Hà Giang - một nhân tố quyết định mọi thành công nằm ngay ở cơ sở
Ở Hà Giang, vật chất phải đóng vai trò làm điều kiện; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh làm nền tảng thực hiện mọi quyết sách; công tác xây dựng Đảng làm then chốt và phải bắt đầu từ chi bộ, từ thôn bản. Đó là cách làm ở Hà Giang những năm vừa qua. Hay nói khác đi: Điều quyết định mọi sự thành công ở Hà Giang bắt nguồn từ cơ sở.
Hà Giang có diện tích 7.945,79 km2, trên 274 km biên giới với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, dân số hiện nay hơn 69 vạn người với cộng đồng 22 dân tộc anh em cư trú và sản xuất ở 195 phường, xã, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã. Địa hình tự nhiên của tỉnh Hà Giang hình thành 3 vùng có đặc trưng riêng biệt: Vùng cao núi đá phía Bắc (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ) với truyền thống canh tác "Trồng ngô trong hốc đá"; nằm trong 9 huyện khó khăn nhất của cả nước, ở vùng này đất và nước đều thiếu vì ba phần tư là núi đá, có độ dốc cao, thậm chí rất cao. Vùng cao núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần), với truyền thống canh tác "Ruộng bậc thang"; vùng thấp "Động lực" của tỉnh (thị xã Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Mê, Bắc Quang và Quang Bình), với tiềm năng, thế mạnh sản xuất lương thực, cây ăn quả (cam, quýt), nguyên liệu giấy, dịch vụ...
Điều kiện tự nhiên của tỉnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Kế thừa những kết quả đã đạt được trong những năm qua, với những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo của những khóa trước, Đại hội lần thứ 14 của Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu phát triển đến năm 2010: Nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh đoàn kết các dân tộc, phát huy nội lực; khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quyết tâm vượt ra khỏi tình trạng một tỉnh đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong khu vực để sớm thoát khỏi tỉnh nghèo. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2010 có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông lâm nghiệp; đẩy mạnh tiếp thu tiến bộ khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Chủ trương là vậy, nhưng làm sao tới được cơ sở, thấm vào lòng và trở thành hành động của nhân dân?
Năm 2005, tỉnh chịu sức ép rất lớn từ số nợ trong đầu tư xây dựng cơ bản các năm trước để lại. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đoàn kết, chỉ đạo và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp. Qua Đại hội đã rút ra bài học thiết thực là: Càng gặp lúc khó khăn càng phải đoàn kết, nếu có khuyết điểm thì kiên quyết phải sửa, không sợ sai, sợ lỗi.
Theo đó, Tỉnh ủy xác định, cần nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, lấy đó làm nòng cốt để vượt qua khó khăn. Năm 1999, đã cơ bản xóa thôn trắng, bản trắng đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều chỉnh tiêu chuẩn về trình độ học vấn đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng, đảng viên mới phải cam kết trong thời gian dự bị phải hoàn tất về trình độ học vấn, trước khi chi bộ xét chuyển thành đảng viên chính thức. Năm 2006, Hà Giang kết nạp được 2.873 người vào Đảng, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 64,4%.
Năm 2000, các xã, phường, thị trấn ở Hà Giang đều có đảng bộ. Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2005, các thôn, bản phải có chi bộ, nhưng đến hết năm 2003 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu này.
Hà Giang tập trung xây dựng chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ mà trước hết là đội ngũ bí thư Đảng các cấp, trọng tâm là đội ngũ bí thư ở các thôn, bản.
Tỉnh ủy chỉ đạo chặt chẽ sinh hoạt chi bộ đều đặn theo đúng Điều lệ Đảng và kiểm tra thường xuyên cùng với đột xuất vấn đề này. Để bảo đảm chất lượng sinh hoạt chi bộ phải có hướng dẫn cụ thể. Thành lập chi bộ thôn, bản ở một tỉnh miền núi là cả một kỳ công, do đó phải bằng mọi cách đưa chi bộ vào hoạt động nền nếp. Như thế mới giữ được tiếng nói của Đảng ở bất cứ địa bàn nào, dù ở vùng sâu hay vùng xa. Biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác cho bí thư chi bộ theo hướng "cầm tay chỉ việc". Báo cáo viên là các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ huyện, thị ủy phụ trách xã có nhiệm vụ bồi dưỡng cho bí thư chi bộ. Có liên hệ cụ thể, sát thực để sinh hoạt chi bộ bảo đảm được tính lãnh đạo, tính giáo dục, chiến đấu.
Có như vậy, chủ trương của Đảng đến thẳng với nhân dân. Minh chứng cụ thể trong sản xuất: Nông nghiệp phát triển toàn diện, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đưa sản lượng lương thực của tỉnh tăng khá cao (năm 2006 đạt 24,8 vạn tấn). Chăn nuôi được chú trọng đầu tư phát triển với giải pháp "trồng cỏ gắn với chăn nuôi theo hộ gia đình" ở vùng cao núi đá; chăn nuôi "quy mô trang trại hộ gia đình" theo hướng sản xuất hàng hóa đối với vùng thấp đã tạo ra một sự chuyển biến tích cực, nhiều hộ nông dân thu nhập từ chăn nuôi chiếm từ 50 đến 60% giá trị thu nhập trong nông nghiệp. Lâm nghiệp đã tích cực trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, độ che phủ rừng đạt 45,5%, vào cuối năm 2006.
Sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, loại hình kinh doanh và thành phần kinh tế, tập trung vào một số lĩnh vực có lợi thế như xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, khai khoáng, tuyển quặng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè, chế biến nông, lâm sản,... Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như rèn, đúc, dệt thổ cẩm, sản xuất hàng mây, tre đan được khơi dậy và phát triển, góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn ngày càng tốt.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo: Phải tạo ra thị trường, phát triển mạnh chợ nông thôn, tạo dựng thị trường trong huyện, tỉnh, tạo nên luồng hàng công nghiệp vào phục vụ dân. Cứ thế, công nghiệp và nông nghiệp gắn chặt nhau.
Hệ thống chợ nông thôn hình thành dần ở nhiều xã trong các huyện, tạo không khí sôi động, tạo thế hội nhập, từ đó các hoạt động khuyến nông, khoa học - kỹ thuật có điều kiện và cơ hội phát triển. Có chợ, phải phát triển giao thông. Tỉnh huy động sức dân làm đường; Nhà nước hỗ trợ thuốc nổ để phá đá mở đường.
Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các cơ sở khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, các khu, điểm du lịch, đã và đang được xây dựng. Kinh tế cửa khẩu được chú trọng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng tăng về quy mô và chủng loại.
Hoạt động vận tải, bưu chính - viễn thông phát triển khá, bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc thông suốt. Đến nay đã có 100% số xã, phường, thị trấn có điện thoại; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 97% số xã và phủ sóng truyền hình tới 87% số xã. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững.
Hà Giang không có "điểm nóng", nhân dân ít đề nghị, càng không thích làm đơn xin cấp ủy, chính quyền. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang là vậy. Do thế, chi bộ phải hiểu dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lãnh đạo nhân dân để phục vụ nhân dân, thể hiện được ý Đảng lòng dân, tạo thế ổn định từ cơ sở, tạo nền móng cho sự phát triển.
Về công tác cán bộ, gắn chặt quy hoạch với đào tạo, đào tạo phải xuất phát từ yêu cầu và tình hình thực tiễn của cơ sở. Với phương châm đó, Hà Giang mở 4 lớp "đặc biệt" dành cho cán bộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa; mở 2 lớp đại học dành cho cán bộ xã. Xác định đội ngũ cán bộ này bám trụ là gốc, luân chuyển là động lực. Tỉnh thực hiện chế độ trợ cấp là chủ yếu, mỗi người học đóng góp là trách nhiệm. Phương thức đó rõ ràng rất thích hợp và có hiệu quả ở Hà Giang.
Một minh chứng sinh động nữa là, nhân ngày bầu cử Quốc hội khóa XII (20-5-2007), tỉnh đã phát động phong trào thi đua đặc biệt trong toàn tỉnh. Sau hơn 3 tháng phát động, toàn tỉnh đã mở mới được 642,63 km đường giao thông nông thôn; xóa được 3.195 nhà tạm; hỗ trợ 8.510 hộ dân vay vốn ưu đãi để mua giống trâu, bò phát triển chăn nuôi. Cuộc bầu cử diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, bảo đảm an toàn tuyệt đối, với tỷ lệ cử tri đi bầu cử là 99,99%.
Tập trung sức mạnh cho cơ sở
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của 791 tổ chức cơ sở đảng, Hà Giang thành lập đoàn công tác gồm: lãnh đạo cấp ủy các huyện, thị, các Ban xây dựng Đảng tỉnh ủy và các huyện, thị... để tiến hành kiểm tra cơ sở về sinh hoạt, năng lực và sức chiến đấu của chi bộ ở 1 thôn bản và 1 cơ quan, 1 đảng bộ xã, phường; qua đó đánh giá thực trạng về công tác đảng, rút ra bài học để chỉ đạo chung. Tỉnh làm điểm, sau đó cấp ủy cấp huyện, thị xã nhân rộng. Từ đó, nhiều huyện ủy ra nghị quyết chuyên đề về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Cùng với đó, Tỉnh ủy giao cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp khảo sát từ thôn, bản về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Sau đó mở Hội nghị toàn tỉnh, để rút kinh nghiệm và chỉ đạo thực hiện. Đảng lãnh đạo nhân dân nhưng không chung chung, mà thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Chi bộ muốn mạnh thì Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phải mạnh. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân khẳng định vị trí, vai trò của mình; chi bộ Đảng in dấu ấn của mình trong lòng dân. Năm 2006, qua phân loại, có 327 tổ chức cơ sở đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, trong đó, có 88 đơn vị đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Địa bàn hoạt động của đảng ủy cơ sở không phải đơn thuần ở xã mà ở khu dân cư gắn liền với chi bộ - đó là cách đi của Hà Giang. Chẳng hạn, muốn có đối tượng đảng, phải có phong trào; qua phong trào tạo nên quần chúng ưu tú. Phong trào càng mạnh, sẽ tạo ra và có nhiều nhân tố mới. Nếu chủ trương chưa tới thôn, bản thì chưa thể nói là đã hoàn thành nhiệm vụ. Muốn có phong trào thì phải thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Do đó các ngành của huyện phụ trách xã, không thể chung chung. Cán bộ phòng, ban cấp huyện, thị trước khi đề bạt phải có thời gian đi công tác cơ sở để phấn đấu, rèn luyện, sau đó rút về bổ nhiệm. Nghĩa là phân cấp rèn luyện cán bộ các cấp ngay từ cơ sở.
Tỉnh hợp đồng với 288 sinh viên đại học về công tác ở xã, và coi đây làm nguồn cho cán bộ xã sau này một cách lâu dài; đã cử 34 đồng chí sỹ quan biên phòng làm phó bí thư đảng ủy xã, thị trấn biên giới. Đồng thời, thực hiện sự phân công: tỉnh ủy viên, giám đốc các ngành tỉnh phụ trách xã. Hằng quý, hằng tháng, Thường vụ huyện ủy, thị ủy họp với xã, với phường và với cán bộ phụ trách xã, phường. Theo cách ấy, chủ trương của tỉnh xuống tận xã, tận thôn, bản, trong thời gian ngắn nhất.
Quy chế Dân chủ ở cơ sở được cụ thể hóa những điều dân phải được biết, phải được bàn, dân bàn để làm, dân làm - Nhà nước hỗ trợ. 195 xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh đã thực hiện tốt điều này. Theo đó, càng có điều kiện phân cấp cho cơ sở, khắc phục cơ chế "xin - cho", nâng cao chất lượng cán bộ. Hằng quý, thường trực cấp ủy làm việc với các ban Đảng, mời Mặt trận Tổ quốc cùng cấp cùng nghe; hoặc ngược lại, làm việc với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, mời các ban Đảng cùng dự. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xác định việc để làm, khắc phục sự chồng chéo; cấp tỉnh có mặt tận xã, thị trấn (thậm chí có mặt tại thôn, bản); cấp huyện có mặt tận thôn, bản. Cứ thế, tạo nên sự thống nhất từ tỉnh đến xã, tạo sự chuyển động đồng bộ tới tận thôn, bản.
Thường trực các cấp ủy tổ chức việc tổng kết chung cho các Ban Đảng hằng năm; từ đó, nâng cao chất lượng công tác tham mưu của cấp ủy. Các ban Đảng hiểu nhau qua giao ban, tổng kết; Thường trực cấp ủy kết luận và chỉ đạo trực tiếp một cách kịp thời. Các cấp ủy đi theo phương hướng như vậy, một mặt vừa nâng cao trình độ cán bộ chung, mặt khác các ban xây dựng Đảng hiểu công việc của nhau... Làm như vậy, rất tiết kiệm thời gian, kinh phí. Chính điều đó tạo điều kiện cho các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động thống nhất, trên cơ sở hiểu biết công việc của nhau, sẵn sàng hỗ trợ nhau.
Tư duy mới về giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản  (14/08/2007)
Về vấn đề để hoàn thiện hành lang pháp lý để tăng cường sự tham gia của nhân dân trong sự quản lý nhà nước và xã hội  (14/08/2007)
Xây dựng cơ chế pháp lý bảo đảm cho nhân dân tham gia hoạt động giám sát và phản biện xã hội  (14/08/2007)
Tăng cường sự tham gia của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước  (14/08/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên