Dù có lạc quan đến đâu cũng không thể nói chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn tới Trung Đông là một chuyến đi suôn sẻ bởi tiến trình hòa bình I-xra-en/Pa-le-xtin dang dở trong bế tắc. Sứ mệnh thúc đẩy hòa bình Trung Đông của bà H. Clin-tơn không phải là chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Cách tiếp cận mới

Ngay khi đặt chân tới I-xra-en, Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn tuyên bố: Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma sẽ tiếp tục theo đuổi giải pháp hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin cùng tồn tại hòa bình mà chính quyền tiền nhiệm Bu-sơ đưa ra nhưng với cách tiếp cận tích cực hơn. Bà nhận định với Ngoại trưởng I-xra-en T.Li-vni: đây là giải pháp tối ưu nhất và mang lại lợi ích lớn nhất cho I-xra-en và cho rằng, nỗ lực tái thiết dải Ga-da không tách rời mà gắn liền với nỗ lực đạt được hòa bình toàn diện ở khu vực, đồng thời thúc giục các bên xúc tiến thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục là đồng minh thân cận nhất của I-xra-en, trước khi đưa ra những thay đổi của Oa-sinh-tơn đối với Xy-ri, bà H. Clin-tơn nói sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng I-xra-en Li-vni rằng: “Với Xy-ri, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu các cuộc đối thoại mới”.

Những nhận định mới liên quan đến vai trò của Xy-ri tại khu vực của Ngoại trưởng Mỹ đã thể hiện sự thay đổi rõ rệt của Oa-sinh-tơn. Theo bà H. Clin-tơn, Mỹ và Xy-ri có quan điểm khác nhau trên nhiều vấn đề quan trọng và đây là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về những vấn đề song phương cũng như những mối quan tâm chung của khu vực. Nguồn tin của Mỹ sau đó cũng cho biết phái đoàn do ông G. Phơ-men, một nhà ngoại giao cấp cao phụ trách về vấn đề Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu sẽ tới Xy-ri sau khi bà H. Clin-tơn kết thúc thăm Trung Đông. Đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa các quan chức hai bên kể từ tháng 1-2005 đến nay, thời điểm mà chính quyền Bu-sơ đã triệu hồi đại sứ Mỹ tại Xy-ri về nước vì nghi ngờ Xy-ri đứng đằng sau hành động ám sát cố Thủ tướng Li-băng R.Ha-ri-ri. Trước đây, Mỹ cũng lên án việc Xy-ri tiếp tay cho các lực lượng nổi dậy như Ha-mát, Héc-bô-la, đồng thời cáo buộc Xy-ri không đủ khả năng ngăn chặn các chiến binh nước ngoài trung chuyển qua Xy-ri để sang I-rắc.

Về vấn đề tái lập các biện pháp đối thoại giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, bà H. Clin-tơn cho rằng: I-xra-en phải chứng tỏ để "người Pa-le-xtin thấy nhiều lợi ích trong đàm phán nếu mục tiêu của họ là kiểm soát vận mệnh của chính mình, sinh sống trong hòa bình và tìm thấy giá trị của một nhà nước đứng vững về mặt kinh tế. Còn đối với người Pa-le-xtin, điều đó có nghĩa là đã đến lúc phải phá vỡ vòng tròn của từ chối và kháng cự".

“Điểm cốt lõi là thời gian"- Ngoại trưởng H. Clin-tơn nhấn mạnh. "Chúng ta không thể chấp nhận thêm thất bại và trì hoãn nếu không muốn hối tiếc về kết quả mà những quyết định khác nhau mang lại. Giờ không phải là lúc buộc tội lẫn nhau mà là lúc nhìn về phía trước". Đó là những lời bình luận được bà H. Clin-tơn đưa ra tại khu thắng cảnh Sharm el-Sheikh của Ai Cập, trước đại diện của khoảng 70 quốc gia tài trợ cho dải Ga-da, sau khi bà công bố cam kết của Mỹ chi 900 triệu USD tái thiết dải Ga-da. Tuy nhiên, liệu quyết tâm vực dậy tiến trình hòa bình Trung Đông của bà H. Clin-tơn có vượt qua được những khó khăn cả cũ và mới như hiện nay hay không?

Những vật cản mới

Vào thời điểm bà H. Clin-tơn tiếp quản công việc Ngoại trưởng Mỹ, những bế tắc của tiến trình hòa bình Trung Đông vốn chưa được giải quyết lại gặp thêm hai vật cản mới. Thứ nhất, sự thay đổi trong chính phủ ở Tel A-vi theo hướng bị chi phối bởi các đảng cánh hữu. Thứ hai, hậu quả của cuộc chiến 22 ngày do quân đội Do Thái tiến hành tại dải Ga-da.

Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 2 vừa qua ở I-xra-en, Đảng Li-cút của cựu Thủ tướng B. Nê-ta-y-a-hu là đảng lớn thứ 2 trong Quốc hội. Và Tổng thống S. Pơ-rê đã giao cho ông Nê-ta-y-a-hu trọng trách thành lập chính phủ mới. Còn Ka-di-ma - đảng lớn nhất do Ngoại trưởng Li-vni đứng đầu, đến nay vẫn từ chối tham gia liên minh với Đảng Li-cút và đang gây sức ép đòi Nê-ta-y-a-hu thành lập một chính phủ hẹp của những đảng cánh hữu. Ka-di-ma cho rằng: chính phủ dưới sự dẫn dắt của ông Nê-ta-y-a-hu sẽ rời xa tiến trình hòa bình và bỏ rơi những tiến bộ đã đạt được kể từ Hội nghị An-na-pô-lít. Ngay từ bây giờ, khi chính phủ cực hữu chưa chính thức được thành lập, một số đối tác trong chính phủ của ông Nê-ta-ya-hu đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng thỏa hiệp lãnh thổ, một nguyên tắc cơ bản của Hội nghị An-na-pô-lít.

Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn tuyên bố Mỹ sẽ “cộng tác chặt chẽ với bất cứ chính phủ mới nào thể hiện nguyện vọng dân chủ của nhân dân I-xra-en”. Những nhân vật mà bà tiếp xúc tại Tel A-vi cũng cho thấy sự cẩn trọng của tân ngoại trưởng trước vấn đề nhân sự mới của I-xra-en.

Trong nội bộ Pa-le-xtin, đây cũng là lúc mà hai phe, một bên là chính quyền của Pha-ta do Tổng thống M.A-bát đứng đầu và được phương Tây ủng hộ và bên kia là lực lượng Ha-mát kiểm soát dải Ga-da dù đã ngồi lại với nhau và thống nhất hợp tác tiến tới thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, song tiến trình này vẫn cần nhiều thời gian chờ đợi trước khi tiến thêm những bước đi cụ thể.

Dấu ấn B. Ô-ba-ma - H.Clin-tơn

Mục tiêu khiêm tốn và thích hợp nhất cho chuyến thăm Trung Đông của bà H. Clin-tơn có lẽ chính là việc tạo được một dấu ấn riêng của B.Ô-ba-ma - H.Clin-tơn trong tiến trình hòa bình ở Trung Đông; theo đó, quan trọng nhất là điểm khác biệt tích cực so với chính sách khu vực của người tiền nhiệm G. Bu-sơ. Nếu xét ở mục tiêu này thì chuyến công du của bà H. Clin-tơn đã thành công.

Nếu ở trong nước, ông B. Ô-ba-ma đặt trọng tâm là vực dậy nền kinh tế trong cơn bão khủng hoảng thì trên các vấn đề quốc tế, giải quyết xung đột I-xra-en và Pa-le-xtin là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới ở Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, ông B. Ô-ba-ma đã rút ra những bài học từ hai người tiền nhiệm là G. Bu-sơ và B.Clin-tơn. Trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng thống, ông G.Bu-sơ từng xếp việc giải quyết xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin xuống hàng thứ yếu so với cuộc chiến chống khủng bố. Chỉ đến năm 2007, nhân Hội nghị An-na-pô-lít, vấn đề xây dựng một nhà nước Pa-le-xtin độc lập mới được bàn đến; nhưng mọi việc vẫn diễn ra chỉ dừng ở lời nói.

Giờ đây, dường như ông B. Ô-ba-ma đang chọn con đường trung hòa giữa hai người tiền nhiệm; theo đó Oa-sinh-tơn không đưa ngay ra các cam kết trực tiếp, mà trước tiên là “nghe cả hai phía trong nỗ lực đạt mục đích là hòa bình lâu dài”.

Chính vì thế, theo nhận định của giới phân tích, chuyến thăm của bà H. Clin-tơn mới chỉ dừng lại ở “vòng quan sát”. Áp dụng “nghe nhiều, nói ít”, tân Ngoại trưởng Mỹ đã chuyển tải thông điệp tới các bên liên quan, rằng: Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục theo đuổi tiến trình hoà bình cho Trung Đông theo cách không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để đưa hai chính phủ I-xra-en và Pa-le-xtin trở lại bàn đàm phán./.