Quảng Ninh: Bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”
TCCS - Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân trong gần hai năm qua. Nhằm bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống rất kịp thời, thiết thực, chung sức đồng lòng cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Không để ai bị bỏ lại phía sau…
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, từ đầu năm 2020, tỉnh Quảng Ninh phải đối mặt với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Nghị quyết thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị chia sẻ khó khăn với người lao động, người nghèo. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh đã huy động kinh phí, nhu yếu phẩm, lương thực giúp người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Năm 2021, đợt dịch thứ 4 kéo dài, diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước bị đình trệ. Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Triển khai Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND, ngày 16-8-2021 “Về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của các sở, ngành, đơn vị và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đến ngày 20-9-2021 đã có 5.532 đơn vị, doanh nghiệp và 214.304 người lao động được phê duyệt hỗ trợ với tổng số tiền hỗ trợ hơn 44,3 tỷ đồng, trong đó giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 5.504 doanh nghiệp (201.066 người) với số tiền gần 17,1 tỷ đồng; hỗ trợ 184 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 39 triệu đồng, 2 người lao động ngừng việc với số tiền 2 triệu đồng, 3 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 15,13 triệu đồng…
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ đối với 83 trường hợp trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế với số tiền 114,5 triệu đồng; hỗ trợ 150 hướng dẫn viên du lịch với số tiền 556,5 triệu đồng, 436 hộ kinh doanh với số tiền 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ 10.545 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 16 tỷ đồng.
Đối với chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19, tính đến ngày 20-9-2021, tỉnh Quảng Ninh cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho 100% đối tượng trên địa bàn có chỉ định tiêm và là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 1 trong cả nước. Để bảo đảm cho việc tiêm chủng được diễn ra an toàn, thuận lợi, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Địa điểm tiêm chủng được thực hiện tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, bảo đảm nghiêm ngặt quy trình từ tư vấn, khám sàng lọc đến theo dõi sau tiêm chủng. Chiến dịch tiêm chủng vắc-xin diện rộng phòng COVID-19 thành công không chỉ tạo thêm lá chắn bảo vệ sức khỏe nhân dân, cộng đồng, mà còn thêm một lần nữa khẳng định chính sách đúng đắn của tỉnh, luôn ưu tiên, đặt an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân, vì nhân dân lên trước hết. Việc quyết tâm thực hiện tiêm vắc-xin cho tất cả người dân là chính sách quan trọng của Quảng Ninh, có ý nghĩa thiết thực để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch với các giải pháp chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Với quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền, hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu lên. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quan điểm, chủ trương nhất quán trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Đó chính là động lực tiếp thêm niềm tin, trách nhiệm để mỗi người dân thêm trân trọng những thành quả chống dịch của tỉnh và cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết cùng đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh.
… Quyết tâm giữ vững địa bàn “An toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới”
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thời gian tới, rủi ro, khó khăn, thách thức còn nhiều. Nhưng với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, ưu tiên tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm không thay đổi mục tiêu đã đề ra với tăng trưởng GRDP trên 10% và tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 51.000 tỷ đồng, tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.
Với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh đặt ra quyết tâm cao hơn nữa, thần tốc hơn nữa, nâng mức cảnh báo trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh đã kiên trì chiến lược ngăn chặn dịch ngay từ cửa ngõ, vị trí xung yếu, bằng việc siết chặt quản lý người, phương tiện, hàng hóa lưu thông ra, vào tỉnh, đặc biệt là vào tỉnh… Trước mỗi diễn biến của dịch, tỉnh Quảng Ninh lại có các chỉ đạo mới để bảo đảm ngăn chặn dịch không xâm nhập vào địa bàn. Không chỉ kiểm soát ở các cửa ngõ, các địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ ngay trong địa bàn với việc củng cố và phát huy hiệu quả hơn 5.000 tổ phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để ngăn ngừa, phát hiện những người tìm mọi cách vào địa bàn mà không được kiểm soát về y tế.
Trong đợt cao điểm, toàn tỉnh triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tiểu thương, người bán hàng, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, các siêu thị, trung tâm thương mại; người giao hàng... Đối với các địa phương có tuyến biển, tuyến đường thủy nội địa, thực hiện xét nghiệm cả lái đò, ngư dân, những người làm dịch vụ phục vụ liên quan tại các cảng, bến thủy, bến cá, tàu cá… Đồng thời, tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với tất cả người lao động, công nhân các công trường xây dựng, người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Những trường hợp sốt, ho, khó thở và các biểu hiện dịch tễ liên quan đến COVID-19 đều được thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR.
Xác định quan điểm phòng dịch hơn chống dịch, song tuyệt đối không để bị động, bất ngờ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chuẩn bị kịch bản cho tất cả các mức độ của dịch bệnh. Trong đó, việc bảo đảm các khu cách ly tập trung cũng là 1 trong những vấn đề được đặt ra. Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các các huyện, thị xã, thành phố xác định địa điểm bổ sung công suất cách ly tập trung. Cụ thể, thành phố Hạ Long bảo đảm cơ sở cách ly cho 50.000 người; 30.000 người đối với các thành phố, thị xã và 10.000 người đối với các địa phương còn lại; 500 người đối với huyện Cô Tô.
Cùng với việc sẵn sàng vận hành ngay tất cả các cơ sở cách ly tập trung khi có tình huống xấu có thể xảy ra, tỉnh cũng đã lên kế hoạch cho các tình huống, lên tới 1.000, 2.000, thậm chí 5.000 ca mắc COVID-19 và hơn nữa trên địa bàn tỉnh để thực hiện tốt nhất công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, hạn chế phát sinh nhiều ca bệnh.
Cùng với lên phương án điều trị, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong bối cảnh xuất hiện các ca bệnh, tỉnh Quảng Ninh cũng xây dựng phương án dự trữ, cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu bảo đảm về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bình ổn giá cả. Tăng cường chiến dịch truyền thông để tạo đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân, khơi dậy tinh thần dân tộc, yêu nước để phòng, chống dịch thành công; chủ động phát hiện, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật, thông tin gây hoang mang trên không gian mạng về tình hình dịch bệnh để bảo đảm không có khủng hoảng, rủi ro, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm, vì vậy, việc kiên trì thực hiện hiệu quả các chiến lược trên sẽ là yếu tố tiên quyết để Quảng Ninh tiếp tục giữ thành quả phòng, chống dịch của tỉnh thời gian qua. Quan điểm “bảo vệ sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết” được thực tiễn hóa bằng hành động cụ thể, bằng kết quả đạt được càng nhân lên niềm tin, tinh thần đoàn kết, truyền thống “kỷ luật - đồng tâm”, kết thành sức mạnh chống dịch của người dân vùng mỏ - vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc./.
Triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”  (17/11/2021)
Quảng Ninh hành động quyết liệt, hiệu quả thực hiện “mục tiêu kép”; tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo  (14/11/2021)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm