Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của gần 6 triệu đồng bào Công giáo, đã chung sức, chung lòng vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Sáng nay (19-11), Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã tới dự.
Báo cáo của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam do Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nêu rõ: Đồng hành cùng dân tộc và hiệp thông với Giáo hội luôn là nhiệm vụ song hành của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ tập hợp và hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam theo đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam với sự giúp đỡ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của giới mình phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các địa phương không chỉ sáng tạo ra nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực để vận động phong trào Công giáo như phong trào “Tiếng kẻng học bài” cho học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” ở Nam Định, Thanh Hoá, phong trào “Hiền mẫu sống đạo hôm nay” ở Đắk Lắk...
Với số giáo dân chiếm chưa đến 8% dân số cả nước, nhưng đóng góp của người Công giáo cho đất nước được coi là rất đáng kể, đặc biệt trên lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Đồng Nai là tỉnh có đông đảo giáo dân nhất cả nước và đứng đầu trong việc đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Trong 2 năm 2005-2006, giáo phận Xuân Lộc đã chi 96 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, trong đó có 42 tỉ đồng dành để làm đường giao thông. Xã Quỳnh Thanh (Nghệ An) có 11.360 nhân khẩu đều là người Công giáo, mỗi năm địa phương chi gần 3 tỉ đồng để xây dựng cơ bản thì riêng các linh mục góp 26,2%….
Đại hội cũng đề ra mục tiêu hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ V. Trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ như: Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, phấn đấu đưa phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo tiếp tục phát triển mạnh mẽ; đẩy mạnh phong trào thi đua “Sống tốt đời đẹp đạo”; góp phần tích cực phát triển kinh tế đất nước, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; cùng nhân dân thế giới đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, tiến bộ xã hội; góp phần thực hiện “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Ông Huỳnh Đảm tặng bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn cho Đại hội |
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng: Những năm qua, phong trào "Kính Chúa yêu nước" được cụ thể hoá bằng các phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, được đồng bào Công giáo cả nước tích cực hưởng ứng, thực hiện đạt kết quả. Đồng bào Công giáo cũng đã tích cực tham gia xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân trong sạch, vững mạnh. Cùng với sự phát triển của đất nước, kết quả phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo đã góp phần xây dựng khối đoàn kết lương - giáo ở cộng đồng dân cư, làm cho các xứ, họ đạo ngày càng khang trang, đẹp đẽ, cuộc sống của đồng bào Công giáo ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu bày tỏ vui mừng vì trong sự phát triển đi lên của cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Công giáo không ngừng được cải thiện; bộ mặt của các xứ họ đạo ngày càng khởi sắc; đồng bào công giáo ngày càng phấn khởi, yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào công giáo với các tầng lớp nhân dân khác không ngừng được củng cố và tăng cường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đại hội lần thứ V của những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là dịp để nhìn lại, đánh giá và tôn vinh những đóng góp to lớn của Ủy ban đoàn kết Công giáo nói riêng và của toàn thể những người Công giáo Việt Nam nói chung; đồng thời để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa trách nhiệm của những người công giáo Việt Nam với đất nước trong tư cách vừa là công dân vừa là thành phần dân Chúa. Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn về mọi mặt, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của gần 6 triệu đồng bào Công giáo, đã chung sức, chung lòng vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân, coi đó là nhu cầu chính đáng của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc và công cuộc xây dựng xã hội mới. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các tôn giáo nói chung, trong đó có đồng bào Công giáo được sinh hoạt tôn giáo bình thường và khuyến khích các việc làm ích nước lợi nhà, đóng góp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng mong rằng, các vị chức sắc và đồng bào Công giáo sẽ phát huy tốt hơn nữa những giá trị của đạo đức tôn giáo, thực sự đồng hành cùng dân tộc, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, nêu cao trách nhiệm công dân, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Đất nước ta đang đứng trước thời cơ lớn với biết bao triển vọng tốt đẹp, nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều; các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách chia rẽ, chống phá chúng ta. Vì vậy đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, sẵn sàng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, đưa đất nước ngày càng phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng Đại hội bức trướng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mang dòng chữ “Người Công giáo Việt Nam đoàn kết sống tốt đời, đẹp đạo”.
Cũng tại Đại hội, nhiều vị linh mục, tu sĩ và giáo dân tiêu biểu đã vinh dự được nhận Huân chương Độc lập Hạng ba, Huân chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” do Nhà nước trao tặng.
Đại hội làm việc trong 2 ngày (19-20-11)./.
SUMMIT G20 - Bước đầu hướng tới trật tự thế giới mới?  (19/11/2008)
Giai cấp công nhân các nước đang phát triển trong giai đoạn hiện nay  (19/11/2008)
Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020  (19/11/2008)
Yên Bái phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu mới  (19/11/2008)
Giai cấp công nhân các nước đang phát triển trong giai đoạn hiện nay  (19/11/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên