Tập trung nguồn lực nhà nước thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
TCCS - Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là giải pháp sáng tạo và phù hợp với thực tiễn của đất nước ta. Những năm qua, mặc dù ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta không ngừng tập trung nguồn lực để thực hiện tốt chính sách nhân văn này.
1- Chính sách xã hội ở nước ta luôn thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính sách xã hội tập trung vào 7 chương trình tín dụng chính sách trọng tâm: 1- Cho vay hộ nghèo; 2- Cho vay hộ cận nghèo; 3- Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 4- Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; 5- Cho vay giải quyết việc làm; 6- Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; 7- Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Gần 20 năm hoạt động (2002 - 2020), tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và đang là “điểm sáng”, là một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách, ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Hai là, nâng cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; Ba là, tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; Bốn là, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngày 14-3-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg “Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đề ra nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương,… nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Triển khai Quyết định số 401/QĐ-TTg và Chỉ thị số 40-CT/TW, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được các bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm thực hiện tín dụng chính sách xã hội, góp phần to lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Để tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức xây dựng kế hoạch, tham mưu nhiều chính sách giảm nghèo, như: Chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách đối với hoạt động tín dụng chính sách, tạo sự đồng bộ, phù hợp với mục tiêu đặt ra, như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 401/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016; Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, ngày 23-2-2013, “Về tín dụng đối với hộ cận nghèo; Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, ngày 21-7-2015, “Về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo”; Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, ngày 28-8-2014 “Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung”; Nghị quyết của Chính phủ số 30a/2008/NQ-CP, ngày 27-12-2008, “Về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”; Nghị định của Chính phủ số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9-9-2015, “Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”; Thông tư của Ngân hàng Nhà nước số 14/2009/TT-NHNN, ngày 16-0-2009, “Quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội”…
Những năm qua, mặc dù ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được Chính phủ quan tâm, bố trí cấp vốn điều lệ, vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các thông tư hướng dẫn yêu cầu các tổ chức tín dụng nhà nước thực hiện gửi tiền 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội (theo quy định của Điều 8 Nghị định của Chính phủ số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002) để tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội. Hằng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để bổ sung nguồn vốn hoạt động. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung đẩy mạnh khai thác các nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường, trong đó thực hiện tốt việc huy động tiết kiệm từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Cùng với đó là các nguồn ủy thác từ ngân sách địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước để cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở các nguồn lực huy động được, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng khó khăn, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.550 tỷ đồng. Tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 233.426 tỷ đồng đến thời điểm 31-12-2020. Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, đã có trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 504.565 tỷ đồng. Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp hơn 43 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 11,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 43,5 nghìn căn nhà tránh bão, vượt lũ cho hộ gia đình miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, gần 327 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và hộ các gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn nhà ở xã hội. Trong đó, năm 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 361 nghìn lao động, giúp hơn 5,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; gần 44,6 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hơn 17,3 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội… Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% (năm 2010) xuống 4,25% (năm 2015); trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (đầu năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019), dưới 3% (năm 2020).
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện tốt việc tăng cường công tác huy động nguồn vốn và kế hoạch tăng trưởng dư nợ. Một số chi nhánh đạt mức tăng cao, điển hình như Hà Nội (+1.154 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (+854 tỷ đồng), Đà Nẵng (+368 tỷ đồng), Bình Dương (+263 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (+175 tỷ đồng), Đồng Nai (+148 tỷ đồng), Quảng Ninh (+112 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (+111 tỷ đồng)... Một số địa phương, đơn vị, tuy ngân sách còn khó khăn, nhưng vẫn quan tâm, tạo điều kiện, dành một phần ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Kon Tum... Tổng dư nợ tín dụng chính sách năm 2020 đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng (+9,4%) so với cuối năm 2019; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 194.405 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (+8%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đặc biệt, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cùng Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch; thực hiện giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 người lao động bị ngừng việc; gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 242,7 nghìn khách hàng; cho vay bổ sung 122,9 nghìn khách hàng với số tiền 3.112 tỷ đồng, cho vay mới 1.943 nghìn khách hàng với số tiền 71.585 tỷ đồng…
Việc tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm; Trung ương và địa phương cùng làm, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc… Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trình Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Từng bước hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế. Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm hơn phúc lợi xã hội cho người dân”(1).
2. Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số khó khăn, bất cập. Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách; cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự phù hợp với yêu cầu thực hiện các chương trình, chính sách có thời hạn cho vay dài; chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số địa phương, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, nhất là các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số chương trình tín dụng tiềm ẩn rủi ro dẫn đến tăng nợ quá hạn (chương trình cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nhà trả chậm vùng đồng bằng sông Cửu Long…).
Nguyên nhân của những khó khăn, bất cập trên là do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mức đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu của các chương trình mục tiêu giảm nghèo nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc bố trí nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách xã hội đôi khi bị động và chưa kịp thời. Một số địa phương chưa tập trung nguồn lực thỏa đáng cho tín dụng chính sách xã hội, chưa quan tâm đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn, chưa có biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng. Diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, mưa lũ, sạt lở đất, xâm nhập mặn,… và đặc biệt, năm 2020 và đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
3- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội… Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân”(2). Để thực hiện định hướng trên, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đạt được, thời gian tới, cần tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo lộ trình phù hợp; phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời, duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên; có các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, cân đối ngân sách để tăng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, trong công tác điều tra xác định đối tượng vay vốn, phối hợp với các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ.
Hai là, tập trung huy động nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, 3 năm và hằng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao dự toán ngân sách nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công. Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm theo lộ trình bảo đảm đến năm 2025 đạt 40%, đến năm 2030 đạt 50% trên tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tập trung các nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào Ngân hàng Chính sách xã hội, bảo đảm cấp bù lãi suất, chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục ưu tiên, bố trí danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Ngân hàng chính sách xã hội; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội; xem xét giao mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối thiểu là 10%, phấn đấu tăng ở mức 12% - 14% như đối với hệ thống ngân hàng thương mại.
Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định của pháp luật về tập trung huy động vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện) để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Xây dựng cơ chế huy động để duy trì và giảm thiểu rủi ro về mặt pháp lý đối với nguồn tiền gửi 2% từ các tổ chức tín dụng nhà nước. Nâng cao chất lượng công tác phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, duy trì các hoạt động giao dịch trên thị trường liên ngân hàng, tham gia thị trường mở nhằm đa dạng hóa hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn; tăng cường huy động nguồn vốn trên thị trường thông qua các hình thức phát hành giấy tờ có giá, huy động vốn từ tiền gửi, tiền vay của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng đề án, kế hoạch thu hút nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi và nhận ủy thác từ nước ngoài để tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn từ nước ngoài.
Ba là, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu chính phủ có bảo lãnh phù hợp với tình hình quản lý nợ công và nhu cầu của chính sách tín dụng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế để Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động nguồn vốn trong xã hội, kéo dài thời hạn cho vay, mở rộng hơn đối tượng vay vốn, cho vay các hộ có mức sống trung bình.
Bốn là, Ngân hàng Chính sách xã hội cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam và chiến lược tài chính toàn diện của quốc gia: Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng quản trị, ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và đời sống cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục xây dựng mối quan hệ với tốt với các ngân hàng thương mại về duy trì số dư tiền gửi làm nguồn vốn thực hiện các chính sách cho vay với thời hạn dài, lãi suất thấp.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Chính quyền địa phương các cấp tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tăng cường vai trò của chủ tịch ủy ban nhân dân xã tham gia xác nhận đối tượng đủ điều kiện vay vốn làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay; tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát tín dụng chính sách tại cơ sở.../.
---------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 65, 116
Mô hình phát triển cho các khu kinh tế cửa khẩu: Bối cảnh mới, những vấn đề đặt ra và một vài gợi ý  (15/04/2021)
Để bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực sự trở thành những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội  (28/03/2021)
Vietcombank dành 30 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí xây nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa  (22/03/2021)
Huyện Thuận Thành duy trì và nâng cao tiêu chí về vệ sinh môi trường  (17/03/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên