Phụ nữ Việt Nam - những chặng đường vẻ vang dưới cờ Đảng quang vinh
TCCS - Ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát huy vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Hội trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Truyền thống tự hào của phụ nữ Việt Nam
Nói đến phụ nữ Việt Nam là nói đến tinh thần dũng cảm, lòng vị tha, đức hy sinh, tính cần cù, nhẫn nại, tận tụy, thủy chung và tài năng, sáng tạo. Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã tỏa sáng trong tinh thần đấu tranh quật cường của dân tộc với những tấm gương tiêu biểu như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, nữ tướng Bùi Thị Xuân,... khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia lãnh đạo đất nước và chống giặc ngoại xâm.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ thời kỳ dựng nước, đấu tranh chống Bắc thuộc cho đến năm 1930, phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định được ý chí, phẩm chất, truyền thống, nét văn hóa riêng biệt của mình và của dân tộc Việt Nam; có nhiều đóng góp to lớn vào lịch sử phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng cơ bản để phụ nữ Việt Nam tiếp tục bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày có Đảng (ngày 3-2-1930), những hoạt động và đóng góp của phụ nữ Việt Nam vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất vào tháng 10-1930 đã chỉ rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”(1).
Đây là nghị quyết có tính lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ Việt Nam và tổ chức Hội. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một chính đảng đánh giá đúng vai trò, vị trí, khả năng cách mạng của phụ nữ và có những chủ trương, phương thức lãnh đạo phù hợp để tập hợp, huy động phụ nữ tham gia vào con đường đấu tranh cách mạng.
Phong trào phụ nữ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và sâu rộng ngay từ những năm 1930 - 1931 với nhiều hình thức hoạt động phong phú, tập hợp đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng, đòi quyền lợi kinh tế, cải thiện đời sống, chống lại sự áp bức của đế quốc, phong kiến. Những tên gọi của Hội Phụ nữ qua các thời kỳ gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm từng giai đoạn cách mạng, như tổ chức Phụ nữ Giải phóng (1930 - 1936), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936 - 1939), Hội Phụ nữ Phản đế (1939 - 1941), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945). Trong các thời kỳ này, phụ nữ vừa tham gia bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, vừa chăm lo sản xuất, trực tiếp đấu tranh với kẻ thù; đồng thời, là những người trực tiếp chỉ huy, lãnh đạo các hoạt động cách mạng và khởi nghĩa ở các địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức phụ nữ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu cho giai đoạn này là tấm gương hy sinh của chị Nguyễn Thị Minh Khai, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936 - 1939 ở Sài Gòn. Tấm gương nghĩa liệt của chị, thể hiện tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam, giữ vẹn lòng trung thành với Đảng, có sức lay động mãnh liệt đến tinh thần đấu tranh của chị em phụ nữ khắp cả nước.
Tôi luyện và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến
Ngày 3-10-1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam được chính thức thành lập trên cơ sở tập hợp các tổ chức phụ nữ, trong đó, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là nòng cốt. Trong chín năm kháng chiến trường kỳ, đông đảo phụ nữ được giải phóng đã tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự và quốc phòng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam vừa tích cực thực hiện các nhiệm vụ ở hậu phương, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường. Qua đó, có nhiều phong trào sôi nổi, lan tỏa rộng khắp, như phụ nữ học cày bừa, phụ nữ tăng gia sản xuất, mua công phiếu kháng chiến, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc đói”, “đời sống mới”, tham gia Hội mẹ chiến sĩ, sản xuất hàng tiêu dùng và vũ khí, quân trang, thuốc men, góp phần quan trọng vào việc tiếp tế cho kháng chiến...
Phụ nữ tham gia ngày càng tích cực vào hệ thống chính trị các cấp, từ cấp ủy đảng đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban kháng chiến. Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ vừa là lực lượng đấu tranh quan trọng, vừa trực tiếp tham gia các hoạt động đánh giặc. “Đội nữ du kích Hoàng Ngân”, các Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Bùi Thị Cúc, Anh hùng Nguyễn Thị Chiên, “Nữ kiệt miền Đông” Hồ Thị Bi,... là những tấm gương làm rạng danh phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn lịch sử oanh liệt này. Trân trọng những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(2).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, Việt Nam tạm thời bị chia cắt hai miền. Miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước; miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho miền Nam ruột thịt.
Phong trào thi đua “Năm tốt” bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ từ năm 1961 (ở miền Bắc), là cơ sở quan trọng để phụ nữ phấn đấu trở thành những người có khả năng toàn diện, có thể gánh vác những nhiệm vụ mới nặng nề trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm tốt; chấp hành chính sách tốt; tham gia quản lý tốt; học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt; xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt.
Khi đế quốc Mỹ tăng cường mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước hừng hực khí thế thi đua đánh thắng giặc Mỹ. Trong không khí sôi sục đó, tháng 3-1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” (đảm đang sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết). Phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ mọi miền đất nước, trên mọi lĩnh vực, góp phần đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Phong trào “Ba đảm đang” là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975 và là bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trong thời kỳ này, đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sĩ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”... Đó là những minh chứng hùng hồn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của phụ nữ Việt Nam - sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Giữa lúc cách mạng miền Nam chuyển sang thế tiến công, ngày 8-3-1961, Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, trở thành mặt trận tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ miền Nam yêu nước tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Đại hội lần thứ nhất Hội LHPN Giải phóng miền Nam (tháng 3-1965), phong trào thi đua “Năm tốt” đã được phát động, động viên đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù với nội dung: Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; chăm sóc, nuôi dưỡng thương, bệnh binh tốt; học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Hàng triệu hội viên, phụ nữ giải phóng đã đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị trực diện, hình thành nên “Đội quân tóc dài” nổi tiếng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”, là niềm tự hào của dân tộc và là nỗi khiếp sợ của kẻ thù; xứng đáng với lời khen tặng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”.
Phong trào phụ nữ trong lao động và chiến đấu thời kỳ kháng chiến đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, kiên cường và lập nhiều chiến công xuất sắc. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, đến nay đã có 5 tập thể nữ và 327 cá nhân nữ đã được phong tặng, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến. Đặc biệt, có những tấm gương chiến đấu và tham gia chiến đấu đã hy sinh anh dũng tại chiến trường bom đạn, trong nhà tù, vùng căn cứ hay tại nơi quê nhà khi tham gia mở đường, cứu thương, tải đạn, hoạt động tình báo, biệt động, giao liên, đưa đò cho cán bộ, chiến sĩ tham gia đánh giặc,... tiêu biểu như mẹ Suốt, chị Út Tịch, chị Phan Thị Ràng (nguyên mẫu của nhân vật “chị Sứ” trong tác phẩm Hòn Đất), những cô gái Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Lam Hạ,... Chúng ta cũng không thể không nhắc đến sự hy sinh to lớn của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã động viên chồng, con và cả bản thân lên đường ra mặt trận, dù “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Để ghi nhớ công ơn này, từ năm 1994 đến nay, Đảng và Nhà nước đã chính thức vinh danh và phong tặng, truy tặng cho 139.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sự hy sinh to lớn đó đã tô đậm thêm phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (ngày 19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Phong trào “Năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân”(3).
Thời kỳ này, nhiều tấm gương phụ nữ Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chính trị và khả năng lãnh đạo xuất sắc, như đồng chí Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục từ khóa III đến khóa VI (1964 - 1981); đồng chí Nguyễn Thị Định, Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam, là người phụ nữ đầu tiên được phong hàm cấp tướng trong Quân đội nhân dân Việt Nam (năm 1974) và cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (năm 1987); đồng chí Nguyễn Thị Bình là nữ Bộ trưởng đầu tiên của ngành Ngoại giao (năm 1969), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (1976 - 1987), đồng thời là nữ thành viên Chính phủ đầu tiên và cũng là nữ Phó Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam (1992 - 2002).
Hơn 20 năm tôi luyện, trưởng thành trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước thật sự là những năm tháng hào hùng, sôi động nhất của phong trào phụ nữ, của Hội LHPN Việt Nam. Tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh, trở thành trường học của phụ nữ Việt Nam, thể hiện tính sáng tạo và bản lĩnh cách mạng kiên cường của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế trong phát biểu kết thúc chuyến thăm Việt Nam năm 1969 đã đánh giá: “Chị em phụ nữ Việt Nam đang viết bằng mồ hôi và máu của họ, một trang sử chưa từng có trong đời sống của nhân loại và đang thúc đẩy sự nghiệp giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới”.
Vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành và giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội chính là tài sản vô giá để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục phấn đấu, đáp ứng yêu cầu vì sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ trong thời kỳ cả nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vai trò của phụ nữ Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất và gần 35 năm đổi mới
Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 mở ra kỷ nguyên mới, cả nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 6-1976, Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hợp nhất, lấy ngày 20-10-1930 là ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Việc thống nhất tổ chức Hội đã tạo nên một sức mạnh mới, mở đường cho phong trào phụ nữ nước ta phát triển lên một trình độ cao hơn. Hàng loạt cuộc vận động, phong trào thi đua mới được phát động và triển khai rộng khắp: Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam, nữ bình đẳng”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... Từ các phong trào đã có gần 100 tập thể và cá nhân nữ Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới được tôn vinh, ghi nhận.
Mỗi kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc là một cột mốc đánh dấu sự phát triển và vai trò cực kỳ quan trọng của tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Các phong trào do Hội phát động đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới được nâng cao, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Cùng với đó, công tác phụ nữ, trong đó có công tác cán bộ nữ cũng được đề cao trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình quyền. Ngày 7-6-1984, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TƯ, “Về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ”, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với đội ngũ cán bộ nữ. Chỉ thị số 44-CT/TƯ góp phần làm thay đổi mạnh mẽ quan điểm, nhận thức đối với vấn đề cán bộ nữ; tăng thêm đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp ủy viên, ủy ban nhân dân, công tác lãnh đạo quản lý ở các cấp; đồng thời, tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong phụ nữ. Nhờ vậy, số cán bộ nữ tham gia công tác Đảng, chính quyền trong thời kỳ này đã tăng đáng kể. Ngày 29-7-1980, Việt Nam đã ký “Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (CEDAW) của Liên hợp quốc, có hiệu lực với Việt Nam từ 19-3-1982. Việc ký Công ước CEDAW đã khẳng định vị trí của Việt Nam, phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Ngày 12-2-1985, Ủy ban Quốc gia về thập kỷ của phụ nữ Việt Nam được thành lập và cũng là tiền thân của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam ngày nay.
Trong gần 35 năm đổi mới, vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ luôn được Đảng ghi nhận và đánh giá cao. Đảng luôn nhấn mạnh phụ nữ là một lực lượng quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, coi sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng và các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình. Mục tiêu giải phóng phụ nữ là thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao vị trí xã hội của phụ nữ, thực hiện nam, nữ bình đẳng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân, công nhân, nông dân... là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Điều cần nhấn mạnh trong giai đoạn này là công tác vận động phụ nữ và công tác cán bộ nữ được thể hiện rõ hơn: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 12-7-1993; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34/CT-TW, ngày 10-5-1994. Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bên cạnh đó, Đảng cũng yêu cầu phải thể chế hóa công tác phụ nữ trong hệ thống pháp luật nhằm phát huy vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng cao hơn. Nhiều chế định pháp luật mang yếu tố bình đẳng giới được bổ sung, quy định trong nhiều bộ luật, luật, nghị định... Đặc biệt, Luật Bình đẳng giới năm 2006 được Quốc hội chính thức thông qua, trong đó nhằm mục tiêu tạo cơ hội như nhau cho nam, nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, cũng như thiết lập, củng cố quan hệ, hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Trên cơ sở đó, công tác phụ nữ được quan tâm toàn diện hơn, nhất là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội cũng như cấp ủy và hội đồng nhân dân các cấp tăng lên theo từng nhiệm kỳ. Điều đáng trân trọng là, lần đầu tiên có nữ Ủy viên Bộ Chính trị là đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (năm 1996), tiếp đó là đồng chí Tòng Thị Phóng, phụ nữ người dân tộc thiểu số đầu tiên tham gia Bộ Chính trị và giữ trọng trách Phó Chủ tịch Quốc hội. Đặc biệt, năm 2016, lần đầu tiên có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị, có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân. Đến nay có 9 nữ Bí thư Tỉnh ủy, 2 nữ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cho thấy đội ngũ cán bộ nữ được đánh giá đúng và đề cao trong lãnh đạo, quản lý, hướng đến sự bình đẳng thật sự.
Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, phong trào phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Sự phổ biến nhiều mô hình việc làm linh hoạt, việc làm di động, kinh tế số,... sẽ giúp phụ nữ thuận lợi, chủ động hơn trong cân đối việc làm với cuộc sống gia đình. Sự gia tăng nhu cầu về lao động sáng tạo sẽ làm tăng cơ hội tham gia thị trường lao động của phụ nữ. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao trên thế giới, nguy cơ số phụ nữ bị tác động tiêu cực trong giai đoạn mới là rất lớn. Lao động nữ trong những công việc giản đơn, chưa qua đào tạo, có tiền lương thấp dễ bị mất việc làm nhất do sự thay thế của công nghệ. Những người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số do sự hạn chế về học vấn, đào tạo tay nghề, lại chịu nhiều áp lực hơn bởi những định kiến giới truyền thống sẽ là tầng lớp chịu nhiều rủi ro hơn cả.
Để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới, cần thiết phải có tri thức công nghệ thông tin, ngoại ngữ tốt, chuyên môn sâu, kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc thực tế và mức độ thích ứng nhanh. Đảng, Nhà nước có những giải pháp hỗ trợ cho lao động nữ có cơ hội vươn lên, thực hiện các quyền của mình và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, từ góc độ là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ là có tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ” và “Lấy hạnh phúc, lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu”, Hội LHPN Việt Nam cần có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng để giúp chị em phụ nữ vượt qua những thách thức này. Những nội dung mà Hội cần phải tập trung trong công tác phụ nữ chính là chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lao động nữ chưa qua đào tạo; phát triển đa dạng mạng lưới các loại hình dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động để mở rộng cơ hội cho lao động nữ tiếp cận với việc làm trên thị trường lao động; truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động nữ về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những yêu cầu của giai đoạn mới, tầm quan trọng của việc rèn luyện các phẩm chất cần thiết, nhất là sự tự tin, năng động để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như ý thức tổ chức, kỷ luật, khả năng đổi mới sáng tạo, sự thích ứng,...
Hội LHPN Việt Nam cũng cần có những phương thức phù hợp để phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, góp phần nâng cao hơn nữa tỷ lệ tham gia và chất lượng tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, nhất là cấp chiến lược nhằm tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế. Phụ nữ Việt Nam với truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, đặc biệt với kinh nghiệm hoạt động 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, với phẩm chất tự tin và tự trọng, sẽ nỗ lực chuẩn bị một cách tốt nhất, trang bị những kỹ năng mới, luôn tự khẳng định mình, vươn lên sẵn sàng thích ứng với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chín mươi năm qua, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn và từng bước trưởng thành, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; thông qua các phong trào, hoạt động của mình, Hội LHPN Việt Nam đã để lại những dấu ấn quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Bước vào thập niên mới của thế kỷ XXI, vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy rực rỡ hơn bao giờ hết./.
--------------------------
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 188
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 340
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 173
Phát huy vai trò của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng, góp ý văn kiện đại hội đảng các cấp  (12/11/2020)
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 4  (18/10/2020)
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử ở nước ta hiện nay  (12/07/2020)
Xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (07/07/2020)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển