1. Lao đao kế hoạch giải cứu thị trường của Tổng thống G.W.Bu-sơ

Ngày 29-9-2008, các lãnh đạo hai Viện của Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng nhất trí về kế hoạch giải cứu thị trường tài chính 700 tỉ USD. Kế hoạch này cũng nhận được sự ủng hộ của cả hai ứng cử viên Tổng thống và trình lên Hạ viện Mỹ để tiến hành bỏ phiếu thông qua. Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính cho phép chính quyền Mỹ có quyền lớn hơn trong việc sử dụng nguồn tiền của những người đóng thuế để cứu các tổ chức tài chính đang có nguy cơ sụp đổ. Tổng thống G.W.Bu-sơ cho rằng, không có kế hoạch giải cứu này, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng thực sự thảm khốc. Tuy nhiên, ngày 30-9-2008, Hạ viện đã bỏ phiếu không thông qua kế hoạch cứu trợ hệ thống tài chính. Sau đó, phải cần tới nỗ lực “vận động hàng lang”, kế hoạch này mới được Thượng viện Mỹ thông qua và tổ chức bỏ phiếu lại tại Hạ viện. Ngày 4-10-2008, rút cuộc Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua kế hoạch này, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, kế hoạch 700 tỉ USD này chỉ là “liều thuốc hạ nhiệt”, chứ không thể ngăn chặn được đà suy thoái nền kinh tế Mỹ, bởi nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là do “căn bệnh hệ thống” của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

2. Nội các mới ở Nhật Bản thông qua kế hoạch kích thích kinh tế

Ngày 29-9-2008, nội các của tân Thủ tướng Nhật Ta-rô A-xô đã thông qua đề xuất ngân sách khẩn cấp trị giá 17 tỉ USD nhằm kích thích nền kinh tế lớn nhất châu Á đang có dấu hiệu suy thoái trong quý 3-2008. Nội dung đề xuất bao gồm những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng, các công ty và nông dân đối phó với giá nhiên liệu tăng cao và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ. Kế hoạch này đã từng được người tiền nhiệm là cựu Thủ tướng Phư-cư-đa khởi xướng hồi cuối tháng 8-2009 khi nền kinh tế Nhật phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao nhất trong thập niên vừa qua. Tuy nhiên, kế hoạch từng bị trì hoãn do bất ổn chính trị trong nước. Nội các của tân Thủ tướng Ta-rô A-xô đã đệ trình bản đề xuất ngân sách khẩn cấplên Quốc hội, nơi phe đối lập đang nắm quyền kiểm soát một trong hai viện của cơ quan lập pháp. Giới phân tích dự đoán, phe đối lập có thể phản đối đề xuất trên với lý do khoản ngân sách khẩn cấp này quá ít ỏi để có thể thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong khi đó, Thủ tướng Ta-rô A-xô khẳng định, khoản ngân sách khẩn cấp là mục tiêu hàng đầu của ông và ông sẽ kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm trong tháng 10-2008, nếu phe đối lập ngăn chặn kế hoạch này.

 3. Nga giúp Vê-nê-du-ê-la phát triển năng lượng hạt nhân

Tổng thống H.Cha-vét và Thủ tướng V.Putin

Ngày 29-9-2008, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vet tuyên bố, Nga sẽ giúp nước này phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự, theo đó, Mát-xcơ-va sẽ giúp Ca-ra-cat xây dựng một lò phản ứng hạt nhân. Tổng thống Hu-gô Cha-vet tuyên bố, việc Vê-nê-du-ê-la quan hệ chặt chẽ với Nga sẽ tạo điều kiện xây dựng trật tự thế giới đa cực, phản đối sự độc đoán của Mỹ trong các vấn đề thế giới. Kể từ năm 2005, Vê-nê-du-ê-la đã đồng ý mua vũ khí từ Nga với trị giá trên 4,4 tỉ USD, gồm máy bay chiến đấu, trực thăng và 100.000 khẩu Ka-la-xnhi-côp. Tổng thống Đ.Met-vê-đép cũng đề nghị cho Vê-nê-du-ê-la vay thêm tiền để mua vũ khí. Trước khi chấp nhận đề nghị của Nga, Tổng thống Hu-gô Cha-vet đã quan tâm tới khả năng mua một lò phản ứng hạt nhân của Ác-hen-ti-na và hợp tác với I-ran cùng nhiều nước khác để nghiên cứu năng lượng hạt nhân.

4. Trung Quốc bắt băng nhóm sản xuất và phân phối melamine

Ngày 29-9-2008, Công an tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã bắt giữ 22 người liên quan tới một mạng lưới sản xuất, bán và trộn melamine vào sữa, gây ra vụ bê bối sữa nhiễm độc ở quốc gia này. Trong số những người bị bắt giữ, có 19 người là quản lý tại 17 nông trại và trạm thu mua sữa. Hơn 800 cảnh sát đã bất ngờ tấn công 41 bãi chăn thả, nông trang và trạm mua sữa ở thành phố Thạch Gia Giang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc và thu giữ 222,5kg melamine.Theo tin từ cảnh sát, chất melamine được sản xuất tại một nhà máy ngầm rồi sau đó bán cho các nông trại và trạm thu mua sữa, đây là một trong những mắt xích chính mà từ đó sữa nhiễm hóa chất lan rộng. Cùng lúc, 31 tỉnh khác ở Trung Quốc đã lập đội đặc nhiệm giám sát các trạm thu mua và thực thi các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn.

5. Quan hệ đối tác chiến lược Nga - Hàn Quốc

Ngày 30-10-2008, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc kết thúc chuyến thăm Nga trong 3 ngày. Một trong những mục đích quan trọng của chuyến thăm là thảo luận việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ hơn giữa hai nước. Hai bên ký 13 bản ghi nhớ (MOU) hướng tới các quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên, đầu tư, kỹ thuật công nghiệp và công nghệ thông tin...; nhất trí xúc tiến dự án trị giá 100 tỉ USD, theo đó, hàng năm Hàn Quốc sẽ nhập khẩu 10 tỷ m3 khí đốt từ Nga trong vòng 30 năm, kể từ năm 2015. Tổng công ty gas Hàn Quốc và Tập đoàn “Gasprom” của Nga sẽ tiến hành nghiên cứu chung việc xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga qua CHDCND Triều Tiên đến Hàn Quốc. Nếu nghiên cứu tiến triển thuận lợi, năm 2010, hai bên sẽ ký hợp đồng chính thức, và từ năm 2015, Nga sẽ bắt đầu cung cấp gas cho Hàn Quốc. Việc triển khai dự án này sẽ đem lại cho Bình Nhưỡng mỗi năm 100 triệu USD tiền cho thuê đặt đường ống và hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu điện và sưởi tại CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu các nhà lãnh đạo Nga đóng một vai trò lớn hơn trong việc xúc tiến hoà bình tại Đông Bắc Á, cũng như trong việc khôi phục lại hội đàm 6 bên đang bấp bênh hiện nay. Lập trường Nga về vấn đề này sẽ có tác động mạnh đối với CHDCND Triều Tiên đang ở ngưỡng cửa của việc tái khởi động chương trình vũ khí hạt nhân.

6. Đặc phái viên của Mỹ mang đề xuất mới tới CHDCND Triều Tiên

Ông C.Hin trả lời báo giới
 sau cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc

Ngày 1-10-2008, ông Cri-xtô-phơ Hin, Đặc phái viên của Mỹ, đã mang đề xuất mới tới CHDCND Triều Tiên nhằm khôi phục lại tiến trình giải trừ hạt nhân của nước này đang đứng trước nguy cơ tan vỡ. Ông C.Hin đã tới CHDCND Triều Tiên bằng đường bộ, đi qua khu phi quân sự chia cắt 2 miền Triều Tiên. Nhiệm vụ của ông là thuyết phục Thứ trưởng ngoại giao CHDCND Triều Tiên Kim Ki Van (Kim Kye Gwan) đồng ý với đề xuất của Mỹ về việc cho phép lắp hệ thống đếm các lò hạt nhân của nước này. Phát biểu tại Xơ-un ngày 3-10-2008, ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng, ông C.Hin cho biết, ông đã cùng các quan chức CHDCND Triều Tiên tiến hành hội đàm "mang tính thực chất, trong một khoảng thời gian dài và cụ thể". Sau khi hành trình tới Bình Nhưỡng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sáu bên không đạt kết quả, ông C.Hin đã tới Bắc Kinh để hội đàm với người đồng nhiệm Vũ Đại Vĩ, và gặp đại sứ Nga trước khi lên đường tới Tô-ki-ô. Theo nhận xét của ông C.Hin, kết quả chuyến đi là “tẻ nhạt”.

7. Quan sát viên EU bắt đầu nhiệm vụ ở Gru-di-a

Ngày 1-10-2008, các quan sát viên của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu chính thức hoạt động ở Gru-di-a để giám sát việc thực thi các thỏa thuận ngừng bắn tại đây. Trong giai đoạn đầu, hơn 200 quan sát viên đến từ 22 quốc gia thuộc EU do ông Han-gioóc Ha-be, một nhà ngoại giao Đức, dẫn đầu, sẽ làm nhiệm vụ trên các vùng lãnh thổ cận kề Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a. Nhóm quan sát viên đầu tiên đã đến vùng đệm quanh Nam Ô-xê-ti-a. Theo các thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Gru-di-a do Pháp làm trung gian, trước tiên, Nga phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ Gru-di-a giáp vùng xung đột Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a vào ngày 10-10-2008.

8. Thỏa thuận hạt nhân dân sự có ý nghĩa lịch sử giữa Mỹ và Ấn Ðộ

Ngày 1-10-2008, với 86 số phiếu ủng hộ áp đảo và 13 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Ðộ, theo đó bãi bỏ lệnh cấm các hoạt động thương mại hạt nhân dân sự kéo dài ba thập niên qua với Niu Đê-li. Thỏa thuận này cho phép các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu bán nhiên liệu, công nghệ và các lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình cho Ấn Độ. Ðổi lại, Niu Đê-li phải có các biện pháp bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho Liên hợp quốc có quyền thanh tra các nhà máy hạt nhân của Ấn Ðộ. Tổng thống G.W.Bu-sơ tuyên bố rằng, văn kiện trên sẽ tăng cường các nỗ lực toàn cầu ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, góp phần bảo vệ môi trường, tạo nhiều việc làm, và giúp Ấn Ðộ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng; đồng thời khẳng định sẽ sớm ký thỏa thuận nói trên, và cam kết củng cố quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Ðộ. Còn theo Liên đoàn công nghiệp Ấn Ðộ, thỏa thuận hạt nhân dân sự này mở đường cho việc đầu tư khoảng 27 ỉ USD cho 18 đến 20 nhà máy hạt nhân tại Ấn Ðộ trong vòng 15 năm tới.

9. Thủ tướng Đức thăm Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và EU căng thẳng

Ngày 2-10-2008, Thủ tướng Đức An-ge-la Méc-ken chính thức thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Đ.Met-vê-đép tại thành phố Xanh Pe-tec-bua nhằm làm dịu động thái căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước liên quan tới cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a. Hai bên bàn thảo về tình trạng khủng hoảng tài chính toàn cầu, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran, Hội nghị thượng đỉnh EU trong tháng 10-2008, việc nối lại cuộc đàm phán với Nga về một hiệp định hợp tác và đối tác mới. Đức là đối tác gần gũi nhất của Nga ở Tây Âu, nhưng gần đây, quan hệ giữa Bon và Mat-xcơ-va xấu đi sau sự kiện Nam Ô-xê-ti-a. Vì thế, cuộc hội đàm lần này còn đề cập đến nhiệm vụ của nhóm quan sát viên EU khi quân Nga rút khỏi "các vùng đệm" xung quanh Nam Ô-xê-ti-a và vùng đệm xung quanh Áp-kha-di-a. Theo Ủy ban về các quan hệ kinh tế Đông Âu, khoảng 4.600 công ty của Đức có chi nhánh tại Nga và trong số 4 cỗ máy nhập khẩu vào Nga có 1 được sản xuất tại Đức. Các mặt hàng xuất khẩu của Đức sang Nga tăng 23% trong nửa đầu năm nay, lên 15,8 tỉ Euro (22,3 tỉ USD). Cùng khoảng thời gian này, tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Đức là 16,7 tỉ euro. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội đàm với Tổng thống Đ.Met-vê-đép, Thủ tướng Đức cho rằng, hiện còn quá sớm để NATO trao Kế hoạch hành động thành viên (MAP) cho hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây là Gru-di-a và U-crai-na.

10. Sẽ không có “chiến tranh lạnh” hay “chiến tranh nóng” giữa Nga với Mỹ và NATO

Ngày 2-10-2008, Tổng thống Đ.Met-vê-đép tuyên bố rằng ông không thấy có cơ sở nào cho việc bùng phát một cuộc “chiến tranh lạnh” hay “nóng” giữa Nga với Mỹ và NATO. Mặc dù vậy, ông Đ.Met-vê-đép cũng thừa nhận, mối quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đang ngày càng xấu đi do cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a hồi tháng 8 vừa qua. Tổng thống Đ.Met-vê-đép khẳng định, Nga không có ý định lún sâu vào cuộc tranh cãi với NATO, nhưng rõ ràng, NATO cần Nga hơn là Nga cần NATO. Việc ai sẽ làm tân Tổng thống Mỹ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước.

11. Cuộc đua giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ

Hai ứng viên Phó Tổng thống Mỹ
ông Bi-đen (trái) và bà Pa-lin (phải)

Ngày 2-10-2008, trường đại học Oa-sinh-tơn chứng kiến sự kiện đánh dấu cuộc "so găng" giữa ông Bi-đen, một chính trị gia kỳ cựu với bà Pa-lin, một người còn “chân ướt, chân ráo” trên chính trường Mỹ. Cả hai đang chạy đua vào chiếc ghế Phó Tổng thống Mỹ. Chủ đề tranh luận của hai ứng cử viên là chính sách năng lượng và môi trường, về cuộc chiến ở I-rắc, về sự thay đổi. Theo kết quả điều tra của Đài phát thanh Cô-lum-bi-a, về câu hỏi ai chiến thắng trong cuộc tranh luận, ông Bi-đen giành được 46% ý kiến ủng hộ, trong khi đó, bà Pa-lin chỉ chiếm được 21%.Theo Hiến pháp Mỹ, vai trò lớn nhất của Phó Tổng thống Mỹ là có thể thay thế vị trí lãnh đạo đất nước trong truờng hợp Tổng thống gặp rủi ro ngoài ý muốn không thể tiếp tục công việc điều hành. Điều đó có nghĩa rằng, Phó Tổng thống cũng phải là người hội đủ tư cách và phẩm chất như Tổng thống. Theo đánh giá của dư luận qua cuộc tranh luận duy nhất giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống thì rõ ràng bà Pa-lin tỏ ra thua kém rất nhiều so với đối thủ giàu kinh nghiệm là ông Bi-đen.

12. Bầu cử quốc hội ở Bê-la-ru-xi-a

Ngày 3-10-2008, Ủy ban bầu cử trung ương của Bê-la-ru-xi-a công bố kết quả bầu cử Quốc hội ở nước này. Tổng cộng 263 ứng cử viên tham gia tranh cử vào 110 ghế Quốc hội. Trong số các ứng cử viên này, ngoài ứng cử viên của đảng cầm quyền, có 82 người thuộc 8 đảng đối lập và các ứng cử viên độc lập. Hơn 900 quan sát viên quốc tế, trong đó có các quan sát viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Theo Ủy ban bầu cử trung ương của Bê-la-ru-xi-a, có 85% cử tri tham gia bỏ phiếu tại 110 khu vực bầu cử, các ứng cử viên thân chính phủ đã giành tổng cộng 100 ghế trong số 110 ghế. Chính quyền của Tổng thống Bê-la-ru-xi-a Lu-ca-xen-cô muốn thông qua cuộc bầu cử Quốc hội năm nay để cải thiện mối quan hệ với Mỹ và EU. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc bầu cử ở Bê-la-ru-xi-a diễn ra dân chủ, minh bạch và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn quốc tế.

13. Lãnh đạo EU họp bàn về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu

Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di

Ngày 4-10-2008, các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại Pa-ri để bàn về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở mức trầm trọng. Tham dự cuộc họp có các nhà lãnh đạo Anh, Đức,I-ta-li-a cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) và Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di hy vọng sự kiện này sẽ đưa đến một hội nghị thượng đỉnh thế giới vào cuối năm 2008. Kế hoạch “giải cứu” kinh tế toàn châu Âu trị giá 300 tỉ euro, tương tự kế hoạch 700 tỉ USD mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua đã không được thông qua tại Hội nghị lãnh đạo EU. Trước cuộc họp ở Pa-ri, Đức đã lên tiếng phản đối bất kỳ một kế hoạch giải cứu thị trường châu Âu nào được thực hiện với sự phối hợp giữa các nước. Ông Giên-clao Giun-ke (Jean-Claude Juncker), người đứng đầu nhóm bộ trưởng các nước sử dụng đồng euro, cũng bác bỏ sự cần thiết phải có một quỹ giải cứu các ngân hàng đã kiệt quệ. Ông nói rằng, châu Âu không cần đến một chương trình tương tự kế hoạch 700 tỉ USD của Mỹ. Vì thế, Hội nghị chỉ đề nghị các nước tự mình tìm ra giải pháp đơn phương. Theo Ca-ren Lan-nô (Karel Lannoo) thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu, việc để các thành viên của EU tự giải quyết các vấn đề ngân hàng của riêng họ là một sai lầm./.