Phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - Bài học kinh nghiệm của Lào Cai
TCCS - Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, có 182,086km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); diện tích tự nhiên 638.389ha; 8 huyện và 1 thành phố, 164 xã, phường, thị trấn; dân số trên 730 nghìn người, gồm 25 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2%. Với vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đặc hữu, hệ thống giao thông liên vùng, giàu tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo...; tất cả đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế để Lào Cai thu hút đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là trong giai đoạn từ khi tái lập tỉnh đến nay, được sự quan tâm, động viên, định hướng của các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai luôn kiên trì lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tập trung cao độ đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; coi trọng thu hút đầu tư, xác định công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ là khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; phấn đấu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm công nghiệp luyện kim mầu và hóa chất, trọng điểm về phát triển kinh tế đối ngoại, du lịch, dịch vụ cửa khẩu. Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, Lào Cai không ngừng vươn lên, đạt được nhiều thành tựu, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Lào Cai có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, phân tầng độ cao lớn, đan xen một số tiểu vùng á nhiệt đới, ôn đới, đất đai mầu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, đặc biệt là nhiều loại cây trồng, vật nuôi đặc hữu có giá trị kinh tế cao, như rau, hoa cao cấp, cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu. Phát huy lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, trong nhiều nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành các đề án, nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp được chuyển dịch phù hợp, theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, chăn nuôi, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng nhanh, năm 2019 đạt 2.400ha; giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác ứng dụng công nghệ cao bình quân 229,55 triệu đồng/ha; sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao đạt 7.765ha; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa như cây ăn quả ôn đới 1.897ha, chuối cấy mô 2.195ha (sản lượng khoảng 60.000 tấn), dứa 1.073ha (sản lượng khoảng 31.000 tấn), chè 5.400ha, vùng trồng cây dược liệu với diện tích trên 1.000ha, có 27 sản phẩm được công nhận OCOP. Sản xuất giống cây trồng được quan tâm. Lào Cai là một trong số ít tỉnh đã chọn tạo được ba tổ hợp giống lúa lai. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, với 9 cơ sở chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao và 417 trang trại. Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng hằng năm, với một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá lăng chấm, cá chiên, cá nheo vàng...), cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi), góp phần tăng lợi nhuận sản xuất cho các hộ dân gấp 2 đến 2,5 lần so với phương pháp nuôi thông thường và duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 21,1%/năm. Lâm nghiệp chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích, phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng ổn định, bền vững, phát triển vùng nguyên liệu quế, chiết xuất tinh dầu gắn với nhà máy chế biến, tổng diện tích trồng quế 23.083,3ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,2%, cao hơn 13,55% so với trung bình cả nước. Công nghiệp chế biến lâm sản được đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để nâng cao giá trị. Với nhiều giải pháp đồng bộ, tài nguyên về đất đai, khí hậu trong sản xuất nông nghiệp tại Lào Cai được khai thác có hiệu quả, giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt 75 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 6.500 tỷ đồng, bình quân tăng 6,01%/năm. Những kết quả trong sản xuất nông nghiệp đã bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo bền vững, đến nay đã có 49/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến năm 2020 có 55/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát huy tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, tỉnh đã tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu đồng, sắt, apatit, xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ... Sản xuất công nghiệp Lào Cai có bước phát triển vững chắc, quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng cao thuộc các tỉnh trong nhóm đầu của cả nước, là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh; từng bước khẳng định là trung tâm luyện kim, hóa chất, phân bón của vùng và cả nước (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm), giải quyết việc làm cho trên 21 nghìn lao động với mức thu nhập 5,5 triệu/người/tháng (gấp 1,7 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh). Các nhà máy chế biến sâu khoáng sản được ưu tiên đầu tư, nhiều nhà máy đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như: Nhà máy tuyển đồng Tả Phời công suất 35.000 tấn tinh quặng/năm, nhà máy luyện đồng Bản Qua công suất 20.000 tấn đồng thỏi/năm. Nhà máy phân bón DAP số 2 công suất 330.000 tấn/năm, Nhà máy gang thép Lào Cai công suất 500.000 tấn phôi thép/năm... Tiềm năng phát triển thủy điện được khai thác hợp lý, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 67 dự án thủy điện đi vào hoạt động với tổng công suất là 1.063MW, bổ sung nguồn điện quan trọng cho lưới quốc gia (100% xã, phường, thị trấn, thôn bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 97% hộ được sử dụng điện) và cung cấp nguồn nước quan trọng cho vùng hạ du.
Vị trí địa lý thuận lợi, có cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà còn cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam (Trung Quốc), hệ thống giao thông liên vùng, liên quốc tế; Lào Cai đã tập trung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, dịch vụ, tạo môi trường thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa chính ngạch, loại hình dịch vụ cửa khẩu phát triển phong phú, đa dạng, chất lượng, như tài chính, ngân hàng, thủ tục hải quan, tạm nhập tái xuất, logistic. Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng cao, đạt 3 tỷ USD/năm, bình quân tăng 18,4%/năm. Kim ngạch luôn duy trì xuất siêu, trung bình chiếm từ 65 đến 70% giá trị xuất, nhập khẩu và có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cao tỷ trọng qua cửa khẩu quốc tế. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nông sản; nhập khẩu chủ yếu là than cốc, hóa chất, phân bón, máy móc thiết bị công nghiệp. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 21% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đang xúc tiến xây dựng khu hợp tác biên giới Lào Cai (Việt Nam) với Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg, ngày 22-9-2016, về việc mở rộng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Quyết định số 1627/QĐ-TTg, ngày 23-11-2018, về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai - tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng cao, vùng nông thôn, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm kết nối các tỉnh trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hoàn thành và khai thác hiệu quả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; xây dựng thành phố Lào Cai đạt đô thị loại II, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 26%; hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về giao thông cho 75/144 xã với 2.259km đường giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố; 100% các xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn có điện lưới quốc gia; 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay tỉnh đang xúc tiến xây dựng Sân bay Sa Pa, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, đường sắt Hà Nội - Lào Cai , đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Lai Châu, Cầu Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), Cầu Phú Thịnh, Cầu Làng Giàng… tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị phục vụ du lịch, cửa khẩu thành phố Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bát Xát, trọng tâm là xây dựng thị xã Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành trung tâm trung chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, ASEAN và quốc tế, hoàn thiện các tiêu chí thành phố Lào Cai là đô thị loại I.
Về văn hóa, Lào Cai là địa bàn cư trú của 25 cộng đồng các dân tộc thiểu số, có nhiều di sản văn hóa, di tích khảo cổ và trên 13 nghìn hiện vật thời kỳ văn hóa Đông Sơn, bãi đá cổ Sa Pa được xếp hạng di sản văn hóa của nhân loại; nghi lễ kéo co của người Tày, người Giáy được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai còn sở hữu nền văn hóa dân gian với hơn 100 bộ sách bằng chữ Pali của dân tộc Thái từ thế kỷ XIII, hàng nghìn bộ sách cổ bằng chữ Nôm của dân tộc Tày, Dao, Giáy, trên 30 lễ hội dân gian truyền thống cùng hệ thống tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán, trò chơi, chữ viết, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, ngành, nghề thủ công, mỹ nghệ... thể hiện sự tài năng, khéo léo và óc thẩm mỹ, tinh tế của người Lào Cai. Từ quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng vùng đất biên cương cũng để lại cho Lào Cai nhiều di tích văn hóa và lịch sử nổi tiếng như thành cổ Nghị Lang (huyện Bảo Yên); đền Trung Đô, đền Bắc Hà (huyện Bắc Hà); đền Bảo Hà, đền Phúc Khánh (huyện Bảo Yên); đền Thượng... Bên cạnh đó, Lào Cai cũng nổi tiếng với các vùng sinh thái nông nghiệp, gắn với các đặc sản của vùng miền, như rượu ngô, mận (Bắc Hà); rau ôn đới, cây dược liệu quý, cá hồi, cá tầm (Sa Pa); rượu Shan Lùng (Bát Xát); gạo Séng Cù (Mường Khương)... hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Đây là nguồn tài nguyên vô giá của nhân dân Lào Cai nói riêng, của cả nước nói chung và là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế du lịch của địa phương.
Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Lào Cai đã xác định mục tiêu “Xây dựng Lào Cai trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam, xây dựng Sa Pa trở thành khu du lịch quốc gia, quốc tế giàu bản sắc, hiện đại, phát triển du lịch Sa Pa là đột phá để phát triển du lịch của tỉnh”, Tỉnh đã ban hành nhiều, nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách, tăng cường quan hệ đối ngoại, tích cực liên kết với các tỉnh trong vùng Tây Bắc để phát huy các tài nguyên, giá trị văn hóa gắn kết phát triển du lịch. Khuyến khích thực hiện các dự án lớn đầu tư vào hệ thống các khu vui chơi giải trí, khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Lào Cai, với nguồn vốn thu hút đầu tư đạt trên 35.000 tỷ đồng, đến nay đã hình thành một số sản phẩm du lịch đặc sắc, như khu vui chơi giải trí cáp treo Phan-xi-pan, khu sinh thái Topas; du lịch tâm linh - lịch sử; Tỉnh cũng có nhiều khách sạn tiêu chuẩn 5 sao; hình thành hệ thống các làng du lịch cộng đồng do người dân trực tiếp đầu tư và khai thác, đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá, nhận được giải thưởng Homestay Asian. Tỉnh đang triển khai các sản phẩm du lịch mới, như Công viên văn hóa Sa Pa; khu vui chơi giải trí Bản Qua - huyện Bát Xát; xây dựng mô hình phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp trồng hoa, quả và làng nghề truyền thống tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát... Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng với sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, Lào Cai đã từng bước định vị và xây dựng được thương hiệu du lịch; Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thành lập thị xã Sa Pa từ 1-1-2020. Các chỉ tiêu về du lịch không ngừng tăng lên qua các năm, du lịch phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, nổi bật với khu du lịch quốc gia Sa Pa, khu du lịch huyện Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Lượng khách du lịch đến Lào Cai hằng năm tăng bình quân trên 21%/năm, dự kiến năm 2019 đón khoảng 5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 15.000 tỷ đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Với những tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa phong phú, đa dạng, sau gần 30 năm tái lập tỉnh gắn với thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, Lào Cai đã đạt được những thành tựu vượt bậc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. So với năm 1991, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) luôn duy trì ở mức cao, bình quân đạt 10,1%/năm, quy mô nền kinh tế tăng khoảng 70 lần; sản lượng lương thực bình quân gấp 3 lần, 100% số trẻ trong độ tuổi được đi học; 164 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,91%. Thu ngân sách tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước, năm 2019 dự kiến đạt 9.000 tỷ. Sản xuất công nghiệp là nền tảng giữ vững tốc độ tăng trưởng cao, năm 2019 dự kiến đạt trên 30 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 61,84 triệu đồng/năm tăng khoảng 130 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (công nghiệp - xây dựng chiếm 44,3%, nông nghiệp chiếm 12,18%, du lịch - dịch vụ chiếm 43,52%). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), cải cách hành chính luôn được đánh giá nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Qua thực tiễn phát huy các tài nguyên và giá trị bản địa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Lào Cai rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng phát triển nền kinh tế trong thời gian tới:
Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, trách nhiệm, thực hiện tốt công tác dự báo, kịp thời nắm bắt các xu hướng phát triển mới của đất nước và thế giới để điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, tránh tụt hậu. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích thu hút các dự án quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược, tạo điều kiện khởi nghiệp, sáng tạo và cơ hội cống hiến, phát triển cho đội ngũ doanh nhân.
Hai là, quan tâm phát triển, giải quyết hài hòa lợi ích chính đáng của các tầng lớp trong xã hội, các dân tộc, địa bàn đặc biệt khó khăn với những bước đi phù hợp, khả thi. Chú trọng xây dựng văn hóa trong kinh tế, chính trị. Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người toàn diện, khắc phục tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Xây dựng, phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến, nhân tố mới tích cực trên các lĩnh vực. Lựa chọn đúng lĩnh vực trọng tâm xây dựng đề án chuyên đề để tập trung nguồn lực và chỉ đạo thực hiện.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; mở rộng quan hệ với các địa phương trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng biên giới hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bốn là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng ngành, lĩnh vực, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, tập trung cho phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, chú trọng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản chiến lược cho cả nước. Ưu tiên đầu tư cho nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm là, thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao chất lượng quy hoạch vùng, đô thị. Phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển đô thị chất lượng cao và các trung tâm du lịch. Tích cực thực hiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước; chủ động đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển, đặc biệt là kêu gọi, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược. Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển.
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã và đang nỗ lực triển khai toàn diện và đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy các tài nguyên và giá trị của địa phương phục vụ phát triển kinh tế, đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.
Hà Giang bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường  (30/12/2019)
Hà Nội cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh  (29/12/2019)
Hà Nội hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, "nuôi dưỡng nguồn thu" để tăng thu ngân sách  (29/12/2019)
Thành phố Hà Nội triển khai thu, chi ngân sách hiệu quả  (27/12/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam