Từng bước giảm lãi suất hợp lý và điều chỉnh chính sách tài khóa sẽ góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: Đây là Phiên họp thường kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII. Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định: Nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2011 và thời gian tiếp theo vẫn là kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Từ ngày 30-8 đến 1-9, tại Phiên họp thường kỳ tháng 8-2011, Chính phủ đã nghe và thảo luận: · Báo cáo, thảo luận về tình hình thực hiện cắt giảm vốn đầu tư nhà nước theo Nghị quyết số 11; · Tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; · Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 - 2010 và xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015… |
Đánh giá tình hình 8 tháng năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đều cho rằng: nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã dần ổn định, một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan. Trong đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa đã từng bước có hiệu quả.
Về đầu tư công theo Nghị quyết số 11, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây không phải là cắt giảm vốn đầu tư mà là sắp xếp lại nguồn vốn đầu tư sao cho thật hiệu quả và cần thiết, không phải là “cào bằng” cắt hết. Theo báo cáo, đến ngày 26-8-2011, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện và có báo cáo về kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư kế hoạch năm 2011. Hiện, đã thực hiện ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng số vốn trên 6.530 tỉ đồng.
Về tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8-2011 ước tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 8 tháng năm 2011, IIP tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm 2010.
Về tiền tệ, tín dụng: kiên quyết giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá 20%, tổng phương tiện thanh tóan không quá 16%; quản lý chặt chẽ thị trường vàng và ngoại tệ; đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Trả lời báo giới về những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua như: chính sách tiền tệ thời gian tới, giá vàng tăng đột biến và hiện tượng đầu cơ, làm giá vàng… Bộ trưởng Tài Chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho hay, việc từng bước giảm lãi suất hợp lý và điều chỉnh chính sách tài khóa sẽ góp phần quan trọng kiềm chế lạm phát. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài chính - tiền tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký triển khai hiệu quả quy chế phối hợp giữa hai ngành nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả phối hợp.
Trước biến động của tình hình giá vàng những ngày qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: đã có điều hành linh hoạt, kịp thời và báo cáo Thủ tướng về những giải pháp quản lý thị trường vàng. Cụ thể, ngay trong cơn sốt giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã cho nhập vàng để ổn định thị trường và hạn chế đầu cơ, làm giá. Từ đầu tháng 8 đã cấp giấy phép cho nhập 15 tấn nhưng đến nay mới nhập khoảng 7 tấn.
Trả lời câu hỏi về có hay không hiện tượng đầu cơ, làm giá vàng, Thống đốc khẳng định: “Cứ khi nào giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 400.000đ/lượng là có hiện tượng đầu cơ, làm giá”, Thống đốc nói. Để dần ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Nghị định về quản lý, sản xuất, kinh doanh vàng để ổn định thị trường và đề xuất Chính phủ phương án huy động vàng trong dân, như vậy người dân yên tâm khi gửi vàng và Nhà nước cũng ổn định được thị trường.
Về mục tiêu giảm lãi suất, Thống đốc cho rằng đó là vì nhu cầu bức xúc của cả nền kinh tế, là bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên tham gia thị trường từ người dân đến các ngân hàng.
Trả lời câu hỏi về những giải pháp tài chính – ngân sách 4 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nêu lên 6 giải pháp chính: tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế; giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công, kiên quyết thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án vi phạm; ưu tiên các khoản tăng thu để trả nợ và giảm bớt chi ngân sách, phấn đấu mức bội chi ngân sách năm 2011 ở mức 4,9% (trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,3%); kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát.
Về lao động, việc làm, an sinh xã hội… tính chung 8 tháng năm 2011, ước tạo việc làm cho khoảng 991,8 nghìn người, đạt 62% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 61,8 nghìn người, đạt 71% kế hoạch năm. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai…
Về quản lý quy hoạch, tài nguyên khoáng sản: Trước tình trạng khai thác ồ ạt, tràn lan, thiếu kiểm soát… gây ra những tác động hết sức tiêu cực đến môi trường, đời sống người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu dừng hoạt động cấp phép về khai thác tài nguyên khoáng sản;
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng:
- Lạm phát đã được kiểm soát và có xu hướng giảm dần, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 ở mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và là lần đầu tiên mức tăng chỉ số giá dưới 1%;
- Kinh tế vĩ mô dần ổn định;
- An sinh xã hội vẫn được bảo đảm, không cắt bất kỳ khoản chi tiêu nào dành cho an sinh xã hội. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả hết sức tích cực…
- Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có sự phát triển dù trong điều kiện rất khó khăn.
Phân tích những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Thủ tướng nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong bốn tháng cuối năm 2011 vẫn là tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Trước hết, tiếp tục kiên trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các biện pháp điều hành, quản lý thị trường tín dụng, tiền tệ, ngoại hối; thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá và các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm kiềm chế lạm phát, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phiên họp thường kỳ tháng 9 Chính phủ sẽ bàn chuyên đề về lạm phát, nhằm đưa lạm phát xuống mức 1 con số.
Nhấn mạnh tại buổi Họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng vai trò, nhiệm vụ của báo chí là cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vừa bảo đảm trung thực, khách quan, vừa phải góp phần làm cho nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm được, những khó khăn, thách thức… trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, sự chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị, phấn đấu tiếp tục đưa đất nước vượt qua khó khăn vững bước đi lên./.
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng qua 25 năm đổi mới  (01/09/2011)
Tinh thần Quốc khánh 2-9 bất diệt  (01/09/2011)
Phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long một cách bền vững  (01/09/2011)
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam