Phú Yên xây dựng, quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới
TCCSĐT - Phú Yên là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên 5.060 km2, dân số 888 nghìn người, có 09 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 01 thị xã, 07 huyện, với 112 đơn vị cấp xã. Tổng chiều dài mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh là 5.905 km, trong đó đường giao thông nông thôn chiếm gần 80% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh có nhiều biện pháp quản lý giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Phú Yên cũng là một tỉnh nhiều khó khăn, số thu ngân sách hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu chi, nên nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xuất phát từ thực tế của địa phương - chỉ có khoảng 28% các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê-tông hóa nên khi xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Yên luôn hướng tới phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi-măng, ống cống, chi phí vận chuyển và quản lý, với kinh phí chiếm khoảng 40% dự toán công trình; nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị để thi công xây dựng, với giá trị kinh phí thực hiện chiếm khoảng 60% dự toán công trình.
Cùng với đó, các sở, ban ngành thực hiện biên soạn hướng dẫn về thiết kế mẫu và kỹ thuật, trình tự thi công, công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý và quyết toán công trình xây dựng để giúp các địa phương thực hiện vận hành, quản lý với quy trình thi công thuận lợi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Để có được thành công như hiện nay, các địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã thành lập ban xây dựng đường bê-tông của xã; các thôn, xóm, bản, tổ nhân dân thành lập ban quản lý, ban giám sát cộng đồng để thực hiện. Ngay từ năm đầu thực hiện, tỉnh đề ra mục tiêu hoàn thành 500km, trong khi các địa phương đăng ký thực hiện 712,8 km, Ủy ban nhân dân tỉnh phải yêu cầu rà soát, cắt giảm 30% km đã đăng ký, để bảo đảm nguồn lực thực hiện.
Sau 3 năm thực hiện Đề án bê-tông giao thông nông thôn, tỉnh Phú Yên đã cung cấp trên 150.000 tấn xi-măng cho các địa phương thực hiện hoàn thành trên 1.000 km đường giao thông nông thôn, trong đó riêng phần đóng góp của nhân dân trị giá trên 200 tỷ đồng. Việc thực hiện bê-tông hóa đường giao thông nông thôn thực sự đã tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông toàn tỉnh; với khối lượng thực hiện đầu tư hơn gấp 3 lần so với khối lượng của giai đoạn 10 năm trước, đến nay gần 100% các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh đã được bê-tông hóa.
Nghị quyết số 75 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Đề án bê-tông hóa giao thông nông thôn thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đông đảo bà con nhân dân, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi khắp các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ các công trình kiến trúc, hiến tặng hàng ngàn mét vuông đất, hàng chục ngàn ngày công lao động và huy động từ các nguồn lực khác nhau đóng góp hàng trăm tỷ đồng để thực hiện. Số ki-lô-mét đường giao thông nông thôn các địa phương đăng ký thực hiện hằng năm luôn vượt kế hoạch đề ra.
Phú Yên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới. Tổ chức kiểm tra, thẩm định mức độ đạt từng tiêu chí của các xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018 để có giải pháp tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn theo kế hoạch. Trong đó, 02 huyện Phú Hòa và Tây Hòa được tập trung bố trí nguồn lực hợp lý để đưa đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Song song với đó, tỉnh rà soát, tiếp tục đầu tư để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn, nhất là các xã không giữ vững các tiêu chí được công nhận vào cuối năm 2017, đến cuối năm 2018 có 53% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phú Yên cũng tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ xã hội, đa dạng hóa các hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP). Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu Đô thị Nam thành phố Tuy Hòa. Tập trung chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, kịp thời nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương để triển khai, hoàn thành các công trình, dự án lớn, như tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa, Tuy An (giai đoạn 1), đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (giai đoạn 1), Dự án hạ tầng khu tái định cư Hòa Tâm, đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Đô thị nam thành phố Tuy Hòa (giai đoạn 1), Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà... Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ các dự án: Hầm đường bộ đèo Cù Mông, nâng cấp Quốc lộ 25, nâng cấp một số hạng mục Quốc lộ 29; cầu Đà Rằng và Sông Chùa...
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Đề án bê-tông hóa giao thông nông thôn theo phương châm xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó có 06 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, việc xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nói riêng phải lấy người dân làm trung tâm; Nhà nước thực hiện vai trò hướng dẫn, kiểm soát và cung cấp nguồn lực, làm nhiệm vụ đòn bẩy, kích cầu; cả hệ thống chính trị cùng ra quân quyết tâm thực hiện quyết liệt. Thứ hai, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi. Mọi khoản đóng góp, quyền lợi và nghĩa vụ phải được công khai, minh bạch trước nhân dân. Đồng thời, phát huy tốt vai trò và hoạt động của ban quản lý công trình, ban Giám sát của cộng đồng. Thứ ba, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, phát huy vai trò tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên tham gia, đặc biệt những vùng còn nhiều khó khăn để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chủ trương của tỉnh và lợi ích cho chính mình, từ đó tham gia đóng góp tích cực vào chương trình, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn phải thực sự quyết liệt, sáng tạo, sâu sắc, phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với kết quả tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương. Ở nơi nào cấp ủy, chính quyền cơ sở sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ gương mẫu đi đầu,… công khai dân chủ được phát huy thì nơi đó có phong trào tốt, nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Thứ năm, công tác kiểm tra nắm tình hình triển khai ở cơ sở của các cơ quan chức năng, cán bộ chuyên môn cấp huyện phải tiến hành thường xuyên, tỉnh và ngành chức năng cho ý kiến chỉ đạo kịp thời và đề ra được các giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế. Cuối cùng việc xây dựng kế hoạch, thẩm định, phê duyệt danh mục các tuyến đường cần được đầu tư bảo đảm tiêu chí của đề án, gắn với quy hoạch hệ thống đường giao thông theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng tại Lào Cai  (05/01/2019)
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019 của ngành xây dựng  (05/01/2019)
Nhìn lại 40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot  (05/01/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên