Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo

NGÔ HOÀNG NGÂN
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh
06:51, ngày 26-11-2022

TCCS - Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) một bộ phận của khu vực công nghiệp - xây dựng, là những ngành tham gia vào việc biến đổi hàng hoá, nguyên liệu hoặc các chất liệu khác nhau thành những sản phẩm mới. Không giống với các phân ngành công nghiệp khác, công nghiệp CBCT là ngành trực tiếp tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu cho quốc gia; và cũng là ngành có mối liên hệ, gắn kết chặt chẽ, mật thiết nhất với hai khu vực kinh tế còn lại là nông nghiệp và dịch vụ.

Phần lớn các nước thu nhập thấp và trung bình trên thế giới đều lệ thuộc vào công nghiệp CBCT vì đây là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm cho lao động và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Ở nhiều quốc gia phát triển, công nghiệp CBCT đã phát triển nhanh chóng và đưa các quốc gia đó trở thành những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Sự thành công của các quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, trở thành nước có thu nhập cao là minh chứng cho thấy công nghiệp CBCT là con đường phát triển, là chìa khóa để tạo nên sự thịnh vượng của các quốc gia.

Công nghiệp CBCT cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc học hỏi và phát triển kỹ năng, đổi mới sáng tạo, gắn liền với hoạt động nghiên cứu phát triển. Các nước công nghiệp phát triển cũng chính là nơi sản sinh ra những ý tưởng và phát minh mới, những ngành công nghiệp quan trọng đối với tương lai kinh tế của đất nước, bao gồm các vật liệu tiên tiến, công nghệ sinh học, công nghệ nano và các thiết bị cơ khí chính xác.

Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp đầu chuỗi trong các ngành công nghiệp CBCT là những người đi đầu trong việc tạo ra sự đổi mới công nghệ sản xuất này, và các tập đoàn này đa phần thuộc về các nước có ngành công nghiệp phát triển. Sự cạnh tranh sức mạnh giữa các quốc gia hiện nay là sự cạnh tranh về công nghệ sản xuất. Sức mạnh của công nghệ sản xuất quyết định sức mạnh của quốc gia, và sức mạnh của công nghiệp CBCT là chìa khóa để các quốc gia đổi mới mô hình tăng trưởng, tiến lên nấc thang cao hơn của sự phát triển.

Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức rất hạn chế. Quá trình chuyển đổi này hiện diễn ra tương đối chậm chạp, mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trình độ công nghệ và các doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, chưa tạo ra được sự lan tỏa và tận dụng tối đa hiệu quả của FDI đầu tư tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là do năng lực các doanh nghiệp trong nước quá hạn chế, chưa đủ sức để tiếp cận và tiếp nhận sự lan tỏa với năng lực hiện có, trong khi các chính sách hỗ trợ thúc đẩy từ phía nhà nước chưa đủ mạnh, thiếu tính đồng bộ theo một kế hoạch tổng thể phát triển chung các ngành công nghiệp CBCT. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với bẫy thu nhập trung bình mà dường như một số nước ASEAN đã vướng do không chuyển sang được giai đoạn sáng tạo, làm chủ hoàn toàn công nghệ và sản xuất hàng hóa chất lượng cao như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) đã đạt được.

Tỉnh Quảng Ninh là địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và là 1 trong 7 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh chiếm 29,2% về diện tích (lớn nhất trong vùng) và 5,8% về số dân. Mật độ dân số của tỉnh hiện đạt khoảng 215 người/km2, thấp nhất trong vùng và tương đương 20% mật độ trung bình toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong các giai đoạn phát triển gần đây, ngành công nghiệp và xây dựng luôn là ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn nền kinh tế và đóng góp lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đến năm 2021, mặc dù phải đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, tuy nhiên với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân... cùng sự nỗ lực, cố gắng, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, y tế, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận góp phần giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định” đồng thời thực hiện tốt “mục tiêu kép” với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 của tỉnh tăng 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (sau thành phố Hải Phòng đạt 12,38%). Tỉnh cũng nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng hai con số. Năm 2021, tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 52,8% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh (riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh chiếm 11,9%).

Tuy nhiên, ngành công nghiệp CBCT tại Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong 24 mã ngành công nghiệp CBCT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010 - 2020 thì đa số dự án có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít, chưa phát triển đột phá công nghiệp sạch, công nghệ cao; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số dự án đầu tư chưa cao, chưa có những doanh nghiệp công nghiệp lớn, thương hiệu mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước cũng như toàn cầu. Công nghiệp CBCT chưa đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh trong thời gian qua; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương còn nhỏ. Hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp CBCT còn thấp, phần lớn là các dự án còn thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, giá trị gia tăng thấp.

Ở Quảng Ninh, nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã lựa chọn phát triển công nghiệp CBCT làm mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và 1 trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh coi đây là chủ trương, quyết sách đúng đắn để tạo bứt phá, lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp CBCT phù hợp với sự phát triển trong nước và thế giới. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp CBCT của tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” đó là: Khu công nghiệp - Khu đô thị - Khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, người lao động gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Cùng với những lợi thế sẵn có là hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, đặc biệt cửa khẩu song phương với Trung Quốc... đã tạo ra lực đẩy mạnh mẽ để công nghiệp CBCT của tỉnh phát triển.

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Quảng Ninh đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tổng thể quy hoạch, thu hút đầu tư có chọn lọc. Tỉnh đã khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông của hai tuyến phía Tây và phía Đông của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện đồng bộ và hiện đại, đã tận dụng tối đa ưu thế của các loại hình giao thông, thị trường; cơ chế, chính sách ưu đãi của các khu công nghiệp, khu kinh tế để nhanh chóng hình thành các cụm liên kết vùng, liên kết ngành công nghiệp CBCT tập trung. Trọng tâm là phát triển và phát huy hiệu quả của các khu công nghiệp nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên...

Tỉnh đã quy hoạch, huy động tối đa mọi nguồn lực theo phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tốc độ phát triền và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế bảo đảm kết nối liên thông, tổng thể gắn với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biến của tỉnh. Trong năm 2022, đã hoàn thành đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái; đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả; tiếp tục hoàn thiện đường cao tốc ven sông tuyến miền Tây; cầu Cửa Lục 1, 3, cầu Triều và các dự án hạ tầng động lực của thành phố Hạ Long…

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được quan tâm. Việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ cho các dự án đầu tư không ngừng được cải thiện theo đúng Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 9-4-2021, của Tỉnh ủy “Về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hưởng đến năm 2030”. Kết quả, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân 5 năm liên tiếp (2016 - 2021); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ nhất toàn quốc 3 năm liên tiếp (2019 - 2021), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 đứng thứ 2 cả nước. Tỉnh đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, giải phóng mặt bằng, vật liệu san lấp; thúc đẩy thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn và các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021 - 2025. Chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện, điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao, công nghệ ô-tô... trong đó, một số ngành nghề đạt trình độ quốc tế, khu vực. Mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh đã tăng lên rõ rệt, đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra. Theo đó, cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển dịch, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19% (gần gấp đôi so với 17% của năm 2020), đóng góp 3,36 điểm % vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng cũng đạt 10,97%. Tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong GRDP của tỉnh cũng nâng lên từ 6,7% năm 2010 lên 9,9% năm 2020, 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng đầu năm 2022.

Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực CBCT phát triển nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp CBCT, đến hết năm 2021 đã có hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Không chỉ ghi những dấu ấn trong bức tranh kinh tế cả tỉnh, ngành công nghiệp CBCT còn có nhiều đóng góp về mặt xã hội, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động. Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp CBCT đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động mới, nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người. Đặc biệt, tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp CBCT từ năm 2010 đến nay đạt trên 69.000 tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây, toàn tỉnh thu hút 14 dự án mới. Trong đó, năm 2021 thu hút 10 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án. Trong 9 tháng năm 2022 thu hút 4 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 1 lượt dự án. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp CBCT sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết đạt trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,1 triệu USD./.