Giảm nghèo ở Bình Định - Kết quả và những vấn đề đặt ra
TCCSĐT - Bình Định là một trong những địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên tích cực đầu tư giảm nghèo đem lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở đây vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục tháo gỡ, giải quyết để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Thời gian trước năm 2010, Bình Định vẫn còn là một trong địa phương ở vùng duyên hải miền Trung gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách không đủ bù chi cho đầu tư phát triển, lực lượng lao động phần lớn là lao động nông nghiệp, lao động công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm đến 16,31%.
Quán triệt và thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước; đồng thời xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, những năm gần đây, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bình Định triển khai quyết liệt thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên phong trào sâu rộng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những kết quả đạt được
Chương trình giảm nghèo của tỉnh đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao. Các cấp ủy chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt và hiệu quả công tác giảm nghèo. Bên cạnh quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết và quyết định về chương trình mục tiêu giảm nghèo của Trung ương, từ năm 2010 đến cuối năm 2016, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đã có khoảng 15 văn bản nghị quyết, quyết định liên quan trực tiếp đến công tác giảm nghèo trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh còn chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Các cấp, các ngành, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến xã theo sự phân công, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch, chính sách, dự án của chương trình giảm nghèo. Nổi bật trong đó, là sự phối hợp chặt chẽ, tạo tác động đan xen, thực hiện có hiệu quả những nội dung đã đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh còn thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực và truyền thông về giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, huyện và cán bộ các đoàn thể ở các huyện miền núi và triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình hằng năm, làm cơ sở đánh giá việc giảm nghèo trên địa bàn.
Điểm nổi bật trong công tác giảm nghèo của Bình Định là các chính sách hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được các cấp, các ngành trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả. Cụ thể như: Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo được các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nhất là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh bảo đảm cung cấp đủ vốn, với mức hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo có nhu cầu vay để phát triển sản xuất. Giai đoạn 2010 - 2016, tỉnh đã hỗ trợ cho 187.623 lượt hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên và nhân dân vùng khó khăn vay vốn với tổng số tiền trên 4.117,64 tỷ đồng; Chính sách cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ dạy nghề miễn phí được tỉnh tích cực triển khai gắn với tạo việc làm cho người nghèo dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng của từng người nghèo, cận nghèo với các phương pháp đào tạo phù hợp. Từ năm 2011 đến cuối năm 2016, tỉnh phê duyệt 11.577 dự án cho vay vốn tạo việc làm với tổng số tiền trên 116,7 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tỉnh phê duyệt 1.105 dự án với số tiền trên 31 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi cũng như vốn vay giải quyết việc làm, nhiều hộ nghèo đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả trong sản xuất và đời sống; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp tục đến trường; giúp các hộ gia đình tại các vùng khó khăn mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, đánh bắt, chế biến hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Đi đôi với chính sách tín dụng, tỉnh còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghèo. Đến cuối năm 2016, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 111 nghìn lao động học nghề với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng, trợ cấp cho hơn 6 nghìn người học nghề với tổng số tiền trên 6,7 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến 2016, trung bình mỗi năm hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tư vấn việc làm, tư vấn nghề cho khoảng 24,5 nghìn lượt người, giới thiệu việc làm cho khoảng 3,5 nghìn lao động. Riêng năm 2016, cả tỉnh tổ chức được 24 phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch, 12 phiên lưu động tại các địa phương tư vấn nghề, việc làm cho trên 31.345 lượt người, hỗ trợ việc làm cho 2.034 lao động, tạo việc làm mới cho 29.715 người. Ngoài ra, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn kết hợp hoạt động dạy nghề với tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần đáng kể vào công tác giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nhân dân ở địa phương. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề trên địa bàn đạt 48,18%;...
Cùng với chính sách tín dụng ưu đãi và hỗ trợ giải quyết việc làm, những năm qua, các chính sách hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội được tỉnh Bình Định thực hiện đạt hiệu quả cao. Trong đó, chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế đã tạo sự yên tâm rất lớn cho hộ nghèo và con em của họ trong việc đến trường và khám chữa bệnh khi ốm đau, bệnh tật. Giai đoạn 2010 - 2016, cả tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 1,032 triệu lượt người nghèo với tổng kinh phí trên 586,896 tỷ đồng. Việc hỗ trợ gạo, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vùng đặc biệt khó khăn thật sự đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giảm bớt những khó khăn, cung cấp thêm dinh dưỡng cho những hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, thu hẹp về thụ hưởng giữa các vùng trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được triển khai tích cực từ năm 2011 đến nay với tổng số nhà được hỗ trợ hơn 4.185 nhà, kinh phí thực hiện trên 117,386 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà tạm. Chính sách trợ giúp pháp lý cũng được tỉnh triển khai sâu rộng, tập trung ưu tiên ở các huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang, ven biển và hải đảo, từng bước nâng cao nhận thức chính sách pháp luật, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với nhà nước….
Bình Định cũng là tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù hỗ trợ cho địa bàn đặc biệt khó khăn, như: thực hiện lồng ghép các chính sách, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo… Ở 03 huyện miền núi được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ sự nghiệp theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh) từ năm 2009 đến 2016, có hơn 118 công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí hơn 604,165 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là những công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm y tế, hệ thống công trình nước sinh hoạt tập trung,... tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển rừng, hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập, đặc biệt là nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Từ năm 2011 đến cuối năm 2016, có 45 mô hình khuyến nông, lâm, ngư; riêng năm 2016 có 05 mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện chăm sóc của hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được triển khai, như: mô hình vỗ béo bò thịt trước khi xuất chuồng, mô hình nuôi gà an toàn sinh học, mô hình nuôi lợn sinh học,... với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng... Qua đó, đã tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế nông thôn, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần.
Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,25% (theo chuẩn nghèo cũ), năm 2016 còn 11,58% (theo chuẩn nghèo đa chiều), bình quân chung mỗi năm giảm gần 2% (các huyện nghèo bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,87%), thu nhập của hộ nghèo chung cả tỉnh tăng gấp 2 lần và thu nhập của hộ nghèo ở huyện nghèo tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
Những vấn đề đặt ra
Công tác giảm nghèo ở Bình Định tuy đạt được nhiều kết quả nhưng xét tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo Báo cáo giảm nghèo của Ủy ban nhân dân tỉnh và qua nghiên cứu thực tế tại địa phương cho thấy, công tác giảm nghèo còn có một số vấn đề cần khắc phục, như :
- Sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, nhất là đối với các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi còn cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Theo kết quả tổng điều tra rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, một số xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%, cá biệt có xã tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xấp xỉ gần 90%.
- Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, huy động nội lực để vươn lên thoát nghèo. Tâm lý của người dân, hộ nghèo nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thật sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vẫn còn ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Việc huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, cộng đồng để hỗ trợ cho chương trình giảm nghèo còn thấp.
- Năng lực, trình độ của cán bộ cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa nắm bắt, tiếp cận nhanh những kỹ năng, nghiệp vụ, chuyên môn khoa học kỹ thuật, vì vậy khi chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật mới cho người dân không đầy đủ, hiệu quả thấp; Việc giao dự án về cho Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư nhằm nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện các dự án có nơi vẫn chưa đạt theo yêu cầu do năng lực quản lý, tổ chức còn hạn chế. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước chưa cao, còn lãng phí, chất lượng xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, chợ còn thấp…, một số dự án đầu tư không đúng chỗ, chưa phát huy hết tác dụng dẫn đến các công trình xây dựng xuống cấp nhanh.
- Trong thực hiện các chính sách, dự án, nhất là các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã nghèo đặc biệt khó khăn, các xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo chưa huy động được sự tham gia và đóng góp tích cực của nhân dân; cơ chế dân chủ, công khai, kiểm tra, giám sát vẫn còn mang nặng tính hình thức. Việc lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện vẫn còn mang tính thụ động, chưa rà soát, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng, nhu cầu của địa phương.
- Trình độ nhận thức của người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi cũng như việc lồng ghép với chương trình khuyến nông, lâm, ngư... còn hạn chế; nhiều đối tượng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chưa tiếp cận được các chương trình chuyển giao khoa học, công nghệ. Đội ngũ cán bộ xoá đói giảm nghèo ở cơ sở thiếu về số lượng, yếu về năng lực, phần lớn kiêm nhiệm, chưa được tập huấn cơ bản, thiếu các kiến thức cơ bản về khuyến nông, lâm ngư, quản lý, sử dụng vốn cũng như xây dựng và quản lý dự án.
- Công tác lập hồ sơ, quản lý cấp thẻ bảo hiểm y tế vẫn chưa được chặt chẽ, còn tình trạng trùng thẻ bảo hiểm y tế người nghèo ở trong nhóm hỗ trợ khác, gây lãng phí. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người cận nghèo chưa tiếp cận thẻ bảo hiểm y tế, mặc dù đã được nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên con hộ nghèo nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn học tại các cơ sở dạy nghề và các trường đại học chưa được hưởng chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, tạo ra gánh nặng lớn cho đời sống của gia đình hộ nghèo. Công tác xét chọn, phê duyệt danh sách hộ nghèo chưa được thực hiện đúng quy trình. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành ở các địa phương còn lỏng lẽo, thiếu sâu sát...
Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân cư, năm 2017 và những năm tiếp theo, các cấp ủy, chính quyền ở tỉnh Bình Định tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo và xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về sinh kế, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo; thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù cho vùng nghèo, xã nghèo, trong đó ưu tiên nguồn vốn của chương trình hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các dự án của Chương trình 30a, Chương trình 135, tiếp tục nhận rộng các mô hình giảm nghèo về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, mô hình chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo, cộng đồng với doanh nghiệp cùng các mô hình tạo việc làm khác cho người nghèo,... Bình Định phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 1,5 - 2%, riêng các huyện miền núi giảm trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo đa chiều), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, sớm đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung./.
Tăng cường giám sát vay về cho vay lại đối với chính quyền địa phương  (21/09/2017)
Giàn PV DRILLING II đạt thành tích 8 năm hoạt động Zero LTI  (21/09/2017)
Thanh tra các dự án trên bán đảo Sơn Trà  (21/09/2017)
Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi  (21/09/2017)
Vietcombank nhận giải thưởng “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam” năm 2017  (21/09/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên