Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội hiện nay
TCCS - Hà Nội luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 04- CTr/TU “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết lao động việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Đây là một trong những giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội hiện nay.
1. Những kết quả đạt được
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn là chủ trương lớn của thành phố Hà Nội. Trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đạt nhiều kết quả.
Công tác đào tạo nghề có nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình và hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa, hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố góp phần "thổi luồng gió mới" vào đời sống ở khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2010-2020, toàn thành phố đã mở hơn 6.000 lớp đào tạo nghề cho gần 220 nghìn lao động nông thôn. Đối tượng được ưu tiên đào tạo là thành viên gia đình người có công với cách mạng, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất… Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Kết quả này đóng góp không nhỏ vào việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 34,8% cuối năm 2010, lên 70,2% vào cuối năm 2020(1). Tính đến tháng 3-2022, thành phố đà giải quyết việc làm cho hơn 23 nghìn lao động (trong đó, tạo việc làm cho 5.275 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 261,1 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 2.167 lao động, số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 15.661 lao động). Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 41 phiên giao dịch việc làm với 1.001 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 14.103 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 5.288 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 2.167 lao động(2)
Một số địa phương áp dụng mô hình đào tạo thí điểm đã thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu như mô hình đào tạo may công nghiệp tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, cho mức thu nhập của người lao động bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng; mô hình nghề sản xuất mây, tre, giang đan tại huyện Chương Mỹ phối hợp đào tạo với doanh nghiệp cho thu nhập bình quân của người lao động 4 triệu đồng/tháng; mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì cho thu nhập khoảng 2.5 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động đúng hướng.
2. Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân và yêu cầu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn, cụ thể:
Ở khu vực nông thôn, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tuy được cải thiện rõ rệt song vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư của thành phố. Theo kết quả điều tra năm 2019, lực lượng lao động chưa qua đào tạo ở khu vực này chiếm 72,2%. Tỷ lệ thất nghiệp lần lượt theo độ tuổi là: từ 15 - 19 tuổi chiếm 9,7; từ 20 - 24 tuổi là 4.4%; từ 25 - 29 tuổi là 1.3%. Tình trạng thiếu việc làm là 0.29%(3). Năm 2020, tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1.12%(4).
Giai đoạn 2016 - 2020 mục tiêu kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố, phấn đấu tối thiểu đạt 80% cho 106.130 người. Tuy nhiên qua 5 năm thực hiện kế hoạch chỉ đạt 75% với tổng số 76.203 người, trong đó chỉ có 61.027 lao động hoàn thành chương trình đào tạo. So sánh với tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 thì tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và số người tham gia đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thấp.
Một số cơ sở đào tạo nghề tập trung chủ yếu giảng dạy lý thuyết trên lớp, thời gian thực hành ít, do đó, người lao động sau đào tạo thiếu kỹ năng thực hành nên khó tìm được việc làm. Sự liên kết giữa đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm chưa cao. Quá trình triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Điều này dẫn tới việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không trúng với yêu cầu của thì trường việc làm. Nhiều nơi xây dựng kế hoạch đào tạo nghề không xuất phát từ khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của người lao động. Chưa kể, đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một số nơi thực chất chỉ mang tính phong trào.
Việc rà soát, đề xuất, bổ sung danh mục các nghề đào tạo, chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên, dẫn đến một số nghề mới, cần thiết nhưng chưa có trong danh mục đào tạo, cho nên chưa thực hiện được. Thời gian đào tạo theo chương trình sơ cấp được thành phố phê duyệt 3 tháng tại các địa phương không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hơn nữa, mặc dù được hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng mức hỗ trợ hiện nay là rất thấp (từ 2 đến 3 triệu đồng) khiến những người có hoàn cảnh khó khăn dù thấy rõ lợi ích của việc học nghề nhưng cũng khó có thể theo học.
Ở một số nơi, các tổ chức đào tạo nghề chưa có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp cùng tham gia. Tính từ năm 2016 đến 2021, tỷ lệ lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề còn thấp, chiếm 11,26%. Đáng chú ý hơn là số lao động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp sau đào tạo chỉ có 1,08%(5). Điều này còn phản ánh một thực trạng khác là đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường lao động. Mặt khác, chính sách tín dụng sau học nghề còn khó khăn. Nhiều lao động nông thôn sau học nghề có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay. Do đó, số lượng người qua đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng không chỉ ít mà khả năng chủ động thành lập hợp tác xã và doanh nghiệp cũng thấp.
Sở dĩ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Hà Nội còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với nguồn kinh phí, tiềm năng và lợi thế của thành phố là do một số nguyên nhân sau: Công tác tuyền truyền về chủ trương đào tạo nghề gắn với giải quyết lao động, việc làm của thành phố chưa trở thành một mạng lưới sâu rộng, chưa đến được với các đối tượng cần đến. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chưa hiệu quả, còn mang tính hình thức. Khả năng dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu của thị trường lao động chưa cao. Việc xây dựng triển khai kế hoạch dạy nghề chưa bám sát với tình hình thực tế và định hướng ngành nghề đào tạo. Sự phối kết hợp giữa chính quyền, tổ chức đào tạo nghề và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.
3. Một số giải pháp
Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới và chính sách giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng và phải đi trước một bước. Công tác tuyên truyền cần phải thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông tin đến với các đối tượng bảo đảm đầy đủ, rộng rãi qua các phương tiện truyền thống và hiện đại. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào những vấn đề sau: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương về chính sách đào tạo nghề; vai trò của chính sách đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các ngành nghề sử dụng trong thị trường lao động; chính sách hỗ trợ cho người lao động học nghề; thông tin tuyển sinh, mã ngành đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo ở địa phương; các mô hình dạy nghề trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ tư vấn dạy nghề. Có như vậy, chính sách đào tạo nghề mới đạt hiệu quả và đi đúng định hướng.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung, chương trình đào tạo. Nội dung, chương trình cần phải bám sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhà trường phối hợp với doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho cơ sở đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu sử dụng, điều hành máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại của doanh nghiệp. Gắn kết chặt chẽ nhà trường với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề. Về hình thức đào tạo nghề cũng cần đổi mới linh hoạt. Dạy nghề phải thực hiện theo hướng kết hợp đào tạo lý thuyết tại nhà trường và thực hành nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ.
Bên cạnh việc đổi mới hình thức, nội dung, chương trình giáo dục nghề nghiệp, cần tăng cường tính tự chủ của các cơ sở dạy nghề. Nhà nước chỉ có thể có các chính sách đầu tư kinh phí đối với một số ngành nghề đào tạo đặc thù chứ không thể bao cấp toàn bộ các ngành nghề đào tạo. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn dù ngắn hạn đến đâu và dù chỉ giới thiệu nghề trình độ sơ cấp thì vẫn phải đề cao tinh thần hướng nghiệp, khởi nghiệp và lập nghiệp. Do đó, các cơ sở dạy nghề phải nhanh nhạy nắm bắt, dự báo được những ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lâu dài của doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường lao động.
Trong điều kiện chuyển đổi số quốc gia, các tổ chức đào tạo nghề nhất thiết phải hoạt động linh hoạt và hiệu quả. Các khóa đào tạo nghề cũng phải mở, có thể rất ngắn hạn. Người học sẽ được tiếp cận với nhiều kiến thức và kỹ năng mới, đáp ứng công việc đang làm hoặc chuyển đổi việc làm cũ sang việc làm mới. Từ sự thay đổi này, các cấp chính quyền và cơ sở đào tạo nghề ở Hà Nội cần cho xây dựng lại danh mục đào tạo nghề phù hợp với từng địa phương. Các cơ sở đào tạo nghề cần nhanh chóng áp dụng công nghệ thông tin mới để giới thiệu hướng phát triển nghề ở nông thôn, xây dựng các phương pháp đào tạo mới như đào tạo trực tuyến, kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến.
Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp
Sự phối hợp, liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, không chỉ giải quyết lao động ở nông thôn mà còn là tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Thực tế cho thấy việc liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp tại mang lại lợi ích cho cả hai bên, đồng thời hạn chế được nhiều bất cập trong đào tạo nghề, như giảm sự lãng phí đáng kể việc đào tạo một số nghề không phù hợp; hạn chế thấp nhất số lượng người sau khi hoàn thành khóa học không có việc làm, người lao động nông thôn lúng túng không biết xin việc ở đâu; giảm tối thiểu tình trạng đào tạo nghề theo kiểu phong trào, đào tạo nghề chỉ nhằm cho đủ chỉ tiêu.
Thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhiều tổ chức cùng tham gia đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Định hướng nghề đào tạo cho lao động nông thôn phải phù hợp với từng địa phương. Có khảo sát, thống kê nhu cầu học thực tế, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp sử dụng lao động thông qua nâng cao năng lực, phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về cung, cầu đào tạo nghề cho người lao động.
Mặt khác, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính. Có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho lao động sau đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tại địa phương phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy người lao động ở nông thôn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Quan tâm tới chính sách khôi phục các làng nghề truyền thống, chú trọng mở rộng, phát triển một số nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao thu hút và giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở nông thôn.
Nâng cao hiệu quả chính sách vay vốn cho người lao động học nghề
Những năm tới các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội. Tổ chức quản lý nguồn vốn chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, đúng chính sách, bảo đảm an toàn vốn. Bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặt khắc, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những tiêu cực có nguy cơ xảy ra. Bảo đảm chặt chẽ quy trình trong các khâu thẩm định, xét duyệt việc sử dụng nguồn vốn, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ nợ quá hạn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm./.
--------------------------
(1) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hà Nội: Nâng cơ hội tìm kiếm việc làm, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-thoai/986222/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-o-ha-noi-nang-co-hoi-tim-kiem-viec-lam
(2) Theo Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình 04-CTr/TƯ của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.
(3) Tổng hợp theo số liệu Cục Thống kê thành phố Hà Nội
(4) Tổng cục Thống kê, Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, tr.39, các biểu tổng hợp (gso.gov.vn)
(5) Tổng hợp số liệu do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cung cấp
Hà Nội chủ động kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới  (10/11/2022)
Hà Nội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (09/11/2022)
Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu  (06/11/2022)
- Vĩnh Phúc dồn sức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024
- Vĩnh Phúc - Nhiều địa phương “về đích” sớm chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới
- Tuổi trẻ Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò xung kích tham gia chuyển đổi số gắn với các phong trào thi đua yêu nước
- Vĩnh Phúc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
- Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên