Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2008 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 16 và 17-12-2008 nhằm tìm kiếm các biện pháp xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.

Việc xây dựng Chính phủ điện tử là một phần trong chiến lược cải cách thủ tục hành chính, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ và chính quyền các cấp, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc với các cơ quan, Chính phủ được nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam. Mục tiêu của Hội thảo này là nhằm tìm kiếm giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách hành chính thay vì thực hiện các hoạt động tin học hóa quản lý hành chính nhà nước một cách thụ động và riêng rẽ.

Các tham luận tại Hội thảo nhằm tìm ra con đường nhanh nhất đi đến Chính phủ điện tử, đông thời chia sẻ những kinh nghiệm bài học, những khó khăn vướng mắc trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Hai vấn đề quan trọng đối việc xây dựng Chính phủ điện tử là hạ tầng kỹ thuật công nghệ và tài chính đầu tư cho Chính phủ điện tử cũng được nhiều diễn giả đề cập, trong đó có các vấn đề về mạng lưới, liên thông, chuẩn, kiến trúc, an toàn bảo mật cũng như cơ chế tài chính, thủ tục đầu tư và quản lý dự án xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên lề Hội thảo cũng có một triển lãm, trưng bày những sản phẩm, giải pháp và công nghệ của nhiều tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong và ngoài nước, phục vụ công cuộc ứng dụng và triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Theo TS. Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ, cải cách thủ tục hành chính là một chủ trương quan trọng trong đường lối đổi mới của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã xác định mục tiêu cải cách thủ tục hành chính nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bên vững của đất nước.

Tiến sỹ Hòa cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải cách thể chế và cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tài chính công.

Tiến tới “Một xã hội không dây”

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam sẽ xây dựng chính phủ nối mạng vào năm 2010, chuyển dần thói quen làm việc dựa trên công văn, tài liệu giấy, môi trường không nối mạng sang phong cách làm việc dựa trên văn bản điện tử, môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp. Các thủ tục hành chính chuyển dần sang hình thức một cửa, tăng cường đối thoại trực tuyến với người dân.

Theo xếp hạng của mạng lưới trực tuyến về hành chính công và tài chính của Liên hợp quốc (UNPAN), chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng 16 bậc, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 91/182 quốc gia.

Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho biết, từ vị trí quốc gia dẫn đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm, Việt Nam nay đã ra khỏi top 9 quốc gia có tỷ lệ vi phạm cao nhất.

Với gần 6 triệu thuê bao quy đổi và 23,5% dân số sử dụng Internet (20 triệu người), Việt Nam cũng đã vượt ngưỡng thuê bao Internet của thế giới (16,9% dân số), xếp hạng 17 trong top 20 quốc gia về số người sử dụng Internet.

Ông Phúc cho biết, mục tiêu đến năm 2010 là xây dựng một cổng thông tin điện tử dành riêng cho cán bộ công chức, xây dựng thử nghiệm 4 bộ không dây, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục - Đào tạo, và xây dựng thử nghiệm 5 Ủy ban nhân dân tỉnh không dây, là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An và Đắc Lắc.

Ngoài ra, sẽ hình thành các kênh tiếp nhận góp ý của người dân và doanh nghiệp, triển khai mô hình điểm đăng ký kinh doanh một cửa điện tử liên thông tại các tỉnh thành, và tổ chức các buổi họp trực tuyến (web conference).

Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng, hệ thống họp trực tuyến (web conference) cho phép chia sẻ màn hình, chia sẻ phần mềm, chia sẻ dữ liệu, trình chiếu và khảo sát thăm dò ý kiến. Hệ thống họp trực tuyến còn là công cụ để đào tạo từ xa, phù hợp cho cả loại hình chính quy và tại chức.

Ông cũng cho biết thêm, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang triển khai thí điểm quy trình hành chính 1 cửa giúp công dân đăng ký và cấp giấy tờ nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch. Cổng thông tin tuyển sinh http://thi.moet.gov.vn là một thí dụ điển hình về cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến, miễn phí.

Khung kiến trúc Chính phủ điện tử

Ông Vũ Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất Khung kiến trúc áp dụng cho các ứng dụng của CPĐT. Đó là mô hình 3 lớp, bao gồm: kết cấu hạ tầng kỹ thuật; phần mềm trung gian, và phần mềm ứng dụng.

Theo ông, việc nghiên cứu, xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo mục tiêu hoạt động hiệu quả của các cơ quan nhà nước khi ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo kiến trúc thống nhất cho việc xây dựng và đưa các hệ thống thông tin điện tử vào vận hành, sử dụng, tránh trùng lắp, lãng phí khi phát triển, giúp người dùng khai thác, sử dụng dễ dàng thuận tiện.

Thực tế triển khai ứng dụng tin học hóa hoạt động cơ quan nhà nước đến nay cho thấy, vấn đề xây dựng Khung kiến trúc, đặc biệt kiến trúc hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông chỉ trở nên cần thiết, cấp bách khi các hệ thống này được xây dựng, vận hành, khai thác trên phạm vi toàn quốc, có sự liên kết chặt chẽ với nhau theo hướng: dùng chung thành phần hệ thống cơ bản, trao đổi và chia sẻ dữ liệu, một đối tượng người dùng có quyền truy nhập và khai thác nhiều hệ thống thông tin khác nhau với nhiều vai trò, nhiều quyền đọc, ghi, sửa, xoá khác nhau.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả bước dầu trong tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước song các hệ thống ứng dụng được xây dựng mới dừng ở mức độ là các hệ thống rời rạc, chưa có sự liên kết giữa các hệ thống ứng dụng này theo chiều dọc (hệ thống ngành) và theo chiều ngang (sự phối hợp hoạt động giữa các ngành)./.