TCCS - Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng Đại hội XIII của Đảng, ngày 21-12-2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đính huy hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới lên lá cờ truyền thống của Ngân hàng Chính sách xã hội _ Ảnh: Hữu Trung 

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ gửi lẵng hoa chức mừng.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Y Thanh Hà Niê KĐăm, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng đại diện bộ, ban, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, tổ chức tín dụng nhà nước.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội, tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội; các ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị _ Ảnh: Hữu Trung

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020, được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước. Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của Ngân hàng Chính sách xã hội là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 _ Ảnh: Hữu Trung

Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt bình quân 10%/năm. Quy mô tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách tăng gấp 2,6 lần, từ 90.400 tỷ đồng năm 2010 lên 235.661 tỷ đồng ước đến thời điểm 31-12-2020. Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt mục tiêu Chiến lược phát triển, nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân khoảng 10%/năm. Quy mô tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng gấp 2,5 lần, từ 89.462 tỷ đồng năm 2010 lên 226.264 tỷ đồng ước đến thời điểm 31-12-2020, với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, trong đó đối với dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 56.344 tỷ đồng (chiếm 25%/tổng dư nợ), tín dụng chính sách đã đến 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống luôn thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chiến lược phát triển, đến hết năm 2020, nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm khoảng dưới 1%/tổng dư nợ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị _ Ảnh: Hữu Trung

Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư đến 100% số xã, phường, thị trấn trên cả nước, đã có trên 21,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 504.565 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp gần 3,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giúp 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 11,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng gần 43,5 nghìn căn nhà tránh bão, vượt lũ cho các hộ gia đình ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, gần 327 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn nhà ở xã hội; giúp hơn 43 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được, đặc biệt trong những năm gần đây với việc đang vay gần 6,5 triệu hộ gia đình với dư nợ hơn 10 tỷ đô-la Mỹ thông qua mạng lưới toàn quốc bao gồm 63 chi nhánh tỉnh, 625 phòng giao dịch huyện, 10.426 điểm giao dịch ở cấp xã và gần 173.000 tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Ketut Kusuma - Điều phối viên quốc gia về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ: Thông qua mạng lưới này, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiếp cận khoảng 92% tổng số hộ vay tiềm năng và chiếm tới 87% giá trị tổng các khoản vay trong thị trường tài chính vi mô.

Có thể khẳng định, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được triển khai thực hiện thành công, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đã đề ra; Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành người bạn đồng hành hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách, những người không đủ điều kiện để tiếp cận với vốn tín dụng thương mại, có cơ hội để tiến lên cùng với sự phát triển của xã hội. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 đến năm 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ngày 13-11-2020, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 2015/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao cờ “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới cho Ngân hàng Chính sách xã hội _ Ảnh: Hữu Trung

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, sau gần 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, vị thế và uy tín trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường; chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền, địa phương có xu hướng giãn rộng. Vì vậy, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cần tiếp tục phát huy được hiệu lực, hiệu quả của mô hình tổ chức và phương thức quản lý, tiếp tục bố trí, tăng cường nguồn lực để đáp ứng vốn cho thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các nội dung của thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định.

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ kết quả thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020, định hướng phát triển của đất nước, chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, để xây dựng chiện lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; các bộ, ngành, tham mưu, đề xuất để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bảo đảm tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy kết quả, thành quả đã đạt được, tiếp tục đồng hành, nắm bắt kịp thời nguyện vọng của người dân theo đúng phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”; thực hiện sâu sắc hơn mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng đặc thù phù hợp với thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị Việt Nam; chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở; cung cấp các dịch vụ cơ bản phù hợp với đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội./.