Các nỗ lực tăng cường phòng, chống HIV/AIDS
Tăng cường tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng
Ngày 16-12, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) tổ chức hội thảo “Tổng kết 1 năm thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng và phổ biến Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về tự xét nghiệm HIV”.
Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường do Tổ chức PATH thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Y tế Thế giới nhằm đồng hành và hỗ trợ triển khai thí điểm dịch vụ xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm HIV tại các tỉnh ưu tiên của Việt Nam. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Nguyên) từ tháng 8-2015. Dự án đã phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS các tỉnh để tập huấn cho 235 nhân viên xét nghiệm không chuyên (là những người không được đào tạo chuyên ngành y tế cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV có chất lượng bằng việc sử dụng một sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán nhanh HIV).
Các nhân viên xét nghiệm không chuyên đã xét nghiệm cho hơn 29.000 khách hàng có nguy cơ cao ở khu vực thành thị (Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) và khu vực nông thôn, miền núi (ở Điện Biên và Nghệ An). Khi khách hàng có kết quả xét nghiệm “có phản ứng”, nhân viên xét nghiệm không chuyên sẽ tư vấn và hỗ trợ họ tiếp cận với cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định; đồng thời tiếp cận điều trị sớm nếu có kết quả khẳng định HIV dương tính.
Mô hình thí điểm đã tiếp cận được với một tỷ lệ lớn những người chưa từng được xét nghiệm HIV (70%) hoặc những người không thường xuyên xét nghiệm HIV. Nhờ đó, hơn 1.400 ca nhiễm HIV mới đã được phát hiện (7% ở khu vực thành thị và 3% ở khu vực nông thôn) và 93% đã được đưa vào chương trình điều trị. Dịch vụ tự xét nghiệm HIV do Cục Phòng chống HIV/AIDS khởi động từ tháng 8-2016 đến nay đã có hơn 1.300 người lựa chọn.
Tổ chức Y tế Thế giới đã hỗ trợ thực hiện xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 2 tỉnh là Thanh Hóa và Thái Nguyên từ tháng 8-2015. Tại Thanh Hóa, Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ cho 2 huyện miền núi (Quan Hoa và Mường Lát), nhân viên y tế thôn bản thực hiện xét nghiệm. Nhờ đó, từ tháng 01-2015 đến tháng 10-2016, Thanh Hóa đã có khoảng 1.700 người được xét nghiệm, trong đó có 33 người dương tính và 32 người được đưa vào chương trình điều trị. Đối với Thái Nguyên, Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và 4 nhóm tự lực của người tiêm chích ma tuý, nam quan hệ tình dục với nam (MSM) để cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại cộng đồng. Tại đây, giáo dục viên đồng đẳng thực hiện xét nghiệm. Nhờ đó, từ tháng 7-2015 đến tháng 10-2016, các nhóm tự lực đã xét nghiệm cho 313 người, trong đó có 12 người có kết quả khẳng định dương tính và 9 người được đưa vào chương trình điều trị.
Hướng dẫn mới về tự xét nghiệm HIV
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra hướng dẫn và khuyến cáo các quốc gia về việc cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm như là một cách tiếp cận bổ sung cho các chiến lược về xét nghiệm HIV hiện nay. Các kết quả ban đầu cho thấy xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở Việt Nam đã thành công trong việc tiếp cận các nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng chưa được xét nghiệm hoặc xét nghiệm không thường xuyên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các khuyến cáo chính trong Hướng dẫn mới về tự xét nghiệm HIV là: Tự xét nghiệm HIV cần được xem như một cách tiếp cận mới cho dịch vụ xét nghiệm HIV; dịch vụ hỗ trợ thông báo cho bạn tình nên là một phần của một gói xét nghiệm và chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV. Tất cả các dịch vụ xét nghiệm HIV cần tuân thủ nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới (là: sự đồng thuận, bảo mật, tư vấn, kết quả chính xác và kết nối chuyển gửi - liên kết với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị).
Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Cục đã xác định mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng là một chiến lược hứa hẹn nhằm tăng tỷ lệ xét nghiệm HIV tại Việt Nam. Đây cũng là một bước quan trọng góp phần đạt được chỉ tiêu đầu tiên trong mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020; tức là 90% người nhiễm HIV được phát hiện. Hiện nay, chiến lược xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được đưa vào Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020 của Cục...
Dự án Quản lý bền vững đáp ứng dịch HIV/AIDS và chuyển tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật (USAID SMART TA)
Hơn 280.000 người dân Việt Nam đã được cung cấp các dịch vụ xét nghiệm HIV và có thêm 15.000 người lớn và trẻ em được tham gia điều trị thuốc kháng vi rút nhờ hỗ trợ từ Dự án Quản lý bền vững đáp ứng dịch HIV/AIDS và chuyển tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật (USAID SMART TA).
Đó là thông tin được đưa ra tại lễ tổng kết 5 năm thực hiện Dự án Quản lý bền vững đáp ứng dịch HIV/AIDS và chuyển tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật (USAID SMART TA) do Tổ chức FHI 360 Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức chiều 14-12, tại Hà Nội.
Dự án Quản lý bền vững đáp ứng dịch HIV/AIDS và chuyển tiếp sang hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện trong 5 năm (2011 - 2016) được tài trợ bởi Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp cho phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID). Tổ chức FHI 360 thực hiện dự án nhằm bảo đảm tăng cường khả năng ứng phó một cách tổng thể, chất lượng cao và có tính bền vững của Việt Nam hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS.
Đại diện Tổ chức FHI 360 Việt Nam cho biết: Được thực hiện trong 5 năm kể từ năm 2011, dự án SMART TA đã xây dựng và triển khai các mô hình sáng tạo giúp giải quyết những khoảng trống trong công tác dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV; cải thiện hiệu quả của các dịch vụ này. Chỉ tính riêng trong năm hoạt động cuối cùng (2016), dự án USAID SMART TA đã cung cấp dịch vụ điều trị cho trên 23.000 người chung sống với HIV và điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 19.000 người tiêm chích ma túy, tương đương trên 20% số bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị thay thế bằng Methadone tại Việt Nam. Đặc biệt, dự án USAID SMART TA đã giúp lồng ghép các dịch vụ HIV vào hệ thống điều trị y tế để các cơ sở điều trị được bảo hiểm y tế chi trả. Bệnh nhân HIV tại hai tỉnh Điện Biên và Nghệ An là những bệnh nhân đầu tiên trên cả nước được bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ HIV nhờ sự hợp tác chặt chẽ của dự án với các đối tác trong nước cũng như hỗ trợ của dự án dành cho các đối tác này.
Dự án USAID SMART TA do Tổ chức FHI 360 phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thực hiện đã đóng góp cho công tác xây dựng chính sách và chương trình quốc gia liên quan đến công tác phòng, chống HIV, từ xét nghiệm, điều trị đến điều trị lao và điều trị thay thế bằng Methadone, giúp thay đổi cách thức cung cấp các dịch vụ HIV tại Việt Nam. Bộ công cụ Giám sát Kỹ thuật SMART do dự án xây dựng hiện đang được sử dụng thường xuyên để đánh giá, củng cố các dịch vụ HIV. Các mô hình dịch vụ điều trị thay thế bằng Methadone và mô hình tư vấn viên tại cộng đồng do dự án USAID SMART TA xây dựng hiện nay là phương thức chủ yếu để cung cấp và duy trì dịch vụ điều trị thay thế bằng Methadone hiệu quả. Hoạt động của dự án giúp tích hợp các thông tin y tế về HIV của các cơ sở y tế với bảo hiểm y tế được coi là một thực hành tốt và đang được nhân rộng ở Việt Nam cũng như các nước khác.
PGS.TS. Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội nêu rõ: Dự án USAID SMART TA đã giúp Hà Nội tiếp cận được các nguồn hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng chống AIDS, đồng thời tiếp cận hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho hệ thống phòng chống AIDS Hà Nội. Dự án đào tạo cho Hà Nội một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn đáp ứng được các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Qua thời gian làm việc cùng dự án, hệ thống phòng chống HIV/AIDS đã thay đổi về cách tiếp cận điều trị ARV và đặc biệt là việc điều trị nghiện bằng thuốc Methadone…
Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện ma túy
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 6-2015 cả nước có 204.377 người nghiện, tăng 12,1% so với năm 2013; trong đó 80% là sử dụng heroin. Tiêm chích ma túy có liên quan đến khoảng 60% số trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy lên đến khoảng 20%, cao gấp 70 lần so với tỷ lệ chung trong cộng đồng.
Báo cáo cũng nêu rõ: Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm người chích ma túy giảm dần trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2013; lần đầu tiên xuống dưới 11% trong năm 2013 kể từ năm 1997. Tuy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy đang giảm dần ở một số tỉnh nhưng ở hầu hết các tỉnh thực hiện giám sát, dịch HIV/AIDS vẫn đang cao ở mức đáng báo động. Kết quả giám sát trọng điểm năm 2015 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 9,3%, phụ nữ bán dâm 2,7% và nhóm đồng tính nam (MSM) là 5,2%.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Các yếu tố nguy cơ lây truyền HIV ở Việt Nam giai đoạn hiện nay vẫn là lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và từ nhóm nghiện chích ma túy nhiễm HIV sang vợ, bạn tình của họ. Ngoài ra, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ và phụ nữ bán dâm dẫn đến tăng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ và hoạt động mại dâm nam (gồm nam bán dâm cho nam đồng tính, người chuyển giới nữ) chính là yếu tố nguy cơ mới làm lây truyền HIV/AIDS.
Trước tình hình trên, nhiều hoạt động can thiệp đã được triển khai trong nhóm nghiện ma túy như: phân phát bơm kim tiêm, bao cao su và điều trị Methadone. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước có 58/63 tỉnh, thành phố triển khai hoạt động phân phát bơm kim tiêm cho 153.820 nghìn lượt người nghiện chích ma túy. Số lượt người tiếp cận bơm kim tiêm giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2015 do hoạt động phân phát bơm kim tiêm bị cắt giảm kinh phí, chương trình mục tiêu quốc gia chưa được cấp kinh phí nên chủ yếu phân phát từ nguồn kết dư từ những năm trước thông qua hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu.
Đồng thời, cả nước có 58/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc triển khai chương trình phân phát bao cao su cho 130.914 nghìn lượt người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm người nghiện ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV (giảm 30 tỉnh so với cùng kỳ 2015). Hoạt động phân phát bao cao su và bơm kim tiêm chủ yếu thông qua mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng. Ngoài ra, mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng đã giới thiệu cho 100.312 người nguy cơ cao đi làm xét nghiệm HIV. Ngoài ra, hoạt động điều trị nghiện bằng Methadone cũng được triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 30-9-2016, cả nước có 61 tỉnh, thành phố đã triển khai điều trị Methadone với 254 cơ sở, tăng 4 tỉnh và 14 cơ sở so với cuối năm 2015. Chương trình điều trị cho 48.424 bệnh nhân, tăng 4.704 bệnh nhân so với cuối năm 2015.../.
Đa số người dân Thái Lan bi quan về thực trạng nền kinh tế  (18/12/2016)
Trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến  (18/12/2016)
Thủ tướng Chính phủ: Phải trở thành chính quyền đối thoại  (18/12/2016)
Cuba cho phép hộ nông dân được trực tiếp thuê lao động  (18/12/2016)
Bắt đối tượng đăng tin xuyên tạc lãnh đạo Đảng, Nhà nước  (18/12/2016)
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Campuchia  (18/12/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên