyển hướng của nguyên liệu hạt nhân sang phục vụ mục đích quân sự". Theo ông A.Soltanieh, cộng đồng quốc tế sẽ coi những cáo buộc mới này mang động cơ chính trị.

Giới chức Iran cho rằng, các bằng chứng mà báo cáo đưa ra là ngụy tạo, là cách mà phương Tây muốn thực hiện để buộc Teheran ngừng chương trình hạt nhân.

Nhiều bằng chứng xác thực

Tuy nhiên, theo IAEA, báo cáo lần này đã đưa ra rất nhiều bằng chứng xác thực. Báo cáo này đã được công bố trên website của Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS).

Theo bản báo cáo, Iran đã tiếp tục nghiên cứu các kíp nổ tác dụng nhanh mà có thể được ứng dụng trong các thiết bị kích nổ nguyên tử, các hoạt động quân sự truyền thống và hãn hữu dùng cho dân sinh. Các thử nghiệm liên quan đến kíp nổ đều rất giống với việc mô phỏng kích nổ thiết bị hạt nhân. IAEA đã thu thập được tài liệu và thông tin về phát triển vũ khí hạt nhân tại một hệ thống cung cấp nguyên tử bí mật của Iran. Theo đó, Iran đã nắm vững thiết kế về bom nguyên tử và các thành phần được thử nghiệm.

Báo cáo cũng chỉ rõ, những thông tin mà IAEA đang nắm giữ cho thấy, các hoạt động trên đã diễn ra theo một chương trình bài bản từ trước năm 2003 đồng thời, đưa ra những bằng chứng về một số hoạt động có liên quan đến việc phát triển thiết bị kích nổ hạt nhân của Iran vẫn được diễn ra từ năm 2003 đến nay. Qua đó, Iran nên hợp tác với IAEA và không nên trì hoãn việc trả lời rõ ràng những quan ngại được đặt ra trong báo cáo về chương trình hạt nhân của nước này.

IAEA khẳng định, những thông tin trong báo cáo là “đáng tin” và được thu thập từ một số quốc gia trong 35 quốc gia thành viên của IAEA, cộng thêm nghiên cứu của chính cơ quan này và của Iran.

Tăng cường sắc lệnh chống lại Iran

Sau khi báo cáo của IAEA được công bố, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã đề nghị Tổng thống Barack Obama ra những sắc lệnh kinh tế mới chống lại Iran. Nghị sĩ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban tình báo của Nghị viện đã bày tỏ quan ngại rằng, Isarel sẽ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Mỹ và các đồng minh không có hành động phản ứng. Nghị sĩ Mike Roger đề xuất những sắc lệnh mới nên cắt giảm nguồn cung nhiên liệu tinh chế cho Iran và đánh vào Ngân hàng trung ương của nước này - cơ quan cung ứng tài chính cho chương trình hạt nhân của Tehran.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ileana Ros-Lehtinen cho rằng, báo cáo của IAEA là bằng chứng cho thấy Mỹ và các nước cần có hành động mang tính quyết định nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc cũng thông qua bốn chương của những sắc lệnh mới chống lại Iran vì đã từ chối ngừng làm giàu urani. Theo Hội đồng Bảo an, việc làm giàu urani ở mức độ cao có thể được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Bản báo cáo này của IAEA được đưa ra trong bối cảnh, Tổng thống Israel Shimon Peres thì đề cập đến "giải pháp quân sự" đối với Teheran nhằm ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran, còn giới chức Mỹ cho biết, họ không loại trừ giải pháp nào trong vấn đề Iran.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc lại không ủng hộ các lệnh trừng phạt mới chống lại Iran. Nga cho rằng, báo cáo của IAEA đã làm gia tăng những căng thẳng trên thế giới và cần nhiều thời gian hơn để quyết định xem báo cáo đó có chứa bằng chứng mới, đáng tin về chương trình hạt nhân của Iran hay không. Nga cho rằng, Iran phải mất ít nhất một năm nữa mới có thể chế tạo một quả bom nguyên tử. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, báo cáo của IAEA, ngay cả trước khi được công bố trong nội bộ các nước thành viên, đã gây ra những phỏng đoán và tin đồn, càng làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Teheran và phương Tây. Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh chính thức phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với Iran, đồng thời đề nghị Teheran mềm dẻo, thẳng thắn để tạo môi trường thúc đẩy nối lại tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân./.