Nâng cao tỷ lệ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
TCCSĐT - Mục tiêu phấn đấu đạt tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là 30% trở lên. Hiện tại, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII có 25,76%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004-2011 tính trung bình cả nước, cấp tỉnh có 23,80%; cấp huyện có 22,94% và cấp xã 19,53%. Bình quân chung cả ĐBQH và HĐND các cấp là 23%. So với tỷ lệ 10 phụ nữ được bầu vào Quốc hội khóa I là một bước tiến rất xa. Nhưng so với yêu cầu của bình đẳng giới và sự phát triển xã hội thì chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn mới đạt yêu cầu.
Cần tăng tỷ lệ nữ thích đáng trong Quốc hội và HĐND các cấp
Phụ nữ Việt Nam có vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng lãnh đạo, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, quật cường từ Bà Trưng, Bà Triệu, tích cực tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, làm nên truyền thống vẻ vang “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phụ nữ chiếm 50,5% dân số và trên 47% lực lượng lao động xã hội. Trình độ, năng lực của phụ nữ ngày càng được nâng lên. Chỉ tính trong Quốc hội khóa XII, tỷ lệ nữ đại biểu có trình độ đại học và trên đại học chiếm 91,46%. Trên lĩnh vực kinh tế, phụ nữ là lực lượng lao động chuyên cần, sáng tạo, cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước. Rất nhiều phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm đã trở thành doanh nhân thành đạt, nổi danh cả ở trong nước và nước ngoài. Trong nông nghiệp, phụ nữ chiếm 50,18% lực lượng lao động, luôn cần cù, chịu thương, chịu khó, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình và xã hội. Trong công nghiệp, phụ nữ chiếm số đông trong các ngành chế biến, dệt may, da giày..., lực lượng cán bộ nữ làm công tác nghiên cứu cũng ngày càng đông đảo. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, phụ nữ chiếm số đông trong các ngành giáo dục, y tế đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người và cứu người. Phụ nữ cũng đã có mặt nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở các cấp, các ngành ngày càng tăng. Nhiều chị đã tham gia vào các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và ở địa phương. Sự có mặt của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đã chứng minh tiềm năng, sức mạnh của phụ nữ, họ không thua kém nam giới, và trên một số lĩnh vực, họ còn có khả năng làm tốt hơn nam giới.
Quốc hội và HĐND là cơ quan quyền lực của Nhà nước, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Trong Quốc hội phải có người đại diện cho các tầng lớp, các nhóm xã hội, trong đó, bao gồm cả phụ nữ. Sự tham gia của các đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp là cần thiết và với tỷ lệ thích đáng, không chỉ vì họ là một tầng lớp trong xã hội, mà tầng lớp ấy lại chiếm tỷ lệ hơn 50% dân số. Hơn nữa, xét ở đặc điểm giới, phụ nữ thường làm việc chăm chỉ, cẩn thận, khéo léo, tiết kiệm hơn nam giới, nhưng quan trọng nhất, họ có điều kiện hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ. Thông qua hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu nữ sẽ phản ánh, đề đạt nguyện vọng chính đáng, bảo đảm quyền lợi của phụ nữ. Sự tham gia của phụ nữ vào cơ quan quyền lực của Nhà nước, không chỉ cho hôm nay, mà còn vì sự phát triển của tương lai. Vì thế, bầu cử cho phụ nữ hôm nay cũng là vì sự phát triển của đất nước, của dân tộc trong tương lai.
Phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-1016 đạt 30 % trở lên
Bản thân phụ nữ thường thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực ứng cử, hơn nữa, nhận thức của nhân dân về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí, sự đóng góp của phụ nữ chưa đầy đủ. Một bộ phận nhân dân còn quan niệm phụ nữ chỉ phù hợp với công việc nội trợ, chăm sóc gia đình, không muốn cho phụ nữ tham gia hoạt động xã hội. Vì thế, phụ nữ chưa nhận được sự ủng hộ từ chồng hoặc những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới còn nhiều bất cập, thiếu những biện pháp cụ thể để giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc gia đình và xã hội. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa có chiến lược quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Cho nên, khi cần đến cơ cấu nữ mới “đốt đuốc” đi tìm, lúc này người trẻ thì chưa qua đào tạo, chưa đủ tiêu chuẩn, không trong cơ cấu; người đã qua đào tạo cơ bản, đủ điều kiện, tiêu biểu thì không còn trong độ tuổi. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội chưa cao còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của cử tri. Một bộ phận cử tri chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải có tỷ lệ thích đáng phụ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp cho nên không bỏ phiếu cho phụ nữ. Ngay cả nữ cử tri, cũng chưa nhận thấy vai trò của nữ đại biểu sẽ đại diện cho phái mình, vì vậy, cũng chưa ủng hộ cho ứng cử viên nữ.
Để thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp nhằm tạo điều kiện và động viên phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Bình đẳng giới đều có điều khoản ghi rõ: Bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%”. Mới đây trong Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 16-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ nêu chỉ tiêu: Phấn đấu đạt tỉ lệ chung 30% trở lên đại biểu là phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016.
Như vậy, đã có đầy đủ những quan điểm, định hướng, bảo đảm tỷ lệ thích đáng phụ nữ tham gia Quốc hội, HĐND các cấp.
Chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc có đủ tỷ lệ nữ trong cơ quan quyền lực nhà nước. Đó không chỉ là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với công tác phụ nữ; là hành động thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới, mà còn mang ý nghĩa quốc tế. Nước ta đã tham gia cùng với cộng đồng quốc tế, thể hiện những cam kết quan trọng vì sự bình đẳng và quyền con người của phụ nữ bằng các văn bản mang tính pháp lý quan trọng, như: Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW – 1981); Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì Bình đẳng giới, Phát triển và Hoà bình của Liên hợp quốc (1995); Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Các văn bản đó đều nhấn mạnh “Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ”.
Hội phụ nữ các cấp cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong tầng lớp phụ nữ để ủng hộ các nữ ứng cử viên. Tổ chức gặp mặt, trao đổi với các nữ ứng cử viên về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình phụ nữ; những nguyện vọng chính đáng của phụ nữ tại địa phương; kỹ năng xây dựng chương trình hành động, tiếp xúc cử tri...Cử cán bộ lãnh đạo các cấp hội tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của ứng cử viên, giúp các nữ ứng cử viên có đủ tự tin trong các cuộc tiếp xúc, vận động bầu cử. Động viên cử tri nữ đi bầu cử đầy đủ, đúng luật, sáng suốt lựa chọn những đại biểu nam và nữ đủ đức, đủ tài bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Quan tâm tới phụ nữ, ủng hộ cho phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc gia đình và sự phồn vinh của đất nước./.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát lệnh khởi công xây dựng cầu An Đông (Ninh Thuận)  (19/05/2011)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại Long An  (19/05/2011)
Tổng Giám đốc IMF từ chức  (19/05/2011)
ITU: Công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng phổ cập trên toàn cầu  (19/05/2011)
Khai mạc hội nghị hành lang kinh tế Bắc - Nam  (19/05/2011)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên