TCCS - Đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội là lực lượng trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên. Vì vậy, thực hiện trách nhiệm nêu gương là yêu cầu khách quan, quan trọng và thường xuyên để cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội nâng cao uy tín, vị thế của mình, tạo ảnh hưởng trực tiếp, tích cực đến quá trình hình thành nhân cách của người học viên, những cán bộ quân đội trong tương lai.

Thực hiện trách nhiệm nêu gương là yêu cầu khách quan, quan trọng và thường xuyên

Thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên là hoạt động gương mẫu, tự giác thực hiện tốt các nội dung về trách nhiệm nêu gương trong quá trình học tập, công tác, trong đời sống, sinh hoạt, trở thành tấm gương sáng cho học viên noi theo, từ đó tạo dựng lòng tin của học viên đối cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Mục đích của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương là phát huy vai trò và nâng cao uy tín của đội ngũ cán bộ quản lý học viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, giáo dục, rèn luyện học viên theo mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng thực hiện chức trách trong nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy,… tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, góp phần thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra công tác giáo dục - đào tạo tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Tổng cục Kỹ thuật)_Ảnh: TTXVN

Như vậy, thực hiện trách nhiệm nêu gương không phải là hoạt động tự phát của đội ngũ cán bộ quản lý học viên mà là nghĩa vụ, bổn phận, vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên thể hiện trong cuộc sống, trong công tác, được quy định trong các văn bản của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đảng ủy, ban giám hiệu, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng và người chỉ huy ở nhà trường quân đội. Đây là những quy định bắt buộc mà mỗi cán bộ quản lý học viên phải thực hiện với ý thức tự giác và quyết tâm chính trị cao. Tại khoản 6, Điều 3, Quy chế quản lý học viên quân sự trong nhà trường quân đội quy định: “Người chỉ huy các cấp quản lý học viên,… trong nhà trường quân đội phải là tấm gương mô phạm để học viên học tập noi theo”. Kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương là cơ sở để đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, nhận xét cán bộ, đồng thời là thước đo hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị của mỗi cán bộ.

Nêu gương là trách nhiệm, đạo lý, gắn với tư cách của người cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng,... Mà muốn quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”(1) . Xuất phát từ văn hóa phương Đông, Người đã đúc kết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(2).

Thấm nhuần lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong toàn bộ quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng nhiều phương thức lãnh đạo khác nhau, trong đó, nêu gương là một phương thức quan trọng, hiệu quả, vừa có giá trị khoa học và nhân văn, tác động tích cực đến các đối tượng lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nêu rõ: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”(3). Lãnh đạo thông qua việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tác động tích cực đến các khâu trong quy trình lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng có tầm quan trọng đặc biệt để Đảng giữ vững vị thế và vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đảng ủy, ban giám hiệu, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng và người chỉ huy ở các nhà trường quân đội, hoạt động nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên được quan tâm thực hiện. Đa số cán bộ quản lý học viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong phương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ, chức trách được giao; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bão lũ… và công tác quản lý, giáo dục rèn luyên học viên, được các nhà trường quân đội đánh giá cao. Họ thực sự là tấm gương sáng mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống, học tập, công tác để mọi học viên noi theo. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ quản lý học viên trong nhà trường quân đội còn chưa tự giác nêu gương, chưa tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Cá biệt, còn có cán bộ chủ chốt thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật, kỷ luật, ảnh hưởng tiêu cực đến truyền thống quân đội, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và chất lượng công tác giáo dục, rèn luyện học viên.

Tiếp tục phát huy trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời phát huy những kết quả đã đạt được nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội thực sự trở thành tấm gương sáng, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức lối sống…, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở các nhà trường quân đội hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đơn vị quản lý học viên về thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Đây là biện pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu, bao trùm, xuyên suốt nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội hiện nay. Thực tiễn thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội thời gian qua cho thấy, khi đội ngũ cán bộ quản lý học viên nhận thức đúng đắn về trách nhiệm, bổn phận nêu gương và tự giác nêu gương thì chất lượng thực hiện trách nhiệm nêu gương được đề cao và ngược lại.

Để nhận thức đúng, đầy đủ về thực hiện trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ quản lý học viên phải nghiêm túc học tập và quán triệt đầy đủ, gương mẫu thực hiện các quy định về nêu gương của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp. Mỗi cán bộ quản lý học viên phải xác định, nêu gương vừa là đạo lý, vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ thường xuyên, được thể hiện trong cuộc sống, trong công tác. Từ đó, thực hiện tốt nội dung nêu gương trên tất cả các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, thực hiện nhiệm vụ được giao, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật. Các nội dung nêu gương cần gắn với các chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý học viên trong từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng ở các nhà trường quân đội phải xây dựng và hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý học viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Thực hành chuẩn mực đạo đức chính là quá trình thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở nhà trường quân đội cần xây dựng quy chế, quy định và công khai các nội dung nêu gương trước toàn đơn vị. Thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương theo phương châm, chức vụ càng cao càng phải mẫu mực, nói phải đi đôi với làm; cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy nêu gương cho học viên, chiến sĩ. Do đó, nêu gương tốt trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý học viên có tác động tích cực đến mọi học viên, chiến sĩ ở nhà trường quân đội.

Giờ học chuyên ngành tại Học viện Phòng không - Không quân_Nguồn: qdnd.vn

Hai là, đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội hiện nay.

Nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện trách nhiệm nêu gương là những yếu tố cấu thành hoạt động thực hiện trách nhiệm nêu gương. Đặc điểm, tính chất nhiệm vụ của mỗi nhà trường khác nhau; nhân cách của mỗi cán bộ quản lý học viên không giống nhau, nên việc xác định chính xác nội dung, xây dựng và thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, kết hợp và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp, sát với từng nhà trường, phù hợp với từng đối tượng là hết sức cần thiết, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên nhà trường quân đội phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Ba là, phát huy tính tự giác, tích cực tự tu dưỡng, rèn luyện, tự nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên ở nhà trường quân đội.

Đây là giải pháp có tính quyết định trực tiếp tới kết quả nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên nhà trường quân đội. Tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện là phương thức chủ yếu, công việc suốt đời của mỗi cán bộ quản lý học viên, giúp họ không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt, đồng thời  khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm của bản thân.

Quá trình tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện là quá trình phải tự đấu tranh với bản thân, chống lại những cám dỗ, tiêu cực. Do đó, ngoài việc xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn, cán bộ quản lý học viên cần có nghị lực, quyết tâm cao, có ý chí vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện. Phải xây dựng đức tính cần cù, nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ, kết hợp giữa học với hành; tích cực, tự giác học hỏi, học ở nhà trường, học ở sách vở, học ở đơn vị, học ở đồng chí, đồng đội,… để lĩnh hội tri thức mới và tiếp thu những kinh nghiệm hay. Cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người, để nhận ra những khuyết điểm của bản thân, từ đó quyết tâm phấn đấu vươn lên, không tự ti, nhưng cũng không chủ quan tự mãn.

Bốn là, nâng cao hiệu quả, chất lượng các phong trào thi đua và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên nhà trường quân đội hiện nay, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua. Trước hết, các cấp ủy, tổ chức đảng ở nhà trường quân đội có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, cán bộ quản lý học viên phải tự giác, nghiêm túc đăng ký tu dưỡng, rèn luyện và đề ra phương hướng phấn đấu, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm. Chất lượng, hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phụ thuộc vào hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và chương trình, kế hoạch thực hiện của đội ngũ cán bộ quản lý học viên.

Mỗi cấp ủy cần căn cứ vào đặc điểm của đơn vị để xây dựng nội dung thực hiện phong trào thi đua, gắn với các nội dung cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách phù hợp. Mỗi cán bộ quản lý học viên căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình hành động, bản cam kết thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ đơn vị quản lý học viên, gắn với đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ quản lý học viên, nhất là tiến hành giám sát chuyên đề trong việc thực hiện quy định của Đảng về nêu gương. Qua đó, phát hiện những điển hình trong nêu gương để nhân rộng, những hạn chế, yếu kém để kịp thời chấn chỉnh. Kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Để làm tốt việc này, cần xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra cụ thể; quán triệt đến tổ, đoàn kiểm tra thực hiện nghiêm kế hoạch, không nể nang, né tránh; phải công tâm, khách quan trong việc đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Sáu là, phát huy vai trò của tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân tham gia giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ đơn vị quản lý học viên nhà trường quân đội.

Các nhà trường quân đội cần củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân, phát huy vai trò giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý học viên. Thực hiện nghiêm việc định kỳ tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân tham gia đối thoại dân chủ trong đơn vị. Khắc phục tâm lý e ngại, “dĩ hoà vi quý” khi góp ý cho đội ngũ cán bộ quản lý học viên. Giúp cho tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý kiến cho cán bộ quản lý học viên./.

-----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 55
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 284
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 51, tr. 151