1. Ông M. Xa-vu-dô-glu được bầu làm Chủ tịch thứ 25 của PACE

Ngày 25-1-2010, tại Brúc-xen (Bỉ) 318 thành viên Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) đã bầu ông Méc-lút Xa-vu-dô-glu (Mevlut Cavusoglu), người Thổ Nhĩ Kỳ, làm Chủ tịch mới của PACE, thay thế bà Lui Ma-ri-a Đê Pui ( Lluis Maria De Pui - người Tây Ban Nha) vừa kết thúc nhiệm kỳ. Như vậy, ông Xa-vu-dô-glu trở thành Chủ tịch thứ 25 của PACE. Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm chức vụ này kể từ khi nước này gia nhập Hội đồng châu Âu cách đây hơn 60 năm (8-1949). Phát biểu trong lễ nhậm chức, ông Xa-vu-dô-glu bày tỏ vinh dự được đảm nhận cương vị Chủ tịch Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu và nhấn mạnh sẽ phấn đấu cho mục tiêu đoàn kết giữa các dân tộc trên toàn châu Âu. Một trong những thách thức lớn mà các xã hội đang phải đương đầu hiện nay là tình trạng thiếu khoan dung và phân biệt đối xử ngày càng phổ biến. Ông Méc-lút Xa-vu-dô-glu cho rằng, nền móng ngôi nhà chung châu Âu phải được dựa trên một xã hội cởi mở, tôn trọng tính đa dạng, không phân biệt đối xử, không sợ hãi hay hận thù. Và một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trên cương vị Chủ tịch PACE là đưa Hiệp ước Lix-bon vào hiện thực, mở ra những hướng đi mới cho quan hệ hợp tác, trong đó có việc EU gia nhập Công ước châu Âu về nhân quyền.

2. Hội nghị cứu trợ khẩn cấp Ha-i-ti

Ngày 25-1-2010, tại thành phố Môn-rê-an (Ca-na-đa), các quan chức cấp cao của thế giới đã họp khẩn cấp bàn về các kế hoạch tái thiết Ha-i-ti như cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men và nhu yếu phẩm cho những người còn sống sót sau vụ động đất hiện đang phải sống trong các lán trại tại Thủ đô Port-au-Prince. Theo con số thống kê chính thức, số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,3 độ rích-te 2 tuần trước đây tại Ha-i-ti đã lên tới 150.000 người, và người ta lo ngại rằng, khoảng 200 nghìn người nữa có thể đã chết trong các đống đổ nát. Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tập trung vào xây dựng lại ngành nông nghiệp cho Ha-i-ti. Chính phủ Ha-i-ti đã ra thông cáo bày tỏ sự cảm kích trước nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế đối với Ha-i-ti sau thảm họa động đất, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ "cụ thể hóa" những cam kết viện trợ cho Ha-i-ti. Thủ tướng Ha-i-ti Bellerive cũng thúc giục kiều dân Ha-i-ti tham gia tích cực công cuộc tái thiết đất nước.

3. Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ 10

Từ ngày 25 đến ngày 31-1-2010, tại thành phố Porto Alegre (Bra-xin), đã diễn ra Diễn đàn Xã hội thế giới lần thứ 10, thu hút sự tham dự của 30.000 đại biểu từ nhiều nước trên thế giới.Với chủ đề “Mười năm sau: Những thách thức và đề xuất về một thế giới khả thi khác”, Diễn đàn bao gồm các cuộc hội thảo về phương hướng chính trị và kinh tế chủ đạo trên thế giới, cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, tổ chức các cuộc triển lãm, giao lưu nghệ thuật và hội chợ hữu nghị. Kể từ lần đầu được tổ chức vào năm 2001 tại Porto Alegre, Diễn đàn này thường được tiến hành vào tháng Giêng, cùng thời điểm diễn ra hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Đây là dịp để họ cùng nhìn lại, đánh giá hiệu quả củaDiễn đàn đối với đời sống nhân loại.

4. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đọc Thông điệp liên bang

Ngày 27-1-2010, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đọc Thông điệp liên bang, đặt trọng tâm vào vấn đề tạo việc làm trong bối cảnh Quốc hội bị chia rẽ và người dân chưa bằng lòng với những gì mà Tổng thống đã hứa và làm trong một năm qua. Mục tiêu trong thông điệp liên bang mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đặt ra là giành sự tin tưởng của cử tri, đưa nền kinh tế và nhiệm kỳ Tổng thống của ông vào thế chắc chắn hơn. Thông điệp liên bang của Tổng thống B. Ô-ba-ma tập trung vào 2 nội dung chính là: tái khẳng định với hàng triệu người Mỹ rằng ông hiểu những khó khăn của họ và thuyết phục cử tri rằng ông đang cố gắng thay đổi nước Mỹ ngay cả khi bản thân ông cảm thấy vẫn làm việc theo cách thức cũ. Cụ thể, Tổng thống B. Ô-ba-ma nêu chi tiết biện pháp giúp các doanh nghiệp thuê lại nhân công, và cách cải cách hệ thống bảo hiểm y tế. Ông tuyên bố sẽ không trốn tránh những vấn đề lớn mà ông từng hứa trong chiến dịch vận động tranh cử. Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định sẽ thúc đẩy cải cách y tế, chỉnh đốn phố Walls, cải cách năng lượng và vấn đề di dân, tiếp tục cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. Ông cũng sẽ kêu gọi Quốc hội ban hành luật về việc làm, hạn chế việc cho phép các công ty gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử.

5. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 40

Từ ngày 27 đến ngày 31-1-2010, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 40 diễn ra tại Đa-vốt (Thụy Sĩ). Tham dự diễn đàn năm nay có khoảng 30 người đứng đầu các nhà nước, chính phủ và khoảng 2.500 đại biểu, đại diện cho giới quản lý các tập đoàn và tổ chức kinh tế lớn, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, nhiều giáo sư và nhà hoạt động văn hoá. Với chủ đề “Cải thiện tình hình trên hành tinh: tư duy, kế hoạch, tái tạo”, Diễn đàn tập trung thảo luận những vấn đề như rủi ro tài chính, giá trị mới sau khủng hoảng, hình tượng mới người tiêu dùng, vấn đề năng lượng, tăng dân số. Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh có nhiều dự đoán trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới trong tương lai gần. Trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2010, thì cũng có những cảnh báo cho rằng, cần phải có những biện pháp cần thiết để bảo vệ việc làm cho hàng triệu lao động. Trên 200 cuộc họp, thảo luận về 3 vấn đề chính: tình hình kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng, tình hình tại các cuộc đàm phán khí hậu sau Hội nghị Cô-pen-ha-gen và tình hình tổng thể về hợp tác quốc tế đã diễn ra xung quanh Diễn đàn.

6. Khoảng 27 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu năm 2009

Ngày 29-1-2010, tổ chức Cơ quan Lao động của Liên hợp quốc (ILO) cho biết, khoảng 12 triệu người mới thất nghiệp ở Bắc Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu. Số người không có công ăn việc làm vọt lên gần 4 triệu ở cả Đông Âu và Mỹ La-tinh, trong khi tỷ lệ này năm ngoái khá ổn định ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. ILO cho biết, các con số này cho thấy việc cần thiết phải có một “hiệp ước lao động toàn cầu” nhằm thúc đẩy việc làm trên khắp thế giới. Trong báo cáo dài 82 trang, cơ quan này dự báo tình trạng sa thải nhân công vẫn còn cao trong cả năm 2010 và có lẽ khoảng 3 triệu người nữa ở thế giới giàu mất việc làm hoặc không thể tìm được việc. Thất nghiệp không phải tất cả là do bị sa thải. Nhiều người trẻ không tìm được việc làm và con số này đã tăng lên 10 triệu người trong hai năm qua, tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi ILO bắt đầu sưu tầm những thống kê toàn cầu vào năm 1991. Tính chung cả năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu ở vào mức 6,6%, nhưng phạm vi thực của vấn đề còn xấu hơn nữa, vì trên 600 triệu công nhân và gia đình họ đang sống với mức dưới 1,25USD/ngày./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 18 đến ngày 24-1-2010)