Sáng nay, 23-01, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ngày 23-11-2012, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Để việc lấy ý kiến nhân dân bảo đảm chất lượng, hiệu quả, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 136/QĐ - TTg về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với nội dung nhằm cung cấp thông tin để các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các vị khách mời tham dự chương trình:

- Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

- Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.

- Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

BTV: Thưa ông Hoàng Thế Liên, tại sao chúng ta lại phải sửa Hiến pháp vào thời điểm này?

Ông Hoàng Thế Liên: Đất nước ta có 4 bản hiến pháp (bản hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và hiến pháp năm 1992). Một đặc điểm rất lớn của lịch sử lập hiến của nước ta là suốt thời gian lập hiến đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì vậy, mỗi lần đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới với chính sách mới do Đảng đề ra, chúng ta đều đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Lần này, Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương mới, đã sửa đổi Cương lĩnh năm 1991, sửa đổi một số chính sách lớn, đòi hỏi chúng ta phải thể chế hóa Hiến pháp để thực hiện.

Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trong bối cảnh chúng ta ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Chúng ta bắt đầu đổi mới kinh tế từ năm 1986, đến năm 1991 thì có Cương lĩnh khẳng định đường lối ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị phù hợp, do đó, Hiến pháp năm 1992 chủ yếu sửa đổi về vấn đề kinh tế, tạo bước chuyển lớn từ cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, gắn liền với đó là sửa đổi một số vấn đề về cơ cấu, tổ chức bộ máy nhà nước, chuyển từ cơ chế hoạt động theo nguyên tắc tập thể sang đề cao trách nhiệm cá nhân. Nhờ sự đổi mới trong Hiến pháp năm 1992 về chế độ kinh tế mà chúng ta đạt được những thành tựu lớn trong phát triển đất nước trong 20 năm qua.

Tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, cho thấy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về nhiều mặt, trong đó có cả kinh tế. Đồng thời, chúng ta cũng thấy cải cách tư pháp, lập pháp, hành chính đạt được một số thành tựu nhưng cũng còn có nhiều vấn đề vướng mắc. Vì vậy, chúng ta đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở hiến định đẩy mạnh các cuộc cải cách mà tôi vừa nêu ở trên.

Đặc biệt trong Cương lĩnh 1991 được sửa đổi, bổ sung theo nghị quyết Đại hội Đảng XI có đề ra chiến lược mới, tức là trước đây ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị thì nay đặt vấn đề đổi mới chính trị và kinh tế đồng bộ. Do đó, lần nay chúng ta sửa đổi Hiến pháp để đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, tạo tiền đề chính trị cho phát triển kinh tế.

Về nguyên nhân thứ ba, lịch sử lập hiến lâu dài cho phép chúng ta nhận thức mới về Hiến pháp, đổi mới về tư duy hiến pháp. Năm 1992, khi chúng ta xây dựng Hiến pháp 1992 thì hệ thống luật còn mỏng, chỉ có 93 luật và pháp lệnh. Trong bối cảnh đó Hiến pháp phải quy định rất nhiều điều mà lẽ ra phải giao cho luật quy định. Hiện nay, khi sửa đổi Hiến pháp 1992 thì chúng ta có 330 luật, pháp lệnh, tức là hệ thống pháp luật của chúng ta đã phát triển, đủ điều kiện đổi mới kỹ thuật lập pháp theo hướng Hiến pháp quy định những vấn đề rất cơ bản, còn lại để cho luật quy định.

BTV: Lần sửa này, chúng ta sẽ tập trung vào những điển nào, thưa ông Nguyễn Văn Phúc?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi xin nhấn mạnh nội dung này: Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân theo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dự thảo lần này nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan nhà nước khác. Đó là một nội dung rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong dự thảo.

Một nội dung khác rất mới, quan trọng là phát huy nhân tố con người, đặc biệt là nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân. Trong chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường.., cũng có nhiều điểm sửa đổi về cách hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, bảo đảm môi trường.... quy định chặt chẽ, hài hòa, lược bỏ đi những quy định quá chi tiết trong Hiến pháp 1992. Trong chương kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường quy định khá khái quát, có tính nguyên tắc thay vì chi tiết như năm 1992.

Trong quyết định về bộ máy nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước. Chúng ta cũng thấy có điểm mới về cách thức hiến định đơn vị hành chính lãnh thổ và chính quyền địa phương, trong bối cảnh chúng ta tiến hành cải cách hành chính và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Dự thảo có quy định mới về thẩm quyền Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Ông Hoàng Thế Liên: Dự thảo lần này sau khi sửa đổi có 11 chương với 124 điều, giảm 1 chương và 23 điều, trong đó, giữ nguyên 12 điều, bổ sung, sửa đổi 101 điều, bổ sung 11 điều mới.

Tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam đều quy định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đây là nguyên tắc lớn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là xác định hình thức để nhân dân thực hiện, Hiến pháp 1992 quy định nhân dân thực hiện thông qua Quốc hội và HĐND, tức là thông qua cơ chế dân chủ đại diện, việc tổng kết thi hành Hiến pháp cho thấy quy định như thế là không đủ. Do đó, Điều 6 dự thảo bổ sung đầy đủ hơn, một là khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp với nhiều hình thức mới, không chỉ thông qua cơ quan quyền lực mà các cơ quan nhà nước khác cũng chịu trách nhiệm cho nhân dân thực hiện. Tôi cho đó là một sự thay đổi tương đối lớn.

Dự thảo ngoài khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về Nhà nước thì khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Điểm mới ở đây là kiểm soát quyền lực, toàn bộ dự thảo Hiến pháp tập trung thể hiện nội dung kiểm soát quyền lực.

Thứ nhất, xác định thẩm quyền từng cơ quan trong bộ máy, quy định mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các cơ quan.

Thứ hai, đề cao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, quy định quyền lập hội để nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước; điều 9 tiếp tục khẳng định nguyên tắc đại đoàn kết, giao cho Mặt trận Tổ quốc chức năng giám sát và phản biện xã hội với các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, chúng ta thiết lập một số thiết chế hiến định độc lập, thực hiện kiểm soát quyền lực như Hội đồng Hiến pháp là cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Chúng ta khẳng định cơ quan nào làm gì, Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp, đó là cơ sở hiến định để thực hiện phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực.

Một ý nữa rất lớn là về quyền con người, lần này ta bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặt trong chương II. Hiến pháp ghi nhận 16 quyền con người, kể cả người nước ngoài và người không có quốc tịch.

Về chính quyền địa phương, tổng kết cho thấy có nhiều vấn đề quá phức tạp, ví dụ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương, Hiến pháp 1992 nói Uỷ ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn, giám sát HĐND, Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra HĐND, như vậy là không thật rõ.

Ta có 3 cấp chính quyền địa phương, phải tổ chức khác đi, không thể để giống như nhau ở mọi cấp, Quốc hội đã có nghị quyết cho ta thí điểm, có sự phân biệt nông thôn và đô thị, có sự khác biệt giữa cấp xã và huyện.

Hiến pháp 1992 mới đề cao trách nhiệm cá nhân ở Trung ương, còn địa phương thì chưa rõ, lần này phải quy định rõ hơn. Nguyên tắc phân công, phân quyền cũng sẽ rõ hơn.

BTV: Thưa ông Phạm Quốc Anh, trong số những điểm mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, ông ấn tượng nhất với những điểm nào?

Ông Phạm Quốc Anh: Dưới góc độ giới luật gia và cá nhân thì tôi thấy nổi lên 2 điều. Thứ nhất là vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong giám sát và phản biện được nâng cao, mà ngay cả trong điều lệ Mặt trận cũng chưa nêu rõ. Đây thực sự là chuyển biến căn bản, Nhà nước rất coi trọng vị trí của Mặt trận trong giám sát, phản biện xã hội. Thứ hai, là đề cao vai trò của người dân trong sống, làm việc, tự do, nói rõ hơn quyền con người và quyền công dân.

Tôi đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng quyền con người trong dự thảo lần này đã nói rõ hơn quyền sống, bảo hộ tính mạng, sức khỏe, quyền được hiến mô, tạng, hiến xác, đây là điểm mới nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Về quyền công dân, ngoài quyền tự do cư trú, đi lại, tự do tín ngưỡng còn có quyền lập hội, quyền biểu tình… đây là những vấn đề mới, bước đầu đã được chúng ta triển khai và khi sửa đổi Hiến pháp thì sẽ có cơ sở triển khai mạnh mẽ hơn.

BTV: Còn ông Hoàng Thế Liên thấy những điểm nào thú vị và ấn tượng nhất trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này?

Ông Hoàng Thế Liên: Tôi rất đồng tình những quy định về quyền con người và quyền công dân. Trước đây, về quyền con người chúng ta cho là nhạy cảm và né tránh nhưng nay thì thấy là đây là giá trị phổ biến của nhân loại, do đó, lần này chúng ta quy định quyền con người cũng không xa lạ, lấy từ những quyền trong công ước quốc tế mà chúng ta tham gia, như công ước về chính trị dân sự năm 1966 và công ước về quyền kinh tế văn hóa xã hội.

Thứ hai, trước đây chúng ta ghi nhận quyền công dân có ghi thêm công dân thực hiện quyền theo pháp luật, nhưng với hệ thống chính quyền của chúng ta hiện nay thì mỗi cấp đều có thể ban hành quy phạm pháp luật vì vậy gây nguy cơ hạn chế việc thực hiện quyền công dân. Nhưng lần này dự thảo sửa đổi quy định quyền con người, quyền công dân được bảo đảm bằng luật của Quốc hội quy định. Theo các công ước mà chúng ta tham gia thì phải bảo đảm được thực thi bằng luật, chúng ta cũng quy định những quyền này chỉ bị hạn chế thực thi trong một số trường hợp nhất định liên quan đến an ninh quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… Tôi cho đấy là nhận thức mới trong cơ chế bảo đảm thực hiện hiện quyền con người của chúng ta.

BTV: Thưa ông Nguyễn Văn Phúc, chúng ta đã có một số lần sửa đổi Hiến pháp, vậy lần này có điểm gì khác?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Về quan điểm chung khi sửa đổi Hiến pháp về cơ bản kế thừa cách sửa đổi của các lần trước. Khi sửa đổi Hiến pháp chúng ta phải có Nghị quyết của Quốc hội. Trước hết về vai trò lãnh đạo của Đảng phải dựa trên văn kiện Đại hội Đảng, đặt ra yêu cầu, sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp trong tình hình mới. Rồi Quốc hội có Nghị quyết, thành lập ban soạn thảo, tham vấn ý kiến các chuyên gia trong quá trình soạn thảo, trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần đầu.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội lại tiếp tục hoàn thiện một bước. Rất nhiều điểm mới được bổ sung sau khi Quốc hội thảo luận. Và sau đó Quốc hội có Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân, các cấp, các ngành. Về sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị cũng có Chỉ thị quán triệt từ cấp chi bộ để triển khai lấy ý kiến.

Rồi các địa phương, các cấp, các ngành cũng thành lập ban chỉ đạo, có kế hoạch lấy ý kiến nhân dân. Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia cũng có kế hoạch lấy ý kiến. Rồi chúng ta tổ chức thảo luận trong nhân dân, tập hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân trình Quốc hội, rồi thảo luận lần nữa, tiếp tục hoàn thiện. Về cách làm đều kế thừa những lần sửa đổi trước một cách dân chủ, khoa học và chặt chẽ.

Tuy nhiên, lần này có quy mô, từng bước đi có điểm khác, đặc biệt đội ngũ chuyên gia luật rất hùng hậu nên có nhiều bản tham luận, bài viết, ý kiến có chất lượng. Đây là điểm mới trong lần sửa đổi này. Còn về nhân dân, chúng ta đang tiếp tục theo sát việc đóng góp ý kiến của nhân dân thông qua các kênh.

BTV: Trong gần một tháng qua, nội dung nào được người dân quan tâm tham gia ý kiến nhất?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Theo Nghị quyết của Quốc hội, kênh để người dân tham gia ý kiến thông qua trang duthaohienphaponline của Quốc hội, đến nay, chúng tôi đã nhận được 630 ý kiến, tập trung vào chế độ chính trị, quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Cụ thể qua thống kê của chúng tôi, đến nay có 209 ý kiến về chế độ chính trị, rồi điều 4 về Đảng cũng có 5 ý kiến. Điều 13 nói về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh cũng rất được quan tâm với 26 ý kiến. Trong đó, rất nhiều ý kiến rất thú vị, cụ thể và rất đáng phải suy nghĩ.

Về quyền và nghĩa vụ của công dân, chúng tôi nhận được 153 ý kiến. Ví dụ với điều 21 về quyền sống, nội dung mới có nhiều ý kiến nhất với 22 ý kiến, chứng tỏ nhân dân rất quan tâm. Nhân dân rất ủng hộ những bổ sung như vậy trong bản Dự thảo Hiến pháp, phù hợp với các công ước quốc tế.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến bàn sở hữu đất đai trong chương về kinh tế. Rồi các điều về bộ máy nhà nước, thành lập hội đồng hiến pháp hay tòa án hiến pháp. Như mọi nội dung của bản dự thảo Hiến pháp đều nhận được ý kiến đóng góp của người dân. Theo thống kê đến nay, 97 trên 127 điều đều được người dân tham gia đóng góp ý kiến.

BTV: Trong số các ý kiến của chuyên gia được đăng tải trên các cơ quan truyền thông, có ý kiến của một giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, sẽ không có một bản hiến pháp dân chủ nếu hoạt động xây dựng hiến pháp không được tiến hành thực sự dân chủ với các phương thức dân chủ? Ông Hoàng Thế Liên có ý kiến gì về quan điểm này?

Ông Hoàng Thế Liên: Quan điểm này khá thú vị. Theo cá nhân tôi, Hiến pháp được xây dựng theo quy trình, cách thức nào cũng là của đất nước, của toàn dân. Phát huy dân chủ để nhân dân thể hiện ý kiến là một chủ trương bắt buộc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Để phát huy dân chủ, theo lịch sử lập hiến, có 3 hình thức: Một là sau khi chuẩn bị xong thì đưa ra để toàn dân quyết định, gọi là trưng cầu ý dân, không phải nhiều nước làm được vì đòi hỏi nhiều điều kiện, Thứ hai, cách này được ghi nhận trong Hiến pháp 1946, sau khi Quốc hội thông qua thì Hiến pháp chỉ có giá trị khi toàn dân phúc quyết; quy định này trong Hiến pháp 1946 không thực hiện được do điều kiện chiến tranh. Thứ ba, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng Hiến pháp.

Trong 3 cách đó, các nhà lập pháp sẽ chọn cách nào phù hợp. Tôi rằng cách thứ ba là phù hợp với điều kiện hiện nay của chúng ta. Nghị quyết 38 của Quốc hội quy định không những lấy ý kiến nhân dân trong 3 tháng mà còn quy định trách nhiệm của các tổ chức nhà nước, chính trị xã hội và báo chí cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân, lắng nghe, tiếp thu tổng hợp đầy đủ ý kiến nhân dân. Sau khi tổng hợp, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ phân tích từng ý kiến, nếu không tiếp thu sẽ giải trình.

BTV: Hiến pháp là đạo luật gốc của quốc gia, góp ý cho 1 đạo luật đòi hỏi phải có kiến thức pháp luật và đây là công việc của các luật gia, người dân thì về hiểu biết, kiến thức pháp luật không phải ai cũng có thể góp ý. Vậy làm sao để việc lấy ý kiến của người dân không phải là hình thức?

Ông Phạm Quốc Anh: Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đặc thù, chúng tôi có hơn 46.000 hội viên và có hệ thống tổ chức không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện mà gần đây chúng tôi hết sức coi trọng phát triển tổ chức ở cấp cơ sở, xã phường.

Về ý kiến cho rằng việc đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần trình độ nhất định, tôi cho rằng trong 60 năm qua, nhân dân đều tham gia đóng góp ý kiến vào các bản Hiến pháp. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng người dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến tích cực vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.

Đáng chú ý, lần này trong nghị quyết của Quốc hội có ghi rõ vai trò của giới luật gia trong việc đóng góp ý kiến cho dự thảo. Và khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, chúng tôi đã họp hội nghị toàn quốc quán triệt những điểm sửa đổi trong dự thảo.

Với chủ trương giới luật gia phải là nòng cốt trong tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo ngay từ cấp cơ sở, hiện nay các cấp hội luật gia đang chuẩn bị tích cực.

Tôi cũng rất mong UBND, Mặt trận tại các địa phương tạo điều kiện cho các luật gia tham gia ý kiến từ cấp xã phường. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổ chức 2 hội thảo toàn quốc để tổng hợp ý kiến, còn cấp cơ sở đều tổ chức hội nghị lấy ý kiến. Việc góp ý thì cần trình độ nhất định nhưng không cần phải cao siêu và ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đã có những sửa đổi rất cụ thể, vì vậy, tôi tin tưởng rằng lần góp ý này sẽ thành công.

BTV: Còn ông Nguyễn Văn Phúc có ý kiến thế nào về vấn đề trên?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Có thể nói, sự quan tâm của người dân là rất đúng. Nếu chúng ta tổ chức hình thức, tập hợp, tổng hợp không đầy đủ, tiếp thu hình thức thì không đúng yêu cầu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, cũng không đáp ứng yêu cầu của người dân.

Đọc lại các văn bản liên quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo thì có thể thấy nếu chúng ta thực hiện đúng như trong quy định thì không thể có chuyện người dân không thể góp ý vào dự thảo.

Chúng tôi được biết hiện đã có trên 40 địa phương gửi về ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp kế hoạch triển khai lấy ý kiến tại các địa phương, thành lập ban chỉ đạo ở địa phương. Như quý vị đã thấy và chúng tôi cũng đã nêu, chỉ trong 10 ngày (2-1 – 11-1) trên trang thông tin điện tử của Quốc hội thì đã có gần 700 ý kiến đóng góp cho dự thảo. Nếu so sánh với những lần tham gia ý kiến trước thì tôi cho rằng sự tham gia của nhân dân rất tích cực. Và hiện các địa phương không chỉ triển khai ở cấp tỉnh mà đã tới cấp huyện, thậm chí huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng đã triển khai đến 118 thôn, 11 xã, thị trấn trên địa bàn. Như vậy công tác triển khai rất sâu rộng.

Tôi lấy ví dụ việc lấy ý kiến Hiến pháp 1992 có trên 9 triệu lượt người tham gia thảo luận và kết quả là chúng ta có bản Hiến pháp 1992 thay đổi nhiều về tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách kinh tế.

BTV: Thưa ông Hoàng Thế Liên, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xin ông có thể cho biết những nội dung cơ bản của bản kế hoạch này?

Ông Hoàng Thế Liên: Ngày 11-01-2013, Thủ tướng quyết định ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Kế hoạch này đã bám sát Nghị quyết 38 của Quốc hội như về mục tiêu, yêu cầu, bảo đảm các hình thức phù hợp với chức trách của Chính phủ.

Ngoài ra các nội dung đóng góp, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành, UBND, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trong trách nhiệm, thẩm quyền của mình đóng góp ý kiến thật sâu về lĩnh vực của mình. Tôi cho đó là yêu cầu rất cao.

Bên cạnh đó, trong toàn bộ hệ thống, chúng tôi đề nghị lấy các cơ quan tư pháp làm cơ quan thường trực. Đối với Chính phủ, lấy Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực, ở các bộ, ngành lấy vụ pháp chế làm cơ quan thường trực còn UBND các cấp thì lấy sở tư pháp, phòng pháp chế ở cấp huyện rồi tư pháp cấp xã, tức là kết hợp giữa chính sách, nguyện vọng với các cấp chuyên môn để bảo đảm việc thu thập, tiếp thu đầy đủ ý kiến của người dân.

Lần sửa đổi này có một ý nghĩa lớn là tư duy về hiến pháp, xem đây là đạo luật cơ bản, tức là tất cả các quy định đều có giá trị pháp lý và buộc phải thực hiện. Trước đây nhiều điều còn mang tính tuyên ngôn, gửi gắm, nhiều điều mang tính nguyện vọng. Do đó, khi người dân góp ý thì không nên nghĩ đây là việc của chuyên gia, mà đã là đạo luật gốc thì sẽ quyết định các quyết sách lớn của quốc gia, ai cũng có thể đóng góp. Còn từ chính sách đó được biến thành các điều luật thì là nhiệm vụ của các nhà làm luật.

Tôi tin với cách thức tổ chức của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp huy động toàn bộ lực lượng xã hội, trong đó có vai trò rất lớn của truyền thông, thì chúng ta có đợt lấy kiến hết sức thiết thực, tránh tính hình thức. Qua đó, chất lượng hiến pháp được nâng lên theo hướng phù hợp hơn với nguyện vọng của nhân dân, điều kiện của đất nước ta.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Chúng ta tổ chức không hình thức từ 2 phía, một phía là cách thức tổ chức, cam kết của chúng ta với cách thức tổ chức sâu rộng, lắng nghe ý kiến người dân, nghiên cứu, tiếp thu, còn về phía người dân, tính tích cực, tinh thần công dân, người dân sẽ không tham gia một cách hình thức nếu hiến pháp không đưa ra những quy định chung chung, trừu tượng, mang tính tuyên ngôn xa vời khiến người dân cảm thấy không thiết thực. Một điểm mới nữa mà chúng tôi đang tham mưu là các quy định của hiến pháp phải có giá trị áp dụng trực tiếp như hiến pháp của nhiều nước trên thế giới. Tuy hiến pháp quy định khái quát các nguyên tắc nhưng các nguyên tắc đó phải cụ thể, áp dụng trực tiếp được. Nếu quy định của hiến pháp phải chờ luật và các văn bản dưới luật hướng dẫn thì ý nghĩa giảm đi nhiều. Lần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp rất cố gắng để các quy định có giá trị áp dụng trực tiếp, qua đó, người dân có thể cảm thấy hiến pháp gần gũi với đời sống.

MC: Người dân có thể góp ý sửa đổi Hiến pháp thông qua các hình thức nào? Hiện nay còn nhiều người dân sống ở các vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với Internet và các nguồn thông tin khác nên khó có điều kiện tham gia ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hay có những nhóm người yếu thế trong xã hội thì liệu ý kiến của họ có được quan tâm?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Về những nhóm yếu thế, gần đây nhất một cuộc tọa đàm về quyền của những người bị hạn chế, tàn tật trong Hiến pháp, có sự tham dự của thành viên ban biên tập. Điều đó cho thấy chúng ta không chỉ quan tâm đến quyền của mỗi người, mọi người mà cả của nhóm người, trong đó có những nhóm có điều kiện khó khăn (người tàn tật, người yếu thế). Đương nhiên các tổ chức xã hội của các nhóm này và thông qua các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc sẽ có hình thức lấy ý kiến. Hiến pháp sẽ có những nguyên tắc để bảo vệ những người yếu thế. Bởi vì Hiến pháp không chỉ quy định quyền con người chung chung mà trong đó quy định rất cụ thể từng đối tượng đặc thù.

Còn đồng bào vùng sâu, vùng xa thì điều kiện tiếp cận internet ở nhiều nơi, theo tôi, cũng không quá khó khăn, và tất nhiên không chỉ có internet mà trong Nghị quyết của Quốc hội có rất nhiều hình thức để lấy ý kiến nhân dân như các hội nghị, tọa đàm, gửi các ý kiến trực tiếp đến các cơ quan địa phương hay Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Và Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng phổ biến đến tận các chi bộ, và các kế hoạch cũng đến tận cấp xã, thôn bản cho nên trách nhiệm của chính quyền cấp xã, các tổ chức xã hội là phải tổ chức cho người dân tham gia góp ý.

BTV: Hôm nay đã là 23-1, tháng 1 đã qua 23 ngày, tháng 2 tuy nghỉ tết có 9 ngày nhưng chắc là mất đứt nửa tháng. Vậy là chỉ còn khoảng 30 ngày để tổ chức cơ man những cuộc họp cơ quan, đoàn thể, đơn vị, tổ chức và dân phố, bản làng để lấy ý kiến và tổng hợp những đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Thời gian ngắn như vậy thì liệu hoạt động này có rơi vào hình thức, chiếu lệ, làm cho có hay không?

Ông Hoàng Thế Liên: Khi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghĩ rằng dành thời gian 3 tháng cho nhân dân đóng góp ý kiến là dài, đủ nhưng chưa tính đến trong 3 tháng đó có tết, là những ngày người dân ít quan tâm đến những vấn đề khác mà tập trung vào vui chơi, giải trí. Nhưng đối với các cơ quan nhà nước cũng đã có chỉ thị nói rõ phải tổ chức cho nhân dân ăn tết vui vẻ nhưng vẫn phải tiếp tục có những thông tin, hội thảo để đảm bảo việc đóng góp ý kiến tránh hình thức như đã nói.

Năm ngoái, tôi gần như không có tết vì tổng kết hiến pháp vào tháng 3-2012, mà tháng 2-2012 là tết, do đó dịp tết là dịp cao điểm nhất nên mùng 3 tết, tôi đã phải lên cơ quan để tổng hợp ý kiến. Sau đó, mùng 8 tết, chúng tôi tổ chức hội nghị ở các tỉnh phía Nam để lấy ý kiến đóng góp Báo cáo tổng kết thực hiện Hiến pháp 1992.

Như vậy khi tổng kết hiến pháp, chúng ta làm việc đầy trách nhiệm, khẩn trương, thì lần này yêu cầu cao hơn, trách nhiệm hơn, giá trị đóng góp cho Hiến pháp thiết thực hơn, do đó các cơ quan sẽ không lãng phí thời gian, để tập trung nhiều hơn cho công tác này.

Tôi luôn tâm niệm đã là Hiến pháp, một văn bản rất quan trọng, thì phải rất chú trọng ý kiến của nhân dân, vì vậy phải làm thế nào để nhân dân đóng góp nhiều ý kiến và ý kiến đó có chất lượng nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải tập hợp để lắng nghe ý kiến nhân dân một cách đầy đủ. Đấy là trách nhiệm ghi rất rõ trong kế hoạch lấy ý kiến nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi xin bổ sung thêm, trong quá trình xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về lấy ý kiến nhân dân thì các đại biểu Quốc hội cũng như các tổ chức đoàn thể cũng đặt vấn đề là thời gian lấy ý kiến nhân dân bao nhiêu là hợp lý, có người nêu 3 tháng, cũng có người nêu là 4 tháng. Chúng tôi cũng xem lại thời gian lấy ý kiến nhân dân các bản Hiến pháp trước thì thời gian cũng từ 2 - 4 tháng. Lần này chúng ta lấy ý kiến trong 3 tháng, thời gian rất tập trung, nếu kéo dài quá sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bộ máy nhà nước cũng như của người dân.

Và kế hoạch lấy ý kiến cũng phải có thời điểm cụ thể để người dân tập trung vào thảo luận, tọa đàm, đóng góp ý kiến, các cơ quan trung ương, địa phương cũng phải tập trung vào thời gian nhất định. Qua đó, tạo điều kiện cho Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.

Đến tháng 5-2013, Ủy ban sửa đổi Hiếp pháp phải trình dự thảo sửa đổi đã được tiếp thu ý kiến nhân dân trong 3 tháng qua ra Quốc hội thảo luận một lần nữa. Sau đó tiếp tục hoàn thiện. Và trong thời gian từ 31-3 đến ngày Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, cuối năm 2013 thì cũng không hạn chế người dân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có trách nhiệm tiếp nhận đơn thư, ý kiến đóng góp. Qua đó để thấy rằng thời gian kế hoạch là tập trung nhưng lấy ý kiến thì cho đến khi Hiến pháp được ban hành.

BTV: Thưa ông Phạm Quốc Anh, Hội Luật gia và cá nhân ông có những giải pháp, hiến kế nào không?

Ông Phạm Quốc Anh: Tôi cho rằng về hình thức, thời gian theo quy định là gọn, tập trung, nếu cứ trải ra thì hiệu quả không cao. Theo tôi thời gian là hết quý I-2013 cơ bản lấy hết ý kiến đóng góp của nhân dân nhưng cho đến đầu quý III-2013, khi Quốc hội họp kỳ cuối năm, chúng ta vẫn tiếp tục nhận ý kiến đóng góp là hợp lý.

Quan trọng nhất là tập hợp được ý kiến của nhân dân, kể cả ý kiến không đúng với yêu cầu của việc lấy ý kiến.

Chúng tôi cũng đã giao trách nhiệm cho các cấp Hội Luật gia phải chu đáo lắng nghe ý kiến nhân dân, có những ý kiến đột xuất thì có thể phản ánh trực tiếp lên Trung ương Hội Luật gia để phản ánh với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

BTV: Xin ông Nguyễn Văn Phúc và ông Hoàng Thế Liên cho biết về cơ chế tổng hợp ý kiến của nhân dân?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Nhiệm vụ Ủy ban soạn thảo Hiến pháp giao cho Ban biên tập là tiếp nhận tất cả ý kiến đóng góp của nhân dân, các cấp, các ngành, rồi làm báo cáo tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan. Chúng tôi được giao nghiên cứu dự kiến tiếp thu để trình ra Ủy ban soạn thảo Hiến pháp. Ủy ban soạn thảo Hiến pháp thành lập Ban biên tập với 50 chuyên gia đại diện cho tất cả các lĩnh vực, các ngành, các tổ chức từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, các viện khoa học lớn. Chúng tôi chia thành các tổ với các thành viên đầu ngành, có kinh nghiệm. Các tổ được phân công nghiên cứu sâu các ý kiến rồi đưa ra ban biên tập thảo luận dưới sự chỉ đạo của thường trực Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, cụ thể là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Chúng tôi làm việc dưới sự giám sát chặt chẽ của Ủy ban soạn thảo Hiến pháp, chắc chắn ý kiến đóng góp của nhân dân được trân trọng để trình ra Quốc hội. Tôi tin tưởng chắc chắn với cách tiếp thu như vậy, cũng như những lần trước, chất lượng của Dự thảo Hiến pháp được nâng lên rõ rệt.

BTV: Thưa ông Hoàng Thế Liên, ông có đề cập tới công khai tiếp thu ý kiến của nhân dân?

Ông Hoàng Thế Liên: Cơ chế chung ông Nguyễn Văn Phúc đã nói. Tôi đóng hai vai, vừa làm ủy viên ban biên tập và tham gia Ban chỉ đạo tổng kết và đóng góp ý kiến Hiến pháp 1992 của Chính phủ. Ban chỉ đạo giúp cho Chính phủ tổng hợp ý kiến của nhân dân. Tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ giúp việc với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia.

Chúng tôi lấy Bộ Tư pháp làm thường trực của Tổ giúp việc. Trong Bộ Tư pháp, chúng tôi thành lập nhiều nhóm làm việc để theo dõi vấn đề này. Cũng như các lần trước, để tiếp thu ý kiến của nhân dân, chúng tôi tổ chức quy trình rất khoa học, trước tiên là thu nhận ý kiến rồi đến giai đoạn 2 là phân tích và giai đoạn 3 là giải trình. Hiện nay, chúng tôi đang thiết kế mẫu biểu để tập hợp ý kiến cho từng chương, từng điều. Đội ngũ tập hợp là các chuyên gia pháp luật nhằm tránh “rơi vãi” ý kiến. Sau đó là đến tiếp thu, ý kiến hay thì đưa vào Dự thảo, còn lại đưa vào giải trình.

Trên cơ sở đó, như ông Nguyễn Văn Phúc đã nói, việc tập hợp ý kiến cụ thể cho từng nội dung với số lượng ý kiến cụ thể, rất rõ ràng. Báo cáo tiếp thu ý kiến của Chính phủ rất đầy đủ. Bên cạnh đó, dựa trên ý kiến của nhân dân tổng hợp, Chính phủ chủ động làm một dự thảo tiếp thu như những lần trước rồi gửi Ủy ban soạn thảo Hiến pháp để thêm tiếng nói và trách nhiệm của Chính phủ. Thứ hai, trên cơ sở ý kiến của nhân dân và chuyên gia để có ý kiến sâu sắc về Chương Chính phủ và HĐND. Tôi tin là với cách làm như vậy, chúng ta có một đợt lấy ý kiến có chất lượng, làm cho Hiến pháp thể hiện và phản ánh được nhu cầu của xã hội và nguyện vọng của nhân dân.

BTV: Cá nhân ông mong đợi gì bản Hiến pháp sửa đổi năm nay, thưa ông Phạm Quốc Anh?

Ông Phạm Quốc Anh: Tôi rất mong đợi và hy vọng Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ được nhân dân tham gia đông đảo, đầy đủ, nhất là những thiết chế mới như: quyền công dân, quyền con người, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tất cả những điều đó làm bản Hiến pháp mới sinh động, phản ánh được yêu cầu cuộc sống.

Tôi cho rằng thời điểm quý I-2013 là rất quan trọng đối với việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngay chiều nay (23-1) chúng tôi sẽ tổ chức họp với các cơ quan trực thuộc Trung ương Hội, tranh thủ thời gian trước tết làm ngay, sau tết là thực hiện luôn, không có khoảng thời gian hội hè.

Tôi hy vọng Bộ Tư pháp sớm đưa ra biểu mẫu thống nhất để những ý kiến phản ánh, đóng góp được đầy đủ, trung thực./.