Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất: Kinh nghiệm và bài học cho hôm nay

PGS,TS. TRẦN HẬU
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
15:53, ngày 30-11-2020

TCCS - Suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm quý báu, trong đó có kinh nghiệm lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Những kinh nghiệm đó hiện nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, khi đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong lịch sử cách mạng dân tộc

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng suốt hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn kiên trì quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Điều đó gắn liền với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất(1), nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ. Trải qua nhiều thời kỳ, với các hình thức tổ chức có tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành đấu tranh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng qua các giai đoạn lịch sử.

Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt (tháng 3-1951)_Nguồn: hochiminh.vn

Thành công nổi bật của Đảng trong việc lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Thống nhất, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là đã giải quyết một cách đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp để có thể tập hợp rộng rãi mọi lực lượng cách mạng và hình thành liên minh chính trị phù hợp với cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp và tương quan lực lượng ở nước ta qua các thời kỳ cách mạng.

Nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận (tháng 8-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa Mác - Lênin dạy chúng ta rằng: Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta. Đế quốc Mỹ, bọn tay sai của Mỹ, bọn phản cách mạng là kẻ thù của ta... Đảng ta có chính sách Mặt trận dân tộc đúng đắn, cho nên đã phát huy được truyền thống đoàn kết và yêu nước rất vẻ vang của dân tộc ta”(2). Từ đó, Người khẳng định: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng... Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”(3). Những quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đảng ta luôn coi trọng vị trí của Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, đưa phong trào cách mạng phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân chung ý chí và hành động đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến thành công.

Trong bối cảnh hiện nay, càng phải tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, “phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù”, thực hiện “thêm bầu bạn, bớt kẻ thù” và phải thực sự coi “mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta”. Đây là một trong những bài học lịch sử mà Đảng ta đã kiểm nghiệm qua thực tiễn và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết thành luận điểm nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Từ sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Dân tộc Thống nhất, có thể thấy một số đặc điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, Đảng ta linh hoạt, nhạy bén đề ra khẩu hiệu đấu tranh và thành lập tổ chức Mặt trận phù hợp với đặc điểm, yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đề ra những chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp nhằm đoàn kết toàn dân tộc thực hiện mục tiêu, chương trình hành động thống nhất của tất cả các giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo. Đảng đã đề ra khẩu hiệu đấu tranh linh hoạt, lựa chọn các hình thức tổ chức phù hợp với tên gọi của Mặt trận và từng giới, phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ cách mạng khác nhau, như Hội Phản đế đồng minh (năm 1930), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (năm 1938), Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (năm 1939), Mặt trận Việt Minh (năm 1941), Mặt trận Liên Việt (năm 1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc (năm 1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (năm 1968), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước (từ năm 1977 đến nay).

Thứ hai, Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo trong Mặt trận, kiên trì nguyên tắc đấu tranh chống khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, coi nhẹ việc tranh thủ tất cả các lực lượng có thể tranh thủ được; đồng thời, cũng chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, không đấu tranh đúng mức trong nội bộ Mặt trận. Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong đoàn kết dân tộc, chỉ có đấu tranh một cách có nguyên tắc thì mới giữ vững được vai trò lãnh đạo của Đảng trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất, mới làm cho tính quần chúng rộng rãi của Mặt trận được phát huy đầy đủ, khắc phục các xu hướng “tả khuynh”, “hữu khuynh” và những thiếu sót khác; từ đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, tầng lớp nhân dân và phân hóa, cô lập các thế lực thù địch.

Thứ ba, không ngừng củng cố khối liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức; đồng thời, thu hút các giai cấp khác trong xã hội, thông qua các hình thức tập hợp quần chúng ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng. Đó là con đường cơ bản để tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất. Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, điều đó được thể hiện ở quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay; tạo điều kiện cho các giai tầng trong cộng đồng hỗ trợ, giúp đỡ nhau, phấn đấu vì mục tiêu chung là Tổ quốc độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, là mẫu số chung và điểm tương đồng, là con đường tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất ngày nay.

Thứ tư, xác định rõ mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận thông qua phương thức lãnh đạo thích hợp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận”. Thực chất mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận chính là quan hệ giữa Đảng với đại diện các tầng lớp nhân dân rộng rãi nhất, vì thế Đảng tham gia Mặt trận tức là hòa mình trong quần chúng nhân dân.

Để tránh cho Đảng không rơi vào nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng, thì Đảng cần hòa mình trong Mặt trận để, một mặt, đưa đường lối, chủ trương của Đảng đến với nhân dân; mặt khác, lắng nghe và trao đổi về tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thiện đường lối, chủ trương. Việc trao đổi thông tin hai chiều trong môi trường hoạt động ở Mặt trận là điều kiện thuận lợi để gắn bó Đảng, Nhà nước với nhân dân. Mặt trận không chỉ chấp hành những nghị quyết của Đảng, mà còn tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bàn bạc, trao đổi, thảo luận dân chủ cho thấu tình, đạt lý để vận động các tầng lớp nhân dân tự giác hưởng ứng, thực hiện.

Là một thành viên trong Mặt trận, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo bằng cách phát huy vai trò hạt nhân chính trị, làm cho ảnh hưởng chính trị của Đảng lan tỏa đến mọi thành viên khác. Thông qua đối thoại dân chủ, bàn bạc, thống nhất hành động trong Mặt trận, Đảng biến đường lối của mình thành phong trào hành động của các tầng lớp nhân dân, giành được sự đồng tình, ủng hộ một cách tự giác của nhân dân, làm cho Mặt trận trở thành nơi Đảng bàn việc nước với dân. Theo tinh thần ấy, phải thực hiện nền nếp việc Đảng và Nhà nước cùng bàn bạc và tham khảo ý kiến của Mặt trận về chủ trương, đường lối. Đây là sự tổng kết có ý nghĩa quan trọng, được rút ra từ thực tiễn hoạt động lãnh đạo của Đảng trong lịch sử.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng), tháng 11-2017 _Ảnh: TTXVN

Thứ năm, điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Đảng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc hàng đầu. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ có giữ vững được bản chất giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng, trước hết là tiên phong trong lý luận cách mạng, kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, thì Đảng mới thấu hiểu được mọi yêu cầu và nguyện vọng thiết tha của nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu; mọi đảng viên mới không ngừng rèn luyện, tu dưỡng nâng cao năng lực và phẩm chất để phục vụ nhân dân vô điều kiện. Trên cơ sở ấy, Đảng mới được dân tin, dân mến, trở thành hạt nhân quy tụ mọi tầng lớp trong xã hội. Chỉ có như vậy, Đảng mới đoàn kết, tập hợp được các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của mình, Mặt trận mới được củng cố. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối đúng đắn là nguồn gốc tạo nên sức mạnh cho Đảng; đồng thời, là nòng cốt để tăng cường đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận.

Bài học kinh nghiệm

Nhìn lại sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Dân tộc Thống nhất trong sự nghiệp cách mạng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Xác định đúng đắn vị trí, vai trò của Mặt trận trong sự nghiệp cách mạng giai đoạn mới

Thống nhất về tổ chức của Mặt trận để thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cả nước năm 1977 là một chủ trương đúng đắn và là một thành công to lớn của Đảng ta. Quá trình hiệp thương dân chủ trên cơ sở tôn trọng ý kiến của các tổ chức Mặt trận ở hai miền là sinh hoạt chính trị cởi mở, chân thành; phản ánh được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và phù hợp với xu thế phát triển của dân tộc, của thời đại, mở ra thời kỳ phát triển mới của Mặt trận. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chức năng của Mặt trận nhiều lúc, nhiều nơi đã thu hẹp, chỉ còn là động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị, một tổ chức không có hội viên mà chỉ có tổ chức thành viên, vì vậy, việc động viên xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thông qua các tổ chức thành viên một cách gián tiếp. Điều đó dễ làm cho hoạt động của Mặt trận nhiều lúc, nhiều nơi mang tính hình thức, kết quả hoạt động không rõ ràng, vì đã có sự lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận, nhất là những tổ chức thành viên có hội viên chiếm số đông trong xã hội (như Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật...). Ở nhiều nơi, tổ chức của Mặt trận bị thu hẹp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoạt động còn hạn chế...

Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18-4-1983, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, đã đánh dấu bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục một bước những khó khăn, bất cập nêu trên. Chỉ thị số 17-CT/TW đã chỉ ra ba chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục, phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; đồng thời, đề ra sáu nhiệm vụ cụ thể để thực hiện ba chức năng đó. Chỉ thị số 17-CT/TW của Đảng đã có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của Mặt trận và còn có ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa trong thực tế những quan điểm của Chỉ thị số 17-CT/TW còn nhiều hạn chế. Từ sau Đại hội III của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1988), công tác Mặt trận đã có những chuyển biến quan trọng. Hiện nay, hoạt động của Mặt trận tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời năm 1999 và hiện nay là Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Mặt trận theo yêu cầu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, những vấn đề cơ bản của Mặt trận đã được luật hóa, như vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, quan hệ phối hợp..., có tác dụng tích cực đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu xem trưng bày chuyên đề: "90 năm - Ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc"_Ảnh: TTXVN

Quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân

Từ thực tiễn cách mạng nước ta, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã đúc kết và nhấn mạnh bài học: “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước”(4). Bài học này vẫn có ý nghĩa thời sự trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

Giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân là cơ sở vững chắc để đoàn kết, tập hợp mọi giai tầng trong xã hội. Đảng ta chủ trương xóa bỏ chế độ bao cấp, tạo điều kiện cho mọi người dân được tự do kinh doanh theo pháp luật; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và đó là những điều kiện thuận lợi để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bước chuyển biến nhạy bén trong chiến lược về Mặt trận của Đảng được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 17-11-1993, của Bộ Chính trị khóa VII, “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất”. Trên cơ sở nhận thức mới về mâu thuẫn xã hội và đổi mới tư duy theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết đề ra bốn vấn đề đổi mới quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc là: Xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử để đoàn kết theo điểm tương đồng; đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng; xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh; đa dạng hóa các hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức có điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện chính sách đại đoàn kết mở rộng và Đảng vừa là thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận.

Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã đặt vị trí, vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên một tầm cao mới, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, tạo sự chuyển biến trong toàn Đảng, toàn xã hội về công tác Mặt trận. Chủ trương này khẳng định tính đúng đắn trong đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, đánh dấu bước phát triển mới trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Bên cạnh đó, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc, tôn giáo và đất đai đã đề ra nhiều quan điểm mới, nhằm tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận trong điều kiện mới, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, đề ra định hướng nhiệm vụ của Mặt trận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận

Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, để Mặt trận thực hiện tốt vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp mặt và biểu dương 90 điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam_Ảnh:  TTXVN

Là một thành viên có vai trò lãnh đạo Mặt trận, Đảng có phương thức phù hợp để thực hiện sự lãnh đạo đó một cách hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã đề ra phương thức lãnh đạo: “Kết hợp thực hiện chế độ tập trung dân chủ trong Đảng và chế độ hiệp thương dân chủ trong tổ chức Mặt trận”. Theo đó, phải có những hình thức, biện pháp thực hiện sự kết hợp đó ở từng cấp, từng nơi, từng lúc. Đảng lãnh đạo thông qua trình bày, thuyết phục, sự nêu gương của Đảng trong Mặt trận. Muốn vậy, Đảng phải trong sạch và vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng chính là nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng. Sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng có được nâng cao, Đảng mới tạo được sự tin cậy trong Mặt trận, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thuyết phục hiệu quả bằng ảnh hưởng chính trị, do đó, thực hiện tốt sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận.

Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng cách cử cán bộ của Đảng tham gia vào tổ chức Mặt trận, nhất là bộ máy lãnh đạo Mặt trận. Muốn cho hoạt động Mặt trận có hiệu quả, để tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, Mặt trận rất cần tạo dựng ngọn cờ tiêu biểu, những người có uy tín tham gia lãnh đạo Mặt trận. Trước đây, trong những thời kỳ cách mạng còn “trứng nước” hoặc những lúc gặp “sóng gió, thác ghềnh”, sở dĩ Mặt trận Dân tộc Thống nhất tập hợp được tất thảy những người có thể tập hợp, chính là nhờ ảnh hưởng hết sức to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Người đứng đầu tổ chức Mặt trận phải thực sự là người được nhân dân tin yêu bởi năng lực và phẩm chất, có tác phong và lối sống mẫu mực, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Những nhân vật tiêu biểu dù không phải là đảng viên, nhưng nếu được nhân dân tin yêu thì vẫn được Đảng tín nhiệm, là những người lãnh đạo nòng cốt trong Mặt trận./.

------------------------

(1) Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh” đánh dấu sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất - tổ chức tập hợp rộng rãi, đông đảo các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp xã hội, các tôn giáo - đoàn kết mọi người dân yêu nước, tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc để đấu tranh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 453
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 453
(4) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần I, (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 425