Mỹ mở cửa Khu tưởng niệm các nạn nhân 11-9 đón khách tham quan
Khu tưởng niệm được xây dựng trên khu đất rộng 3 héc-ta, nơi trước đây chính là tòa tháp đôi ở thành phố Niu Yoóc (New York) bị sụp đổ trong vụ tấn công ngày 11-9-2001. Đầu tiên, du khách sẽ đi qua một rừng 200 cây gỗ sồi trắng được trồng ven đường đi dẫn du khách đến với hai thác nước sâu 9 mét. Xung quanh hồ nước hình vuông là 16 tấm bảng đồng có khắc tên 2.983 nạn nhân xấu số trong các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 cộng với tên của 6 nạn nhân trong vụ ném bom vào Trung tâm Thương mại năm 1993. Với mong muốn giúp người thân của nạn nhân dễ chia sẻ nỗi đau với nhau, các nhà thiết kế đã sắp xếp tên các nạn nhân theo một phương pháp đặc biệt, ưu tiên theo nhóm gia đình, đồng nghiệp, cùng địa điểm khi vụ khủng bố xảy ra.
Bao quanh hai khu thác là hơn
400 cây xanh được trồng, mang lại sự tĩnh lặng và riêng biệt khỏi sự tất
bật của một thành phố hiện đại
Ngay trong ngày đầu tiên, khoảng 7.000 du khách đến thăm Khu tưởng niệm. Vé vào cửa miễn phí nhưng du khách buộc phải đi qua một khu kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và hệ thống máy soi hành lý hiện đại. Nhiều người nhà nạn nhân đã mang theo bút chì và giấy để in lại tên người thân của mình. Nhiều du khách đã bật khóc khi tìm thấy tên của người thân. Nhiều du khách cho biết, họ luôn bị ám ảnh bởi những hình ảnh thảm khốc của 10 năm về trước. Nhưng khi bước vào khu này, tất cả đã tan biến. Đây là một nơi quá thanh bình giúp dễ quên đi những gì đã xảy ra và chỉ còn nghĩ đến tương lai. Khoảng 400.000 người đã đăng ký đến tham quan Khu tưởng niệm trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, thành phố Niu Yoóc vẫn tiếp tục hoàn thiện viện bảo tàng dưới lòng đất, dự kiến sẽ mở cửa vào tháng 9 năm sau. Ngoài ra, công trình xây dựng lại Trung tâm Thương mại thế giới với thiết kế 80 tầng, cao 541 mét cũng đang được tiến hành.
Trước đó một ngày, tại Mỹ, lần đầu tiên nhân dịp lễ tưởng niệm ngày 11-9, vào lúc 8h46, toàn bộ các nhà thờ, thánh đường của thành phố cùng gióng lên một hồi chuông vào thời khắc chiếc máy bay bị khủng bố chiếm đoạt đâm vào tòa tháp phía Bắc. Cũng là lần đầu tiên, thời gian im lặng để tưởng niệm kéo dài trong 6 phút, nhiều hơn 2 phút so với mọi năm, vào các thời khắc 8h46, 9h03, 9h59 và 10h28, là thời điểm máy bay đâm vào hai tòa tháp ở khu Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) và thời điểm hai tòa nhà sụp đổ. Tên của tất cả các nạn nhân trong thảm họa ngày 11-9-2001 ở tòa tháp đôi và hai nơi khác là trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ và thành phố Sanh-xvin (Shanksville), thuộc tiểu bang Pen-xin-va-ni-a (Pennsylvania) được xướng lên trong lễ tưởng niệm. Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong hai vụ khủng bố khác tại Sanh-xvin và Lầu Năm góc.
Phát biểu trước công chúng, Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố, thập kỷ hậu 11-9 đã chứng minh rằng, bất chấp những chia rẽ, xung đột và suy thoái kinh tế, không gì có thể phá vỡ quyết tâm của Oa-sinh-tơn (Washington) nếu người Mỹ vẫn đoàn kết. Cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc, mối đe dọa vẫn luôn hiện hữu, nhưng thế giới không được để khủng bố cướp đi quyền cơ bản nhất của con người là quyền sống.
*Cùng với nước Mỹ, nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức các buổi lễ họp mặt, tưởng niệm, hòa nhạc và hoạt động từ thiện để chia sẻ sự cảm thông với biến cố đau buồn của nước Mỹ.
Tại Mát-xcơ-va, buổi lễ tưởng niệm vang lên khúc giao hưởng số 3 của nhạc sĩ Mỹ Lê-ô-nát Bơn-xtên (Leonard Bernstein), tác phẩm được sáng tác để tưởng niệm cố Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi (John Kennedy).
Tại Áp-ga-ni-xtan, Lễ tưởng niệm cũng diễn ra tại Đại sứ quán Mỹ ở nước này, nơi Mỹ dưới thời cựu Tổng thống G. Bu.sơ đã đem quân vào lật đổ Ta-li-ban bị cho là dung dưỡng An Kê -đa (Al-Qaeda), thủ phạm đứng sau vụ 11-9.
Tại Anh, đồng minh lớn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Thái tử Sác-lơ (Charles) và Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) cùng thân nhân của 67 người Anh tử nạn trong các vụ tấn công trên đã tham dự buổi lễ tưởng niệm ở Luân Đôn. Những vòng hoa được đặt tại Đài tưởng niệm ngày 11-9 gần Đại sứ quán Mỹ ở Quảng trường Grosvenor. Trước đó, các buổi lễ cầu nguyện cũng được tiến hành tại những thánh đường ở Ben-phát (Belfast), Gla-xgâu (Glasgow) và Bơ-minh-ham (Birmingham). Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) đã ca ngợi lòng quả cảm và nhân phẩm của những nạn nhân trong các vụ tấn công ở Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới, trong đó có vụ đánh bom tại Anh ngày 7-7-2005.
Tại Ca-na-đa, Thủ tướng Xti-phen Ha-pơ (Stephen Harper) cam kết Ca-na-đa và tất cả các đồng minh của Mỹ sẽ hợp tác để ngăn chặn nguy cơ tái diễn một vụ khủng bố tương tự như vụ 11-9 ở Mỹ.
Tại Pa-ri, Béc-lin, Ma-lai-xi-a, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác có công dân bị thiệt mạng tại tòa tháp đôi của WTC cũng đã diễn ra lễ tưởng niệm người thân của họ. Lãnh đạo nhiều nước cũng đã gửi điện chia sẻ những mất mát tới chính phủ Mỹ. Nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo, Tin lành và Hồi giáo khắp nơi trên thế giới đã tổ chức lễ cầu nguyện tưởng nhớ các nạn nhân vụ 11-9 - vụ khủng bố lịch sử làm thay đổi nước Mỹ và thế giới./.
ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-19  (13/09/2011)
Bồi dưỡng công tác tổ chức cho cán bộ Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào  (13/09/2011)
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trên thế giới  (13/09/2011)
Việt Nam và In-đô-nê-xi-a tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (13/09/2011)
Lời cảm ơn  (13/09/2011)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên