TCCSĐT - Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia Nam Á, Đông Á và Trung Á - nơi được báo cáo “thiếu” 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái. Theo “kịch bản” dân số khả quan nhất, nếu tỷ số giới tính khi sinh trở về mức bình thường trong vòng mười năm tới thì nam giới của Trung Quốc và Ấn Độ vẫn phải đối mặt với “sức ép kết hôn” một cách nghiêm trọng trong vài thập kỷ vì rất nhiều người trong số họ sẽ không thể tìm được bạn đời do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Nguy cơ này đã được trình bày tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”.
Ngày 5 và 6-10, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”. Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế Dương Quốc Trọng, ông I-ê-mon Mơ-phy (Eamonn Murphy) - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Nô-bu-kô Hô-ri-bê (Nobuko Horibe) - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương UNFPA, ông Brúc Căm-beo (Bruce Campbell) - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và các chuyên gia quốc tế và trong nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sáng kiến của Bộ Y tế và Liên hợp quốc tại Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo. Đồng thời cho rằng, những thành công và bài học của các nước sẽ là những kinh nghiệm giúp Việt Nam phát triển gia đình và xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả hơn để đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường.


Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) bình thường về mặt sinh học nằm trong khoảng 104-106 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, các tỷ số cao đã được ghi nhận tại Trung Quốc (118,1 bé trai/100 bé gái vào năm 2009), Ấn Độ (110,6 bé trai/100 bé gái vào năm 2006 - 2008). Ở Việt Nam, tỷ số này là 111,2 bé trai/100 bé gái vào năm 2010. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến SRB tăng cao là tâm lý ưa thích con trai đã có từ lâu đời tại nhiều quốc gia châu Á.


Bà Nô-bu-kô Hô-ri-bê, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA chia sẻ: “Phụ nữ phải chịu áp lực nặng nề về việc phải sinh con trai. Điều này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sinh sản của phụ nữ với những hệ lụy liên quan đến sức khỏe và tính mạng của họ mà còn đẩy phụ nữ vào tình trạng phải chấp nhận vị thế kém hơn do tâm lý ưa thích con trai”.


Chính phủ tại các nước có SRB cao đã thực hiện một số giải pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía chính phủ và các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu và là lý do chính cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.


Ông I-ê-mon Mơ-phy, cho rằng: “Để duy trì động lực đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 về Bình đẳng giới tại Việt Nam, các nỗ lực cần hướng tới việc thay đổi tâm lý ưa thích con trai của các cặp vợ chồng cũng như việc nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hơn nữa, cần tiến hành thêm các nghiên cứu để tìm hiểu rõ hơn các yếu tố xã hội và văn hóa có tác động tới sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm cải thiện các hoạt động giáo dục và một số can thiệp khác”.


Giải quyết sự cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề xã hội lớn. Điều đó không chỉ phản ánh bản chất nhân văn xã hội của một xã hội bình đẳng và nhân ái mà còn hướng tới mục tiêu toàn diện khác của xã hội hiện đại, sự bảo đảm bình ổn về chính trị và các nhu cầu phát triển./.