Hà Giang bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường
TCCS - Hà Giang ngày càng trở thành điểm đến có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách cả trong và ngoài nước, nhờ những đặc sắc về điều kiện tự nhiên và xã hội. Để không rơi vào tình trạng phát triển “nóng”, nhiều thách thức đang đặt ra cho Hà Giang trong việc vừa phát triển du lịch, vừa bảo đảm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, từng bước khẳng định vai trò mũi nhọn của kinh tế du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số…
Tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có trên 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số, như Mông, Tày, Nùng, Dao,… Mỗi dân tộc mang một nét văn hóa đặc trưng, tạo điều kiện hình thành những làng văn hóa du lịch cộng đồng độc đáo. Về tự nhiên, Hà Giang có địa hình chia cắt mạnh, tạo nên nhiều vùng, miền mang đặc trưng của các tiểu vùng khí hậu khác nhau với nhiều sản phẩm nông nghiệp được ưa chuộng, như chè Shan tuyết (Tây Côn Lĩnh), lúa nếp đặc sản (Đồng Văn), hồng không hạt (Quản Bạ, Yên Minh)… Cũng do địa hình nên Hà Giang có các phương thức canh tác đặc biệt trên đá, trên các thửa ruộng bậc thang… Môi trường khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ, với các phẩm vật đặc sản địa phương vừa tốt cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường là những điều kiện thuận lợi phát triển nhiều loại hình du lịch, từ tham quan, khám phá, trải nghiệm, sinh thái... Đặc biệt, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã trở thành loại hình du lịch được yêu thích ở Hà Giang. Du khách có thể được cùng người dân địa phương tiếp cận, khám phá bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tham gia sản xuất, chăm sóc, thu hái và chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc thù. Loại hình này đang rất thu hút khách du lịch và mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, những năm qua, du lịch của Hà Giang đã có những bước phát triển đột phá. Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch và doanh thu hằng năm đều đạt trên 10%/năm. Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút trên 2,5 triệu lượt khách/năm, trong đó 25% là khách quốc tế; tăng trưởng hằng năm đạt 15% - 20%. Năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 1,13 triệu lượt người, tính riêng 10 tháng đầu năm 2019 đạt gần 1,1 triệu lượt người; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Ngoài việc hạ tầng và kết nối giao thông ngày càng được cải thiện, chất lượng và số lượng phòng nghỉ của các cơ sở lưu trú cũng được nâng lên, nhiều dịch vụ mới xuất hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách, như dịch vụ cho thuê xe tự lái, dịch vụ homestay, dịch vụ cho thuê vườn hoa chụp ảnh… Hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, trong năm 2019 đã kêu gọi được 9 dự án vào lĩnh vực du lịch. Nhiều tour du lịch mới được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, qua đó tăng doanh thu cho ngành, như tour "săn mây" ở Chiêu Lầu Thi (Hoàng Su Phì) - đỉnh núi cao thứ hai của tỉnh; tour vượt thác Minh Tân với nhiều hoạt động thể thao như chèo thuyền kayak, trượt nước; tour tìm hiểu lịch sử văn hóa Cán Tỷ; tour dù lượn bay (Đồng Văn)…
Từ năm 2015, Hà Giang tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại 4 huyện cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ), cùng với việc đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cây hoa tam giác mạch. Việc phát triển và mở rộng diện tích của loài hoa này đã giúp hàng nghìn hộ nông dân tại 4 huyện vùng cao nguyên đá có nguồn thu nhập cao hơn trong các mùa lễ hội. Bên cạnh đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao của Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Hình thức du lịch homestay đã mang lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, ngoài ra còn góp phần giúp đồng bào các dân tộc nâng cao dân trí, tiếp cận được với các kiến thức khoa học - kỹ thuật để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ những thành công bước đầu, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã đề ra các chính sách nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ nhà nghỉ homestay, như hỗ trợ lãi suất cho vay để người dân phát triển mở rộng dịch vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ nhà nghỉ về phương pháp quản lý, giao tiếp đối với khách du lịch, nhất là với khách du lịch nước ngoài.
Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, ngành du lịch Hà Giang đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại vùng dân tộc thiểu số không những giúp Hà Giang bảo tồn các nét văn hóa và các làng nghề truyền thống của đồng bào, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương khi bán vé cho du khách thưởng thức các lễ hội truyền thống và các sản phẩm làng nghề. Hệ thống 36 làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Pan Hou (Hoàng Su Phì); Thôn Tha (Vị Xuyên), thôn Tiến Thắng (thành phố Hà Giang); Nậm An (Bắc Quang); thôn Chang (Quang Bình); Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn)... Tiềm năng của loại hình du lịch này cần được khơi dậy bằng các giải pháp đồng bộ, như việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm của các làng nghề truyền thống; khôi phục các lễ hội nông nghiệp truyền thống; phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường các hoạt động trải nghiệm “Ba cùng” của du khách với người dân địa phương (cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia trải nghiệm trong các làng nghề truyền thống); tập huấn cho người dân về kỹ năng chế biến thực phẩm an toàn, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh và giao tiếp với khách nước ngoài…
Có được những kết quả trên là do tỉnh Hà Giang đã nhìn nhận đúng thế mạnh về tiềm năng du lịch của mình để quy hoạch và phát triển du lịch theo hướng bài bản và bền vững. Tỉnh tập trung phát triển 4 trung tâm du lịch, bao gồm: Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh Yên Minh; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí cao cấp Quản Bạ. Đồng thời, hình thành 5 phân khu du lịch chính là du lịch công viên văn hóa thanh niên xung phong Mèo Vạc; du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng; du lịch lòng hồ thủy điện Thái An; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ; du lịch sinh thái Nặm Đăm. Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh Hà Giang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, như cải tạo và nâng cấp các tuyến quốc lộ 4C (Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc), quốc lộ 279 đoạn Bắc Quang - Quang Bình tới giáp ranh tỉnh Lào Cai, xây mới hai khách sạn quy mô 4 sao... Bên cạnh đó, Hà Giang cũng nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển du lịch, đặc biệt là mời gọi đầu tư vào một số khu du lịch trọng điểm, như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, du lịch lòng hồ huyện Bắc Mê...
Ngoài việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch; tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Hà Giang với khách du lịch trong nước và quốc tế thông qua các tổ chức và doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không Việt Nam, Hà Giang còn triển khai thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, quảng bá và xúc tiến du lịch với các thành phố lớn trong cả nước, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Đây là những nỗ lực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch của Hà Giang, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch quốc gia.
Cần có chiến lược dài hạn và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Để tạo nguồn sinh kế, vừa giúp người dân nâng cao thu nhập từ các loại hình du lịch, vừa hướng đến du lịch “xanh” và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống…, Hà Giang xác định một chiến lược phát triển với những giải pháp đồng bộ:
Thứ nhất, tập trung đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc; xây dựng các làng văn hóa du lịch có chất lượng, phát triển các làng nghề; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch; cải cách hành chính thu hút đầu tư, tăng cường quảng bá du lịch.
Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông để rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hà Giang, từ thành phố Hà Giang lên Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và các địa điểm du lịch khác trong tỉnh.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực du lịch ở Hà Giang qua việc thực hiện các chương trình hợp tác với các trường đào tạo về du lịch, các chương trình hợp tác đa phương với các cụm, khối hợp tác phát triển du lịch; chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch do các tổ chức phi chính phủ, dự án tài trợ. Liên kết đào tạo thông qua mạng lưới hiệp hội du lịch, tổ chức các lớp đào tạo về kiến thức, kỹ năng nghề du lịch; bổ sung, kiện toàn nguồn nhân lực có trình độ thực hiện công tác quản lý, hoạt động sự nghiệp về văn hóa, du lịch tại các địa phương.
Thứ tư, phát triển mạng lưới lữ hành, tuyến du lịch, tạo cơ chế hỗ trợ, nâng cao năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để khai thác tốt hơn thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. Tăng cường các hoạt động xúc tiến kết nối sản phẩm, tuyến điểm với các doanh nghiệp lữ hành khu vực, trong nước và quốc tế. Tiếp tục đầu tư phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, nâng cấp các trang thiết bị và chất lượng phục vụ bảo đảm theo tiêu chuẩn, đủ điều kiện đón du khách quốc tế. Quy hoạch xây dựng các khu dịch vụ du lịch tại các địa phương để bảo đảm sự phát triển bền vững hợp lý.
Thứ năm, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, như xây dựng các làng văn hóa; sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái gắn với các hoạt động khám phá, trải nghiệm; sản phẩm du lịch địa chất, đầu tư xây dựng các công viên chuyên đề theo các loại hình di sản đặc thù, đầu tư các trung tâm du lịch phục vụ phát triển kinh tế, du lịch.
Thứ sáu, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh các chương trình hợp tác du lịch liên vùng và quốc tế, tập trung vào khối 6 tỉnh Việt Bắc và nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Đẩy mạnh triển khai các chương trình hợp tác với một số tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo biên bản đã được ký kết và khung kế hoạch hành động hằng năm.
Thứ bảy, nghiêm cấm mọi hoạt động du lịch làm ảnh hưởng xấu tới môi trường; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch bền vững, ngăn chặn những việc làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, như chặt phá rừng, săn bắn động vật hoang dã; xử lý nghiêm hiện tượng “chặt chém”, lừa gạt du khách; có biện pháp bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của du khách khi tham gia khám phá các tour du lịch mạo hiểm; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý du lịch; thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo mối liên kết vùng, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ…/.
Thành phố Hà Nội: Bất cập trong xử lý rác thải y tế  (18/12/2019)
Thành phố Hà Nội nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính  (14/12/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển