Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Bình Định
Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích 602.443 ha, nằm sườn đông dãy Trường Sơn, địa hình hẹp và dốc; đất nông nghiệp phân tán, kém màu mỡ, trong khi đó, đây lại là vùng có thời tiết khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, gây ra hạn hán; mùa mưa ngắn, lại thường xuất hiện bão, lũ gây ra tình trạng sa bồi, thủy phá nghiêm trọng… Hằng năm, đây là những trở lực thường gây khó khăn lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Nhận thức được những khó khăn, thách thức đối với sản xuất nông nghiệp và nông thôn, quán triệt chủ trương của Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, Bình định đã có nhiều chủ trương, chương trình, dự án về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng, phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương. Từ tháng 8 năm 2006, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là một trong những đòn bẩy quan trọng làm cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển khá toàn diện.
1 - Khoa học công nghệ được ứng dụng tương đối rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, nhất là công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của Bình Định. Cơ cấu cây trồng, mùa vụ được chuyển đổi khá tích cực, nhất là chuyển đổi diện tích lúa 3 vụ bấp bênh, kém hiệu quả sang 3 vụ ăn chắc. Đến nay, cả tỉnh đã chuyển đổi được 14.700 ha đạt 70% so với mục tiêu đến năm 2010. Bên cạnh đó, bà con nông dân trong tỉnh còn thực hiện tốt chương trình cấp I hóa giống lúa (97% diện tích gieo trồng ); chương trình cải tạo giống bò; chương trình nạc hóa đàn lợn; phát triển đàn gia cầm, đưa năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng. Cụ thể: So với năm 2001, năm 2007, về trồng trọt, năng suất lúa tăng 22,2%; năng suất ngô tăng 38,2%; năng suất sắn tăng 86,8%; năng suất lạc tăng 49,4%; năng suất đậu tương tăng 20,1%...; sản lượng lương thực có hạt tăng lên từ 532.500 tấn lên 618.000 tấn, tăng 16,05%. Về chăn nuôi, tổng đàn lợn tăng 13,8%, tổng đàn bò tăng 74,4%, đặc biệt tỷ lệ bò lai năm 2007 chiếm 50% tổng đàn. Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung năm 2007 đạt 4.489 ha, tăng 16,8% và tỷ lệ độ che phủ của rừng đạt 42%, tăng 26,5%. Qua đó, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững, với tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2001 - 2005 đạt 5,8%, bình quân 2 năm 2006 - 2007 đạt 6,35%. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ năm 2001 đến năm 2007, giá trị sản xuất trồng trọt giảm dần từ 71,5% xuống còn 59,5%; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng dần từ 25,9% lên 31% và dịch vụ từ 2,6% lên 3,1%. Quan trọng hơn, trên địa bàn tỉnh, hình thành các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm như: vùng nguyên liệu mía, sắn, điều, vùng sản xuất tập trung lạc, đậu tương, nguyên liệu giấy, trang trại chăn nuôi tập trung... Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn những năm qua, còn tạo tiền đề phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng máy móc như: dịch vụ làm đất bằng máy chiếm 92%, gieo sạ bằng máy chiếm 45%, thu hoạch bằng máy chiếm 55%, đập tuốt lúa chiếm 90% ...
2 - Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được tăng cường đầu tư xây dựng. Trong những năm gần đây, ngoài việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Định Bình, Cần Hậu, tỉnh còn đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước Tường Sơn, Hòn Lập, Long Mỹ, Hóc Tài, Tây Dậu, Tung Sơn, Thạch Khê... và thực hiện kiên cố hóa kênh mương. Bên cạnh đó, nhân dân trong tỉnh còn tự đầu tư xây dựng các công trình thời vụ, công trình tạm... bảo đảm nước chủ động cho 75% diện tích gieo trồng trên địa bàn, trong đó công trình kiên cố bảo đảm tưới 59% diện tích, tăng 11,3% so với năm 2001. Kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh như công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, điện nông thôn, đường giao thông nông thôn... được tỉnh đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nhân dân được tỉnh hỗ trợ, tích cực đầu tư phát triển giếng đào, giếng khoan, các công trình chứa nước sinh hoạt nhỏ lẻ cùng các công trình phục vụ dân sinh khác. Đến cuối năm 2007, tỷ lệ dân số nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 72,0%; số hộ nông thôn được sử dụng điện ước đạt 98% và hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt khoảng 71%.
Đi đôi với đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển nông thôn, Bình Định còn xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển làng nghề tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; ban hành tiêu chí công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp và chính sách khuyến khích các hộ gia đình, các thành phần kinh tế đầu tư khôi phục, xây dựng các ngành nghề, làng nghề truyền thống; triển khai xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống của địa phương như: rượu Bàu Đá, bún Song Thần; tổ chức đào tạo nghề cho con em nông dân... góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động ở nông thôn.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bình Định những năm qua, góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá, giai đoạn 2001 - 2005 tổng sản phẩm địa phương hằng năm bình quân tăng 9%, riêng 2 năm 2006, 2007, bình quân tăng 12,25%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, một bộ phận được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,63% (theo tiêu chí mới). Năm 2007, Bình Định được xếp thứ 4/64 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy đạt được những thành tựu bước đầu, nhưng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vẫn còn một số hạn chế:
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ còn chậm và chưa bền vững. Trình độ thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế; Chất lượng sản phẩm một số cây trồng, vật nuôi chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
- Việc đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chậm và thiếu bền vững, nhất là vùng nguyên liệu, mía.
- Công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa kịp thời nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng.
- Việc điều chỉnh và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn còn chậm; công tác quản lý nhà nước của ngành còn hạn chế nhất định và hiệu quả chưa cao, nhất là công tác quản lý giống, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, phòng chống dịch bệnh ở cơ sở.
Hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa đa dạng, phù hợp với lợi thế đất đai, nguồn lực của tỉnh, hiện nay Bình Định đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010. Phấn đấu đến năm 2010, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng bình quân hằng năm 5,6%, trong đó nông nghiệp tăng 5,4%; dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 85%; số hộ nông thôn được sử dụng điện là 99%; 70% - 80% đường giao thông nông thôn được bê tông hoá; hằng năm giải quyết việc làm cho 24.000 lao động nông thôn và giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống 64%; tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% theo chuẩn mới.
Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu trên, năm 2008 và những năm tiếp theo tỉnh Bình Định tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ như: chuyển diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hiệu quả hơn và chuyển diện tích ở những vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa/năm; mở rộng diện tích ngô, lạc, đậu tương, vừng, và một số cây, con có điều kiện phát triển và thị trường tiêu thụ. Phát triển các vùng sản xuất tập trung, trang trại gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Đẩy mạnh công tác ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là trong khâu giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật canh tác. Khảo nghiệm, tuyển chọn và sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng nhanh năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để giảm thất thoát và nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo từng vùng có tiềm năng nguyên liệu; đồng thời khôi phục làng nghề truyền thống để giải quyết việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất và mức sống cho người dân ở nông thôn.
- Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của trung ương, vốn nước ngoài và huy động vốn địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư cho thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn, điện, giao thông nông thôn v.v...
- Tiếp tục sắp xếp đổi mới hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng đa ngành và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn đi đôi với phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giải quyết việc làm, chuyển dần một phần lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ
- Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để huy động các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ để ổn định cán bộ lâu dài trên từng địa bàn nông thôn, gắn đào tạo với quy hoạch, bổ sung lực lượng cán bộ cho thôn, xã, các trang trại, cơ sở sản xuất. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Tập trung đào tạo kỹ thuật nông, lâm nghiệp, cơ khí, chế biến, kinh doanh dịch vụ... phấn đấu đưa tỷ lệ lao động ở nông thôn qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt trên 45% vào năm 2010./.
Bế mạc Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008 tại Hà Nội  (16/05/2008)
Đằng sau cuộc xung đột ở Li-băng  (16/05/2008)
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta  (16/05/2008)
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta  (16/05/2008)
Tìm hình thức hợp tác mới cho quan hệ Việt-Hung  (16/05/2008)
Tìm hình thức hợp tác mới cho quan hệ Việt-Hung  (16/05/2008)
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên