Tỉnh Kon Tum chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người
TCCS - Tỉnh Kon Tum có 2 trong tổng số 5 dân tộc thiểu số rất ít người trong cả nước, có số dân dưới 1.000 người là Brâu và Rơ Măm. Quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của 2 dân tộc Brâu và Rơ Măm, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
Hiệu quả từ chủ trương đúng
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, được tái thành lập vào cuối năm 1991. Dân số của tỉnh đến năm 2020 là trên 540.000 người; trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đặc biệt, ở địa bàn tỉnh có 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Brâu và Rơ Măm, sinh sống trên khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào. Dân tộc Brâu hiện sinh sống tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi với 167 hộ, 513 người. Dân tộc Rơ Măm hiện sinh sống tại làng Le, xã Mô Ray, huyện Sa Thầy với 149 hộ, 498 người. Đồng bào dân tộc Rơ Măm, Brâu chủ yếu sản xuất nông nghiệp, lúa rẫy một vụ là chính; dụng cụ sản xuất thô sơ, dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên; hình thức canh tác còn lạc hậu với phương thức chọc, trỉa các loại cây hoa màu ngắn ngày (lúa, mỳ, ngô là chủ lực) nên năng suất và sản lượng rất thấp; chủ yếu là tự túc, tự cấp, phục vụ nhu cầu lương thực hằng năm của gia đình.
Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 30-10-2016, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện để hai dân tộc Brâu và Rơ Măm vươn lên hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, như: Quyết định số 941b/QĐ - UBND, ngày 20-9-2017, “Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Brâu tỉnh Kon Tum đến năm 2025” và Quyết định số 941c/QĐ-UBND, ngày 20-9-2017, “Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm tỉnh Kon Tum đến năm 2025”. Mục tiêu của các đề án này là duy trì, phát triển, nâng cao vị thế của dân tộc Brâu, Rơ Măm; tập trung giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào 2 dân tộc một cách bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại làng Đăk Mế và làng Le - nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Brâu, Rơ Măm; góp phần xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng kinh phí để thực hiện các đề án nói trên là 159,259 tỷ đồng; trong đó, kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ phát triển cho dân tộc Brâu là 68,376 tỷ đồng; kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ phát triển cho dân tộc Rơ Măm là 90,883 tỷ đồng. Trong hai năm 2019 và 2020, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã tập trung hỗ trợ cho 2 dân tộc Brâu, Rơ Măm xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các thôn, làng, phấn đấu theo định hướng tiêu chí nông thôn mới với các nội dung: Xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, sửa chữa nhà rông; hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực, trình độ sản xuất; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc; đẩy mạnh giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội,… nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, với tổng kế hoạch vốn thực hiện trên 32 tỷ đồng.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đề án hỗ trợ, bảo tồn, phát triển dân tộc Brâu và dân tộc Rơ Măm, tỉnh Kon Tum đã đầu tư, hỗ trợ tương đối đồng bộ trên các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đồng bào dân tộc Brâu và Rơ Măm đã biết làm ruộng nước hai vụ, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, như: cao su, bời lời, cà phê, chăn nuôi gia súc..., từng bước tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, nhà ở của tất cả các hộ dân của dân tộc Brâu và Rơ Măm đã được hỗ trợ xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình đã ổn định cuộc sống, chấm dứt tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy như trước đây. Số trẻ em trong độ tuổi đến trường được huy động đến lớp học đạt khá cao, không còn tình trạng trẻ em bỏ học đi làm rẫy; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được quan tâm tốt hơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm đáng kể; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng lên, kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Dấu ấn rõ nét nhất trong việc cải biến, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, như đã trải nhựa được 10,5km đường giao thông nội vùng và đường giao thông vào khu sản xuất; xây dựng 3 công trình trường học; 2 nhà rông văn hóa; 2 nhà ở truyền thống theo đúng nguyên mẫu nhà ở của dân tộc Brâu và Rơ Măm. Cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất cho người dân với tổng diện tích là 378ha; trong đó, diện tích đất trồng cây hằng năm của đồng bào Rơ Măm là 132ha; diện tích khoanh nuôi, giao khoán bảo vệ rừng trên 2.000ha, bình quân 28ha/hộ. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Brâu là 246ha, tăng 171ha, đưa diện tích đất canh tác nông nghiệp bình quân đạt 0,58ha/người, cơ bản giải quyết được đất sản xuất cho bà con; đồng thời, thường xuyên tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ các loại cây, con, giống (giống cây trồng hằng năm và cây lâu năm), hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ dụng cụ sản xuất, như máy cày tay, máy tuốt lúa có động cơ, bình bơm thuốc trừ sâu, máy xay xát gạo và phân công cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn bà con.
Song song với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh Kon Tum chủ trương tập trung xây dựng, sửa chữa nhà ở của dân tộc Brâu và dân tộc Rơ Măm: hỗ trợ xây dựng được 184 nhà kiên cố, xây dựng 134 giếng nước sinh hoạt; hỗ trợ mắc điện cho 129 hộ; hỗ trợ kinh phí cho 99 hộ dân tộc Brâu làm nhà vệ sinh với mức 2 triệu đồng/hộ và xây dựng 3,5km hệ thống điện khu dân cư; trên 95% số hộ đã có điện thắp sáng; 100% số hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đã cử 2 cán bộ y tế thôn, bản là người tại chỗ đi đào tạo, sau đó về công tác tại làng để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân tốt hơn; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm đáng kể.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và chính sách hỗ trợ học sinh các cấp, như: hỗ trợ mỗi em học sinh mầm non, học sinh tiểu học tại các điểm làng là 70.000 đồng/tháng, học ở trường trung tâm có bán trú là 420.000 đồng/tháng; riêng dân tộc Brâu mở được 2 lớp xóa mù chữ cho 93 người trong độ tuổi từ 28 đến 52 biết đọc và viết thành thạo; hỗ trợ mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho 22 học viên. Số trẻ em ở độ tuổi đến trường được huy động đến lớp học đạt khá cao, không còn tình trạng trẻ em bỏ học đi làm rẫy như trước đây.
Thực hiện chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, Nhà nước đã đầu tư 2 trạm thu, phát sóng truyền hình tại xã Mô Ray, huyện Sa Thầy và xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi với mục tiêu phủ sóng bao trùm làng Le và làng Đăk Mế, nơi đồng bào Rơ Măm và Brâu sinh sống. Hiện nay, trạm thu, phát sóng truyền hình đang hoạt động tốt, chất lượng thu, phát sóng đáp ứng yêu cầu của đồng bào. Cấp miễn phí phương tiện nghe nhìn cho đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó hỗ trợ 2 bộ chảo thu DTH, ti vi 29inch, âm li, loa... cho dân tộc Rơ Măm và Brâu. Hỗ trợ kinh phí để tổ chức tuyên truyền, mua trang phục truyền thống, cồng chiêng và phục dựng, tổ chức một số lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của bà con 2 dân tộc.
Một số khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với 2 dân tộc thiểu số rất ít người Brâu và Rơ Măm ở tỉnh Kon Tum vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc sau:
Thứ nhất, người dân chưa thực sự có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống, chưa chủ động phát triển sản xuất, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Việc tiếp cận, chuyển giao kỹ thuật mới, thâm canh tăng vụ còn hạn chế; một số hộ thiếu tích cực lao động, sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động cộng đồng. Một số công trình kết cấu hạ tầng trước đây đã được đầu tư xây dựng, nhưng hiện đã hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa, duy tu, bão dưỡng, nâng cấp.
Thứ hai, địa bàn sinh sống của dân tộc Rơ Măm và Brâu, đặc biệt là dân tộc Rơ Măm, chia cắt, giao thông đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa, dẫn đến việc triển khai thực hiện các chính sách gặp nhiều khó khăn; mặt khác, do ảnh hưởng của tập quán lâu đời, dân tộc Brâu và Rơ Măm vẫn giữ thói quen canh tác trên nương rẫy và làm nhà rẫy để sinh sống; sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác.
Thứ ba, một số hộ không tiếp cận được kiến thức khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng trong thực tế, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp; có hộ mới lập gia đình thiếu đất sản xuất hoặc có đất nhưng bà con không cải tạo nên bị bạc màu, năng suất thấp; một số gia đình chi tiêu không hợp lý, chưa biết tiết kiệm. Không ít phong tục, tập quán, như ma chay, cưới hỏi dài ngày, gây lãng phí về thời gian và tiền bạc.
Thứ tư, việc hỗ trợ về bảo tồn văn hóa chưa đi vào chiều sâu, chưa có chương trình đồng bộ kết hợp giữa đầu tư, hỗ trợ về kinh tế với giải quyết các vấn đề bảo tồn, phát triển đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, phong tục, tập quán; thực hiện đầu tư, hỗ trợ xây dựng nhà rông văn hóa, tổ chức lễ hội và sinh hoạt cộng đồng chỉ trong một năm đầu, chưa có đầu tư hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm về tiếng nói, chữ viết, các điệu múa, hát, cồng chiêng, trang phục, nhà ở truyền thống của dân tộc Rơ Măm và Brâu.
Giải pháp hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người trên địa bàn tỉnh thời gian tới
Để việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách đầu tư, hỗ trợ khác cho dân tộc Brâu và Rơ Măm đạt kết quả tốt, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tăng nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người nói chung, dân tộc Brâu và Rơ Măm nói riêng theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 30-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư và thu hút đầu tư, về kết cấu hạ tầng, hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân nâng cao kiến thức, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền và giữa các dân tộc thiểu số với nhau.
Hai là, tiếp tục đầu tư lồng ghép với các chính sách khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, hộ nghèo, vùng biên giới đặc biệt khó khăn với các nội dung phù hợp để phát triển sản xuất bền vững. Cần đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thiện tuyến đường quốc lộ 14c để thuận tiện trong việc lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã biên giới Mô Ray và người dân tộc Rơ Măm tại làng Le.
Ba là, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tập trung phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 30-10-2016, của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, phấn đấu xây dựng làng Đăk Mế và làng Le trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, đi liền với bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc tại chỗ.
Bốn là, có chính sách hoặc dự án hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Brâu và Rơ Măm để làm tài liệu truyền dạy cho các thế hệ tương lai. Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Brâu và Rơ Măm đang có nguy cơ mai một.
Với sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, với trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tỉnh Kon Tum tiếp tục dồn sức đầu tư, hướng tới để đồng bào dân tộc Brâu và Rơ Măm tự vươn lên xây dựng cuộc sống mới, đưa các dân tộc có số dân dưới 1.000 người sớm thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, hòa nhập với cộng đồng các dân tộc khác trong vùng./.
Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19  (22/02/2021)
Đoàn kết và dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (23/01/2021)
Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu - kết quả và một số kinh nghiệm  (02/01/2021)
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020  (04/12/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam