Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
TCCS - Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định, đến năm 2025, Hà Nội có tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt 70%. Đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tính đến năm 2021, thành phố Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu thuộc huyện Đan Phượng (gồm các xã: Đan Phượng, Liên Hà, Song Phượng, Tân Hội, Thọ Xuân). Toàn thành phố có 382 xã nhưng mới có 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu - kết quả còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Song, để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bắt buộc phải đạt nông thôn mới nâng cao. Điều đó cần thời gian, nguồn lực rất lớn và sự quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Căn cứ theo Văn bản số 521/VPCP-NN, ngày 15-1-2018, của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành nội dung trọng tâm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, điều kiện, tiêu chí xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, định hướng chỉ đạo xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu, ngày 20-8-2018, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 4212/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Sau 4 năm thực hiện, toàn thành phố có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong đó năm 2018 có 3 xã đạt, năm 2019 có thêm 8 xã đạt, năm 2020 có thêm 18 xã đạt và năm 2021 có thêm 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND, ngày 29-8-2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, 60 chỉ tiêu, nhiều hơn 11 chỉ tiêu so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (49 chỉ tiêu). Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm 19 tiêu chí, 78 chỉ tiêu. Trong đó có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 và một số chỉ tiêu yêu cầu cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đến khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu còn khó khăn hơn rất nhiều do yêu cầu tiêu chí càng được nâng lên. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đến năm 2020, Hà Nội có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, có 5/29 xã nâng cao được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 17,24%, như vậy tỷ lệ cũng không phải quá thấp.
Theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, đặt ra yêu cầu của tiêu chí thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Yêu cầu này là tương đối cao so với các xã. Chẳng hạn, năm 2021, các xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu phải đạt từ 76,5 triệu đồng/người/năm trở lên trong khi thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội chỉ đạt 54,07 triệu đồng/người/năm. Đến giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đặt ra yêu cầu thu nhập bình quân đầu người cao hơn 10% so với xã nông thôn mới nâng cao, cũng là mức cao so với nhiều xã.
Các yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cũng cao hơn rất nhiều so với Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là lĩnh vực về môi trường, an ninh trật tự. Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc để đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu là phải có mô hình thôn thông minh - đây là khái niệm mới. Ngày 29-8-2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Đây là một trong những nội dung mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay thành phố giao Sở Thông tin và truyền thông chủ trì, xây dựng hướng dẫn để giúp các huyện, thị xã triển khai thực hiện.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố xác định, đây là một tiêu chí mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phải có thời gian để khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn do Trung ương không có khung hướng dẫn mà giao cho cấp tỉnh quy định. Mặc dù vậy, trên cơ sở Bộ tiêu chí thành phố đã ban hành, hiện nay các huyện, thị xã cũng đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình thôn thông minh.
Một trong những tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần gắn với chương trình chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn nói riêng và chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Ngày 2-8-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 (Theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29-8-2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025) cũng quy định rất rõ mô hình thôn thông minh với các yêu cầu rất cụ thể. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng trên địa bàn một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn, xã khác, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong giai đoạn tiếp theo.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực. Với ngành nông nghiệp Hà Nội, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hằng năm. Trong đó yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, sở tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số. Vì vậy, xây dựng mô hình thôn thông minh cũng chính là một phần của chuyển đổi ngành nông nghiệp cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Trong quá trình chuyển đổi số ở nông thôn, người nông dân được coi là chủ thể quan trọng. Xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số là mục tiêu mà toàn thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng không ngoại lệ. Ở trong nền kinh tế số, mỗi nông dân đóng vai trò là một doanh nhân, phải biết cách quản lý quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, chất lượng rồi xây dựng thương hiệu, tiếp thị, quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm… của Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung cấp cho Thủ đô, từ đầu năm 2016, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội triển khai Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các loại nông sản an toàn Hà Nội đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR code. Năm 2021, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội vừa hợp tác với TikTok để đưa sản phẩm OCOP của Thủ đô lên quảng bá trên mạng xã hội này. TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo dành cho cả người mua, người bán, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, liền mạch, từ khâu tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, giao hàng và thanh toán, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, với xu hướng Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí), các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng có thêm cơ hội để gắn kết với cộng đồng thông qua yếu tố giải trí, khả năng tương tác cao trong những nội dung giới thiệu hoặc tạo nhu cầu cho những sản phẩm mới.
Việc hợp tác trên mang lại kỳ vọng lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kết nối và hội nhập. Hà Nội có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước với 1.649 sản phẩm được công nhận, chiếm 19% số sản phẩm của cả nước (8.340 sản phẩm). Các sản phẩm OCOP của Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các sản phẩm OCOP được đăng tải trên các nền tảng truyền thông xã hội sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho các chủ thể. Đồng thời cũng là cơ hội để sản phẩm OCOP của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ được người dân Việt Nam và toàn thế giới biết đến, tiêu thụ sản phẩm trong thời gian không xa. Việc hợp tác với TikTok không chỉ giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chất lượng của Hà Nội mà còn kết nối, đưa nông sản và sản phẩm OCOP phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, như mục tiêu chúng tôi hướng đến xây dựng “OCOP của Thủ đô và Thủ đô của OCOP”. Các chủ thể được hỗ trợ tập huấn bán hàng trên TikTok sẽ trở thành những đầu kéo để nhân rộng những “nông dân số” trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Mỗi địa phương cần dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra sự khác biệt, đa dạng trong xây dựng nông thôn mới. Chính sự khác biệt đó sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để tạo ra sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những di sản nét đẹp văn hóa đặc trưng. Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, hội tụ khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề; các làng nghề của Hà Nội hiện có tới 47 nghề trên tổng số 52 nghề của toàn quốc. Vị thế Thủ đô, Hà Nội được chọn là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Hà Nội còn có nhiều địa điểm có điều kiện tự nhiên thích hợp phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh. Đây là điều kiện tốt để gắn kết xây dựng nông thôn mới với giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của nông thôn Hà Nội. Giai đoạn 2022 - 2025, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm các mô hình, gồm: Du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Hà Nội đã có đề án đưa 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến 2025. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mới ở những địa phương này không dừng lại mà cần phải đẩy mạnh để phục vụ cho quá trình phát triển thành quận. Mục tiêu xuyên suốt của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, Thành ủy Hà Nội xác định việc xây dựng nông thôn mới song song với việc xây dựng xã thành phường, huyện thành quận. Đối với 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến 2025, thực hiện song song 2 bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao và tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận. Trong đó nếu cùng một chỉ tiêu thì yêu cầu của Bộ tiêu chí nào cao hơn thì thực hiện, bảo đảm hiệu quả, tránh đầu tư lãng phí. Thành phố xác định xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các xã tiệm cận tiêu chí phường để tránh gặp phải bất cập khi đô thị hóa ở giai đoạn trước.
Việc các huyện phát triển thành quận người dân vẫn làm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi là việc bình thường do quy hoạch của quận vẫn còn các vùng sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất và chia ra 3 vùng để định hướng phát triển như: Các quận nội thành, các huyện định hướng chuyển thành quận và các huyện ngoại thành Hà Nội. Đặc trưng của nông nghiệp đô thị Hà Nội khi đó sẽ mang diện mạo mới. Trong đó, với 8 quận lõi không có đất sản xuất nông nghiệp sẽ thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị với các mô hình như trồng hoa, cây cảnh, trồng rau hữu cơ, rau thủy sinh… nhằm tăng độ phủ xanh của đô thị. Với 4 quận còn đất sản xuất nông nghiệp và 5 huyện dự kiến phát triển thành quận (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) với phần đất nông nghiệp còn lại sẽ phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm, chế biến sâu, xanh, sạch gắn với du lịch. Với 13 huyện, thị xã còn lại vẫn còn xã, thị trấn thì vừa phát triển nông nghiệp sinh thái, chế biến sâu gắn với du lịch vừa phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, do diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp lúc này cần phải có liên kết, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là đầu tàu, hợp tác xã là hạt nhân liên kết người nông dân vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Định hướng trọng tâm của Hà Nội vẫn tập trung vào sản xuất cây, con giống chất lượng cao. Như vậy, phải xác định được từng vùng để có cơ chế, chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển đồng bộ nông nghiệp nông thôn của Hà Nội phù hợp với vị thế một đô thị đặc biệt.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ, tích cực của người dân, chắc chắn Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu, năm 2022 có thêm 15 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, tạo đà cho sự phát triển tiếp theo./.
Phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội  (05/11/2022)
Hà Nội chăm lo toàn diện cho người có công với cách mạng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân  (05/11/2022)
Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh mềm và tăng cường hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
Nguồn lực đất đai trong Chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội  (05/11/2022)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm