Công tác khuyến học, khuyến tài trên quê hương Bác Tôn
TCCS - Khuyến học, khuyến tài là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã tổng kết: “Nhân bất học bất tri lý”, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã dành cả cuộc đời để chăm lo việc học tập cho nhân dân với mong muốn cao nhất là: “Đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bản thân Người là một tấm gương sáng về tự học. Kế tục và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thực hiện ước nguyện của Bác Tôn về một quê hương An Giang giàu đẹp, văn minh, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng An Giang trở thành một xã hội học tập.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Bác Tôn và quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, đồng thời nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung, công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập nói riêng.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, hội khuyến học các cấp đã triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh lần thứ III đề ra. Trong đó, hội đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, đề xuất với cấp ủy và chính quyền các cấp về chỉ đạo các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống tổ chức Hội Khuyến học được hình thành và củng cố phủ kín trên tất cả xã, phường, thị trấn, trường học; hầu hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp đều có hoạt động khuyến học, khuyến tài; năm 2021 so với năm 2016, có hơn 300 nghìn hộ gia đình đạt chuẩn Gia đình học tập (tăng hơn 168 nghìn hộ); có 495 dòng họ học tập (tăng 238 dòng họ), 2.156 cộng đồng học tập (tăng 2.148), 536 đơn vị học tập (tăng 527); phát triển hội viên là 390.194 (đạt tỷ lệ 20,45%), vượt chỉ tiêu đề ra là 10,45%.
Huyện Thoại Sơn là một điển hình phong trào khuyến học, khuyến tài. Xuất phát từ mong muốn phát triển bền vững hoạt động khuyến học, khuyến tài, cùng những đóng góp rất quan trọng cả về vật chất lẫn tinh thần của các cực học sinh từng học tập ở huyện, hai nguồn quỹ đầu tiên là Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại và quỹ khuyến học, khuyến tài Trường Trung học cơ sở Định Mỹ đã hình thành và ra mắt vào dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới 2017 - 2018, dựa trên nguyên tắc: “Quỹ không nhằm mục đích lợi nhuận và được gửi tại các tổ chức tín dụng. Mọi lợi ích tài chính phát sinh từ nguồn quỹ hoặc từ các nguồn vận động cho quỹ đều được bổ sung, phát triển làm tăng giá trị tài chính của quỹ và chỉ được sử dụng tiền lãi phát sinh từ nguồn quỹ để thực hiện mục đích khuyến học khuyến tài”.
Sự ra đời Quỹ học bổng Nguyễn Văn Thoại và quỹ khuyến học, khuyến tài Trường Trung học cơ sở Định Mỹ đã đem lại những hiệu quả xã hội tích cực thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 8-2020, trên 17 xã, thị trấn của huyện đã có 21 quỹ khuyến học, khuyến tài; 4 quỹ của cơ quan hội cấp huyện và trường học đã được cấp phép đủ điều kiện hoạt động với tổng giá trị quỹ trên 19 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, tiền lãi phát sinh của toàn hệ thống quỹ đã được sử dụng cho hoạt động khuyến học, khuyến tài mỗi năm trên 1,3 tỷ đồng (chưa kể nguồn vận động các tổ chức, cá nhân là nhà tài trợ truyền thống). Nhờ đó, Hội Khuyến học huyện và các cấp hội cơ sở đã an tâm và chủ động đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và củng cố tổ chức hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Nguồn quỹ được bổ sung đáng kể đã trở thành nguồn lực vật chất hỗ trợ, động viên, khích lệ kịp thời cho hoạt động chuyên môn của các trường phổ thông và mầm non trong toàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; thiết thực khen thưởng giáo viên, cấp phát nhiều học bổng cho học sinh, sinh viên, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; giúp đỡ và tạo điều kiện tiếp bước đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, gần hai năm qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân, việc vận động doanh nghiệp và các nhà tài trợ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ nguồn lãi từ hệ thống quỹ đã đáp ứng cơ bản và ổn định việc cấp hàng trăm thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ học bổng và điều kiện học tập cho các cháu học sinh mồ côi có cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp qua đời vì COVID-19, vì tai nạn giao thông...
Việc huy động các nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài và hoạt động hiệu quả của các hội khuyến học đã giúp nâng cao nhận thức về chủ trương xã hội hóa các hoạt động an sinh xã hội của cộng đồng, khắc phục quan điểm có phần chưa đúng khi xem xã hội hóa chỉ là biện pháp tình thế trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Xã hội hóa các lĩnh vực an sinh xã hội là trách nhiệm của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực của Nhà Nước, hướng đến mục tiêu để mỗi người dân vươn tới mức sống cao và cách sống đẹp. Mặt khác cần khẳng định, hiệu quả xã hội từ kết quả hình thành hệ thống quỹ khuyến học, khuyến tài còn đem lại sức sống mới cho tổ chức hội khuyến học từ huyện đến cơ sở nói chung và cho phong trào xây dựng xã hội học tập trên toàn địa bàn huyện Thoại Sơn nói riêng, góp phần lan tỏa hiệu quả tích cực đến các địa phương khác trong toàn tỉnh. Từ thành công bước đầu của huyện Thoại Sơn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án số 347/ĐA-UBND, ngày 24-6-2021, về vận động xây dựng quỹ khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, là địa bàn nông thôn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Hội Khuyến học của xã hoạt động hiệu quả, là điểm sáng của tỉnh, được Hội Khuyến học tỉnh chọn báo cáo tham luận tại Đại hội khuyến học tỉnh lần thứ III. Hoạt động của hội trải đều ở 4 chi hội ấp, với 1.960 hội viên, 972 gia đình học tập, được tổ chức thành 25 tổ khuyến học nên dễ dàng nắm bắt tình hình cũng như kịp thời hỗ trợ khó khăn cho học sinh trong học tập. Trên địa bàn có 3 dòng họ học tập, ngoài vệc chăm lo cho con em trong dòng họ, còn tích cực hỗ trợ tập vở, tiền mặt để hội giúp đỡ cho học sinh nghèo.
Chương trình cấp quà “Tiếp bước đến trường” được triển khai trên tất cả các xã, phường, thị trấn của tỉnh, với kết quả vận động quà, tiền trên 75 tỷ đồng đến từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và đã hỗ trợ cho 340.338 học sinh, sinh viên. Đây là một hoạt động nhằm hỗ trợ các điều kiện tối thiểu (tập vở, sách giáo khoa, học cụ, quần áo đi học) để học sinh, sinh viên là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt… có điều kiện được đến trường vào đầu năm học mới. Chương trình thể hiện tính ưu việt của chế độ, thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của tỉnh. Ngoài ra, phong trào “Nuôi heo đất” được phát động thực hiện từ trường học đến các hội khuyến học cơ sở, có kết quả rất đáng khích lệ, với nguồn thu từ phong trào “Heo đất Khuyến học” đạt khoảng 35 tỷ đồng.
Hội khuyến học tỉnh phát động nhiều phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, trân trọng biểu dương, khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm của những cá nhân, đơn vị có thành tích. Nội dung thi đua khuyến học, khuyến tài ngày càng gắn kết chặt chẽ với yêu cầu xây dựng xã hội học tập ngay từ cơ sở, với phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Thực tế cho thấy, ở đâu có phong trào khuyến học, khuyến tài tốt thì ở đó việc tổ chức dạy và học trong và ngoài nhà trường, việc chăm lo học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên sẽ có nhiều thuận lợi. Phong trào khuyến học, khuyến tài góp phần thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông của An Giang nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm liền...
Hoạt động tích cực và hiệu quả của Hội khuyến học tỉnh góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân đối với việc noi gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và học tấm gương đạo đức và những phẩm chất cao đẹp của Bác Tôn. Qua đó, Hội Khuyến học tỉnh đã đề nghị và được Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng 258 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”; 9 cờ thi đua xuất sắc cho 7 huyện, thị, thành hội; 34 bằng khen tập thể và 4 bằng khen cá nhân cho hội khuyến học các cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân các đơn vị, cán bộ hội và nhà tài trợ. Ngày 16-11-2018, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Khuyến học tỉnh An Giang…
Những khó khăn, thách thức
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh An Giang cũng gặp không ít khó khăn, thách thức:
Một là, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, hội viên chưa thực sự đầy đủ, toàn diện. Quan niệm làm khuyến học chủ yếu là vận động ủng hộ quỹ và khen thưởng học sinh, hoạt động có tính thời vụ, tính hình thức còn thể hiện ở không ít hội cơ sở. Chất lượng hoạt động của một số tổ chức hội chưa cao, nhất là ở cơ sở.
Hai là, việc xây dựng và phát triển mô hình học tập trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh phí eo hẹp. Hệ thống hội, nhất là cấp huyện và cơ sở ít có điều kiện tiếp cận những công nghệ mới nên việc đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài khó thực hiện; công tác chỉ đạo, quản lý, thông tin, tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn.
Ba là, hệ thống tổ chức của hội tuy đa dạng, hội viên ngày càng đông, quy mô hoạt động của hội ngày càng mở rộng, nhưng cán bộ cốt cán của các cấp hội phần lớn đã về hưu, tuổi cao, sức yếu, thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng công việc. Với số lượng cán bộ và kinh phí còn hạn chế, các cấp hội triển khai các hoạt động gặp không ít khó khăn.
Từ thực tiễn triển khai công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh An Giang, bước đầu rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, các cấp hội bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp, đồng thời chủ động đề xuất, phát huy vai trò nòng cốt, liên kết, phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ của ngành giáo dục - đào tạo, các đoàn thể nhân dân, sự sáng tạo trong hoạt động của các cấp hội.
Hai là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, về các phong trào do hội khởi xướng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; vận động mọi người tích cực tham gia vào các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, có phẩm chất và năng lực vận động quần chúng, am hiểu sâu sắc về giáo dục và đào tạo, được cộng đồng dân cư tín nhiệm.
Ba là, xây dựng, quản lý tốt quỹ khuyến học theo hướng công khai, minh bạch, có số dư tăng đều đặn. . . Thu, chi quỹ bảo đảm đúng quy định của tài chính, tuân thủ luật pháp, đúng theo yêu cầu của nhà tài trợ. Bên cạnh việc vận động nguồn lực bên ngoài từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cần xây dựng nguồn nội lực từ các hoạt động của các cấp hội, như vận động phong trào nuôi heo đất khuyến học trong khóm, ấp, dòng họ nhằm hỗ trợ hiệu quả học sinh, sinh viên đến trường vào đầu năm học…
Bốn là, nội dung khuyến học, khuyến tài không chỉ bó hẹp trong học tập văn hoá mà phải mở rộng sang học nghề, các hoạt động thể thao, nghệ thuật… Đối tượng của khuyến học không chỉ giới hạn trong học sinh, sinh viên, mà mở rộng sang công chức, viên chức…
Để tỉnh An Giang trở thành một xã hội học tập
Phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, mà nòng cốt là hội khuyến học các cấp tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến học bằng nhiều phương thức, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10-5-2019, của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; Quyết định số 489/QĐ-TTg, ngày 8-4-2020, của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 30-7-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10-5-2019, của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW; Đề án số 347/ĐA-UBND, ngày 24-6-2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về vận động xây dựng quỹ khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh An Giang (giai đoạn 2021 - 2025), nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh; xác định rõ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo của tỉnh. Từ đó, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội các cấp ngày càng vững mạnh; trong đó đặc biệt chú trọng việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp hội bảo đảm năng động hơn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hướng hoạt động khuyến học về cơ sở, cộng đồng dân cư, thiết thực xây dựng xã hội học tập, tạo sức bật mới cho hoạt động khuyến học, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ mới. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài ở tất cả các địa phương, gắn kết với các phong trào, các cuộc vận động do ngành giáo dục - đào tạo phát động, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo; gắn phong trào khuyến học với việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, học đi đôi với hành; tiếp tục xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện của địa phương; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, các cơ sở văn hóa, giáo dục hiện có vào mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, tích cực tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, các tấm gương Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, người tốt, việc tốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài. Tiếp tục phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài ở tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng để hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh có năng khiếu, tài năng và những em bị thiệt thòi trong cuộc sống… Hội khuyến học các cấp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng hiệu quả của phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ tư, tích cực nhân rộng các điển hình trong công tác khuyến học, khuyến tài, tạo sức lan toả sâu rộng trong đời sống xã hội; gắn phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức và những phẩm chất cao đẹp của Bác Tôn và các phong trào thi đua khác ở địa phương. Đẩy mạnh rộng khắp phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã phường, thị trấn... khuyến học, khuyến tài.
Công tác khuyến học, khuyến tài ngày càng lan tỏa sâu rộng trên quê hương Bác Tôn, đến từng cơ sở, từng dòng học, từng gia đình, đơm hóa kết trái, gặt hái được nhiều kết quả, thúc đẩy phong trào học tập và học tập suốt đời, đưa An Giang trở thành một xã hội học tập tiêu biểu./.
Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp  (21/05/2022)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng ta “là đạo đức, là văn minh” - Giá trị vận dụng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay  (16/05/2022)
Gắn kết chặt chẽ và xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (10/05/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam