Phát huy tinh thần chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của dân quân tự vệ Hà Nội, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới
TCCS - Trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, cùng với lực lượng vũ trang Thủ đô, lực lượng dân quân tự vệ đã lập nhiều thành tích, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân và dân Hà Nội, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô. Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô không ngừng nâng cao chất lượng về mọi mặt, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Những đóng góp của lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô trong chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Trong 12 ngày đêm (18 - 29-12-1972), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tổng Tư lệnh đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương lân cận, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo tiền đề cơ bản để cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không năm 1972” có sự góp phần không nhỏ của quân và dân Thủ đô, trong đó có chiến công của các đội dân quân tự vệ.
Đóng góp của lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô trong 12 ngày đêm lịch sử với nhiều chiến công nổi trội, đã góp phần quan trọng tăng thêm niềm tin vào cách đánh của lực lượng tự vệ, cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí chiến đấu của quân dân Thủ đô trong những tháng ngày khói lửa đó.
Ngày 2-12-1972, theo đề nghị của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Thường vụ Thành ủy quyết định tăng cường thêm cán bộ và cơ sở vật chất cho lực lượng dân quân tự vệ để nâng cao sức chiến đấu của các đội dân quân tự vệ trực chiến phòng không. Do được chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, lực lượng dân quân tự vệ bước vào chiến đấu với tinh thần kiên cường, mưu trí, dũng cảm, phối hợp với bộ đội chủ lực cả trong chiến đấu và phục vụ chiến dấu.
Cùng với trực tiếp chiến đấu, các cơ quan quân sự các quận, huyện và các khu phố đã huy động lực lượng dân quân tự vệ chủ động chi viện cho các đơn vị đang chiến đấu bằng nhiều hoạt động như: tiếp đạn, sửa chữa trận địa, sân bay bị địch ném bom; làm đường cơ động cho các đơn vị phòng không. Dân quân tự vệ ở cơ sở tổ chức các tổ cứu thương, vận tải, cấp dưỡng, để phục vụ bộ đội. Tự vệ các công ty cầu đường bám trụ các trục đường, phối hợp với các lực lượng khác thu dọn chướng ngại, tháo gỡ, phá hủy bom để giải phóng mặt đường, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Qua 12 ngày đêm với sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ và tinh thần chiến đấu quả cảm, vượt lên mọi vất vả và hy sinh, lực lượng dân quân tự vệ cùng lực lượng vũ trang Thủ đô đã lập nhiều thành tích, góp phần đánh bại “pháo đài bay B-52” của không lực Mỹ.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là niềm vinh dự, tự hào của quân và dân Thủ đô, của lực lượng vũ trang trong đó có dân quân tự vệ. Có được chiến thắng đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, công tác nắm bắt dự báo chiến lược; chủ động tham mưu, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức chiến tranh nhân dân, nhất là chuẩn bị lực lượng, thế trận, tổ chức phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, tiến hành công tác phòng không nhân dân, sơ tán, phòng tránh... Những bài học đó đã và đang được lực lượng vũ trang Thủ đô phát huy, vận dụng sáng tạo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhiệm vụ và giải pháp xây dựng lực lượng tự vệ Thủ đô, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới
Ngày nay, để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô ngày càng vững mạnh, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng của lực lượng dân quân tự vệ, đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ cơ sở, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, từng bước thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: “Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế…”. Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, lực lượng quân tự vệ đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động mọi mặt nhằm nâng cao sức chiến đấu bảo vệ trật tự trị an đô thị và an toàn tại khu dân cư.
Khi luyện tập, các chiến sĩ tự vệ tích cực luyện tập bắn mục tiêu trên không bay thấp bằng súng tiểu liên AK, các đơn vị coi trọng huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh nhằm trang bị cho các chiến sĩ tự vệ kỹ năng sử dụng các loại vũ khí, trang bị trong biên chế, đồng thời huấn luyện về điều lệnh để qua đó nâng cao tính tổ chức, kỷ luật và tác phong công tác khoa học. Các đơn vị tăng cường huấn luyện chuẩn bị tham gia thực binh trong diễn tập, bảo đảm tác chiến khu vực phòng thủ. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, ban chỉ huy quân sự các cơ quan phối hợp chặt chẽ với ban chỉ huy quân sự các quận cử cán bộ về huấn luyện cho lực lượng tự vệ của đơn vị. Ngoài cử cán bộ xuống hướng dẫn và duy trì phân đội luyện tập, cơ quan quân sự quận tăng cường đến kiểm tra và động viên, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những khâu yếu, giúp lực lượng tự vệ cơ sở nắm chắc nội dung huấn luyện.
Lực lượng tự vệ của các cơ sở, đơn vị công tác trên địa bàn thành phố Hà Nội đa số là cán bộ, công chức trẻ, trình độ học vấn cao, có tinh thần tự giác trong thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện quân sự, các chiến sĩ tự vệ còn được giáo dục chính trị, pháp luật, tham gia nhiệt tình các hội thi, hội thao, các cuộc diễn tập của ban chỉ huy quân sự các quận. Hằng năm, các đơn vị tiến hành rà soát, lập danh sách, phối hợp với ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo đúng quy định; đồng thời sát sao chỉ đạo việc tổ chức, xây dựng và hoạt động lực lượng tự vệ của cơ quan… Tiến hành xây dựng các trung đội tự vệ ở cơ quan trở thành lực lượng xung kích, nòng cốt trong giải quyết, ứng phó với các tình huống về an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cơ quan, tham gia công tác phòng, chống thiên tai, cháy nổ...
Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ cơ sở đủ về số lượng và có chất lượng, việc lựa chọn đầu vào vô cùng quan trọng. Nguồn dân quân tự vệ được các tổ dân phố và cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn, giới thiệu là những công dân có lý lịch chính trị rõ ràng, đạo đức, sức khỏe tốt có việc làm ổn định trên địa bàn, gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua quá trình công tác, huấn luyện, các đơn vị dân quân tự vệ phát hiện, bồi dưỡng nhân tố mới cho Đảng, chọn những người có phẩm chất đạo đức và trình độ văn hóa, có lý tưởng cách mạng để giới thiệu, kết nạp Đảng.
Dân quân tự vệ được giáo dục chính trị, tư tưởng thực hiện công tác đảng, công tác chính trị, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về nhiệm vụ “Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Thông qua các hoạt động tuyên truyền phổ biến về pháp luật, Luật Dân quân tự vệ… nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật cho lực lượng dân quân tự vệ.
Cùng với đó, trong huấn luyện, các đơn vị cơ sở đã chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng hiệp đồng chiến đấu, sử dụng thành thạo vũ khí. Kết hợp giữa kỹ thuật và chiến đấu, lý thuyết với thực hành. Nâng cao tính cơ động, rèn luyện thể lực cho các lực lượng, đặc biệt là lực lượng làm nhiệm vụ A2, dân quân thường trực, dân quân tự vệ phòng không, pháo binh.
Để lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô ngày càng vững mạnh, Bộ Tư lệnh Thủ đô thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, chú trọng nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của cơ quan quân sự các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ. Đây là nội dung quan trọng mang tính nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình lãnh đạo của lực lượng vũ trang địa phương nói chung, lực lượng dân quân tự vệ nói riêng. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện Luật Dân quân tự vệ năm 2019, các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các nghị quyết, đề án, văn bản, kế hoạch,… nhằm thống nhất chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ phù hợp với nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ sát với điều kiện thực tiễn địa phương, cơ sở. Các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ trong bảo vệ cấp ủy, chính quyền; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở cũng như trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, tăng cường giáo dục chính trị đối với dân quân tự vệ cơ sở. Giáo dục chính trị cho lực lượng dân quân tự vệ là một nội dung quan trọng hàng đầu, nhằm nâng cao nhận thức về chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng của dân quân tự vệ. Trên cơ sở đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ quê hương, địa phương, đơn vị mình. Nội dung cần tập trung giáo dục truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa; mục tiêu lý tưởng của Đảng; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn; quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng - an ninh, chống “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, thực hiện công tác quốc phòng địa phương, xây dựng lực lượng nhân dân. Quán triệt một số nội dung cơ bản về Hiến pháp, pháp luật, Pháp lệnh về dân quân tự vệ, nội dung phương pháp tiến hành vận động quần chúng...
Ba là, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân tự vệ. Hằng năm, lực lượng dân quân tự vệ được huấn luyện theo nội dung, chương trình do Bộ Quốc phòng quy định, nội dung huấn luyện phải phù hợp và sát với cơ sở do chỉ huy quân sự địa phương các cấp xác định cụ thể. Huấn luyện toàn diện cả chiến thuật, kĩ thuật, cả bộ binh và các binh chủng, chuyên môn kỹ thuật, thời gian huấn luyện theo quy định của pháp lệnh.
Trên cơ sở chương trình quy định tại Thông tư số 69/2020/TT-BQP, ngày 15-6-2020 của Bộ Quốc phòng, chỉ đạo bổ sung nội dung huấn luyện về phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh ở cơ sở. Trước khi bước vào huấn luyện, Bộ Tư lệnh Thủ đô yêu cầu các địa phương, đơn vị kiện toàn tổ chức biên chế, lập và phê duyệt kế hoạch huấn luyện theo phân cấp… Căn cứ vào tình hình cụ thể, thành phố phân cấp tổ chức tập huấn quân sự cho 100% cán bộ ở các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp làm công tác huấn luyện, nhằm nâng cao trách nhiệm, năng lực, phương pháp, tác phong huấn luyện. Ngoài việc sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên ngành của cơ quan quân sự ở các địa phương, Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường cán bộ phối hợp, hiệp đồng với ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã để giúp đỡ, hỗ trợ giáo viên huấn luyện chuyên ngành, bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, chất lượng”, gắn với thực hiện yêu cầu “nắm chắc nội dung huấn luyện; vận dụng sáng tạo, có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, quyết liệt..., đặt ra yêu cầu cao về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là đối với công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có dân quân tự vệ. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã và đang tập trung xây dựng dân quân tự vệ có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao. Tổ chức biên chế dân quân tự vệ ngày càng chặt chẽ, có chất lượng chính trị cao, trang bị vũ khí phù hợp, được giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện quân sự toàn diện nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và hoạt động phối hợp có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.
Lực lượng dân quân tự vệ Thủ đô trong tình hình hiện nay đang hướng mọi hoạt động vào nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, làm nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng thực sự vững mạnh từ cơ sở; làm nền tảng cho xây dựng thế trận khu vực phòng thủ huyện, thành phố ngày càng vững chắc. Điều đó tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của dân quân tự vệ Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
Một số giải pháp xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội vững mạnh, toàn diện trong tình hình mới  (11/11/2022)
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội hiện nay  (11/11/2022)
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế  (10/11/2022)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm