Từ Đa-vốt đến Ho-sam
TCCS ĐT - Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đa-vốt (Thụy Sỹ), sau 5 ngày thảo luận, đã kết thúc (1-2-2009) mà không đạt được kết quả cụ thể nào để đối phó với khủng hoảng tài chính đang đưa kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái chưa có điểm dừng. Hơn 2 tháng sau, ngày 14-3, các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế thị trường đang nổi (G20) đã họp tại Ho-sam (Horsham, Anh) để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm tại Luân-đôn (Anh) vào đầu tháng 4 tới, nhằm đưa ra những biện pháp rõ ràng và cụ thể hơn đối phó với khủng hoảng.
Các hội nghị tầm cỡ thế giới liên tục được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi cơn suy thoái đã phản ánh những nỗ lực cũng như ý chí thống nhất của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế. Tuy nhiên, những bất đồng, trái ý đã nảy sinh giữa các nhóm nước khi đi vào bàn bạc các giải pháp cụ thể.
1. Ưu tiên kích thích kinh tế hay cải cách các định chế tài chính quốc tế?
Trước thềm cuộc họp tại Ho-sam đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi riêng rẽ giữa các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lãnh đạo ngành tài chính G-20 đã có các cuộc tiếp xúc riêng nhằm tìm kiếm lập trường chung. Bộ trưởng Tài chính nhóm BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đã có cuộc họp để thống nhất lập trường tại hội nghị, sau đó đưa ra tuyên bố kêu gọi một sự cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng hơn các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tại hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Mỹ tổ chức ở Oa-sinh-tơn ngày 12-3, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma cho rằng, các nước G20 cần thực hiện các biện pháp đủ mạnh để đối phó khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay và phối hợp cải cách hệ thống tài chính thế giới. Ông Ô-ba-ma kêu gọi đưa ra những kế hoạch kích cầu mạnh mẽ, thay vì điều chỉnh các thị trường tài chính thế giới. Ở đây có sự thống nhất trong quan điểm của cả Mỹ và Nhật Bản là dành ưu tiên hàng đầu cho phục hồi nền kinh tế thế giới, với các biện pháp kích thích mạnh mẽ, chứ không phải cải tổ hệ thống tài chính.
Trong khi đó, EU ủng hộ ý tưởng cải tổ hệ thống tài chính thế giới. Tại cuộc gặp song phương cùng ngày 12-3 giữa Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di và Thủ tướng Ðức A.Méc-ken, diễn ra tại Béc-lin (Ðức), các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã phản đối đề xuất của Mỹ về tăng cường các kế hoạch kích thích kinh tế, trong đó có việc Chính phủ các nước châu Âu bơm thêm tiền vực dậy kinh tế. Ðức và Pháp cho rằng, không thể tiếp tục rót tiền vào các nền kinh tế đang ít nhiều lún vào cuộc suy thoái lớn nhất kể từ hơn 70 năm qua, mà cần đạt được những thỏa thuận cho phép tăng cường kiểm soát thị trường tài chính thế giới.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Crit-xtin La-ga-đơ (Christine Lagarde), Mỹ theo đuổi biện pháp kích thích kinh tế vì nước này đối mặt nguy cơ khủng hoảng kinh tế cao hơn; còn với hầu hết các nước châu Âu, vấn đề cấp bách hiện nay là đề ra các quy định, đề cao tính nguyên tắc và các biện pháp trừng phạt những vi phạm tài chính thông qua một cơ cấu tài chính quốc tế mới.
Chương trình nghị sự cuộc họp tập trung vào ba vấn đề: các giải pháp kích thích kinh tế; hỗ trợ các ngân hàng khôi phục hoạt động cho vay; bảo đảm giải pháp thích ứng tất cả các nền kinh tế thế giới. |
2. Tuyên bố chung cam kết khôi phục tăng trưởng toàn cầu
Tuy nhiên, phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 ngày 14-3, tại Ho-sam (Anh), Bộ trưởng Tài chính Anh A.Đa-ling (A.Darling) bác bỏ ý kiến cho rằng, đang tồn tại bất đồng trong G20 về việc lựa chọn giải pháp tăng hỗ trợ kinh tế, hay tập trung cải cách hệ thống tài chính.
Kết thúc cuộc họp chiều 14-3 tại Anh, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20) đã ra tuyên bố chung, cam kết thực hiện mọi giải pháp cần thiết để có thể khôi phục tăng trưởng toàn cầu, loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ hàng hóa và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế nhằm gia tăng sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng G-20 cam kết:
- Thực hiện mọi giải pháp cần thiết để có thể khôi phục tăng trưởng toàn cầu, loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ, và cải tổ các thể chế tài chính quốc tế để gia tăng sức mạnh của hệ thống tài chính toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu là khôi phục việc cho vay bằng cách giải quyết các vấn đề tồn tại trong hệ thống tài chính, tiếp tục hỗ trợ khả năng thanh khoản, tái tư bản hóa các ngân hàng.
Các ngân hàng trung ương các thành viên G20 sẽ tiếp tục thực thiện các chính sách linh hoạt, sử dụng tất cả các công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm cả các công cụ chính sách trái thông lệ khi cần thiết.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Rô-bớt Dôi-e-líc (Robert Zoellick) cảnh báo, năm2009 sẽ là thời kỳ rất nguy hiểm và khó khăn, có thể kéo dài đến năm 2010 nếu không kết hợp biện pháp "bơm tiền" để kích thích kinh tế với những cải cách thích hợp như giải quyết các tài sản khó thanh lý đang tạo gánh nặng cho các ngân hàng và tái huy động vốn cho các ngân hàng. |
- Hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế đang nổi giải quyết sự đảo chiều của các dòng vốn quốc tế; nhất trí tăng cường một cách đáng kể các nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bảo đảm tất cả các Ngân hàng Phát triển Đa phương (MDB) có đủ nguồn vốn cần thiết.
Đề cập tới việc cải tổ các thể chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà lãnh đạo G-20 cho rằng cần phải củng cố việc quản lý, điều hành và phải bảo đảm rằng các thể chế này phản ánh đầy đủ những thay đổi trong nền kinh tế thế giới; các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển, kể cả các nước nghèo nhất, cần phải có sự hiện diện và tiếng nói lớn hơn; người đứng đầu các thể chế tài chính quốc tế cần phải được bổ nhiệm thông qua quá trình lựa chọn dựa trên các tiêu chí minh bạch và công khai.
Các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế phát triển, kể cả các nước nghèo nhất, cần phải có sự hiện diện và tiếng nói lớn hơn.
3. Vẫn chưa hết những bất đồng giữa các cường quốc
Cuộc họp kết thúc với những cam kết được đưa ra trong tuyên bố chung, nhưng dư luận thế giới vẫn cho rằng, các cam kết này còn quá "yếu" và khó có thể hy vọng một sự đột phá tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới bởi trên thực tế vẫn tồn tại những căng thẳng và bất đồng giữa các nước thành viên, đặc biệt giữa Mỹ và châu Âu.
Thủ tướng Đức A.Méc-ken khẳng định rằng tất cả các gói kích thích tài chính ngắn hạn nào mới đều phụ thuộc vào chính phủ của mỗi nước chứ không phải G20. Đức đã nhất trí về gói kích thích tài chính riêng của mình trị giá 4,2% tổng GDP và Đức cần phải xem xét hiệu quả của nó trước khi quyết định thực hiện các bước đi tiếp theo.
Quan điểm của bà A.Méc-ken cũng nhận được sự hưởng ứng của Bộ trưởng Tài chính Pháp với khẳng định rằng các quốc gia cần phải tự đánh giá về những giải pháp mà mỗi nước đã thực hiện trước khi nhất trí về một khoản chi tiêu chung lớn như vậy.
Tờ "Độc lập" (Anh) nhận định rằng, dù tuyên bố chung được đưa ra nhưng căng thẳng giữa các cường quốc về cuộc khủng hoảng tài chính vẫn tiếp tục gia tăng. Khối BRIC tiếp tục yêu cầu Mỹ và các nước châu Âu cần công khai thêm thông tin về các nền kinh tế của mình.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến diễn ra ngày 2-4 tới tại Luân Đôn (Anh), sẽkhông chỉ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo trong nhóm G20 mà còn có đại diện cấp cao từ nhiều nước, khu vực và tổ chức khác như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Phi (AU).
Thế giới lại tiếp tục chờ đợi và hy vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ tìm đượcnhững tiếng nói chung để Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm tại Luân-đôn (Anh) vào đầu tháng 4 tới sẽ đạt được những cam kết và biện pháp cụ thể, hữu hiệu hơn kích hoạt nền kinh tế thế giới./.
Giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho sinh viên, công nhân  (15/03/2009)
Doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất  (15/03/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên