Giai cấp công nhân các nước đang phát triển trong giai đoạn hiện nay

Nguyễn Hoàng Giáp*- Trịnh Thị Hoa**
11:46, ngày 19-11-2008
Ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, song nhìn chung giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển đã đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá và phát triển kinh tế tri thức, giai cấp công nhân ở các nước này vẫn là một trong những lực lượng xã hội quan trọng nhất, đang tham gia tích cực vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Một số đặc điểm

Sự phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và quá trình toàn cầu hoá kinh tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến giai cấp công nhân các nước. Đối với giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển, sự tác động này tạo ra những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu của nó cả về số lượng và chất lượng, đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều biểu hiện mới. Nhìn tổng quát, có thể thấy rõ một số điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu dân cư của từng nước (khoảng 15 - 30%), song lại có chiều hướng gia tăng tỷ trọng trong tổng số giai cấp công nhân trên thế giới. Bởi lẽ đa phần dân số thế giới là dân cư các nước đang phát triển (trong tổng số hơn 6 tỷ người trên thế giới hiện nay, chỉ có gần 2 tỷ người sống ở các nước công nghiệp phát triển - các nước OECD, còn lại sống ở các nước đang phát triển). Ở các nước này, trong thế kỷ XX, giai cấp nông dân chiếm số đông, nhưng hiện nay do diễn ra quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nên giai cấp công nhân có sự gia tăng nhanh chóng.

Thứ hai, là lực lượng lao động có trình độ học vấn ngày càng được nâng cao, được đào tạo nghề nghiệp nhất định trong cơ cấu lao động chung. So với giai cấp nông dân và những người làm dịch vụ giản đơn, giai cấp công nhân được đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp tốt hơn.

Thứ ba, là nhóm người lao động đang từng bước được tiếp xúc với khoa học - công nghệ tiên tiến, được rèn luyện tác phong, kỷ luật lao động công nghiệp.

Thứ tư, giai cấp công nhân khá đa dạng, phức tạp về thành phần xã hội, về nghề nghiệp chuyên môn. Khác với các nước tư bản phát triển, giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển đang gia tăng về số lượng, cả ở bộ phận công nhân công nghiệp truyền thống, cả ở bộ phận công nhân làm việc trong các lĩnh vực sản xuất mới, lĩnh vực công nghệ cao. Điều này được các nhà nghiên cứu xã hội học lý giải là do các nước đang phát triển đang trong quá trình công nghiệp hoá (còn các nước phát triển đã hoàn thành quá trình công nghiệp hoá, chuyển các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động sang khu vực các nước đang phát triển), đang thu hút đầu tư nước ngoài mà chủ yếu là của các nước phát triển. Mặt khác, trong khi ở các nước công nghiệp phát triển, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đang dần thu hẹp lại, lĩnh vực dịch vụ mở rộng, thì ở các nước đang phát triển, lĩnh vực công nghiệp có xu hướng ngày càng mở rộng.

Thứ năm, một bộ phận giai cấp công nhân các nước đang phát triển làm việc tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đang (hoặc sẵn sàng) chấp nhận sự bóc lột trực tiếp của tư bản nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là bộ phận công nhân có mức thu nhập khá hơn so với mặt bằng thu nhập chung của giai cấp công nhân tại đây.

Thứ sáu, cũng như phần lớn các giai tầng lao động khác, giai cấp công nhân ở các nước này có cơ hội và điều kiện thuận hơn để tiếp cận thông tin, các giá trị văn hoá tinh thần từ các dân tộc, các cộng đồng người khác nhau. Nhiều kết quả điều tra xã hội học cho thấy, đa số họ không chấp nhận kiểu tuyên truyền một chiều, mang tính áp đặt, mà có xu hướng tự do hơn trong việc tiếp nhận các tư tưởng chính trị khác nhau. Hiện nay, giống như đa phần các tầng lớp lao động khác trên thế giới, giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển thường ít quan tâm hơn đến lý tưởng, chủ nghĩa. Mối quan tâm hàng đầu của họ là việc làm, thu nhập và các chế độ phúc lợi xã hội cấp thiết mà họ cần được hưởng. Đây là một khó khăn lớn trong công tác tư tưởng đối với giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các nước mà Đảng Cộng sản chưa nắm quyền lãnh đạo.

Vai trò và vị trí

Sau những kịch biến chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, ở một loạt nước đang phát triển dấy lên làn sóng đa nguyên, đa đảng, khiến cho đất nước rơi vào bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiên trọng, phong trào công nhân bị phân hóa và phân liệt sâu sắc. Tuy nhiên, phong trào cộng sản và công nhân ở các nước đang phát triển vẫn tồn tại. Từ những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI, phong trào từng bước hồi phục và thu được những thành tựu nhất định. Trước tác động khách quan của cách mạng khoa học- công nghệ và quá trình toàn cầu hóa, mặc dù số lượng, chất lượng và cơ cấu giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển có những thay đổi đáng kể, song vẫn thể hiện vai trò khá nổi bật trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội: Giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển không chỉ là lực lượng lao động quan trọng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến. Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và cách thức tổ chức hiện đại trong sản xuất, giai cấp công nhân có ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ phát triển kinh tế, tăng năng suất lao động. Tại các nước đang phát triển, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh, sản xuất công nghiệp và dịch vụ đang gia tăng. Đóng góp của công nghiệp và dịch vụ cho GDP cũng liên tục tăng (ở Việt Nam, các ngành công nghiệp đóng góp tới 40% GDP). Điều đó khẳng định vai trò lao động sáng tạo của giai cấp công nhân trong xã hội - đó là lao động công nghiệp hiện đại. Giai cấp này ngày càng tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội.

Quá trình công nghiệp hoá và phát triển khoa học kỹ thuật làm cho kết cấu giai cấp có sự thay đổi rõ nét. Chiều hướng gia tăng về số lượng được khẳng định: năm 1890 toàn thế giới có 80 triệu công nhân, năm 1960 có 315 triệu, năm 1990 có 615 triệu, năm 2003 có trên 800 triệu. Tại các nước đang phát triển, đầu thế kỷ XX có 19 triệu công nhân (trong đó châu Á có 11 triệu, Mỹ La-tinh 5 triệu, châu Phi 3 triệu). Đến cuối thế kỷ XX, giai cấp công nhân ở các nước này tăng lên 217 triệu, trong đó châuÁ có 130 triệu, Mỹ La-tinh 63 triệu, châu Phi 24 triệu (1). Hiện nay đội ngũ giai cấp công nhân ở đây đa số là công nhân công nghiệp, số lượng tiếp tục tăng so với số người làm việc trong các lĩnh vực sản xuất khác. Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng này trước hết phải kể đến chiến lược công nghiệp hoá của các nước đang phát triển. Mặt khác, các công ty của các nước tư bản phát triển cũng đang chuyển mạnh sang đầu tư tại các nước đang phát triển để thu hút nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công rẻ. Ngoài ra, lợi nhuận thu được lại khá cao cũng dẫn đến sự gia tăng giai cấp công nhân ở đây.

Trong bối cảnh đó, trình độ của người lao động nói chung và của giai cấp công nhân các nước đang phát triển nói riêng được nâng lên đáng kể. ở Việt Nam, số công nhân có trình độ học vấn phổ thông tăng từ 62,2% năm 2000 lên 76% năm 2002 và 80% năm 2006. Tỷ lệ qua đào tạo năm 2005 chỉ khoảng 26%, năm 2006 chiếm 31%. Do đòi hỏi của nền sản xuất hiện đại nên cơ cấu giai cấp công nhân các nước đang phát triển đang được bổ sung ngày càng nhiều những người lao động có trình độ học vấn cao, mà một số nhà nghiên cứu gọi là “công nhân - trí thức”. Bộ phận này tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng có vị trí quan trọng trong sản xuất. Họ vừa sản xuất vừa tham gia phát minh. Ngoài ra, bộ phận công nhân trong ngành dịch vụ cũng ngày càng gia tăng trong những lĩnh vực liên quan đến các quy trình sản xuất có tính chất công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động lành nghề và dư thừa lao động giản đơn không qua đào tạo vẫn đang là vấn đề bức xúc của các nước đang phát triển hiện nay.

Tại các nước đang phát triển, nếu trước đây công nhân chỉ tập trung trong các ngành truyền thống như luyện kim, khai khoáng, dệt may... thì ngày nay đã phát triển sang một số ngành công nghiệp mới, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như điện tử, tin học, dầu khí. dịch vụ…

Theo số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về tỷ trọng lao động trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, có thể thấy cơ cấu lao động ở các nước đang phát triển có xu hướng tăng trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, lao động nông nghiệp có chiều hướng giảm.

Ngay trong một nước, thì cơ cấu giai cấp công nhân cũng biến đổi mạnh. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giai cấp công nhân được xác định theo cơ cấu đa tầng, bao gồm: Thứ nhất là tầng lớp các nhà quản lý doanh nghiệp - tầng lớp trưởng thành qua làn sóng cải cách kinh tế đất nước. Họ có tư duy linh hoạt, nhạy bén, đổi mới quan niệm nhanh, có tri thức quản lý hiện đại... Sự xuất hiện của tầng lớp này được giới chiến lược kinh tế Trung Quốc đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng để công cuộc cải cách kinh tế của nước này giành được thành công cơ bản và cũng là chỗ dựa về mặt xã hội để Trung Quốc tiến sâu hơn vào cải cách thể chế kinh tế.
 
Thứ hai là tầng lớp trí thức, được đánh giá cao theo tư tưởng của Đặng Tiểu Bình “khoa học - kỹ thuật là lực lượng sản xuất thứ nhất”. Khi Đảng và Nhà nước Trung Quốc ban hành và thực thi chiến lược khoa học - giáo dục chấn hưng đất nước, thì lực lượng trí thức được đưa vào phạm trù của giai cấp công nhân. Trước sự tác động mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa cũng như việc thực hiện chiến lược khoa học giáo dục chấn hưng đất nước, lực lượng trí thức sẽ trở thành số đông trong giai cấp công nhân Trung Quốc.
 
Thứ ba là tầng lớp công nhân làm thuê ở các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Đa số công nhân làm việc ở khu vực này có độ tuổi trẻ, trình độ văn hoá thấp, thời gian lao động dài, cường độ lao động lớn, trong khi điều kiện lao động kém, khả năng thất nghiệp cao. Mặc dù thu nhập của họ khá cao so với công nhân ở khu vực khác, song giá thành lao động của họ chiếm tỷ trọng ở trong giá thành chung rất thấp. Vì thế, mức độ bị bóc lột sức lao động khá cao.
 
Thứ tư là tầng lớp công nhân nông thôn. Công việc của họ trên thực tế là công việc mà công nhân ở thành thị vẫn làm, song mang nặng tính thời vụ, mối quan hệ với nông thôn còn khá sâu sắc. Ngoài ra còn một bộ phận công nhân, nhân viên mất việc làm, thất nghiệp ở thành thị. Đây là kết quả không tránh khỏi của quá trình cải cách, giảm nhân công, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước lớn và vừa. Số công nhân này không hề mất đi trong lực lượng giai cấp công nhân, họ vẫn là bộ phận cấu thành trong giai cấp công nhân.
 
Như vậy, những biến đổi trong cơ cấu thành phần giai cấp công nhân tự nó không phải là hiện tượng mới. Những thay đổi đó đang diễn ra trong những điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, là kết quả của sự phân công lao động mới, là hiện tượng kinh tế - kỹ thuật của mọi xã hội phát triển chứ không riêng ở các nước đang phát triển. Do đó, xác định giai cấp công nhân không dựa vào thu nhập, mà dựa vào nguồn gốc thu nhập, dù là lương hay tài sản, được gắn với quan hệ sản xuất. Trên thực tế, giai cấp công nhân, xét về số lượng và chất lượng, cả trong công nhân truyền thống và công nhân trong các ngành kỹ nghệ mới, vẫn là một phạm trù xã hội ổn định. Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, cùng với chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các nước đang phát triển đã và đang tác động mạnh mẽ đến giai cấp công nhân.
 
Cơ cấu số lượng, chất lượng của giai cấp công nhân biến động mạnh, tăng giảm ở nhiều ngành nghề khác nhau trong các nước này. Tuy nhiên, xét trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, giai cấp công nhân hiện đại vẫn tiếp tục phát triển chứ không hề bị thu hẹp hoặc mất đi như một số học giả tư sản tuyên truyền nhằm phủ nhận cơ sở xã hội giai cấp của các đảng cộng sản và công nhân. Với tính tổ chức, kỷ luật chặt chẽ vốn được tạo ra trong quá trình phát triển sản xuất công nghệ hiện đại, giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển vẫn đóng vai trò to lớn, có tác động sâu sắc đến tiến trình vận động và phát triển kinh tế - xã hội các nước này.

- Trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng - văn hoá: Giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển đóng vai trò là một lực lượng tích cực nhất trong đời sống chính trị đất nước, gắn với sự vận động chính trị của từng quốc gia dân tộc trong tiến trình giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Tại các nước do đảng cộng sản cầm quyền (Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, Triều Tiên), giai cấp công nhân là lực lượng không còn thuần tuý là lao động làm thuê, mà đã dần từng bước làm chủ đất nước trên các lĩnh vực, là cơ sở xã hội cơ bản nhất của các đảng cộng sản bên cạnh các tầng lớp lao động khác.

Cũng cần nhận thấy một thực tế hiện nay là, giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các nước đảng cộng sản chưa nắm quyền lãnh đạo, nhìn chung ít quan tâm đến chính trị và các vấn đề xã hội. Công nhân chủ yếu chỉ nghĩ tới việc làm, lo cho đời sống có thu nhập ổn định, những chế độ phúc lợi cần được hưởng… Tỷ lệ đảng viên trong giai cấp công nhân còn rất thấp, đặc biệt là ở các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước. Các đảng cộng sản và công nhân ở các nước này đang phải tìm cách thích ứng với tình hình biến đổi cơ cấu giai cấp - xã hội ở trong nước, vị trí của giai cấp công nhân trong phong trào đấu tranh của nhân dân lao động; xác định rõ cơ sở giai cấp - xã hội của đảng và chính sách vận động quần chúng, xây dựng chiến lược và sách lược liên minh hay tham gia các tập hợp lực lượng chính trị quốc gia và quốc tế. Phần lớn các tổ chức đảng của giai cấp công nhân ở đây, về cơ bản, chưa đề ra được chủ trương, chiến lược và sách lược đấu tranh có sức thuyết phục và thu hút lực lượng tham gia. Bản thân chính quyền tư sản ở các nước này đang tăng cường thực thi các chính sách nhằm thu hẹp không gian hoạt động của các đảng cộng sản và công nhân bằng những quy định pháp lý về điều kiện tham gia tranh cử, nguồn kinh phí hoạt động, khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông đại chúng...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn lớn, song một số đảng cộng sản, công nhân ở các nước trên đang nỗ lực để trở thành lực lượng chính trị quan trọng trên chính trường trong nước. Hai đảng cộng sản ở Ấn Độ là CPI và CPI-M giữ vai trò nòng cốt trong liên minh cánh tả cầm quyền từ nhiều năm nay ở 3 bang Tây Băng-gan, Kê-ra-la và Tri-pu-ra. Đảng Cộng sản Nê-pan Mác-xít - Lê-nin-nít thống nhất hiện là một chính đảng đóng vai trò then chốt trong việc lật đổ chế độ quân chủ, khai sinh thể chế cộng hòa đầu tiên ở nước này và là đảng giành được số phiếu cao nhất trong Quốc hội, được quyền đứng ra lập chính phủ.
 
Tại khu vực Mỹ La-tinh, trong những năm gần đây, lực lượng cánh tả cũng đang giành thắng lợi lớn trên chính trường, tác động tích cực đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Việc ông Lu-la-đa Xin-va, Tổng thống đầu tiên xuất thân từ công nhân lên cầm quyền ở Bờ-ra-xin được coi là một thắng lợi quan trọng của lực lượng cánh tả. Sự kiện ông H. Cha-vét lên làm Tổng thống ở Vê-nê-du-ê-la được coi là hiện tượng nổi bật trong đời sống chính trị Mỹ La-tinh. Một số nước khác như U-ru-goay, Chi-lê, Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Ê-cu-a-đo, Ni-ca-ra-goa..., lực lượng cánh tả cũng đã lên nắm quyền. Nền dân chủ ở những nước này được mở rộng, đời sống của nhân dân được quan tâm. ở châu Phi, các đảng cộng sản và công nhân đã hoạt động hợp pháp, công khai, trong đó có 4 đảng đang tham gia liên minh cầm quyền là Đảng Cộng sản Nam Phi, Đảng Tiến bộ và chủ nghĩa xã hội Ma-rốc, Đảng Cộng sản Rê-uy-ni-ông, Đảng Cộng sản Tuy-ni-di.
 
Giai cấp công nhân các nước đang phát triển vẫn đại diện cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là lực lượng vật chất của hệ tư tưởng đó. ở các nước do đảng cộng sản lãnh đạo, giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Họ cũng là lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm bảo vệ giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ và thực thi lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
 
Ở các nước đang phát triển theo thể chế tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân vẫn là động lực và là “người thực thi” bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vận mệnh của họ là giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa lao động và tư bản. Họ là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải quyết các mâu thuẫn xã hội, nhằm xây dựng một chế độ dân chủ, bình đẳng và phát triển; đấu tranh giành các lợi ích chính trị, kinh tế cho giai cấp mình và cho quần chúng lao động, chống thất nghiệp, chống áp bức bóc lột. v.v..
 
Sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng với những đảo lộn chính trị ở Liên Xô và Đông Âu đã có tác động tiêu cực đến nhận thức, lý tưởng của một bộ phận giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển. Tại đây, sự thống nhất về tư tưởng trong giai cấp công nhân có biểu hiện giảm sút, còn ở một số đảng cộng sản thì bị phân liệt về tư tưởng và tổ chức. Đây là một khó khăn lớn trong cuộc đấu tranh tư tưởng ở các nước này. Mặt khác, một số quan điểm của các lý luận gia tư sản đã ảnh hưởng mạnh đến công nhân các nước đang phát triển.
 
Nhiều lý luận gia tư sản cho rằng, khoa học và công nghệ phát triển đã và đang làm “biến mất” giai cấp công nhân và quyền lực tư sản; làm chủ tri thức chứ không phải làm chủ tư liệu sản xuất là nắm được quyền lực trong xã hội siêu công nghiệp; kỹ thuật chứ không phải quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là nguồn gốc của bóc lột… Vì vậy, đảng cộng sản và giai cấp công nhân ở các nước này luôn phải kiên định, vượt qua khó khăn của cuộc đấu tranh tư tưởng về vai trò, sứ mệnh lịch sử của họ.
 
Giai cấp công nhân cần nhận thức được sự tinh vi của các học thuyết tư sản về sự biến mất vai trò lịch sử của giai cấp công nhân trong xã hội hiện đại dựa trên sự biến đổi về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Trong cuộc đấu tranh vì xu hướng phát triển của chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân vẫn là người đóng vai trò quyết định. Đây là điểm cốt lõi mà phong trào cộng sản và công nhân ở các nước đang phát triển cần khẳng định để đẩy lùi mọi mưu toan chống phá phong trào từ phía các lý luận gia tư sản. Về văn hoá tinh thần, giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển là những người đại diện cho những giá trị văn hoá tinh thần tiến bộ ở thế kỷ XXI. Nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển là nâng cao trình độ giai cấp công nhân để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ tác động của toàn cầu hoá kinh tế, góp phần xây dựng đất nước theo con đường độc lập về chính trị và không lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản về kinh tế; chống lại nguy cơ sa vào vòng xoáy mới của chủ nghĩa thực dân mới; đấu tranh xây dựng trật tự kinh tế quốc tế mới.
 
Tóm lại, trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, giai cấp công nhân ở các nước đang phát triển có nhiều biến đổi quan trọng. Tuy nhiên, xét đến cùng, vị thế, tư cách làm thuê, bị bóc lột của họ ở tuyệt đại đa số các nước đang phát triển vẫn không thay đổi. Do địa vị kinh tế - xã hội quy định nên giai cấp công nhân ở các nước này vẫn tiếp tục là lực lượng cách mạng tiên phong trong tiến trình giải phóng và phát triển vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội./. 
 

* PGS,Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế
** ThS, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Xem: Nghiên cứu về chủ nghĩa đế quốc, Nxb Dietz Verlao Berlin, 1998, tr140 (Tiếng Đức); Kỷ yếu Hội thảo khoa học về “Giai cấp công nhân hiện đại...”; Chương trình Khoa học xã hội cấp nhà nước, Hà Nội, 1998, mã số: KX.06.07