Tôn giáo Việt Nam tăng cường hoạt động đối ngoại hội nhập quốc tế
Thời gian qua, tôn giáo Việt Nam đã tăng cường hoạt động, giao lưu với các tổ chức tôn giáo các nước trong khu vực và thế giới. Hoạt động đối ngoại tôn giáo đã góp phần làm cho các nước hiểu rõ hơn về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam; tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực phản động, thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam.
1- Các hoạt động đối ngoại tôn giáo được quy định rõ trong các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Ngay từ Sắc lệnh đầu tiên về Tôn giáo (Sắc lệnh số 234/SL) do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 14-6-1955, tại Điều 3 đã ghi rõ: “Các nhà tu hành ngoại quốc mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt Nam và phải tuân theo luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như các ngoại kiều khác”. Tại Nghị quyết số 297/CP ngày 11-11-1977, Nhà nước Việt Nam quy định: Các tổ chức tôn giáo hoặc người hoạt động tôn giáo trong nước muốn quan hệ với các tổ chức tôn giáo hoặc với người nước ngoài thì phải tuân theo những quy định của Nhà nước về quan hệ với người nước ngoài. Giáo hội Công giáo được quan hệ với Va-ti-căng, nhưng phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và pháp luật của Nhà nước Việt Nam. “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, công bố ngày 29-6-2004, khẳng định một nguyên tắc nhất quán: “Quan hệ giữa Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế về vấn đề có liên quan đến tôn giáo phải dựa trên những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật mỗi bên, pháp luật và thông lệ quốc tế” (Điều 6). Tại chương V, về “Quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc” của Pháp lệnh, các Điều 34, 35, 36, 37 cũng quy định cụ thể về các yếu tố liên quan đến các hoạt động quốc tế của các tôn giáo ở nước ngoài; về việc chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo tại Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), Nhà nước Việt Nam đã ban hành 85 văn bản có nội dung điều chỉnh về hoạt động tôn giáo, như Hiến pháp năm 1992; 20 luật; 7 pháp lệnh; 19 nghị định; 5 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ… Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia ký kết, gia nhập hàng chục điều ước quốc tế. Điều đó chứng tỏ rằng: Nhà nước Việt Nam không ngừng nghiên cứu, bổ sung và từng bước hoàn thiện một cách có hệ thống các văn bản pháp lý nhằm bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo và phù hợp với các điều khoản về tự do tôn giáo trong các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
2- Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Hoạt động đối ngoại tôn giáo góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế theo tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Quan hệ đối ngoại của các tôn giáo thể hiện rõ nhất trong các hoạt động trao đổi đoàn, các chức sắc, tín đồ Việt Nam ra nước ngoài học tập, dự hội nghị, hội thảo đối thoại về tín ngưỡng tôn giáo; đón và làm việc với các đoàn, các tổ chức tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, phối hợp thực hiện các dự án tại Việt Nam do các tổ chức phi chính phủ (NGO) có nguồn gốc tôn giáo tài trợ. Ở các mức độ khác nhau, hầu hết các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở với những tổ chức quốc tế chưa có dịp tìm hiểu sâu về tình hình tôn giáo ở trong nước. Tháng 3-2007, Va-ti-căng đã cử một phái đoàn cấp cao (cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) tới thăm và làm việc với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy nâng cấp quan hệ ngoại giao. Giáo hoàng đã tuyên bố đánh giá cao chính sách và tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Phật giáo Liên hợp quốc. Đây là một lễ hội tôn giáo lớn và rất có uy tín trên thế giới với sự tham gia của hàng trăm đoàn đại biểu các nước, hàng vạn tăng ni, phật tử và những nhà nghiên cứu, học giả về Phật giáo trên thế giới.
- Phật giáo Việt Nam có các quan hệ và giao lưu với Phật giáo các nước trong khu vực và trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Sri-lan-ca, Đài Loan, Nga, Mông Cổ, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Tham gia các Tổ chức Phật giáo quốc tế như Hội nghị Phật giáo châu Á vì hoà bình, Liên đoàn Thân hữu Phật tử thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới.
- Công giáo có mối quan hệ về tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ Va-ti-căng, có quan hệ giao lưu với Giáo hội Công giáo các nước Pháp, Mỹ, Phi-lip-pin, Trung Quốc, các nước châu Âu, là thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu. Hằng năm, các Giám mục Việt Nam tới Rô-ma và một số nước trên thế giới tham dự các sinh hoạt và hoạt động tôn giáo do Toà thánh Va-ti-căng tổ chức và các tổ chức tôn giáo khác mời. Tổng hội Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Tổng Liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) và một số hệ phái Tin Lành khác có quan hệ giao lưu quốc tế với các giáo hội Tin Lành Mỹ, Hàn Quốc, Xinh-ga-po, Đức, Bắc Âu... Mới đây, Đoàn liên minh Báp-tít thế giới gồm một số mục sư Mỹ, Anh, Ấn Độ... vào thăm, làm việc và giao lưu với Hội thánh Báp-tít Ân điển Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đạo Hồi ở Việt Nam thường xuyên có mối quan hệ với cộng đồng Hồi giáo trong khu vực Đông Nam Á, như với cộng đồng Hồi giáo Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Ả -rập Xê-út và Liên hiệp Hồi giáo thế giới.
- Cao Đài là tôn giáo nội sinh nhưng đã sớm có quan hệ quốc tế, đặc biệt với tổ chức Ô-mô-tô giáo, “Hội Huynh đệ và tình yêu đại đồng” của Nhật Bản và với Cao Đài hải ngoại.
- Phật giáo Hoà Hảo là một tôn giáo nội sinh nên không có hệ thống tổ chức quốc tế như các tôn giáo khác. Sau năm 1975, một số tín đồ Phật giáo Hoà Hảo đã ra nước ngoài sinh sống và thường xuyên có mối quan hệ với các tín đồ ở trong nước.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện để giao lưu quốc tế và đi đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 1993 đến hết năm 2002 đã có 3.272 trường hợp giáo sỹ xuất cảnh ra nước ngoài (Công giáo có 1.690 lượt, Phật giáo 1.303, Tin Lành 36 lượt, Hồi giáo 228 lượt, Cao Đài 15 lượt) đi học, tham dự hội nghị, hành hương, chữa bệnh, thăm thân, du lịch. Trong 3 năm gần đây (2004 - 2006), có 657 giáo sỹ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo xuất cảnh để dự hội nghị, hội thảo và tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài. Nhờ có mối quan hệ quốc tế rộng mở, đến nay, các Giáo hội tôn giáo Việt Nam đã đào tạo được đội ngũ tăng tài, giáo sỹ có trình độ cao, trong đó có hàng chục ngươì có học vị tiến sỹ, thạc sỹ thần học, triết học và hàng trăm giáo sỹ đang du học ở nước ngoài
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cử hàng chục đoàn quan chức cấp cao và nhiều đoàn chức sắc đại diện các tổ chức quan chức tôn giáo trong nước đi dự các hội nghị, hội thảo, đối thoại về tín ngưỡng tôn giáo và hoạt động tôn giáo quốc tế, như đoàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Rô-ma hội kiến với Giáo hoàng Be-ne-đic XVI và hội đàm với Thủ tướng Va-ti-căng, Hồng y Ta-xi-si-ô Bec-tô-ne; đoàn của Chính phủ do ông Đỗ Yên Thi, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu đi thăm và làm việc tại Va-ti-căng và Pháp; hai đoàn đi dự đối thoại tín ngưỡng tại In-đô-nê-xi-a; đoàn đi dự Đối thoại về hợp tác giữa các tôn giáo tại Phi-lip-pin; đoàn đi dự đối thoại về tự do tôn giáo Việt - Mỹ tại Oa-sinh-tơn; đoàn chức sắc đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi dự diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất tại Hàng Châu - Trung Quốc; đoàn dự lễ Phật đản của Phật giáo Thái Lan; đoàn đi Pháp và U-crai-na hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho Việt kiều; đoàn chức sắc các tôn giáo Việt Nam đi Mỹ dự Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ của các nhà Lãnh đạo tôn giáo và tinh thần (8-2000); hai đoàn đại biểu Ban Tôn giáo Chính phủ và một số chức sắc tôn giáo sang Mỹ trao đổi với các đối tác quan tâm đến vấn đề tôn giáo ở Việt Nam (5-2002 và 6-2004); đoàn Giáo hội Công giáo đi dự Đại hội truyền giáo Á châu tổ chức tại Thái Lan; đoàn dự Hội nghị Hội đồng Giám mục Á châu về vấn đề hôn nhân khác tôn giáo và đoàn đi dự Đại hội Thánh Mẫu tại Mỹ.
Việt Nam đã đón và làm việc với nhiều đoàn tôn giáo nước ngoài, nhiều cá nhân và tổ chức tôn giáo, tổ chức quốc tế đến trao đổi, tìm hiểu về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Điển hình là đoàn của Hồng y C.Se-pe - Bộ trưởng Bộ Truyền giáo Va-ti-căng; đoàn Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo; đoàn Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế; đoàn Viện Can dự toàn cầu Mỹ; đoàn Hội đồng Giám mục Cộng hoà Pháp; đoàn đại biểu Toà thánh Va-ti-căng do Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Pi-e-trô Pa-rô-lin làm Trưởng đoàn; đoàn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng Phái đoàn Phật giáo quốc tế thuộc Tăng thân Làng Mai (Cộng hòa Pháp) gồm 200 tăng ni từ 30 quốc tịch khác nhau về thăm Việt Nam 2 lần, mỗi lần từ 2 đến 3 tháng; đoàn Bộ Lễ nghi - Tôn giáo Cam-pu-chia; đoàn Liên minh Phật giáo Lào; đoàn Trường Thần học Xinh-ga-po… Vào những ngày cuối tháng 10 này, đoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ do ông M.L.Crô-ma-ti - Chủ tịch Ủy ban làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tìm hiểu tình hình sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đoàn, và với tinh thần đối thoại cởi mở, Thủ tướng đã hoan nghênh Ðoàn Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam; khẳng định Ðảng, Nhà nước Việt Nam trước sau như một luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Trong chuyến thăm này, Đoàn đã có nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức tôn giáo, các cá nhân tôn giáo mà đoàn quan tâm. Đây là cơ hội để phía Hoa Kỳ “mắt thấy tai nghe” về đời sống tôn giáo ở Việt Nam, để có thể hiểu đầy đủ hơn về tình hình tôn giáo ở Việt Nam cũng như chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam.
3- Nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam
Từ năm 2001 đến nay, đã có hàng chục cuộc đối thoại nhân quyền, tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam, như đối thoại Việt - Mỹ, Việt Nam - Thụy Sĩ, Việt Nam - Thụy Điển, Việt Nam - Ôt-xtrây-lia, Việt Nam - Na Uy, Việt Nam - EU, Việt Nam - EC…, với chủ đề chính là nhân quyền và tôn giáo, ngoài ra còn đề cập đến một số vấn đề khác như: dân tộc, thông tin đại chúng, báo chí, phụ nữ, trẻ em, án tử hình… Các cuộc đối thoại từ song phương đến đa phương, từ khu vực đến quốc tế đều nhằm mục đích tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần kiến tạo hoà bình và giúp đỡ nhau trên con đường hội nhập quốc tế. Tại các diễn đàn này, phía Việt Nam đã thể hiện sự minh bạch và cởi mở trong đối thoại, được dư luận quốc tế đồng tình và đánh giá cao, qua đó phía Hoa Kỳ đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước đặc biệt quan tâm” về tôn giáo (CPC).
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến hoạt động đối ngoại nhân dân nói chung, hoạt động đối ngoại tôn giáo nói riêng. Trong thời kỳ đổi mới, khi các tôn giáo ở Việt Nam có sự phục hồi, phát triển nhanh chóng và có nhiều tác động trực tiếp tới tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trật tự ở các địa phương, Đảng và Nhà nước đã kịp thời tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả công tác tôn giáo nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện những chủ trương, chính sách đối với tôn giáo đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Chỉ trong hai năm gần đây, Việt Nam đã công bố hai “sách trắng” quan trọng về vấn đề tôn giáo và nhân quyền là: “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” và “Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”, trong đó khẳng định những thành tựu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, nhấn mạnh vai trò và kết quả của các hoạt động đối ngoại tôn giáo đã góp phần làm cho thế giới ngày càng hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam- một quốc gia đa tín ngưỡng tôn giáo, yêu hoà bình, công lý; về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.
Tách chia, chia tách  (25/10/2007)
Tuyên ngôn Đảng Cộng sản - tư tưởng vĩ đại, sức sống dồi dào  (25/10/2007)
Hoạt động Marketing trong phát triển công ty tài chính ở Việt Nam  (25/10/2007)
Tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng  (25/10/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên