Lạng Sơn thúc đẩy kinh tế biên mậu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới
TCCS - Lạng Sơn là vùng đất cửa ngõ “phên giậu” của Tổ quốc, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Qua hơn hai năm phòng, chống đại dịch COVID-19, với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh, kinh tế Lạng Sơn đang dần phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm trong trạng thái bình thường mới.
Lạng Sơn là tỉnh có đường biên giới quốc gia Việt Nam - Trung Quốc dài 231,74km, với 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị và cửa khẩu ga đường sắt Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính Chi Ma và 9 cửa khẩu phụ; cách Nam Ninh là thủ phủ của Quảng Tây, Trung Quốc khoảng 230km, cách Thủ đô Hà Nội 150km, thuận lợi trong việc hợp tác, giao thương, phát triển kinh tế biên mậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại. Xác định được tầm quan trọng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó xác định: “Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh” là Chương trình trọng tâm số 1 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mục tiêu đặt ra là phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”; phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất, nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác.
Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Lạng Sơn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19 đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để thực hiện tốt mục tiêu thúc đẩy kinh tế biên mậu, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hội đàm với chính quyền thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) về xây dựng, hoàn thiện hạ tầng khu vực cửa khẩu hai bên, đề ra và thống nhất giải pháp nâng cao năng lực thông quan, xây dựng cửa khẩu kiểu mẫu; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp điện đàm, gửi thư trao đổi với lãnh đạo chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc, chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cửa khẩu chủ động nắm bắt tình hình, điều tiết các hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ về y tế để tăng cường phòng, chống dịch bệnh.
Để hỗ trợ, giảm bớt chi phí trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về giảm mức phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi giảm giá dịch vụ tại cửa khẩu. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm đang triển khai thực hiện. Tập trung chỉ đạo quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Với sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 6,67%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn đạt 4.270 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 10.649,6 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ; toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước tiến bộ, chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021 giảm còn 5,88%. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, các hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng.
Để thúc đẩy kinh tế biên mậu, đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được của năm 2021, thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thông qua việc lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm trong việc lập, điều chỉnh các quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, kịp thời cập nhật, tích hợp các nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg, ngày 8-7-2010, của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt, gắn với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tại Công văn số 1804/TTg-CN, ngày 18-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2020” bảo đảm phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế chung của cả nước, của tỉnh Lạng Sơn.
Thứ hai, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu vực cửa khẩu và sớm hình thành các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu: Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh xác định ưu tiên bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các công trình, dự án có sức lan tỏa và góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa khẩu; tăng cường công tác quản lý chất lượng dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư. Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa; một số dự án trọng điểm tập trung triển khai như hoàn thành dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; giai đoạn 1 dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; mở rộng tuyến đường xuất, nhập khẩu cửa khẩu song phương Chi Ma; mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng tại khu vực mốc 1119 - 1120 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị... Thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 259/QĐ-TTg, ngày 25-2-2021, của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng thương mại biên giới theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.
Thứ ba, nâng cao công tác dự báo tình hình: Nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng đối với hoạt động xuất, nhập khẩu của phía Trung Quốc, kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hải quan, thuế, kiểm dịch, xuất, nhập cảnh, nâng cao năng lực thông quan để thu hút các thành phần kinh tế của cả nước đẩy mạnh các hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn, đất đai, thuế, phí và lệ phí... tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) đi vào hoạt động chính thức từ sau ngày 31-5-2022 và trở thành một lối thông quan thuộc cặp Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); đồng thời, nghiên cứu triển khai việc vận hành “luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua tuyến đường này; thống nhất thời gian làm việc tại cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc); nghiên cứu, hợp tác triển khai thực hiện mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án thí điểm nhập khẩu dược liệu qua cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc) và mở rộng thêm các mặt hàng khác xuất khẩu qua cặp cửa khẩu này. Phối hợp hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ hai bên phê chuẩn thời gian làm việc chính thức tại cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thu hút các mặt hàng có giá trị cao xuất khẩu qua địa bàn, như thủy, hải sản, khoáng sản, hạt điều, hạt tiêu, đỗ gỗ mỹ nghệ, sữa tươi...; phối hợp các cơ quan trung ương trong việc mở rộng danh mục mặt hàng trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó ưu tiên mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; tích cực phát triển các sản phẩm, thị trường xuất khẩu mới. Khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ xuyên biên giới; tạo điều kiện để các tổ chức trong nước, ngoài nước thành lập chi nhánh, phòng giao dịch; phát triển các dịch vụ bưu chính quốc tế tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị theo quy định của Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU). Tăng cường xúc tiến du lịch, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch nông thôn,... với du lịch qua biên giới, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển thương mại, du lịch Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; tập trung phát triển các cơ sở lưu trú chất lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới; nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế cửa khẩu. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án tại các khu vực cửa khẩu, nhất là các dự án kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe, kho ngoại quan, địa điểm tập kết hàng hóa,... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa và chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, nắm vững quan hệ cung - cầu, giá cả hàng hóa và các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ, triển khai có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới, tội phạm xuyên biên giới, kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ lao động qua biên giới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu hàng hóa và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch qua biên giới.
Thứ sáu, tăng cường công tác đối ngoại: Thực hiện hiệu quả, toàn diện đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) để vừa tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh; duy trì Chương trình Gặp gỡ đầu xuân, Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp và thực hiện hiệu quả cơ chế trao đổi, hội đàm đã ký kết giữa hai bên để phối hợp thực hiện công tác quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu, đấu nối đường bộ qua biên giới, nâng cấp cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu; tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới”, tăng cường hội đàm, trao đổi, đàm phán để tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về chính sách xuất, nhập khẩu hàng hóa, khai thác, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam; trao đổi với phía Trung Quốc nhằm thúc đẩy thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt để tăng khả năng thông quan, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Thứ bảy, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10-10-2017, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”./.
Nam Định giải quyết khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế  (07/07/2022)
Bắc Ninh: Tổng sản phẩm 6 tháng đầu năm 2022 tăng 14,7%  (18/06/2022)
Thúc đẩy các hoạt động thương mại trong phát triển kinh tế tỉnh Phú Thọ  (06/06/2022)
Tỉnh Cao Bằng: Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững  (04/06/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên